24.02.2021 – Thứ Tư tuần I Mùa Chay
Con người sẽ là một dấu lạ
Lời Chúa : Lc 11, 29-32
Khi ấy, thấy đám đông tụ họp đông đảo, Ðức Giêsu bắt đầu nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; họ xin dấu lạ. Họ sẽ không được ban một dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna. Quả thật, ông Giôna đã là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy. Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Salômôn; mà đây thì còn hơn vua Salômon nữa. Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ninivê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giôna rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giôna nữa.”
Suy niệm :
Khi đọc chuyện ông Giôna người Galilê, ai cũng nhớ ông đã bị cá nuốt ba ngày.
Sau đó ông lại được cá khạc ra trên đất liền mà vẫn còn sống.
Nhưng điều đáng nhớ hơn là sau kinh nghiệm đó Giôna đã biết vâng phục Chúa.
Ông chấp nhận đi giảng cho dân Ninivê, một dân ngoại ở vùng là Irắc bây giờ.
Thật không ngờ, lời rao giảng của ông đã kéo cả nước vào một cuộc hoán cải,
Từ vua đến dân, thậm chí cả súc vật, đều ăn chay, sám hối việc mình làm.
Thái độ của họ đã làm Đức Chúa đổi ý, không đoán phạt nữa.
Đức Chúa không muốn trừng phạt, Ngài chỉ mong con người sám hối.
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy nỗi buồn của Đức Giêsu
khi dân chúng đòi dấu lạ, dù họ đã thấy nhiều phép lạ của Ngài.
Dấu lạ ở đây phải hiểu là một điềm báo hoành tráng từ trời
để chứng thực về con người và sứ mạng của Ngài.
Khi bị cám dỗ trong hoang địa, Ngài đã không nhảy xuống từ nóc Đền thờ.
Ngài không muốn mua lòng tin của con người bằng một cử chỉ ngoạn mục.
Bây giờ Ngài cũng dứt khoát từ chối:
“Họ sẽ không được ban một dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna.”
Dấu lạ ông Giôna không phải là chuyện ông bị cá nuốt mà còn sống.
Dấu lạ là chính con người của ông với việc rao giảng của ông.
Dân Ninivê đã sám hối khi nghe Giôna giảng,
nhưng thế hệ đương thời với Đức Giêsu đã từ khước ngài.
Họ là một thế hệ gian ác (c. 29) vì không chịu sám hối.
“Đây còn hơn Giôna, đây còn hơn Salômôn” (cc. 31-32).
Đức Giêsu đã không thành công bằng hai ông này.
dù lời giảng của ngài còn khôn ngoan hơn lời của vua Salômôn
và thuyết phục hơn lời giảng của ngôn sứ Giôna.
Dân Ninivê và nữ hoàng Shêba sẽ kết án thế hệ này vì sự cứng cỏi của họ.
Mùa Chay là thời gian đọc lại những chuyện lạ Chúa đã làm cho đời mình.
Có những chuyện bề ngoài tưởng là chuyện tự nhiên hay ngẫu nhiên.
Chỉ ai biết nhìn mới thấy lạ.
Có khi chúng ta vẫn thèm Chúa làm một cái gì đó thật kinh khủng
để ta mạnh mẽ đổi đời và từ bỏ hoàn toàn nếp sống cũ.
Làm sao để lòng sám hối đến từ việc nhận ra những chuyện nhỏ bé
mà Chúa vẫn làm cho ta mỗi ngày nhiều lần?
Cầu nguyện :
Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.
Xin cho con được thấy bản thân
với những yếu đuối và khuyết điểm,
những giả hình và che đậy.
Cho con được thấy Chúa hiện diện bên con
cả những khi con không cảm nghiệm được.
Xin cho con thực sự muốn thấy,
thực sự muốn để cho ánh sáng Chúa
chiếu dãi vào bóng tối của con.
Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
Đức Giê-su nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na.” (Lc 11,29)
Câu chuyện minh họa:
Ngày 20.07 là ngày kỷ niệm con người lần đầu tiên đặt chân lên mặt trăng. Ngày 20.07.1959 hằng triệu người trên thế giới đã được chứng kiến giây phút lịch sử, Neon Amstrong và hai phi hành gia khác của Hoa Kỳ đã đáp xuống mặt trăng, thực hiện bước một nhảy vọt vĩ đại nhất trong thế kỷ XX. Nhiều người cũng đã được chứng kiến giây phút cảm động này, nhất là khi con người đặt những bước chân đầu tiên của mình lên mặt trăng ấy đã gởi một sứ điệp cho khắp thế giới, và dâng lời chúc tụng cảm tạ Thiên Chúa.
Trước đó tám năm, một bước nhảy vọt lịch sử khác đáng chú ý không kém. Đó là lần đầu tiên con người đã đi vào không gian và bay xung quanh quĩ đạo trái đất. Nhưng khác với thái độ khiêm tốn và đầy niềm tin của một Neon Amstrong, nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Nga là ông Juri Castemn đã có một thái độ hoàn toàn ngạo mạn. Khi vừa trở về trái đất ông đã tuyên bố rất nhiều điều và một trong những lời tuyên bố đầu tiên của ông là: “Tôi đã đi khắp vũ trụ nhưng không hề thấy Thiên Chúa đâu cả?”
Suy niệm:
Với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, con người dường như không còn biết đến Thiên Chúa nữa. Họ đã giới hạn Chúa vào một khuôn khổ nào đó. Khi Chúa Giêsu rao giảng cũng có những kẻ tin và cũng có một số lại chống đối Ngài. Một người phụ nữ chỉ ước ao chạm vào tua áo của Người thôi thì cũng được chữa lành. Những kinh sư đi theo Ngài chứng kiến những phép lạ Người làm nhưng lại không tin. Chính vì thế, họ yêu cầu Chúa làm một phép lạ nào đó để họ tin. Thế nhưng Chúa đã không làm phép lạ nào nhưng mời gọi họ đọc lại dấu chỉ Giôna. Ông không cần dấu chỉ nhưng những lời cảnh cáo của ông đủ để mọi người sám hối rồi. Vì thế, phép lạ sẽ chẳng cần thiết nếu như con người biết lắng nghe.
Lạy Chúa, xin cho con nhận ra sự hiện diện của Chúa qua từng biến cố của cuộc đời con, vì mỗi ngày sống của chúng con là một phép lạ mà Chúa đã làm cho chúng con rồi, xin cho chúng con biết trân trọng từng ngày sống của mình để luôn làm đẹp lòng Chúa.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
Sức hút của Chúa Giêsu là không thể chối cãi. Ở thời điểm đó, Chúa Giêsu có cơ hội minh chứng thiên tính của Người, nhưng Người đã chọn cách giữ thinh lặng. Thiên tính của Người chỉ được tỏ bày đúng lúc, đúng thời.
Một cử tọa đông đúc hiện diện để nghe Chúa Giêsu giảng. Tuy nhiên, Người đã không dùng họ như một công cụ để câu dựng hình ảnh của mình, nhưng lại dùng sự hiện diện đông đủ này để giáo huấn họ về niềm tin. Niềm tin vào Thiên Chúa nên được xây dựng trên chính lòng chân thành và ý muốn ngay lành của mỗi người. Chúa Giêsu nói cách cứng rắn: “Dòng giống này là dòng giống gian ác…’’. Chỉ có tội lỗi mới khiến con người trở nên đáng sợ như thế. Tội lỗi khiến con người trở nên chai cứng, vì thế, lời cảnh báo của Chúa Giêsu chỉ như “nước đổ lá khoai”. Tư tưởng thực dụng đã ăn sâu vào lòng dân khiến họ nhìn Chúa Giêsu mà chẳng nhận ra Người là Đấng Messia. Họ đòi điềm thiêng, dấu lạ từ nơi Chúa Giêsu, nhưng họ lại không nhận ra bản thân họ đã cưu mang sự dối trá cho nên họ không thể phân định “sự thật” đang hiện diện bên cạnh họ. Đương nhiên, Chúa Giêsu hiểu phép lạ không phải để phô trương thân thế cho bằng để cứu giúp những ai có lòng tin. Cho nên họ không đáng để nhìn thấy những dấu lạ. Trước khi họ nhìn thấy dấu lạ thì điều quan trọng hơn đối với họ chính là được điều chỉnh, sửa dạy cho có một đức tin tinh tuyền và trong sạch, lúc đó phép lạ mới sinh ích cho họ và cho cộng đoàn.
Phép lạ với chúng ta diễn ra hằng ngày. Sự sống, bình an và niềm vui cộng đoàn là những phép lạ tỏ tường nhất với chúng ta. Đồng thời, đó là dấu chỉ cho sự hiện diện của Chúa với chúng ta. Dấu chỉ cụ thể hơn nữa, khi chúng ta cùng nhau tham dự thánh lễ, chia một tấm bánh, một chén rượu và sống hiệp thông với nhau. Sau cùng, đời sống của mỗi cá nhân có những lúc thăng, lúc trầm, lúc buồn, lúc vui… đó cũng là trải nghiệm tuyệt vời về tình yêu dành cho Chúa và cho nhau.
Lạy Chúa, xin thương biến đổi trái tim chúng con để chúng con nên giống Chúa mỗi ngày một hơn. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muaChay