18.02.2021 – Thứ Năm sau Lễ Tro
Vác thập giá mình hằng ngày
Lời Chúa: Lc 9, 22-25
Khi ấy Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sống lại.”Rồi Ðức Giêsu nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.”
Suy niệm :
Khi nhìn các bạn đi dự Ngày Giới trẻ Thế giới ở Úc năm 2008
giành nhau chung vai vác cây thánh giá bằng gỗ, thật dài và nặng,
với vẻ mặt hớn hở vui tươi,
chúng ta sẽ dễ nghĩ rằng vác thánh giá đâu có gì khó.
Nhưng khi phải đối diện với những thánh giá không bằng gỗ,
những thánh giá vô hình mà ta phải vác một mình,
chúng ta thấy khó hơn nhiều.
Không thể nói đến Đức Giêsu mà không nói đến thánh giá.
Thánh giá là cái giá Ngài trả cho cả một đời dám sống cho Cha
và cho con người, đặc biệt những người yếu thế.
Thánh giá nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Cha,
nhưng thánh giá cũng là kết quả của lựa chọn căn bản của Đức Giêsu.
Ngài đã chết như thế vì Ngài đã dám sống như thế.
Đức Giêsu dần dần ý thức rằng
nếu Ngài cứ tiếp tục làm chướng mắt giới lãnh đạo Do thái giáo,
gồm các kỳ mục, các thượng tế và các kinh sư (c. 22),
thì cái chết như Gioan Tẩy giả là điều Ngài sẽ không tránh khỏi.
Đức Giêsu có thừa cách để tránh cái chết.
Nếu Ngài đừng giảng dạy, đừng hành xử như đã quen làm.
Nếu Ngài đừng nhất quyết lên Giêrusalem, nơi nguy hiểm (Lc 9, 51)…
Nếu Ngài chiều sự tò mò của Hêrôđê bằng cách làm vài phép lạ (Lc 23, 8)…
Nhưng Đức Giêsu đã không sợ hãi lùi bước.
Ngài bình thản đón lấy định mệnh bi đát của mình khi nói với môn đệ:
“Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị loại trừ, bị giết chết…”
Ngài đón lấy chữ phải từ tay Cha, và tin mọi sự đều không ngoài ý Cha.
Đức Giêsu xác tín Cha sẽ không bỏ rơi mình,
Ngài tin vào kết thúc có hậu của đời mình:
“và ngày thứ ba Con Người phải được nâng dậy” (c. 22).
Chính Cha sẽ nâng ngài dậy từ cõi chết.
Định mệnh của Thầy Giêsu cũng là định mệnh của chính chúng ta.
Kitô hữu là người đi theo Thầy, đi cùng con đường với Thầy.
Vác thánh giá là chuyện bình thường hằng ngày của Kitô hữu
nếu chúng ta muốn sống yêu thương, phục vụ, trong trắng, thành thật…
Chỉ khi từ bỏ chính mình (c. 23), ta mới không đánh mất chính mình (c.25).
Dựa vào sự phục sinh của Đức Giêsu, ta mới dám sống kinh nghiệm đó.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
nhiều bạn trẻ đã không ngần ngại
chọn những cầu thủ bóng đá,
những tài tử điện ảnh
làm thần tượng cho đời mình.
Hôm nay
Chúa cũng muốn biết chúng con chọn ai,
và chúng con thật sự đắn đo
trước khi chọn Chúa.
Bởi chúng con biết rằng
chọn Chúa là lội ngược dòng,
theo Chúa là bước vào con đường hẹp:
con đường nghèo khó và khiêm nhu,
con đường từ bỏ và phục vụ.
Hôm nay, chúng con chọn Chúa
không phải vì Chúa giàu có,
tài năng hay nổi tiếng,
nhưng vì Chúa là Thiên Chúa làm người.
Chẳng ai đáng chúng con yêu mến bằng Chúa.
Chẳng ai hoàn hảo như Chúa.
Ước gì chúng con can đảm chọn Chúa
nhiều lần trong ngày,
qua những chọn lựa nhỏ bé,
để Chúa chiếm lấy toàn bộ cuộc sống chúng con,
và để chúng con
thông hiệp vào toàn bộ cuộc sống của Chúa. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?” (Lc 9,25)
Câu chuyện minh họa:
Đây là giấc mơ của nữ tu Briege:
Tôi ở trong một căn nhà to lớn. Một người đàn ông đến gõ cửa nhà tôi. Mở cửa ra, tôi thấy đó là một người rất dễ thương, vì thế tôi mời ông ta vào nhà. Tôi nói: “Hãy nhìn các căn phòng này. Xin cứ tự nhiên, coi đây như nhà của ông; ông có thể đi lại bất cứ nơi nào ông thích trong nhà tôi”. Tôi đi theo ông rảo khắp các căn phòng. Có rất nhiều phòng và tất cả đều đẹp. Bất thình lình, ông đứng lại trước một cửa phòng khóa cửa. Ở cánh cửa ra vào, có một tấm biển in đậm các chữ như sau: “sở hữu riêng xin đừng vào”. Ông ta quay lại nhìn tôi, và khi ông quay mặt lại, tôi nhận ra ông chính là Đức Giêsu. Ngài hỏi tôi: Briege, tại sao Ta không được vào trong căn phòng này?” Tôi trả lời: “Thưa thầy, Thầy hãy xem tất cả những gì con đã cho Thầy. Con chỉ muốn giữ lại một tí chút cho con mà thôi”. Và tôi nghe Ngài nói: “Briege, con biết, nếu con không mở cánh cửa này, con sẽ không bao giờ biết được tự do đích thực”. Tôi nhớ tôi đã tự nói với mình: “có cái gì trong phòng này nhỉ?’ Chúa nói: “Ta sẽ chỉ cho con”. Trong căn phòng này: đó là tiếng tăm của tôi, đó là những gì kẻ khác nghĩ về tôi. Tôi đã không để Đức Giêsu vào trong căn phòng này vì tôi đang bảo vệ tên tuổi và tiếng tăm của tôi. Tôi muốn theo Đức Giêsu, nhưng tôi muốn làm chủ đời tôi. Tôi không muốn trở thành một kẻ điên khùng. Tôi lại nghe Đức Giêsu nói với tôi: “Con nghĩ con đã cho con cuộc đời của con!” Lúc đó, các chữ trong lời tuyên khấn dòng của tôi hiện rõ trong trí tôi. Tôi đã hứa cho Chúa cuộc đời tôi, bất cứ điều gì Ngài muốn ở tôi, trong dòng thánh Clara này. Tôi thấy tôi đang quì gối trước Mẹ Bề Trên Tổng quyền và Đức Giám Mục, và tôi đang nghe các lời khấn tôi đọc. Cùng lúc đó, tôi nghe Đức Giêsu nói với tôi, tay Ngài chỉ về cánh cửa đang đóng: “Con đang nói lên lời khấn bằng loại ngôn ngữ nào vậy?” Tôi nhớ đã nói với Ngài như sau: “Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Ngài và con cho Ngài đời của con, nhưng bằng kiểu cách của con”. Trong đời sống tu của tôi, tôi không bao giờ cảm nghiệm được niềm vui, sự bình an, sức mạnh, lòng can đảm nghĩa là tất cả những gì Ngài muốn ban cho tôi cho đến khi nào tôi từ bỏ tất cả cuộc đời tôi và muốn trở thành một kẻ điên dại vì Ngài.
Suy niệm:
Nhiều lúc chúng ta nghĩ mình đã từ bỏ tất cả, dâng cho Chúa tất cả rồi, nhưng thực ra chúng ta đang tìm cách thu gom lại cho bản thân mình những gì mình bỏ đi trước đó.
Giáo hội bước vào Mùa Chay, để mọi Kitô hữu có dịp trở về với chính mình, nhận ra con người thật của mình để bắt đầu một cuộc thống hối bằng sự từ bỏ. Từ bỏ những tính hư tật xấu, và hơn thế nữa là quên mình phục vụ tha nhân như chính Chúa Giêsu đã sống và đã dạy. Vì vậy, phương thế để giúp chúng ta dứt khoát với tội lỗi, là chạy đến với Chúa như người bệnh tật cần được chữa lành, và suy niệm Lời Chúa như là kim chỉ nam cho cuộc sống.
Lạy Chúa, con người con yếu đuối, mỏng manh lắm, xin cho con luôn biết tìm nương cánh Chúa để đời con thực sự thuộc trọn về Chúa vì “được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?”
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
Fabricyo Scolari có câu: “Để quyết định cuộc đời mình, ta phải chọn những cánh cửa mà mỗi ngày ta đóng mở”. Qua câu nói của Fabricyo Scolari, chúng ta liên tưởng đến hai sự kiện được thánh Luca thuật lại trong Tin Mừng của thánh lễ hôm nay. Trước hết, Chúa Giêsu tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ nhất, nghĩa là Chúa Giêsu đã chọn con đường đau khổ, con đường của tình yêu thập giá, để nhận lấy cái chết nhằm mang lại sự sống thần linh, một sự sống mới cho con người. Kế đến, Chúa Giêsu đưa ra điều kiện cho những ai muốn bước theo Người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. Như vậy, hành trình bước theo Chúa Giêsu đòi hỏi phải có sự chọn lựa dứt khoát, không do dự và phải hy sinh, can đảm đón nhận khổ giá, để đạt đến niềm vui và hạnh phúc trên con đường vinh quang của Đức Kitô.
Người Kitô hữu luôn có muôn vàn sự chọn lựa: tình yêu, gia đình, bạn bè, cuộc sống, sự nghiệp, tiền bạc tương quan và nhiều sự chọn lựa khác nữa. Tuy nhiên, một nguyên tắc căn bản của cuộc sống đã chọn thì phải bỏ, bỏ cái kia để có được cái này. Với Chúa Giêsu còn sâu sắc và gắt gao hơn, đó là phải chấp nhận mất hết tất cả những điều đối nghịch với giá trị Tin Mừng của Người, ngay cả mạng sống của mình, thì mới có được sự sống mai sau. Như chính Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?” (Lc 9, 25).
Bởi thế, sống đời sống gia đình trong ơn gọi Kitô hữu, chúng ta phải đối diện với nguyên tắc đánh đổi. Có khi chúng ta phải đánh đổi cả sự nghiệp, tương lai và địa vị để có được hạnh phúc trong con đường tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta biết rằng không ai có thể cản trở hay cấm đoán chúng ta chọn gia đình, công việc và địa vị, nhưng tất cả những thứ này nhằm để xây dựng sự tốt lành, hạnh phúc và bình an dựa trên những giá trị của Tin Mừng. Chúng ta đừng để cho bản thân mình phải đánh đổi lương tâm, nghĩa là lấy lý do này hay lý do khác vì gia đình và cuộc sống để làm những điều trái nghịch với lương tâm của Kitô hữu.
Lạy Chúa, đứng trước thập giá, ai trong chúng con cũng ngại ngùng và run sợ. Chúng con sợ khó khăn, sợ mất địa vị, mất cơ hội hưởng lợi từ vật chất, mất tiền và mất của, nguyện xin Chúa thương ban cho chúng con ơn can đảm và quảng đại để hăng hái vác thập giá mỗi ngày mà tiến bước theo Chúa. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muaChay