15.02.2021 – Thứ Hai tuần VI Thường niên
Đòi một dấu lạ
Lời Chúa : Mc 8, 11-13
Khi ấy, các người biệt phái xuất hiện và bắt đầu tranh luận với Chúa Giêsu. Họ xin Người một điềm lạ trên trời để thử Người. Người thở dài mà nói: “Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ? Quả thật, Ta bảo các ông hay: Sẽ chẳng cho thế hệ này điềm lạ nào”. Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền sang bờ bên kia.
Suy niệm:
Trong Tin Mừng Máccô, ngay sau phép lạ bánh hóa nhiều lần thứ hai,
các ông Pharisêu đã đến và tranh luận với Đức Giêsu.
Đơn giản họ muốn đòi Ngài làm một dấu lạ từ trời.
Có vẻ phép lạ nuôi đám đông vừa qua và những phép lạ trước đó
không đủ để thuyết phục họ tin vào con người Ngài.
Họ vẫn muốn thử thách Đức Giêsu (c. 1).
Chẳng trách Đức Giêsu đã thở dài não nuột
và quyết liệt từ chối một cách trịnh trọng: “Tôi bảo thật cho các ông biết:
thế hệ này sẽ không được cho một dấu lạ nào cả.” (c. 12).
Toàn bộ cuộc sống của Đức Giêsu đã là một dấu lạ từ trời rồi.
Trong nỗi muộn phiền, Ngài đặt câu hỏi với các ông Pharisêu:
“Tại sao thế hệ này lại đòi một dấu lạ ?” (c. 12).
Hóa ra họ lại vấp vào tội của cha ông họ thời xưa trong hoang địa:
“Tổ phụ các ngươi đã từng thách thức
và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm.
Suốt bốn mươi năm, dòng giống này làm Ta chán ngán.” (Tv 95, 8-11).
Bất chấp bao việc lạ Chúa làm (Ds 14, 10-12. 22),
dân Chúa hôm qua cũng như hôm nay vẫn không ngớt đòi thêm.
Các vị lãnh đạo Do Thái giáo đòi thêm vì họ không muốn tin Đức Giêsu.
Chính vì lòng họ chai đá, không muốn tin,
nên các phép lạ lớn lao trước mắt chẳng ảnh hưởng gì trên họ.
Họ mong một phép lạ lớn hơn nữa, rõ hơn nữa, ấn tượng hơn nữa.
Nhưng dù dấu lạ manna rơi xuống từ trời có xảy ra lại
thì chưa chắc họ đã tin Đức Giêsu.
Thay vì đòi Ngài làm thêm phép lạ để minh chứng,
con người cần ra khỏi sự chai đá của lòng mình
Cần có mắt sáng để thấy được ý nghĩa sâu xa của phép lạ.
Cũng như cần có tai tốt để hiểu được các dụ ngôn của Đức Giêsu.
và đi vào mầu nhiệm Nước Thiên Chúa (Mc 4, 11).
Phép lạ của Đức Giêsu không chỉ hấp dẫn vì yếu tố kỳ diệu, lạ lùng,
nhưng vì chúng khai mở Nước Thiên Chúa
và vén mở cho ta thấy Đức Giêsu là ai.
Chẳng phải chỉ người Do Thái mới đòi hỏi những dấu lạ (1 Cr 1, 22).
chúng ta cũng dễ đặt đức tin mình trên nền tảng dấu lạ, phép lạ.
Chúng ta không thích cái bình thường, cái đều đặn xảy ra mỗi ngày,
vì chúng ta không tin Chúa hiện diện và hoạt động trong thầm kín.
Thay vì quá tìm kiếm và đòi hỏi những dấu lạ,
chúng ta được mời gọi nhận ra những dấu chỉ của thời đại mình sống.
Qua những thao thức và khát vọng của con người hôm nay,
chúng ta nghe được tiếng gọi mời của Thiên Chúa.
Qua dấu chỉ của một thế giới đang biến chuyển từng ngày,
chúng ta thấy Giáo hội cần thích nghi và đáp ứng những nhu cầu mới.
Người Pharisêu không đọc được ý nghĩa những dấu lạ Đức Giêsu làm.
Chúng ta xin ơn đọc được những dấu chỉ của Thiên Chúa cho thời hôm nay.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa, đây là ước mơ của con về thế giới :
Con mơ ước tài nguyên của cả trái đất này
là thuộc về mọi người, mọi dân tộc.
Con mơ ước
không còn những Ladarô đói ngồi ngoài cổng,
bên trong là người giàu yến tiệc linh đình.
Con mơ ước mọi người đều có việc làm tốt đẹp,
không còn những cô gái đứng đường
hay những người ăn xin.
Con mơ ước
những ngưòi thợ được hưởng lương xứng đáng,
các ông chủ coi công nhân như anh em.
Con mơ ước
tiếng cười trẻ thơ đầy ắp các gia đình,
các công viên và bãi biển đầy người đi nghỉ.
Lạy Chúa của con,
con ước mơ một thế giới đầy màu xanh,
xanh của rừng, xanh của trời, xanh của biển,
và xanh của bao niềm hy vọng
nơi lòng những ai ham sống và ham dựng xây.
Nếu Chúa đã gieo vào lòng con những ước mơ,
thì xin giúp con thực hiện những ước mơ đó. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ?” (Mc 8,12)
Câu chuyện minh họa:
Crésus vua xứ Lydie có một người con trai câm. Hoàng tử đã lớn rồi mà vẫn không nói được một tiếng nào, mặc dù đã chữa chạy đủ mọi mặt. Ai cũng cho là hoàng tử sẽ câm suốt đời.
Đến khi tỉnh Sac bị dân Ba tư chiếm được, vị hoàng tử đó đứng kề nhà vua, lúc quân xâm lăng tiến vào thành. Bỗng đâu có một tên lính không biết mặt nhà vua, tuốt gươm ra định chém ngài. Hoàng tử thấy cha bị lâm nguy, hết sức cố gắng để bảo tên lính kia chớ nên làm như vậy. Và hoàng tử bật ra được câu nói: “Hỡi tên lính, chớ có hạ sát vua Crésus!”.
Tên lính tra gươm vào vỏ rồi bỏ đi.
Hoàng tử đã nói được chỉ vì muốn cứu cha khỏi chết. Từ đó hoàng tử cũng nói bình thường như người ta.
Suy niệm:
Những người Pharisêu đã chứng kiến rất nhiều dấu lạ Đức Giêsu nhưng họ không tin mà lại muốn thử Người nên xin Người làm dấu lạ để thử Người. Trên thập giá, họ còn đòi Chúa làm phép lạ: xuống khỏi thập giá. Như vậy, lòng tin của họ không hệ tại tin vào một Đấng nhưng muốn chứng kiến phép lạ để thỏa mãn tính lòng ước muốn trần tục. Chúa Giêsu đã không làm phép lạ để chiều theo ước muốn của họ, nhưng Ngài đã sống trọn vẹn sứ mạng của mình, là thi hành ý Cha.
Mỗi ngày, có rất nhiều phép lạ xảy ra chung quanh chúng ta nhưng chúng ta có biết mở lòng để nhận ra hay không? Chúng ta muốn phép lạ xảy ra với chúng ta để chúng ta xác tín hơn hay chúng ta thử thách Thiên Chúa?
Lạy Chúa, xin cho con tin tưởng vào Chúa một cách trọn vẹn không do dự.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
Một vấn đề thời sự liên quan đến đức tin Công giáo chúng ta đó là dấu lạ. Từ thời Chúa Giêsu cho đến chúng ta ngày hôm nay, nó vẫn còn là vấn đề nóng bỏng: có dấu lạ để tin. Chúng ta đi tìm kiếm dấu lạ cũng như người Do Thái đòi hỏi Chúa Giêsu làm dấu lạ, nhưng chúng ta có khi không biện phân đâu là dấu lạ thật và đâu là dấu lạ giả. Điều mà Chúa Giêsu muốn nói với những người Do Thái hôm nay nằm ở cốt lõi này.
Trong thời Chúa Giêsu không ít những người đã mạo danh cứu thế để chiêu dụ những người đi theo mình. Họ có thể thực hiện một vài dấu lạ để minh chứng tính chính danh của mình. Tuy nhiên sau đó thì dân chúng nhận ra đó chỉ là mạo danh. Còn với Chúa Giêsu, Người không cần làm phép lạ để thể hiện tính chính danh “cứu thế” của mình. Không phải dân chúng không nhìn và nghe thấy những điều lạ lùng Chúa Giêsu đã làm, nhưng ở đây, Chúa Giêsu nhìn thấy đó là sự thách thức. Mặt khác, nếu chỉ dừng lại ở phép lạ để thoả mãn sự hiếu kỳ mà không mở lòng ra để tin Đấng là Mesia thì cũng chỉ là những người lạm dụng nó để thoả mãn đòi hỏi oái oăm của con người.
Ngày nay, chúng ta có thể nhìn thấy sự biến tướng của nhiều hình thức tôn giáo mà chủ đích của nó là khai mở tính tò mò của con người. Thậm chí là tìm kiếm những dấu lạ mang hình thức mê tín, lệch lạc và thiếu nền tảng đức tin. Chúng ta đã chứng kiến những phong trào như thánh linh, chữa bệnh, giáo hội mẹ, nhóm trừ quỷ, làm chứng lòng thương xót, v.v. Thậm chí vượt ra mọi thẩm quyền của Giáo Hội để phá đi sự hiệp nhất trong đức tin, có khi chống lại thẩm quyền của Giáo Hội, gây ra sự xáo trộn, và tệ hơn xúc phạm các đấng bản quyền. Điều ngạc nhiên là có rất nhiều người tin theo và hậu quả của nó là sáng chế ra một thứ giáo lý đầy cảm tính, phi lý và huyền hoặc. Như gần đây, phong trào trừ quỷ ở Bảo Lộc là một minh chứng và cũng là dịp để các Kitô hữu phản tỉnh về chính đức tin của mình.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin Chúa, xin củng cố và kiện toàn đức tin của chúng con mỗi ngày nên mạnh mẽ, khôn ngoan và cứng cát trước những sai lạc của thế giới này. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muaThuongnien