13.02.2021 – Thứ Bảy tuần V Thường niên – Kính nhớ Tổ tiên và Ông bà cha mẹ
THỜ CHA KÍNH MẸ
Lời Chúa : Mt 15, 1-6
Bấy giờ có mấy người Pharisêu và mấy kinh sư từ Giêrusalem đến gặp Ðức Giêsu và nói rằng: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?” Người trả lời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy, không phải thờ cha kính mẹ nữa’. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa.”
Suy niệm:
Giáo Hội dành Mồng Hai Tết để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ.
Người Công Giáo thường bị coi là bỏ rơi việc thờ cúng ông bà tổ tiên,
như thế họ có thể bị coi là bất hiếu.
Thật ra thảo kính cha mẹ là điều răn thứ bốn Thiên Chúa đòi chúng ta phải giữ.
Cha Đắc Lộ trong cuốn Phép Giảng Tám Ngày (1651) cho rằng
thảo kính cha mẹ gồm bốn phần, đó là yêu mến, kính sợ, chịu lụy và giúp đỡ.
Cha còn ghi nhận một tập tục đặc biệt vào thời đó.
Ngày Mồng Một Tết, người dân và cả những quan lớn,
sau khi theo vua chúa đi tế Nam Giao về,
“ai nấy về nhà mà lạy cha mẹ ông bà ông vải.”
Vào năm 1625, các thừa sai cho phép cúng giỗ các vị đã khuất.
Trong các gia đình, ngoài bàn thờ kính Chúa, còn có “bàn thờ” tổ tiên
Chỉ có hai điều không được phép,
đó là đốt vàng mã và tin tổ tiên về ăn đồ cúng.
Thật ra, người Công Giáo nhớ đến người quá cố
không qua những nghi lễ giỗ chạp hàng năm,
cho bằng qua việc cầu nguyện và dâng lễ hàng ngày.
Nhà Vua tế Trời ở đàn Nam Giao, nhà sư thờ Phật tại Chùa,
các bậc chức sắc trong làng xã thờ Thành Hoàng tại đình làng,
còn việc cầu nguyện, cúng giỗ tổ tiên được cử hành tại gia đình,
nơi người sống và người đã qua đời vẫn thông hiệp với nhau chặt chẽ.
Trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu bênh vực quyền lợi của cha mẹ.
Ngài đòi người ta phải giữ điều răn thứ tư của Thiên Chúa.
Thảo kính cha mẹ hàm chứa việc săn sóc và phụng dưỡng cha mẹ.
Cụ thể người con phải giúp cha mẹ về mặt tài chánh.
Đức Giêsu phản đối một truyền thống được bày đặt bởi người Pharisêu,
đó là khi một người con lấy số tiền lẽ ra dành để nuôi cha mẹ
mà dâng cúng cho đền thờ làm lễ phẩm
thì anh ta khỏi phải dùng tiền đó mà nuôi cha mẹ nữa (cc. 5-6).
Đối với Đức Giêsu, làm thế là nhân danh một truyền thống con người
mà “vi phạm điều răn của Thiên Chúa”và “hủy bỏ lời của Thiên Chúa” (cc. 3.6).
Khi suy nghĩ về tương quan giữa cha mẹ và con cái,
chúng ta cần tự hỏi:
Làm sao để có sự cảm thông giữa những thế hệ?
Làm sao để con cái biết vâng phục và tôn kính cha mẹ?
Làm sao để cha mẹ biết giáo dục con cái bằng khuyên răn và sửa dạy?
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
sau hơn 30 năm sống dưới mái nhà ở Nazareth,
Chúa đã thành một người chín chắn
và trưởng thành,
sẵn sàng lãnh nhận sứ mạng Cha giao.
Bầu khí yêu thương đã góp phần không nhỏ
trong việc hình thành nhân cách của Chúa.
Chúa đã học nơi thánh Giuse
sự lao động miệt mài,
sự mau mắn thi hành Thánh ý Thiên Chúa,
sự âm thầm chu toàn trách nhiệm đối với gia đình.
Chúa đã học nơi Mẹ Maria
sự tế nhị và phục vụ,
sự buông mình sống trong lòng tin phó thác
và nhất là một đời sống cầu nguyện thâm trầm.
Xin nhìn đến gia đình chúng con,
xin biến nó thành nơi sản sinh những con người tốt,
biết yêu thương tha thứ,
biết cầu nguyện và phục vụ.
Ước gì xã hội chúng con lành mạnh hơn,
Giáo hội chúng con thánh thiện hơn,
nhờ có những con người khỏe mạnh, khôn ngoan
và tràn đầy ơn Chúa. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
Các môn đệ thưa Người: “Ở đây, trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no?” (Mc 8,4)
Câu chuyện minh họa:
Có ông vua nọ cho tổ chức một bữa tiệc khoản đãi các triều thần, nhưng có một chi tiết mà ông muốn các thực khách biết trước, đó là sẽ không có rượu trong bữa tiệc; bù lại, ông đề nghị mỗi người mang một chút rượu riêng của mình trong một chai nhỏ, chút rượu này sẽ được đổ vào một chum lớn và sẽ được mang ra dùng trong bữa tiệc.
Khai mạc bữa tiệc, nhà vua truyền cho gia nhân mang chum rượu ra mời thực khách. Thế nhưng, thay vì rượu, ai ai cũng chỉ nếm được nước lã mà thôi; dù vậy, không thực khách nào tỏ vẻ ngạc nhiên, bởi vì đó là nước mà họ đã đổ vào chum. Bởi vì trước khi đi dự tiệc, người nào cũng nghĩ trong lòng rằng một chút rượu nhỏ của mình có thấm vào đâu; ai cũng nghĩ thế, cho nên cuối cùng, ai cũng chỉ đem theo nước mà thôi.
Suy niệm:
Phép lạ xảy ra nếu chúng ta biết dùng khả năng của mình cộng tác vào ơn Chúa. Một mình Chúa có thể hóa bánh từ không ra có để nuôi đám đông, nhưng Người không làm như vậy, Người vẫn cần sự cộng tác của các tông đồ và đám đông. Để trao những cái bánh và cá này, chắc hẳn người trao nó phải có lòng quảng đại, biết nghĩ đến người khác, và có chút lòng cảm thương đến những người đang đói.
Phép lạ của Chúa thường bắt đầu từ những đóng góp nhỏ bé và âm thầm của con người. Ngài chỉ cần một chút lòng quảng đại của chúng ta để dâng cho Ngài cái mà ta có, là chúng ta có cơ may để đón nhận những phép lạ lớn lao mà Ngài sẽ làm cho chúng ta và những người chung quanh. Một phép lạ mà Chúa sẽ thực hiện, đó là làm cho chúng ta, những tội nhân, trở thành thánh nhân, nếu chúng ta biết đóng góp phần của chúng ta là lòng thống hối ăn năn. Hãy bắt tay vào việc đóng góp đó, để chúng ta được hưởng một phép lạ của Chúa.
Lạy Chúa, tất cả những gì chúng con có được là do Chúa ban tặng, xin Ngài hãy mở rộng tâm hồn chúng con để chúng con biết trao ban mà không tính toán.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
Qua trang Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy cho mỗi người chúng ta phải biết hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Đây còn là nét đẹp văn hoá của truyền thông dân tộc Việt Nam chúng ta, khi dùng ngày mùng Hai tết để kính nhớ tổ tiên.
Mọi người được sinh ra đều có ông bà, cha mẹ. Thảo kính cha mẹ là điều rất hợp lẽ tự nhiên, vì cha mẹ đã có công sinh thành dưỡng dục ta. Thảo hiếu là yêu thương, giúp đỡ và cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ khi các ngài còn sống và khi qua đời. Trong mười điều răn Chúa ban, sự thảo kính được đặt ở điều thứ tư, liền sau việc tôn thờ Chúa, điều đó cho thấy bổn phận hiếu thảo với ông bà cha mẹ mình là điều rất quan trọng. Thế nhưng, đối với người Do Thái, họ lại giảm thiểu nghĩa vụ thảo kính cha mẹ chỉ vào việc dâng kính một vài việc làm tốt lành cho cha mẹ là xem như trả nợ xong. Điều ấy thật phi lý. Chính vì thế ta mới hiểu được câu nói của người xưa: “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”.
Ngày nay, biết bao nhiêu người quên đi một chân lý sáng ngời trong đạo hiếu Á châu: “Cha mẹ là tiên là phật, là cây cao bóng cả cho con cháu”. Đừng vì cái tôi cá nhân mà xem cha mẹ như là gánh nặng cuộc đời. Ước chi trong những ngày đầu xuân mới, chúng ta thật lòng biết quay về với chính mình để hiểu và yêu kính ông bà cha mẹ chúng ta. Ước chi những lời của bài hát Gánh mẹ của Quách Been luôn là một lời mời cho chúng ta sống chữ hiếu: “Cho con gánh mẹ một lần, cả đời mẹ đã tảo tần gánh con. Cho con gánh mẹ đầu non, cả lòng mẹ đã gánh con biển trời… Ngày xưa mẹ gánh à ơi! Con xin gánh lại những lời mẹ ru. Đường đời sương gió mịt mù, vì con hạnh phúc chẳng từ gian nan…”.
Lạy Chúa, lòng hiếu thảo là điều quan trọng mà Chúa muốn chúng con phải sống, phải giữ trong suốt cuộc đời. Nguyện xin Chúa thương ban cho ông bà cha mẹ chúng con luôn được bình an, mạnh khoẻ để nên nơi nương tựa giúp chúng con kính thờ Chúa hằng ngày. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muaThuongnien