08.02.2021 – Thứ Hai tuần V Thường niên
Chạm đến thì được khỏi
Lời Chúa : Mc 6, 53-56
Khi qua biển rồi, Ðức Giêsu và các môn đệ ghé vào đất liền tại Ghennêxarét và lên bờ. Thầy trò vừa ra khỏi thuyền, thì lập tức người ta nhận ra Ðức Giêsu. Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu, thì người ta cáng bệnh nhân đến đó. Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở chỗ công cộng, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi.
Suy niệm:
Tiếng Việt có nhiều động từ nói về xúc giác:
sờ, mó, đụng, chạm, rờ…
Xúc giác là một trong năm ngũ quan.
Nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy, có khi vẫn chưa đủ.
Người ta còn muốn sờ thấy, xem đằng mặt, bắt đằng tay.
Sờ là một cách kiểm chứng đôi khi được coi là đáng tin hơn thấy.
Đức Giêsu phục sinh đã nói với các môn đệ:
“Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà!
Cứ rờ xem, ma đâu có xương thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Lc 24, 39).
Thánh Tôma xem ra thích kiểm chứng bằng đụng chạm:
“…nếu tôi không đặt ngón tay tôi vào lỗ đinh,
không đặt bàn tay tôi vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25).
Đức Giêsu phục sinh đã chiều Tôma (Ga 20, 27).
Thiên Chúa đã chiều nhân loại, khi cho Con Ngài làm người như ta,
nhờ đó chúng ta có thể đụng chạm đến Thiên Chúa theo nghĩa đen.
Thánh Gioan đã reo lên khi loan báo Tin Mừng này:
“Điều vẫn có ngay từ lúc đầu, điều chúng tôi đã nghe,
Điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng,
và bàn tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống” (1 Ga 1, 1).
Bài Tin Mừng hôm nay là một bản tóm lược dài về quyền năng của Đức Giêsu.
Quyền năng này được thi thố qua việc chữa bệnh.
“Người ở đâu thì người ta cáng bệnh nhân đến đó.
Người đi tới đâu…người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở chỗ công cộng” (cc. 55-56).
Dân chúng tin vào sức mạnh xuất phát từ chính con người Đức Giêsu.
Ở đây không phải là chuyện Ngài đụng chạm vào các bệnh nhân để chữa họ,
mà là các bệnh nhân xin “ít là được chạm đến tua áo choàng của Người;
và “bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi” (c. 56).
Cái chạm của bệnh nhân là cái chạm của lòng tin vào Đức Giêsu.
Nó giống với cái chạm của người phụ nữ bị băng huyết (Mc 5, 28).
Không phải chỉ là chạm bằng tay, mà bằng cả con người.
Nơi đáy lòng con người vẫn có khát khao được đụng chạm đến Thiên Chúa,
cả nơi những người không tin có Ngài hay bướng bỉnh như Tôma.
Truyền giáo là giúp người ta thực hiện ước mơ chính đáng: chạm đến Thiên Chúa.
Nhà truyền giáo phải là người đã có kinh nghiệm chạm đến Thiên Chúa.
Mong mỗi Kitô hữu trở nên một nhà truyền giáo
nhờ đụng chạm đến Lời Chúa và các Bí Tích mỗi ngày.
Cầu nguyện :
Con đã yêu Chúa quá muộn màng!
Ôi lạy Chúa là vẻ đẹp vừa cổ kính,
vừa luôn mới mẻ,
con đã yêu Chúa quá muộn màng!
Bấy giờ Chúa ở trong con
mà con thì ở ngoài,
con cứ chạy đi tìm Chúa ở ngoài.
Con thật hư hỏng,
khi chạy theo các thụ tạo xinh đẹp.
Bởi thế, bấy giờ Chúa ở với con
mà con lại không ở với Chúa.
Các thụ tạo xinh đẹp kia cứ giữ con ở xa Chúa,
trong khi chúng hiện hữu được là nhờ Chúa.
Chúa đã gọi con, đã gọi to
và phá tan sự điếc lác của con.
Chúa đã soi sáng
và xua đi sự mù lòa của con.
Chúa đã tỏa hương thơm ngát
để con được thưởng thức,
và giờ đây hối hả quay về với Chúa.
Con đã nếm thử Chúa
và giờ đây con đói khát Người.
Chúa đã chạm đến con,
nên giờ đây con nóng lòng
chạy đi tìm an bình nơi Chúa. Amen.
(Thánh Âu-Tinh)
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Thầy trò vừa ra khỏi thuyền thì lập tức người ta nhận ra Đức Giêsu” (Mc 6,54)
Câu chuyện minh họa:
Một diễn viên xiếc rất tài ba, anh có thể đi từ ngọn núi này sang ngọn núi kia bằng một sợi dây cáp mà không cần đến vật dụng giữ thăng bằng, mà ở giữa là một vực thẳm.
Khán giả rất đông, thưởng thức, vỗ tay và chúc mừng tuyệt tài của anh.
Không những thế, lần đầu đi sang núi bên kia thì lúc trở về, anh còn đặt một bao ximăng lên chiếc xe cút kít về một cách bình an nữa.
Mọi người chăm chú nhìn không chớp mắt từng cử động và bước đi của anh, và thở dài nhẹ nhõm khi anh được bình an.
Anh hỏi tâm trạng mọi người thế nào. Ai cũng trầm trồ ca tụng anh là một thiên tài, một kỳ tích của thế giới, người có một không hai ở trên mặt đất này.
Anh hỏi tiếp: thế mọi người có tin là tôi có thể đi từ ngọn núi này sang ngọn núi kia mà còn chở thêm một người ngồi trên chiếc xe cút kít không?
Mọi người không do dự mà trả lời cho câu hỏi này. Dĩ nhiên là được.
Thế ai là người xung phong lên xe để tôi biểu diễn? Anh hỏi tiếp.
Và, mọi người đều tìm lý để từ chối, rồi ra về…
Có một em bé giơ tay chấp nhận. Còn mọi người thì ngạc nhiên, và hỏi tại sao lại liều vậy.
Thưa các bác, các chú, có gì đâu mà liều. Vì đó là ba của cháu. Cháu tin ba cháu sẽ không bao giờ để cháu gặp phải nguy hiểm.
Suy niệm:
Đức Giêsu là một thầy thuốc tốt lành. Những ai đến với Ngài đều được chữa khỏi nhưng điều quan trọng là phải có lòng tin. Như cậu bé trong câu chuyện trên đã đặt hết niềm tin vào người ba của mình, cậu thản nhiên và sống bình an dù trước mắt người đời đó là một sự nguy hiểm. Thật tuyệt vời biết bao nếu chúng ta có lòng tin mạnh như thế đối với Thiên Chúa. Trước mặt Chúa, chúng ta là những kẻ bệnh tật cần được Chúa chữa lành.
Lạy Chúa, xin ban thêm lòng tin cho chúng con, để chúng con nhận ra Chúa qua những biến cố trong cuộc đời chúng con.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
Mẹ Têrêxa Calcutta nổi tiếng trên khắp thế giới không phải vì là một người giỏi giang, cũng không phải nơi mẹ có những điểm hấp dẫn về nhan sắc; tuy nhiên, mẹ trở nên một người vĩ đại và có thể làm đảo lộn thế giới chỉ vì tình yêu rất lớn của mẹ dành cho người nghèo, người bệnh tật, đến nỗi có những ngày các nữ tu trong dòng của mẹ phải nấu thức ăn cho khoảng bảy ngàn người, và cả những người phải cung cấp lương thực, có lúc lên đến chín ngàn người. Chúng ta còn nhớ ngày mẹ lìa cõi trần, nhiều nguyên thủ quốc gia đã tuyên bố quốc tang, nhiều bài phát biểu bày tỏ sự ngưỡng mộ được phát đi với những lời lẽ hết sức xúc động như: “Từ nay, thế giới bớt tình thương hơn”; hay “Hôm nay, người nghèo mất đi một người mẹ yêu thương, người bạn đồng hành”, v.v.
Hôm nay, bài Tin Mừng cũng thuật lại cho chúng ta khái quát về những hoạt động của Chúa Giêsu. Nguời làm việc không biết mệt mỏi, đi đến đâu là thi ân giáng phúc tới đó.
Đối tượng Chúa Giêsu muốn nói đến qua lời rao giảng của Người và những việc làm tốt đẹp đều hướng tới những người nghèo khó, đau khổ, bất hạnh bị người đời hắt hủi, bỏ rơi bên lề xã hội. Vì vậy, Chúa Giêsu sẵn sàng đón tiếp và chấp nhận sự quấy rầy của họ. Người chấp nhận vì cảm mến lòng tin và nỗi khát khao tìm kiếm con đường giải thoát, tìm kiếm con đường cứu độ mà họ hằng mong đợi cho cuộc sống hiện tại và mai sau. Với Chúa Giêsu, đó là việc thực thi ý muốn của Chúa Cha trong việc gắn bó với sứ vụ rao giảng Tin Mừng cứu độ của mình nơi cuộc sống trần thế này.
Ngày nay, tất cả mọi tín hữu đều thực thi sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu. Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo trước mọi biến cố trong cuộc sống. Người tín hữu được mời gọi thi hành sứ vụ truyền giáo bằng việc đón nhận những anh chị em nghèo khổ, đói khát, nghèo nàn không nơi nương tựa ngay bên cạnh mình. Họ là những người không phân biệt lương-giáo đang sinh hoạt và cự ngụ trong giáo xứ, giáo khu, xóm giềng và xã hội chúng ta đang sống. Họ là những người thiếu vắng tình thương, đói khát về đời sống tâm linh, tinh thần, vật chất, và đang cần chúng ta trợ giúp. Chúng ta hãy thể hiện tình thương, liên đới, yêu thương, bác ái, quảng đại và đón nhận họ là người anh em với mình. Chúng ta nâng đỡ, yêu thương họ với tinh thần cấp bách của đời sống Kitô giáo một cách vô vị lợi, không so đo tính toán. Nhờ đó, chúng ta trở nên điểm tựa tinh thần và niềm hy vọng cho những ai đang cần mình giúp đỡ. Đó mới là bản chất truyền giáo của Giáo Hội nơi đời sống đạo của chúng ta.
Lạy Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, xin cho con gặp được Người, ít là lúc này, khi con vừa chiêm ngắm Người trong trình thuật Tin Mừng hôm nay. Xin cho con được chạm vào trái tim toàn thánh và tràn đầy yêu thương của Người, để con cảm nhận niềm hạnh phúc được Người hàn gắn vết thương hồn, và nhất là để con loan báo Tin Vui cho tha nhân qua những việc phục vụ bé nhỏ với lòng khiêm nhu và hân hoan, với sự tận tụy và sẵn sàng. Con cảm tạ Người, con yêu mến Người, lạy Chúa của con. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muaThuongnien