27.01.2021 – Thứ Tư tuần III Thường niên
Hạt giống
Lời Chúa : Mc 4, 1-20
Ðức Giêsu lại bắt đầu giảng dạy ở ven Biển Hồ. Một đám người rất đông tụ họp chung quanh Người, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi dưới biển, còn toàn thể đám đông thì ở trên bờ. Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều. Trong lúc giảng dạy, Người nói với họ: “Các người nghe đây! Kìa người gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả. Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được mmột trăm.” Rồi Người nói: “Ai có tai nghe thì nghe!”
Khi còn một mình Ðức Giêsu, những người thân cận cùng với Nhóm Mười Hai mới hỏi Người về các dụ ngôn. Người nói với các ông: “Phần anh em, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em; còn với những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn, để họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu, kẻo họ trở lại và được ơn tha thứ.”
Người còn nói với các ông: “Anh em không hiểu dụ ngôn này, thì làm sao hiểu được tất cả các dụ ngôn? Người gieo giống đây là người gieo lời. Những kẻ ở bên vệ đường, nơi lời đã gieo xuống, là những kẻ vừa nghe thì Xatan liền đến cất lời đã gieo nơi họ. Còn những kẻ được gieo trên sỏi đá là những kẻ khi nghe lời thì liền vui vẻ đón nhận, nhưng họ không đâm rễ mà là những kẻ nông nổi nhất thời; sau đó, khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì lời, họ vấp ngã ngay. Những kẻ khác là những kẻ được gieo vào bụi gai: đó là những kẻ đã nghe lời, nhưng những nỗi lo lắng sự đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác xâm chiếm lòng họ, bóp nghẹt lời khiến lời không sinh hoa kết quả gì. Còn những người khác nữa là những người được gieo vào đất tốt: đó là những người nghe lời và đón nhận, rồi sinh hoa kết quả, kẻ thì ba mươi, kẻ thì sáu mươi, kẻ thì một trăm.”
Suy niệm :
Chỉ cần một hạt giống lời Chúa rơi vào tâm hồn bạn,
như rơi vào thửa đất màu mỡ,
đời bạn có thể thay đổi hoàn toàn.
Têrêsa Hài Đồng đã để lòng mình đón lấy lời này:
“Ai không nên như trẻ thơ thì chẳng được vào Nước Trời.”
Chị đã nên thánh nhờ suốt đời sống phó thác như trẻ thơ.
Têrêsa Calcutta đã để lòng mình đón lấy lời này:
“Những gì ngươi làm cho một anh em nhỏ nhất, là làm cho chính Ta.”
Mẹ Têrêsa đã không bao giờ quên mình đang tiếp xúc với Giêsu
mỗi khi Mẹ gặp người nghèo khổ, bệnh tật.
Là Kitô hữu, chúng ta thường xuyên được nghe Lời Chúa,
nhưng một tiếp xúc thực sự với hạt giống Lời Chúa vẫn ít xảy ra.
Điều này đã là vấn đề của các Kitô hữu sơ khai rồi.
Tất cả bốn hạng người trong dụ ngôn Người gieo giống đều nghe.
Tuy nhiên kết quả lại rất khác nhau,
vì vấn đề không phải là nghe bằng tai, nhưng là nghe bằng cả tâm hồn.
Vẫn có thứ tâm hồn hời hợt như đất cứng ở vệ đường.
Hạt giống chưa bao giờ thâm nhập được vào đất,
mới chỉ nằm trơ vơ trên bề mặt.
Hạt giống này nhanh chóng làm mồi cho chim chóc, cho Xatan.
Vẫn có thứ tâm hồn chai đá, như mảnh đất chỉ có lớp đất mỏng bên trên.
Hạt giống mọc ngay, nhưng sau đó bị khựng lại,
không đâm rễ được vì đất nhiều sỏi đá.
Khi nắng lên, cây bị héo khô vì không có rễ hút nước.
Để cho Lời Chúa đâm rễ sâu trong đời mình và nuôi dưỡng mình,
đó là nỗ lực suốt đời của người Kitô hữu.
Vui vẻ đón nhận Lời ngay lập tức mà không chịu đào sâu, đâm rễ,
thì cũng sẽ bỏ cuộc ngay lập tức khi cơn bách hại đến từ bên ngoài.
Vẫn có thứ tâm hồn nặng nề, vì những lo lắng sự đời, đam mê giàu có.
Chính những lệch lạc từ bên trong như bụi gai đã bóp nghẹt hạt giống.
Lời Chúa đòi ta vượt lên trên những thèm muốn, khoái lạc và âu lo.
Để Lời Chúa sinh trái phải làm cỏ, dọn bụi gai cho sạch.
Nhưng vẫn có những tâm hồn mềm mại như mảnh đất tốt.
Hạt giống Lời Chúa thoải mái đâm rễ sâu, và sinh hoa trái gấp trăm.
Dù gặp bách hại vì Lời, dù bị danh lợi thế gian lôi kéo,
họ vẫn không đánh mất căn tính Kitô hữu của mình.
Tâm hồn chúng ta thuộc loại đất nào?
Đó là câu hỏi cho từng Kitô hữu xưa cũng như nay.
Thiên Chúa vẫn cứ kiên nhẫn và miệt mài gieo giống cho đến tận thế.
Ngài vẫn mời ta ra khỏi sự hời hợt, cứng cỏi, chai đá của lòng mình.
Nếu ta dám để cho Lời Chúa thực sự đi vào đời ta, dù chỉ một lần,
ta sẽ thấy được sức biến đổi kỳ diệu của Lời Chúa.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Người gieo giống đi ra gieo giống…” (Mc 4,3)
Câu chuyện minh họa:
Một bác nông phu quê mùa chất phác nọ đã trở lại Kitô giáo. Đức tin và lòng mến Chúa chân thành của ông đã thúc đẩy ông sốt sắng trong việc rao giảng về Đức Kitô.
Một hôm có một người vô thần đến gặp bác, với ý định là đặt một số câu hỏi để dằn mặt ông này cho ông ta khỏi đi rao giảng về Đức Kitô.
Người vô thần hỏi:
– Ông có biết Đức Kitô mà ông vẫn hăng say quảng cáo, sinh ra ngày nào không?
Bác nông phu trả lời:
– Ngày 25 tháng 12.
Người vô thần nhún vai, trợn mắt lên, lắc đầu ra chiều khinh bỉ, rồi hỏi tiếp:
– Thế ông có biết Đức Kitô của ông chết năm bao nhiêu tuổi không?
Bị hỏi bất ngờ, bác nông phu còn đang ấp úng để tìm câu trả lời, thì người vô thần kia đã cướp lời:
– Ông thấy không, ông có biết gì về Đức Kitô của ông đâu. Vậy mà cứ đi quảng cáo về ông ta rùm beng.
Sau lời chê bai của người vô thần, bác nông phu bình tĩnh giải thích:
– Tôi không biết nhiều về Đức Kitô. Nhưng có một điều tôi biết chắc là, hai năm trước đây, tôi là một người chè chén say sưa, tôi rất hay nóng giận, đập phá nhà cửa, đánh đập vợ con. Hai năm trước đây, vợ tôi không bao giờ thấy nở một nụ cười, các con tôi thì sợ tôi như cọp. Nhưng sau khi tôi đã tin nhận Chúa, giờ đây vợ tôi đã tươi cười, con cái tôi không còn xa tránh tôi nữa. Bầu khí trong gia đình tôi đã trở nên nhẹ nhõm, vui tươi. Còn riêng tôi, tôi đã bỏ được những tật xấu trước đây. Tất cả những điều ấy, tôi tin là Đức Kitô đã làm cho tôi và gia đình tôi được thay đổi. Tôi nghĩ, tôi biết như thế về Đức Kitô, cũng đã là quá nhiều rồi.
Suy niệm:
Qua mẫu đối thoại, chúng ta nhận thấy hai mảnh đất tâm hồn rất khác nhau được Chúa Giêsu nhắc đến trong dụ ngôn người gieo giống. Chính sự kiêu ngạo và tự mãn của người vô thần kia, đã làm cho những kiến thức của ông về Chúa bị bóp nghẹt, nên đã không thể sinh hoa trái được.
Còn với bác nông phu kia, tuy kiến thức của bác về Chúa có ít ỏi và yếu kém thật, nhưng bác đã để cho những gì bác lãnh hội được, biến đổi đời sống của bác. Tâm hồn chất phác đơn sơ của bác, chính là thửa đất tốt, vì thế mà hạt giống lời Chúa đã sinh hoa kết trái. Nó đã làm thay đổi, không những đời sống của bác nông phu, mà nó còn làm thay đổi cả đời sống của gia đình bác nữa.
Trong thinh lặng, chúng ta xét xem tâm hồn mình thuộc mảnh đất nào: sỏi đá, gai góc hay đất tốt?
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
Người ta thường gọi đây là câu chuyện dụ ngôn về người đi gieo giống, nhưng người ta cũng có thể gọi câu chuyện dụ ngôn này là dụ ngôn về Đất. Lời Chúa chính là hạt giống và mỗi tâm hồn chúng ta là mảnh đất mà Lời Chúa được gieo vào khi chúng ta lắng nghe Lời của Ngài. Điều Chúa muốn nơi chúng ta là hãy trổ sinh hoa trái, là đức tin và các nhân đức.
Thế nhưng, cuộc sống, tức là mảnh đất tâm hồn của chúng ta có những trở ngại, bóp nghẹt Lời sự sống mà Chúa Giêsu chỉ ra trong dụ ngôn này: bị Satan quấy phá, tính nông nổi nhất thời và những lo lắng sự đời. Và ngày nay, có lẽ, lo lắng sự đời – tìm kiếm vinh hoa phú quý là trở ngại lớn nhất để Lời của Chúa có thể trổ sinh hoa trái trong tâm hồn chúng ta.
Biết lo lắng cho cuộc sống tốt đẹp là điều tốt. Người biết lo lắng là người có thể nhìn trước trông sau, là người có thể sắp xếp và thi hành bổn phận của mình cách chu đáo, là người biết mình ở vị trí nào và cũng biết làm điều tốt cho tha nhân. Người biết lo lắng thì quan tâm tới đời sống của mình, cả về vật chất và tinh thần, cả về bổn phận với anh chị em mình và với Chúa. Tắt một lời, người biết lo lắng là người có thể để cho mảnh đất của đời sống mình trổ sinh hoa trái tốt.
Thế nhưng, lo lắng sự đời lại là điều khác. Lo lắng sự đời có thể để đời mình trôi đi không thắng lại được và đó là nguy hiểm. Một người chạy bộ không biết dừng sẽ gục ngã, một người lái xe không biết thắng mà chỉ đạp ga sẽ nguy hiểm, một người không biết đâu là nhà sẽ mệt mỏi chán chường, không thấy được tình yêu. Tương tự, một người không có niềm tin, một Kitô hữu không lấy Chúa làm người chỉ dẫn sẽ mất hết ý nghĩa đời sống của mình.
Chúa hiện diện với chúng ta cách cụ thể nhất là nơi Thánh Thể và Lời của Ngài. Chúa hiện diện với chúng ta bằng Lời của Chúa nữa, và Chúa muốn Lời của Chúa hiện diện nơi tâm hồn chúng ta mãi, để chúng ta có thể làm điều tốt lành cùng với Chúa trong đời sống của chúng ta, trong gia đình và trong xã hội này.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muaThuongnien