25.01.2021 – Thứ Hai tuần III Thường niên – Thánh Phaolô Tông đồ trở lại
Con phải làm gì?
Lời Chúa : Cv 22, 3-16
Thưa anh em, tôi là người Do Thái, sinh ở Tácxô miền Kilikia, nhưng tôi đã được nuôi dưỡng tại thành này; dưới chân ông Gamaliên, tôi đã được giáo dục để giữ Luật cha ông một cách nghiêm ngặt. Tôi cũng đã nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa như tất cả các ông hiện nay. Tôi đã bắt bớ Ðạo này, không ngần ngại giết kẻ theo Ðạo, đã đóng xiềng và tống ngục cả đàn ông lẫn đàn bà, như cả vị thuợng tế lẫn toàn thể hội đồng kỳ mục có thể làm chứng cho tôi. Tôi còn được các vị ấy cho thư giới thiệu với anh em ở Ðamát, và tôi đi để bắt trói những người ở đó, giải về Giêrusalem trừng trị. Ðang khi tôi đi đường và đến gần Ðamát, thì vào khoảng trưa, bỗng nhiên có một luồng ánh sáng chói lọi từ trời chiếu xuống bao phủ lấy tôi. Tôi ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với tôi: “Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” Tôi đáp: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Người nói với tôi: “Ta là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ.” Những người cùng đi với tôi trông thấy có ánh sáng, nhưng không nghe thấy tiếng Ðấng đang nói với tôi. Tôi nói: “Lạy Chúa, con phải làm gì?” Chúa bảo tôi: “Hãy đứng dậy, đi vào Ðamát, ở đó người ta sẽ nói cho con biết tất cả những gì Thiên Chúa đã chỉ định cho con phải làm.” Vì ánh sáng chói loà kia làm cho tôi không còn trông thấy nữa, nên tôi đã được các bạn đồng hành cầm tay dắt vào Ðamát. Ở đó, có ông Khanania, một người sùng đạo, sống theo Lề Luật và được mọi người Do Thái ở Ðamát chứng nhận là tốt. Ông đến, đứng bên tôi và nói: “Anh Saun, anh thấy lại đi!” Ngay lúc đó, tôi thấy lại được và nhìn ông. Ông nói: “Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã chọn anh để anh được biết ý muốn của Người, được thấy Ðấng Công Chính và nghe tiếng từ miệng Ðấng ấy phán ra. Quả vậy, anh sẽ làm chứng nhân cho Ðấng ấy trước mặt mọi người về các điều anh đã thấy và đã nghe. Vậy bây giờ anh còn chần chừ gì nữa? Anh hãy đứng lên, chịu phép rửa và thanh tẩy mình cho sạch tôi lỗi, miệng kêu cầu danh Người.”
Suy niệm :
Bài sách Công vụ Tông đồ hôm nay kể về một cuộc gặp gỡ lạ lùng
giữa Đức Giêsu Nadarét với anh Saun, kẻ đang bách hại các Kitô hữu.
Chính Ngài muốn gặp anh trên con đường anh đang đi.
Dưới mắt Saun, Kitô hữu là những kẻ bỏ đạo Do Thái chính thống,
để chạy theo một tà phái của ông Giêsu nào đó mà họ tin là đã phục sinh.
Trong tư cách là một người Pharisêu nhiệt thành và nghiêm túc (c. 3),
Sa-un thấy mình có bổn phận phải trừng trị những kẻ phản đạo,
bằng cách bắt bớ, xiềng xích, tống ngục, thậm chí thủ tiêu (cc. 4-5).
Chính lúc đang say sưa đến gần thành Đamát thì anh bị quật ngã.
Cuộc gặp gỡ bắt đầu, đời anh từ nay giở sang một trang mới.
Khi anh đang tự tin và hiên ngang tiến bước,
thì ánh sáng chói lòa từ trời làm anh ngã quỵ (c. 7).
Khi Saun nghĩ mình là người sáng mắt,
thì ngay giữa trưa, anh trở nên mù lòa (c. 11).
Khi anh định chỉ đạo cho những kẻ lầm đường lạc lối,
thì bây giờ anh lại cần một người cầm tay dắt đi (c. 11).
Cuộc đối thoại bắt đầu giữa anh với người mà anh chỉ nghe tiếng nói.
Ngài âu yếm gọi tên anh hai lần và tự giới thiệu:
“Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ Ta?
Ta là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ” (c. 8).
Bắt bớ các Kitô hữu là bắt bớ chính Đức Giêsu.
Đức Giêsu và các Kitô hữu là một.
Bài học đầu tiên này Saun sẽ chẳng thể nào quên.
“Lạy Chúa, con phải làm gì?” (c. 10).
Lần đầu tiên Saun gọi người mà anh không hề tin là Chúa.
Khi tuyên xưng Đức Giêsu Nadarét là Chúa,
anh lập tức phó thác cho Ngài, để Ngài chỉ bảo điều mình phải làm.
Nhưng Chúa Giêsu phục sinh đã không nói gì.
Ngài trao anh cho ông Khanania, một người chưa phải là Kitô hữu.
Chính ông này cho mắt anh thấy lại và cho anh biết
anh được chọn để làm chứng nhân cho Ngài trước mặt mọi người.
Đamát là nơi Đức Giêsu tỏ mình cho Saun, cũng được gọi là Phaolô,
là nơi ông nghe tiếng gọi trở nên tông đồ cho dân Ngoại,
và cũng là nơi khởi đầu cho cuộc hoán cải tận căn của ông.
Chính mặc khải của Đấng phục sinh dẫn đến ơn gọi và hoán cải.
Từ nay cuộc đời của Phaolô đi sang một hướng mới.
Giêsu đã trở nên trung tâm của đời ông.
“Tôi coi tất cả như đồ bỏ, để chiếm được Đức Kitô” (Ph 3, 8).
Biến cố trên đường đi Đamát đã chia đời ông làm hai.
“Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua,
để lao mình về phía trước” (Ph 3, 13).
Chúng ta cũng có những kinh nghiệm như Phaolô:
ngã ngựa, mù lòa, nghe và gặp Đức Kitô, rồi hoán cải.
Như Phaolô, mong chúng ta để cho Đức Kitô Giêsu chiếm lấy mình,
và trở nên người tông đồ nhiệt thành cho thế giới.
Cầu nguyện :
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ cõi chết đến sự sống,
từ lầm lạc đến chân lý.
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ thất vọng đến hy vọng,
từ sợ hãi đến tín thác.
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ ghen ghét đến yêu thương,
từ chiến tranh đến hòa bình.
Xin hãy đổ đầy bình an
trong trái tim chúng con,
trong thế giới chúng con,
trong vũ trụ chúng con. Amen.
(Chân phước Têrêxa Calcutta)
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).
Câu chuyện minh họa:
Khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi thường nhận đồ về thêu. Mỗi buổi sáng, mẹ luôn ngồi trên ghế và thêu rất nhanh. Tôi ngồi dưới đất, háo hức ngước nhìn lên cái khung thêu của mẹ với đôi mắt mở to. Tôi cứ thắc mắc hỏi mẹ đang làm gì. Mẹ bảo công việc đó gọi là thêu. Tôi lại thắc mắc nhìn từ phía dưới cái khung thêu nó cực kỳ lộn xộn chẳng ra hình gì. Mẹ cười và bảo tôi cứ ra ngoài sân chơi, khi nào xong mẹ sẽ cho ngồi lên ghế xem.
Tôi cứ thắc mắc tại sao mẹ dùng sợi chỉ sẫm với chỉ màu sáng xen kẻ nhau, nó có đem lại tác dụng gì không và tại sao mẹ lại làm một thứ lộn xộn đến thế. Chỉ hai giờ sau, mẹ đã gọi tôi vào ngồi trên ghế để xem tranh thêu. Khi xem, tôi gần như reo lên vì trước mắt tôi là bức tranh có bầu trời, có hoa lá, có đủ màu sáng tôi, đẹp đến mức không thể tin được. Và mẹ bảo, cuộc sống cũng như vậy, khi ta nhìn từ một mặt, nó có thể hoàn toàn hỗn độn, nhưng nếu ta chịu chờ đợi, chịu chấp nhận cả những sợi chỉ màu sáng, màu tối và nhìn từ một mặt khác, ta sẽ thấy cuộc sống đáng yêu và đẹp biết chừng nào.
Suy niệm:
Cuộc đời người môn đệ Chúa cũng được đan dệt từ những mảng sáng của hạnh phúc, hy vọng, quảng đại,… và những mảng tối của đau khổ, thất vọng, tham lam, ích kỷ… Nếu chúng ta chấp nhận nó như là một quy luật tự nhiên thì chắc hẳn chúng ta sẽ thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Bổn phận của chúng ta là góp phần làm cho bức tranh ấy thêm sinh động hơn bằng những công việc bác ái, hy sinh, tha thứ… như chính Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta.
Lạy Chúa, xin cho con biết từ bỏ chính mình, để chấp nhận tha nhân cũng như chấp nhận những trái ý trong cuộc sống này, để dệt nên một cuộc sống tốt đẹp hơn, trong đó Chúa Giêsu là tâm điểm và cùng đích mọi sự.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
Bài Tin Mừng hôm nay nhắc lại lệnh truyền của Chúa Giêsu cho các môn đệ. Trước khi Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa Cha, Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án”. Lệnh truyền này khẳng định về một cách thức hiện diện mới của Chúa Giêsu: từ hữu hình sang vô hình, từ khả giác sang thiêng liêng. Chính cái nhìn của con mắt đức tin giúp chúng ta nhận ra rằng: Chúa Giêsu không đi đâu cả, Người vẫn còn đó, ở thật gần, ở thật sâu trong tâm hồn, cũng như cuộc đời của mỗi người chúng ta. Cái nhìn đức tin này là nền tảng để quyền năng của Đức Giêsu hoạt động nơi cuộc sống của người môn đệ và của mỗi người chúng ta: “Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ” (Mc 16,17-18).
Xét trên phương diện khách quan, Chúa Giêsu có thể hiện diện với bất cứ ai dù ở bất cứ nơi đâu hay bất cứ thời điểm nào. Nhưng xét về phương diện chủ quan thì, Chúa Giêsu chỉ có thể hiện diện với chúng ta khi chúng ta đón tiếp Người. Thiên Chúa ban cho con người tự do và Ngài cũng tôn trọng quyền tự do mà Ngài đã ban cho con người. Vì thế, mỗi người chúng ta đều có quyền tự do để đón tiếp hay từ chối sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình. Chính vì thế, việc Chúa Giêsu hiện diện hay không hiện diện với một ai đó không chỉ thuộc trách nhiệm của các môn đệ, bởi vì, chính Chúa Giêsu đã trao cho các môn đệ sứ mạng này: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”, nhưng còn là trách nhiệm của mỗi người chúng ta đón tiếp hay từ chối Người.
Xin Chúa cho chúng con luôn biết mở rộng tâm hồn của mình ra để đón Chúa vào ngự trị trong tâm hồn của mình. Xin Chúa cũng cho chúng con luôn biết dùng chính cuộc sống và các phương tiện mình có để làm cho sự hiện diên của Chúa Giêsu ngày càng sống động ngay trong môi trường sống của mình. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muaThuongnien