20.01.2021 – Thứ Tư tuần II Thường niên
Anh giơ tay ra!
Lời Chúa : Mc 3, 1-6
Khi ấy, Đức Giêsu lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. Họ rình xem Đức Giêsu có chữa người ấy ngày sabát không, để tố cáo Người. Đức Giêsu bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra giữa đây!” Rồi Người nói với họ: “Ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” Nhưng họ làm thinh. Đức Giêsu giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay: “Anh giơ tay ra!” Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường. Ra khỏi đó, nhóm Pharisêu lập tức bàn tính với phe Hêrôđê, để tìm cách giết Đức Giêsu.
Suy niệm :
Bài Tin Mừng hôm nay là cao điểm của năm cuộc tranh luận
giữa Đức Giêsu với các kinh sư hay người Pharisêu (Mc 2, 1-3, 6).
Đó là các cuộc tranh luận về quyền tha tội của Đức Giêsu,
về chuyện Ngài ăn uống với người thu thuế, chuyện môn đệ không ăn chay,
chuyện môn đệ bứt lúa ngày sabát, và cuối cùng là chuyện Ngài chữa bệnh.
Trong hội đường, vào một ngày sabát, một người có bàn tay bị teo đi dự lễ.
Các người Pharisêu rình xem Đức Giêsu có chữa cho anh ấy không.
để có cớ tố cáo Ngài.
Đức Giêsu chủ động đưa âm mưu của họ ra ánh sáng.
Ngài muốn công khai h óa và chính thức hóa việc làm của mình,
bởi vậy Ngài mới nói với người bị tật rằng: “Anh hãy trỗi dậy ra giữa đây!”
Như thế mọi người trong hội đường đều thấy được anh.
Rồi Ngài đặt câu hỏi với các người đang rình rập Ngài
về điều được phép làm trong ngày sabát:
được làm điều tốt hay điều xấu, cứu sống hay giết chết?
Câu trả lời tưởng như quá rõ ràng,
nhưng ta nên nhớ rằng chữa bệnh ngày sabát bị coi như lao động.
Chỉ được chữa bệnh ngày sabát khi đó là một bệnh nguy tử.
Anh bại tay không phải là người lâm cơn bệnh nguy tử.
Nếu hoãn lại đến ngày mai mới chữa anh, thì có vẻ cũng chẳng sao.
Nhưng Đức Giêsu đã không chấp nhận sự trì hoãn này.
Đối với Ngài, làm điều tốt là chữa ngay cho anh.
Ngài không đợi anh ấy gần chết mới cứu sống.
Cứu sống là cho con người được sống hạnh phúc dồi dào hơn.
Một bàn tay héo khô, teo tóp, bại liệt,
một bàn tay đàn ông chẳng còn làm việc được, chẳng còn tự phục vụ được,
một bàn tay đã chịu tật nguyền như thế từ bao giờ,
theo Đức Giêsu, bàn tay ấy phải được chữa lành ngay khi có thể.
“Hãy giơ tay ra!”
Người ấy đã giơ tay ra và tay anh trở lại bình thường.
Giơ tay ra là điều trước kia anh mong muốn mà không làm được.
Bây giờ anh có thể giơ tay để nắm lấy một bàn tay khác,
và cảm được sự ấm áp chân thành của tình bạn.
Có bao nhiêu bàn tay, dù không bại liệt, nhưng chẳng bao giờ bình thường
vì chẳng bao giờ dám đưa ra để trao và để nhận, để nắm và để buông.
Trước sự thinh lặng chai đá của các kẻ chống đối,
Đức Giêsu vừa giận vừa buồn (c.5).
Ngài chấp nhận trả giá cho quyết định của mình.
Ngài đã chữa bệnh chỉ bằng một lời nói, chứ không bằng đụng chạm.
Thế nên theo Luật Môsê, Ngài vẫn không bị coi là đã vi phạm ngày sabát.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa,
lúc đầu chúng con chỉ muốn cầm tay nhau
để làm thành một vòng tròn khép kín.
Sau đó chúng con hiểu rằng
cần phải buông tay nhau
để nhận những người bạn mới,
để vòng tròn được mở rộng đến vô cùng
và trái tim được lớn lên mãi.
Lạy Chúa, chúng con biết rằng
cần phải nối vòng tay lớn
xuyên qua các đại dương và lục địa.
vòng tay người nối với người,
vòng tay con người nối với Tạo Hóa.
Chúng con thích Chúa
đứng chung một vòng tròn
với tất cả loài người chúng con,
nắm lấy tay chúng con
và đưa chúng con lên cao.
Ước gì việc Chúa giang tay trên thập giá
giúp chúng con biết cầm lấy tay nhau
và nhận nhau là anh em. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Ngày sabat được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” (Mc 3,4)
Câu chuyện minh họa:
Người ta kể lại rằng thánh Antôn ẩn tu đã tìm đến gặp một người thợ giày, vì nghe đồn rằng người thợ giày này có một đời sống đạo đức lạ thường. Ðể hỏi đâu là bí quyết để nên thánh, người thợ giày đáp gọn: “Tôi chỉ biết đóng giày”.
Ngạc nhiên vô cùng, thánh Antôn hỏi vặn lại: “Nếu chỉ có thế thì làm sao mà gọi là thánh thiện được. Tôi đây, tôi tưởng nghĩ đến Chúa từng phút giây. Ông có bí quyết gì khác nữa không?”. Người thợ giày giải thích: “Tôi làm việc 8 giờ, cầu nguyện 8 giờ và ngủ nghỉ 8 giờ”.
Thánh Antôn vẫn chưa cho đó là cuộc sống lý tưởng. Ngài cho biết, ngài cầu nguyện từng phút giây. “Vậy ông sống đức khó nghèo như thế nào?”. Người thợ giày bảo: “Tôi cho Giáo hội một phần ba của cải của tôi, một phần ba tôi bố thí cho người nghèo và một phần ba tôi giữ lại cho tôi”. Thánh Antôn chưa cho đó là bí quyết nên thánh trọn hảo, bởi vì chính ngài đã phân phát tất cả của cải của ngài cho Giáo hội và người nghèo…
Thánh nhân vặn hỏi mãi, cuối cùng người thợ giày mới khai ra bí quyết của ông như sau: “Mặc dù tôi phân phát một phần ba tiền lương của tôi cho người nghèo, nhưng đêm ngày tôi không ngủ yên được khi tôi nhìn thấy cảnh nghèo xung quanh tôi, đến độ tôi đã thưa với Chúa: Chúa ơi, thà để con đi hỏa ngục còn hơn nhìn thấy những người khốn khổ này phải triền miên trong cảnh nghèo đói…”.
Nghe đến đó, thánh Antôn đã bỏ ra về. Ngài chợt hiểu rằng ngài chưa đủ thánh thiện như người thợ giày này đến độ dám hy sinh tất cả chỉ vì người nghèo.
Suy niệm:
Chúa Giêsu đặt họ trước vấn đề nan giải để họ kết luận xem cần phải làm điều lành hay điều dữ, giết người hay cứu người. Nhưng họ chỉ biết làm thinh, họ khép kín tâm hồn trước người anh em đang gặp khó khăn. Chúa Giêsu trong thân phận con người, Ngài cũng cảm nhận được những nỗi đau của con người, và Ngài đã giải thoát họ qua việc chữa lành bệnh. Ngài đã mặc cho ngày sabat một ý nghĩa: ngày của niềm vui, sự giải thoát và ngày của tình bác ái yêu thương.
Lạy Chúa, xin cho tâm hồn con luôn rộng mở trước những khó khăn và nhu cầu của anh chị em con.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
Có một du khách thắc mắc tại sao khi đi ngang qua bức tường cũ kỹ góc đường trong làng, ai nấy đều cúi đầu tỏ vẻ cung kính hướng về bức tường. Được hỏi lý do, thì dân làng trả là không biết, chỉ có điều họ làm như thế là do thói quen của ông bà để lại. Ngày nọ, người ta dọn dẹp quanh bức tường, và khi cạo bỏ lớp rong rêu trên tường, họ ngở ngàng vì nhìn thấy có hình Đức Mẹ bồng Chúa Giêsu. Từ đó, họ mới hiểu lý do tại sao cúi đầu khi ngang qua đó.
Thái độ của dân làng trên đây giúp chúng ta hiểu thêm thái độ sống vụ hình thức của người biệt phái luôn chống đối Chúa. Thánh Marcô trong chương 2 và 3 đã ghi lại năm lần đối đầu giữa những người biệt phái và Chúa Giêsu. Lần thứ nhất, những người biệt phái chống đối Chúa vì Người đã dám cho mình quyền tha tội, là quyền dành riêng cho Thiên Chúa. Lần thứ hai, họ trách Người ngồi đồng bàn với những người thu thuế. Lần thứ ba, họ trách Chúa tại sao Chúa không để cho các môn đệ ăn chay. Lần thứ tư, trách Chúa đã để cho các môn đệ bứt lúa ăn khi họ đi ngang qua đồng lúa. Và lần thứ năm như được kể lại trong Tin Mừng hôm nay, những người biệt phái chống đối Chúa vì đã chữa lành một người bị bại tay. Tất cả những chống đối này cho thấy trạng thái tinh thần của những người biệt phái: họ thực hành những việc đạo đức một cách vô hồn, theo thói quen, mà không hiểu tại sao phải làm như vậy. Là những con người tôn giáo nổi bật, lẽ ra họ phải thực hành tình yêu thương hơn ai hết, thế nhưng họ lại tỏ ra vô tâm trước nỗi khổ của đồng loại chỉ vì họ đã đánh mất cái hồn tôn giáo, tuân giữ luật nhưng cũng vì luật mà bỏ quên tinh thần của luật.
Tôn giáo là tình yêu thương, sống đức tin là sống tình yêu thương. Tôn giáo không phải là cố gắng của con người đi lên Thiên Chúa mà là sáng kiến của Thiên Chúa đến với con người. Vì thế, chúng ta không nên dựa vào tài năng của mình mà đòi buộc Thiên Chúa phải theo ý mình, trái lại, chúng ta cần đón nhận sáng kiến đầy yêu thương của Thiên Chúa trong cuộc sống mình.
Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con khỏi những toan tính vụ lợi. Xin Chúa ban cho chúng con quả tim quảng đại, nhạy cảm trước nhu cầu của người khác, và dấn thân thực hiện tình yêu thương. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muaThuongnien