26.12.2020 – Ngày II trong Tuần Bát nhật Giáng sinh – Thánh Stêphanô, tử đạo tiên khởi
Xin nhận lấy hồn con
Lời Chúa: Mt 10,17-22
Ngày ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Chúng con hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp chúng con cho công nghị, họ sẽ đánh đòn chúng con nơi hội đường. Vì Ta, chúng con sẽ bị điệu đến trước vua quan, để làm chứng trước mặt họ và các dân. Nhưng khi người ta nộp chúng con, chúng con chớ lo lắng phải nói sao và nói gì, vì không phải chúng con nói, nhưng là Thánh Thần của Chúa Cha chúng con sẽ nói thay cho. Anh sẽ nộp em cho người ta giết, cha sẽ nộp con, con cái chống đối cha mẹ và làm cha mẹ phải chết. Vì Ta, chúng con sẽ bị mọi người ghét bỏ, nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, sẽ được cứu rỗi.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm :
Giáo Hội mừng kính lễ thánh Stêphanô vào ngay sau lễ Giáng Sinh.
Ngài đã chết như chứng nhân đầu tiên cho Chúa Giêsu.
Người làm chứng đã trở thành người tử đạo.
Stêphanô là một phó tế đầy đức tin và Thánh Thần (Cv 6, 5),
đầy ân sủng và quyền năng, làm được những điềm thiêng dấu lạ (c. 8).
Ông gặp sự chống đối từ một số người Do Thái gốc Hy Lạp (c. 9).
Nhưng họ không địch nổi sự khôn ngoan và Thần Khí nơi ông.
Ông đã bị bắt, bị đem ra xử trước Thượng Hội Đồng (c. 12).
Stêphanô đã giảng một bài dài về dòng lịch sử cứu độ (Cv 7).
Chính bài giảng này đã khiến họ tức điên lên chống lại ông.
Khi đứng trước Thượng Hội Đồng Do Thái giáo,
khuôn mặt của Stêphanô giống như thiên thần (Lc 6, 15).
Ông nhìn lên trời, thấy trời mở ra và thấy vinh quang Thiên Chúa.
Nhưng hình tượng quan trọng ông thấy là Đức Giêsu.
Ngài đang đứng ở bên hữu Thiên Chúa, ở vị trí danh dự (c.56).
Ông đã tuyên xưng trước mặt mọi người điều mình vừa thấy.
“Tôi thấy Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa.”
Stêphanô gọi Đức Giêsu là Con Người,
một lối nói Đức Giêsu vẫn hay dùng để nói về bản thân.
Tuyên xưng của ông bị coi là xúc phạm đến Thiên Chúa.
Những người nghe đã xông vào, lôi ông đi và ném đá ông ở ngoài thành.
Stêphanô bị ném đá vì tội nói phạm thượng (cc. 57-58).
Thật ra ông đã chỉ làm chứng về Đấng Công Chính là Đức Giêsu (c. 52).
Cái chết tử đạo của Stêphanô được thánh Luca kể lại
với những nét giống với cái chết trước đó của Đức Giêsu.
Cái chết của ông là cái chết an hòa và bao dung.
Như Đức Giêsu trên thập giá, ông chết khi ông đang cầu nguyện.
Đức Giêsu đã kêu lên Thiên Chúa, Đấng mà Ngài âu yếm gọi là Cha:
“Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46).
Khi cận kề với cái chết, Stêphanô cũng cầu xin với Đấng ông vừa thấy:
“Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con” (c. 59).
Ông gọi Đức Giêsu phục sinh là Chúa và ông trao đời ông cho Ngài,
như Ngài đã trao đời Ngài trong Cha.
Như Đức Giêsu, Stêphanô đã kêu một tiếng lớn trước khi chết,
Ông chết trong tư thế quỳ, đống đá đè trên người ông và vùi lấp ông.
Ông chết trong tư thế cầu nguyện cho kẻ giết mình.
“Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (c. 60).
Bầu khí xử án Stêphanô là bầu khí của Ba Ngôi.
Có sự hiện diện của Thiên Chúa, của Chúa Giêsu và Thánh Thần.
Thánh Thần giúp chúng ta làm chứng về Chúa Giêsu cho thế giới.
Ơn gọi Kitô hữu bao giờ cũng đòi chúng ta lội ngược dòng.
Ngược dòng với thế gian, với những cám dỗ đến từ chính lòng mình.
Không chỉ trao linh hồn ta vào tay Chúa lúc ta gần chết,
chúng ta phải trao đời ta vào mỗi buổi sáng và trong suốt hôm nay.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
nhiều bạn trẻ đã không ngần ngại
chọn những cầu thủ bóng đá,
những tài tử điện ảnh
làm thần tượng cho đời mình.
Hôm nay
Chúa cũng muốn biết chúng con chọn ai,
và chúng con thật sự đắn đo
trước khi chọn Chúa.
Bởi chúng con biết rằng
chọn Chúa là lội ngược dòng,
theo Chúa là bước vào con đường hẹp :
con đường nghèo khó và khiêm nhu,
con đường từ bỏ và phục vụ.
Hôm nay, chúng con chọn Chúa
không phải vì Chúa giàu có, tài năng hay nổi tiếng,
nhưng vì Chúa là Thiên Chúa làm người.
Chẳng ai đáng chúng con yêu mến bằng Chúa.
Chẳng ai hoàn hảo như Chúa.
Ước gì chúng con can đảm chọn Chúa
nhiều lần trong ngày,
qua những chọn lựa nhỏ bé,
để Chúa chiếm lấy toàn bộ cuộc sống chúng con,
và để chúng con
thông hiệp vào toàn bộ cuộc sống của Chúa. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.” (Mt 10,22)
Câu chuyện minh họa:
Có hai hạt lúa nọ được giữ lại để làm hạt giống cho vụ sau vì cả hai đều là những hạt lúa tốt, đều to khỏe và chắc mẩy.
Một hôm, người chủ định đem chúng gieo trên cánh đồng gần đó. Hạt thứ nhất nhủ thầm:
“Dại gì ta phải theo ông chủ ra đồng. Ta không muốn cả thân mình phải nát tan trong đất. Tốt nhất ta hãy giữ lại tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ này và tìm một nơi lý tưởng để trú ngụ”. Thế là nó chọn một góc khuất trong kho lúa để lăn vào đó.
Còn hạt lúa thứ hai thì ngày đêm mong được ông chủ mang gieo xuống đất. Nó thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới.
Thời gian trôi qua, hạt lúa thứ nhất bị héo khô nơi góc nhà bởi vì nó chẳng nhận được nước và ánh sáng. Lúc này chất dinh dưỡng chẳng giúp ích được gì, nó chết dần chết mòn. Trong khi đó, hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt. Nó lại mang đến cho đời những hạt lúa mới…
Suy niệm:
Là chứng nhân của Đức Kitô, chúng ta cần phải xả thân dù mất cả mạng sống. Và đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân, mà hãy can đảm bước đi, âm thầm chịu nát tan để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ, như sự chọn lựa của hạt giống thứ hai.
“Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét”: Ngài nhắc nhở và động viên chúng ta phải tin tưởng, chịu đựng và lấy đó làm cơ hội để “làm chứng cho Thầy”; và trong những hoàn cảnh ấy, “hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được, và một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.”
Xin cho mỗi người chúng ta biết kiên trì và vững tin vào quyền năng của Chúa trước những biến cố, thử thách trong cuộc đời, và can đảm làm chứng cho Chúa như thánh Stêphanô đã anh dũng làm chứng cho Chúa đến hơi thở cuối cùng.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
Hôm nay, chúng ta tự hỏi: Tại sao Giáo Hội cử hành lễ thánh Stêphanô, tử đạo, ngay sau lễ Giáng Sinh? Phải chăng thánh nhân có liên quan gì đến ngày Chúa giáng sinh? Câu trả lời là chính đời sống của thánh nhân đã liên kết mục đích của việc nhập thể với bổn phận của Kitô hữu: “Niềm vui giáng sinh là con người được nhìn thấy ơn cứu độ; nhưng để đạt được ơn cứu độ, con người phải chứng minh niềm tin của mình nơi Người Con”.
Sau những ngày vui mừng nhộn nhịp của không khí mừng lễ, người Kitô hữu dễ có khuynh hướng trở lại cuộc sống bình thường, Giáo Hội muốn nhắc nhở cho các tín hữu bổn phận làm chứng cho Đức Kitô trong cuộc sống hằng ngày.
Chúa Giêsu đã báo trước cho các môn đệ biết những gì sẽ xảy ra cho các ông: sẽ bị nộp, sẽ bị đánh đập, sẽ bị điệu ra toà, v.v. để làm chứng cho Thầy, nghĩa là sẽ chết vì Thầy. Thế nhưng, kẻ thù có thể giết được thân xác, nhưng không động đến được linh hồn các môn đệ của Đức Giêsu. Người động viên tinh thần các môn đệ: “Can đảm lên, Đừng sợ! vì Thầy đã chiến thắng thế gian”. Và Nguời hứa ban phần thưởng cứu độ cho những ai trung thành: “Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát”.
Đời sống gia đình hôm nay cũng đang có biết bao xáo trộn. Mỗi người được mời gọi làm chứng cho sự thật ngay trong gia đình của mình. Cha mẹ hãy can đảm dạy bảo và hướng dẫn con cái gắn bó với gia đình. Con cái cũng can đảm làm cầu nối cho cha mẹ luôn thông hiểu và yêu thương nhau hơn.
Lạy Chúa, hôm nay thánh Stêphanô đã thấy vinh quang Thiên Chúa nhờ vào đức tin kiên vững của mình. Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng con dám làm chứng cho sự thật dù có phải gặp thử thách gian nan trong đời sống hằng ngày. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muaGiangSinh