15.12.2020 – Thứ Ba Tuần III Mùa Vọng
Hối hận nên lại đi
Lời Chúa: Mt 21, 28-32
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các thượng tế và kỳ mục rằng: “Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho”. Nó đáp: “Con không muốn đâu!” Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: “Thưa ngài, con đây!” nhưng rồi lại không đi. Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” Họ trả lời: “Người thứ nhất.” Ðức Giêsu nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, sau đó các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.”
Suy niệm:
Dụ ngôn hôm nay là một dụ ngôn đặc biệt, với nội dung đơn sơ.
Đức Giêsu nói dụ ngôn này cho các thượng tế và kỳ mục.
Một người cha có hai con trai.
Ông sai đứa con thứ nhất đi làm vườn nho.
Lúc đầu anh ta từ chối, nhưng sau đó hối hận nên lại đi (c. 29).
Ông gặp đứa con thứ hai và kêu anh làm cùng một việc.
Anh mau mắn nhận lời, nhưng rốt cuộc lại không đi (c. 30).
Đức Giêsu kết thúc dụ ngôn bằng việc hỏi họ một câu khá dễ:
“Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của cha?”
Không mấy khó khăn, các thượng tế và kỳ mục đã trả lời đúng.
Nhưng họ không ngờ mình mắc bẫy của Ngài
như xưa vua Đavít đã mắc bẫy của ngôn sứ Nathan (2 Sm 12, 5).
Bởi chính họ là đứa con thứ hai, nhận lời, nhưng rồi lại không đi,
chính họ là những người không thi hành ý muốn của Thiên Chúa.
Hẳn giới lãnh đạo ở Giêrusalem sẽ tức điên lên vì nhục nhã
khi nghe Đức Giêsu nói đứa con thứ nhất
chính là những kẻ thu thuế và các cô gái điếm (c. 31).
Theo Đức Giêsu, những người tội lỗi này sẽ vào Nước Trời
trước cả giới lãnh đạo tôn giáo đầy uy tín, đạo đức, oai phong.
Tại sao lại có chuyện oái oăm đó?
Chính thái độ tin hay không tin ông Gioan tạo ra sự khác biệt này.
Gioan xuất hiện như một hiện tượng nổi bật, ai cũng thấy.
Các vị chức sắc tôn giáo cũng thấy,
nhưng sau đó họ không hối hận mà tin (c. 32).
Còn những người tội lỗi, giống đứa con thứ nhất,
lúc đầu từ chối cha, nhưng sau đó đã hối hận và vâng lời (c. 29).
Họ đã tin Gioan và bước vào đường công chính (c. 32).
Từ chỗ nói: “Thưa cha, con đây”, đến chỗ thực sự đi làm vườn nho,
có một khoảng cách khá lớn, khiến nhiều người ngần ngại.
Chấp nhận tin là chấp nhận lên đường, bước vào cuộc phiêu lưu.
Con đường công chính đầy thách đố, bấp bênh và bất trắc.
Tin vào Gioan đòi hỏi sám hối, để đón Đấng Thiên Sai.
Nhưng ít người muốn nhận mình có lỗi.
Có khi cô gái điếm lại dễ hối hận hơn một người công chính.
Có khi anh thu thuế lại dễ ăn năn hơn một người đạo hạnh.
Dù sao tin vào Gioan khiến mọi người không được sống như xưa.
Hơn nữa, niềm tin ấy thế nào cũng dẫn đến tin vào Đức Giêsu.
Tin vào Đức Giêsu là chấp nhận mất đi những chỗ dựa ổn định.
Không dám mất thì cũng chẳng dám tin.
Nhiều Kitô hữu hôm nay gặp khó khăn không nhỏ về đức tin,
vì sống đức tin đòi họ phải trả một giá quá lớn.
Nếu chúng ta đã có lần nói: Con không muốn đi!,
thì chúng ta luôn có thời gian suy nghĩ lại, để tự điều chỉnh,
và sau đó nói: “Này con đây, xin hãy sai con.”
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy, còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin” (Mt 21,32).
Câu chuyện minh hoạ:
Chuyện kể rằng có một lần Chúa Giêsu hiện ra với cha Giovani và tỏ ra yêu thương giáo xứ của ngài, vì có rất nhiều người làm đẹp lòng Chúa. Cha Giovani liền thưa với Chúa:
Lạy Chúa, đó là những lời chúc tụng ngợi khen Chúa ư?
Chúa Giêsu lắc đầu, Cha Giovani mới nói tiếp:
A, con biết họ nói những lời cảm tạ, tri ân Chúa phải không?
Cũng không đúng nữa!
Không chịu thua, cha sở Giovani nói tiếp:
Hay là những lời cầu xin Chúa ban ơn này ơn nọ cho họ?
Chúa Giêsu lắc đầu nói:
Con đoán sai cả rồi, lời cầu nguyện mà giáo dân của con đã làm cho Ta vui sướng nhất đó là: “Lạy Chúa, xin thương tha tội chúng con”.
Suy niệm:
Thấy các nhà chức trách Do Thái tự kiêu tự mãn và cố chấp không chịu tin vào lời giảng của Gioan Tẩy Giả về sứ vụ Cứu Thế của Đấng Kitô, nên Đức Giêsu dùng dụ ngôn để khiển trách và cảnh cáo họ rằng: “Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 24,31). Tại vì họ biết mình tội lỗi. Biết mình tội lỗi thì dễ hoán cải hơn. Và vì hoán cải nên được vào Nước Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhận ra thân phận bất toàn và tội lỗi, để chúng con chạy đến Chúa lãnh nhận tình thương và sự tha thứ của Chúa. Amen.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu bắt đầu bằng một câu chuyện: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho”. Nó đáp: “Con không muốn đâu!” Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: “Thưa ngài, con đây !” nhưng rồi lại không đi. Sau khi kể câu chuyện, Chúa Giêsu mời gọi các thượng tế và kỳ lão đưa ra nhận xét: “Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” Thật dễ để đưa ra câu trả lời: người con thứ nhất là người đã thi hành ý muốn của người cha. Thế nhưng khi hòa mình vào một trong hai người con đó thì câu trả lời không phải dễ.
Tin Mừng không cho chúng ta biết tại sao người con thứ nhất từ chối không đi. Tuy nhiên, chúng ta thấy khi anh ta trả lời dứt khoát “không đi”, thì câu trả lời “vâng con đi” cũng bắt đầu vang lên trong con người của anh ta. Từ “vâng” bắt đầu vang lên lúc đầu thật yếu ớt, nhưng sau đó dần dần lớn hơn. Thế rồi, có một cuộc đấu tranh giữa từ “không” và từ “vâng”. Cuối cùng từ “vâng” đã chiến thắng, và thế là anh ta quyết định ra đi làm vườn nho.
Bây giờ chúng ta hãy xem xét người con thứ hai. Anh ta đáp lại tức khắc, và khẳng định lời nói “vâng” với người cha. Thế nhưng cũng giống như người con thứ nhất, có một cuộc đấu tranh giữa từ “vâng” mà anh ta khẳng định ban đầu và từ “không”. Và cuối cùng từ “không” thật yếu ớt lúc ban đầu đã chiến thắng, và thế là anh ta quyết định không đi làm vườn nho của cha.
Cũng giống như hai người con ở trên, chúng ta chắc có rất nhiều lý do cho sự vâng lời hoặc không vâng lời của mình. Làm sao tôi phải làm theo ý Chúa? Tôi đã có một kế hoạch khác cho riêng mình rồi. Bây giờ tôi còn nhiều việc khác quan trọng cần làm hơn, v.v. Cũng giống như người con thứ hai, nhiều lúc chúng ta cũng chân thành có ý định làm theo lời Chúa: Hôm nay tôi rảnh việc, tôi sẽ làm công việc của cha tôi. Việc của cha quan trọng và cần thiết hơn việc của tôi. Tôi sẽ sẽ làm theo ý của cha tôi, bởi vì sự vâng lời đó sẽ làm cho cha tôi vui mừng và hạnh phúc, v.v.
Thật dễ dàng nói “vâng” vào buổi sáng, bởi vì khi nói “vâng”, chúng ta thực sự chưa nhận biết điều gì sẽ lôi kéo theo, trong công việc mà chúng ta đang đảm nhận. Nhưng với diễn tiến trong ngày, dần dần, những lôi cuốn khác được lộ diện. Thế rồi, chúng ta có những suy nghĩ khác. Từ đó, lời nói “vâng” của chúng ta có thể dễ dàng chuyển sang lời nói “không”. Điều trái ngược cũng có thể xảy ra. Vào buổi sáng, chúng ta có thể nói “không” đối với một việc hoặc người nào đó. Nhưng trong ngày, có thể chúng ta lại nhìn nhận sự việc một cách khác biệt đi, và chuyển từ “không” thành từ “vâng”.
Trong cuộc chiến “vâng” và “không” làm theo Lời Chúa, xin Chúa thêm sức mạnh và khôn ngoan để chúng ta có thể chuyển lời nói “không” thành “vâng”. Và luôn trung thành với lời “vâng” ban đầu.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muavong