14.12.2020 – Thứ Hai Tuần III Mùa Vọng
Gioan là một ngôn sứ
Lời Chúa: Mt 21, 23-27
Khi ấy, Ðức Giêsu vào Ðền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?” Ðức Giêsu đáp: “Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của ông Gioan do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?” Họ mới nghĩ thầm: “Nếu mình nói: “Do Trời”, thì ông ấy sẽ vặn lại: “Thế sao các ông lại không tin ông ấy?” Còn nếu mình nói: “Do người ta”, thì lại sợ đám đông, vì ai nấy đều cho ông Gioan là một ngôn sứ.” Họ mới trả lời Ðức Giêsu: “Chúng tôi không biết.” Người cũng nói với họ: “Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.”
Suy Niệm
“Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?
Ai đã cho ông quyền ấy” (c. 23).
Hai câu hỏi của giới lãnh đạo tôn giáo ở Giêrusalem đặt cho Đức Giêsu.
Làm các điều ấy là vào thành thánh giữa đoàn dân tung hô vang dội,
là đuổi những người buôn bán trong Đền thờ,
là chữa bệnh và giảng dạy ở đó (Mt 21, 12-15).
Ai là Đấng đã cho ông Giêsu quyền ấy?
Đây không phải là câu hỏi để thượng tế và kỳ mục tìm thông tin.
Đây là câu hỏi để họ tìm thêm lý lẽ nhằm bắt bẻ Đức Giêsu khi có dịp.
Đức Giêsu đã không trực tiếp trả lời câu hỏi này.
Hay đúng hơn Ngài trả lời bằng cách đặt một câu hỏi khác (c. 24).
Ngài chỉ hỏi họ đúng một điều thôi, về nguồn gốc phép rửa của Gioan.
“Do trời hay do người phàm”, do Thiên Chúa hay do loài người (c. 25).
Câu hỏi này lập tức đưa họ vào thế bị động, lưỡng nan.
Nếu do Thiên Chúa, tại sao họ lại không tin Gioan? (c. 25).
Nhưng họ lại không dám bảo phép rửa của Gioan là do người phàm,
vì dân chúng tin Gioan là một ngôn sứ (c. 26),
nghĩa là người của Thiên Chúa, người được sai để nói lời của Ngài.
Các thượng tế và kỳ mục đã không dám trả lời câu hỏi của Đức Giêsu.
Nếu nhìn nhận phép rửa của Gioan là đến từ Thiên Chúa,
thì họ cũng phải nhìn nhận Đức Giêsu,
vì Gioan làm chứng Đức Giêsu là Đấng Mêsia.
Điều này thì họ không hề muốn, vì nó đòi họ phải thay đổi cuộc sống,
thay đổi mọi lối suy nghĩ và mọi niềm tin xưa nay.
Ngược lại nếu coi thường phép rửa của Gioan, họ lại sợ dân chúng.
Họ không dám đi ngược với cái nhìn của dân, vì muốn được lòng dân.
Rõ ràng họ không có tự do để chọn một trong hai.
Đức Giêsu đã bắt họ phải công khai quan điểm của mình.
Nhưng họ đã chọn thái độ né tránh: “Chúng tôi không biết.” (c. 27).
Nói câu này trước mặt dân chúng thì quả là khó nghe và khó tin.
Làm sao họ lại không biết chuyện quan trọng đó?
Vì họ không thỏa mãn điều kiện Đức Giêsu đưa ra (c. 24),
nên Ngài sẽ không trả lời cho họ biết Ngài dùng quyền nào (c. 27).
Thành thật với chính mình thật khó biết bao!
Đón nhận sự thật với trọn cả tâm hồn đòi phải trả giá.
Sự thật bao giờ cũng đòi ta đổi đời, không để ta yên.
Chính vì thế ta thích quanh co và dễ né tránh sự thật.
Nhưng dù ta có né tránh sự thật, thì sự thật vẫn cứ theo đuổi ta luôn.
Chẳng ai làm át được tiếng nói của sự thật.
Mùa Vọng là thời gian ra khỏi bóng tối của dối trá, để đón lấy sự thật.
Chỉ cần bớt một chút cứng cỏi của tự mãn về cái tôi,
thêm một chút mềm mại của tình yêu khiêm hạ,
là ta có cơ may gặp được chân lý như đám đông dân chúng.
Và chân lý sẽ cho ta được tự do (Ga 8, 32).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin dẫn con vào nhà của con,
căn nhà của trái tim,
căn nhà vừa quen vừa lạ.
Xin hãy cho con thấy
những phức tạp, rắc rối, những che đậy, giằng co,
những mâu thuẫn và vô lý nơi con.
Xin hãy cho con thấy
những nhỏ mọn, ích kỷ,
những yếu đuối, khô khan,
những cứng cỏi và tự ái nơi con.
Xin cho con ý thức
những lo âu, sợ hãi
đang đè nặng làm con ngột ngạt,
những nỗi đau thầm kín khiến đời con mất vui,
những vết thương không biết bao giờ lành,
những đổ vỡ khiến lòng con khép lại.
Lạy Chúa Giêsu,
xin giúp con dọn những bề bộn nơi tim con.
Xin biến đổi tim con, để nó trở nên đơn sơ hơn,
hồn nhiên hơn và tươi tắn hơn.
Ước gì con nhìn mọi sự, mọi người,
bằng trái tim bao dung của Chúa.
Và ước gì khi đã ra khỏi nỗi bận tâm về mình,
trái tim con được nhẹ nhàng hơn và tự do hơn
để yêu mến mọi người. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Phép rửa của ông Gioan bởi đâu mà có?” (Mt 21,25).
Câu chuyện minh hoạ:
Trịnh Tụ, vợ của Hoài Vương, muốn hạ tình địch của mình là một mỹ nữ, thì nói cùng nàng ra vẻ thân mật:
– Nhà vua có tính không thích người khác thở hơi vào mình, nên khi vào hầu vua thì phải giữ ý bịt mũi lại!
Mỹ nữ nghe theo: mỗi lần tới hầu vua là lấy tay bịt mũi. Nhà vua lấy làm lạ hỏi thì Trịnh Tụ mau mắn thưa:
– Người ấy sợ Đại Vương thân thể hôi hám nên mới có cử chỉ như vậy!
Vua sở liền nổi giận, truyền đem mỹ nữ ra ngoài cắt mũi đi!
Suy niệm:
Những người đứng đầu dân Do Thái rất căm ghét Đức Giêsu và họ tìm cách giết Người. Nhưng họ không dám vì sợ dân chúng. Cho nên, họ tìm cách buộc tội Người hay ít ra là giảm tầm ảnh hưởng của Người trên dân chúng. Nên các thượng tế và kỳ mục mới chất vấn Chúa Giêsu: “ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy” (Mt 21,23). Họ hỏi Chúa không phải vì họ muốn tìm hiểu chân lý, nhưng là do lòng ganh ghét, nên lòng của họ ra chai đá, không biết đón nhận lời rao giảng của Gioan cũng như của Chúa Giêsu.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết mở rộng tâm hồn bằng sự thống hối để chuẩn bị đón mừng mầu nhiệm con Chúa Giáng Sinh. Amen.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
Như chúng ta biết, đối với người Do Thái chính thống thời Đức Giêsu, không có rabi nào xét xử hoặc tuyên bố điều gì mà không nêu lên thẩm quyền của mình. Chính vì thế, khi thấy Đức Giêsu long trọng đi vào thành Giêrusalem với tư cách là Đấng Mêsia (x. Mt 21,1-11), đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thời, chữa lành những kẻ mù loà, què quặt đến với Người trong Đền thờ (x. Mt 21,12-17) và giảng dạy trong Đền thờ (x. Mt 21,23) thì các thượng tế và kỳ mục đến chất vấn thẩm quyền của Đức Giêsu khi thực hiện các việc đó. Họ hỏi Người: Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy? Họ muốn Đức Giêsu nói thẳng rằng Người là Đấng Mêsia và là Con Thiên Chúa. Như vậy họ có lý do để buộc tội Người là lộng ngôn, phạm thượng. Thay vì trả lời cho họ về thẩm quyền của mình, Đức Giêsu hỏi họ: “phép rửa của ông Gioan do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?”. Câu hỏi này là một lời chất vất chính họ về việc đón nhận hay từ chối thẩm quyền của Đức Giêsu.
Thật vậy, qua đời sống và lời rao giảng của Gioan, dân chúng đều công nhận Gioan là người đến từ Thiên Chúa, vì thế thẩm quyền của Gioan cũng đến từ Thiên Chúa. Mà nếu thẩm quyền của Gioan đến từ Thiên Chúa thì thẩm quyền của Đức Giêsu cũng từ Thiên Chúa mà đến. Bởi vì, Gioan đã khẳng định rằng ngài chỉ là tiền hô, dọn đường của Đấng Mêsia là chính Đức Giêsu. Với sự cố chấp và tấm lòng chai đá, các thượng tế và kỳ mục không dám đối diện với sự thật. Họ đã từ chối thẩm quyền của Đức Giêsu bằng câu trả lời: “Chúng tôi không biết”.
Lạy Chúa, xin cải hóa tấm lòng chai đá và sự cố chấp của chúng con để chúng con luôn để thẩm quyền của Thiên Chúa hướng dẫn và chi phối cuộc sống của chúng con. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muavong