11.12.2020 – Thứ Sáu Tuần II Mùa Vọng
Lũ trẻ ngồi ngoài chợ
Lời Chúa : Mt 11, 16-19
Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, và nói: ‘Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm ngực khóc than’. Thật vậy, ông Gioan đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: ‘Ông ta bị quỷ ám’. Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: ‘Ðây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi’. Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động.”
Suy niệm :
Đức Giêsu ví những người thuộc thế hệ của Ngài
với lũ trẻ ngồi chơi ngoài chợ (cc. 16-17).
Một nhóm bày trò chơi đám cưới,
thổi sáo, thổi kèn để mong nhóm kia nhảy múa.
Nhưng nhóm kia đã chẳng tham gia.
Nhóm này bèn chơi trò đám ma, hát những bài ca buồn não nuột.
Nhưng nhóm kia cũng không giả vờ than khóc.
Thế hệ của Đức Giêsu cũng có nét tương tự như lũ trẻ.
Khi Gioan Tẩy giả đến mời gọi họ sám hối ăn năn,
sự khổ hạnh của vị ngôn sứ này đã khiến họ từ khước (Lc 7, 30).
Đơn giản vì họ không thích khóc than hay hoán cải.
Lối sống của Gioan phù hợp với lời ông giảng về Nước Trời gần đến.
Nhưng lối sống khác thường ấy lại bị xem là một triệu chứng tâm thần.
Người ta đã coi ông là bị quỷ ám (c. 18),
nên cuối cùng đã không tin ông (Mt 21, 32).
Ngược lại, khi Đức Giêsu đến với thế hệ này,
Ngài đã không mang dáng dấp của một ẩn sĩ nơi hoang địa.
Ngài đã sống như một người bình thường, ăn uống bình thường.
Lối sống của Ngài phản ánh Tin Mừng Ngài rao giảng,
một Tin Mừng đem lại niềm vui và sự giải thoát.
Ngài tiếp đón những ai bị xã hội loại trừ.
Ngài ăn chung một bàn với những tội nhân cần xa tránh.
Chính trong bầu khí vui tươi, ấm áp của bữa ăn,
họ cảm nhận được tình thương tha thứ của Thiên Chúa và hoán cải.
Tiếc thay, Đức Giêsu cũng bị nhiều người từ khước như Gioan.
Ngài bị coi là kẻ chỉ biết ăn với nhậu (c. 19).
Cả Gioan lẫn Đức Giêsu đều bó tay trước sự cố chấp của thế hệ này.
Sống thế nào cũng không chiều được họ.
Khi sợ thay đổi chính mình, ai cũng cố tìm ra lý do để biện minh.
Để khỏi phải đối diện với chân lý, con người trở nên ngụy biện.
Đức Giêsu dám ví thế hệ của Ngài với đám con nít ngồi ngoài chợ.
Ngài sẽ ví thế hệ chúng ta với ai?
Nơi một số nước, người ta cho phép ly dị, phá thai, hôn nhân đồng tính.
Ở nhiều nơi vẫn còn sự kỳ thị về giới tính, màu da, tôn giáo, chủng tộc.
Bao giờ người ta cũng tìm đủ lý do để làm những điều trên.
Nguy cơ của con người thuộc mọi thời đại, là ở lại trong sự ấu trĩ,
khăng khăng với những ngang bướng ích kỷ của mình.
Cả Gioan và Đức Giêsu đều đã bị loại trừ và bị giết.
Mùa Vọng mời chúng ta dám tin vào lời chứng của Gioan và Giêsu.
Tin luôn đòi chúng ta hoán cải, không được sống như xưa.
Tiếng kêu từ hoang địa của Gioan kéo ta ra khỏi mọi dính bén trần tục.
Thái độ bao dung nơi bàn ăn của Giêsu mời tội nhân ra khỏi bóng tối.
Làm sao con người hôm nay nghe được tiếng kêu của Gioan và Giêsu?
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Thánh Thần,
xin ban sức sống cho chúng con.
Xin cho cuộc đời Kitô hữu của chúng con
đừng rơi vào sự đơn điệu nghèo nàn,
vào những lối mòn quen thuộc,
nhưng xin canh tân
và tái tạo chúng con mỗi ngày.
Xin nuôi chúng con bằng những thức ăn mới,
cho chúng con khám phá ra
những chiều sâu khôn dò của Đức Kitô
và ý nghĩa thâm thúy của Tin Mừng.
Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống,
thế giới hôm nay luôn bị đe dọa
bởi bạo lực, khủng bố, chiến tranh;
mạng sống con người bị coi rẻ.
Xin cho chúng con biết say mê sự sống,
và gieo vãi sự sống khắp nơi.
Ước gì Chúa ban cho nhân loại
một lễ Hiện Xuống mới
để con người có thể hiểu nhau hơn
và đón nhận nhau trong yêu thương. Amen
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Tôi phải ví thế hệ này với ai? (Mt 11,16)
Câu chuyện minh họa:
Một nghệ sĩ kia có tài châm biếm, ông ta nhanh chóng nhận ra khuyết điểm của người khác và đem ra làm trò cười cho mọi người. Nhưng một giấc mơ bất chợt đã làm thay đổi cách nhìn soi mói của ông.
Đêm kia, ông mơ thấy mình đang đi trên một con đường hoang vắng, trên vai ông là một hành trang cồng kềnh và nặng trĩu, nó như muốn đè bẹp cả thân thể ông, ông xoay xở bên này bên nọ, nhưng không thấy nhẹ nhõm chút nào. Sau một lúc cố gắng, ông cảm thấy mệt nhoài và bắt đầu càu nhàu:
Hành trang này là những thứ gì mà tôi phải vác nó cực khổ thế này?
Nói dứt câu, ông nghe từ xa vọng lại:
Đó là những khuyết điểm của người khác mà con thường hay nhanh nhẹn bới móc ra. Tại sao con lại than phiền? Không phải con là người đã khám phá ra chúng sao? Chúng phải thuộc quyền sở hữu của con chứ?
Suy niệm:
Sau lời khen ngợi Gioan Tẩy Giả, Đức Giêsu đã than trách những kẻ cứng lòng tin qua hình ảnh trò chơi hát đối của trẻ em Do Thái. Chúa Giêsu đã so sánh họ với những đứa trẻ trái tính nết: “tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa”; “Tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm ngực khóc than”.
Nhóm luật sĩ và biệt phái đã đóng lòng mình lại trước những lời dạy của Gioan Tẩy Giả vì họ cho rằng họ am hiểu Kinh thánh. Đó cũng là lời nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy khiêm tốn đón nhận lời giáo huấn của Giáo hội, những lời nhắc nhở khuyên răn của những người có trách nhiệm và nhất là hãy chân thành sám hối, ăn năn.
Lạy Chúa, nhiều khi chúng con cũng như những đứa trẻ trái tính nết, chỉ làm theo ý riêng mình, không tìm thánh ý Chúa và thi hành ý Chúa. Xin giúp chúng con luôn sống theo ý Chúa để chuẩn bị tâm hồn thật tốt để đón mừng mầu nhiệm Con Chúa làm người. Amen.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
Nhân gian có câu: sống sao cho vừa lòng người. Người ta vẫn thường nói trời xanh còn chưa thoả lòng thiên hạ… Nghiệm lại quả đúng như vậy. Các tiên tri cũng chẳng bao giờ làm vừa lòng dân. Càng nói thẳng, nói thật, càng dễ mất lòng. Con người ta vốn thích nịnh nọt. Biết là không đúng nhưng vẫn cứ thích. Cứ thế mà nghiệm thì quả là đời người có nhiều cái sai. Một trong những cái sai hay gặp phải đó là ít biết về mình. Triết gia Socrates dạy quả không sai: sự khôn ngoan đích thực là hãy tự biết mình.
Lời Chúa hôm nay cũng chỉ dẫn cho chúng ta tìm đến Sự Khôn Ngoan như thế. Khôn ngoan ở đây không chỉ là đặc tính của trí khôn mà đã trở thành ngôi vị. Chúa chính là Sự Khôn Ngoan. Thế mà Sự Khôn Ngoan đó hôm nay nói với chúng ta, chúng ta lại không nghe. Chúa Giêsu nói với người Do Thái, họ không hiểu.
Lịch sử đã từng ghi nhận, lời ngôn sứ không được lắng nghe. Tệ hại hơn, họ còn khước từ và thậm chí là tìm cách loại bỏ ngôn sứ. Cũng chỉ vì các ngôn sứ không nói lời nịnh hót dễ nghe, mà họ phải nói lời của Thiên Chúa, mà lời ấy thường không hợp với họ. Nhiều ngôn sứ đã phải thốt lên: dân này cứng đầu cứng cổ.
Chúa Giêsu dẫn dụ: Gioan đến không ăn không uống, thiên hạ bảo ngài bị quỷ ám. Còn con người đến, cùng ăn uống với họ thì thiên hạ bảo làm bạn với quân ăn nhậu, thu thuế, v.v.
Gẫm suy những lời thật lòng của Chúa, xem ra Chúa Giêsu thấy chua chát! Giảng cho dân đâu phải dễ, sống vừa lòng họ là chuyện bất khả thi. Chúa Giêsu biết căn bệnh trầm kha của họ. “Họ như những đứa trẻ ngoài phố chợ”. Sự thất thường như trẻ con nếu mà nằm trong bản tính của người lớn thì đó là sự thiếu trưởng thành, thiếu chính chắn. Nói khác là họ không tự biết mình là ai. Cả đến với Chúa mà họ cũng không nhận ra và cả đến với mình họ cũng không có sự hoán cải.
Chúng ta tự soi vào tấm gương của lòng mình và tự hỏi mỗi ngày xem: tôi là ai với Chúa và tôi là ai với mọi người. Tự biết mình để thờ phượng Chúa cho phải lẽ, tự biết mình để trưởng thành trong đức tin và sống các nhân đức.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con. Xin cho con trưởng thành trong đời sống đức tin mỗi ngày. Xin hãy uốn nắn con nên như ý Chúa muốn. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muavong