28.11.2020 – Thứ Bảy Tuần XXXIV Thường niên
Phải đề phòng
Lời Chúa: Lc 21, 34-36
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đử sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.”
Suy niệm:
Tháng 9-2009, Tổng Thống Nga Medvedev
gọi nạn nghiện rượu là quốc nạn.
Mỗi năm tính bình quân mỗi người dân uống khoảng 18 lít,
gấp đôi lượng rượu được coi là nguy hiểm cho sức khỏe.
Nửa số người Nga chết giữa khoảng 15-54 tuổi là do hậu quả của rượu.
Trẻ em và phụ nữ cũng nghiện.
Tuổi thọ trung bình của đàn ông chỉ còn là 59.
Vì nhiều người chết nên dân số Nga sụt giảm mỗi năm.
Làm gì để cai nghiện cho hơn hai triệu người Nga,
đó là chuyện nhức đầu cho các nhà lãnh đạo.
Nhưng tại sao người ta lại bị nặng nề bởi rượu Vodka?
Bài Tin Mừng hôm nay nhắc chúng ta
về những thứ nặng nề đè trên trái tim người Kitô hữu.
Trong khi chờ đợi Chúa đến vào thời điểm không đoán trước được,
chúng ta có thể bị vướng vào những thú vui buông thả.
Sống bừa bãi, phóng túng, nhậu nhẹt, say sưa,
đó vẫn là cám dỗ muôn thuở của thân xác.
Chỉ cần đi một vòng thành phố hay các vùng quê vào ban đêm,
chúng ta thấy ngay cả một thế giới của ăn uống, hưởng thụ.
Nhưng trái tim con người còn có thể trở nên nặng nề
bởi những lo âu trần thế (x. Lc 8, 14).
Làm sao nhà cửa có thêm tiện nghi? làm sao thêm lương và lên chức?
Những nỗi lo toan về cuộc sống vật chất vắt kiệt con người,
khiến con người không còn khả năng mở ra trước Chúa và tha nhân.
Con người giàu lên, nhưng lại thấy mình bất hạnh và gia đình đổ vỡ.
Mỗi năm ba mươi ngàn người chết vì tự tử ở Nhật.
Trái tim nặng nề nên nhiều người mắc bệnh tim mạch.
Trái tim bị kéo xuống cái thực dụng tầm thường ở trên mặt đất,
nên con người bị còng xuống, không ngước lên được điều trên cao.
Ngày Chúa đến như một bất ngờ, như một cái bẫy sập xuống,
không phải chỉ trên người Do Thái,
nhưng trên mọi dân cư ở khắp mặt địa cầu (c. 35).
Cả thế giới phải chịu phán xét chẳng trừ ai.
Bởi đó thái độ cần có mỗi ngày của người môn đệ
là luôn luôn thức tỉnh và cầu nguyện,
để có sức mà thoát khỏi mọi điều sắp xảy ra (c. 36).
Để chuẩn bị cho cái chung cục, thì phải sống đều đặn cái hàng ngày.
Làm sao để khi Con Người là Đức Giêsu trở lại trên mây trời,
Ngài thấy chúng ta đang ở tư thế đứng thẳng,
không phải xấu hổ cúi đầu, không bị ràng buộc bởi đam mê,
nhưng vui sướng vì mình đã không uổng công chờ đợi.
Có những lo âu vẫn chi phối tôi làm tôi nặng lòng.
Có những mê đắm kéo ghì tôi xuống và bắt tôi làm nô lệ.
Mùa Vọng sắp đến mời tôi tỉnh thức và cầu nguyện, để đứng lên.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa quang lâm,
chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.
Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,
còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.
Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,
Chúa đâu muốn mất một người nào…
Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa
xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,
vui tươi và hạnh phúc,
để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn
cho mọi người và cho cả vũ trụ.
Xin nuôi dưỡng nơi chúng con
niềm tin vững vàng
và niềm hy vọng nồng cháy,
để tất cả những gì chúng con làm
đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Anh em hãy tỉnh thức hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến” (Lc 21,36).
Câu chuyện minh hoạ:
Ngày xưa có một ông cụ già cố cứu kinh thành Sôđôm khỏi bị Chúa tiêu diệt bằng cách mỗi ngày đi gặp người dân trong thành để cảnh cáo và kêu gọi mọi người tin Chúa, thờ Chúa cho khỏi bị tiêu diệt. Không ai chịu nghe lời ông cụ mà còn chế giễu là mê tín dị đoan nữa. Ông cụ vẫn bền chí đi hết nhà này sang nhà nọ để kêu gọi họ thống hối ăn năn. Thấy chuyện vô tích sự của cụ, nên có người hỏi:
– Tại sao cụ nói cho họ biết làm gì cho mệt. Họ có nghe cụ và thay đổi gì đâu? Nói với họ cũng như nước đổ đầu vịt!
Ông cụ bình tĩnh đáp:
– Có lẽ tôi không thuyết phục nổi ai, cũng không thay đổi được ai đâu. Nhưng làm như thế cũng là giúp tôi, đừng lao vào cuộc sống sa đoạ như họ.
Suy niệm:
Sau khi Chúa Giê-su chỉ cho các môn đệ biết khi nào Nước trời đến, Chúa Giê-su tiếp tục dạy các môn đệ phải tỉnh thức và cầu nguyện để đón Chúa đến trong giờ cánh chung của mỗi người cũng như của toàn thế giới này. Sống tỉnh thức và cầu nguyện là hai thái độ sống phải song hành với nhau, bằng việc chúng ta sống tốt trong đời sống cầu nguyện qua việc đọc kinh, tham dự các nghi lễ phụng vụ, tham gia các đoàn thể công giáo tiến hành,… tất cả những công việc đó là phương thế giúp chúng ta sống tỉnh thức và sẵn sàng.
Tỉnh thức không phải là điều ai cũng thực hiện được bởi có những người nghĩ mình khỏe mạnh thì biết bao giờ mới chết, mình đang giàu có thì hãy hưởng thụ, cuộc đời còn dài lo chi phải sám hối… Chính vì những ý nghĩ đó đã dẫn nhiều người đến sự chết đời đời.
Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con luôn sống trong tâm trạng tỉnh thức và cầu nguyện, để vượt qua những cám dỗ đang từng ngày rảo bước trong cuộc đời con, nhờ đó con xứng đáng được vào hưởng hạnh phúc với Chúa mãi mãi.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
Một tài xế xe buýt ở Hoa Kỳ đã chiếm một kỷ lục hiếm có trong suốt hai mươi ba năm hành nghề. Trên một triệu cây số, ông chưa bao giờ gặp hay gây ra một tai nạn nhỏ nào. Được hỏi lý do, ông trả lời: “Hãy nhìn đường!”. Câu trả lời tuy đơn sơ, nhưng chứa đựng cả một triết lý sống.
“Hãy nhìn đường!”. Có lắm người đi đường hoặc lái xe mà không nhìn đường. Tai nạn xảy ra hầu hết đều do sự lơ đễnh của người lái xe. Người bộ hành gặp tai nạn rủi ro có khi cũng do đi đường mà không nhìn vào con đường mình đang đi.
Chú tâm vào công việc mình đang làm, chính là luật của thành công. Một vận động viên trên sân cỏ sẽ không ngừng chú ý đến quả banh, đến đối phương, đến bạn đồng đội. Một học sinh muốn học giỏi cũng phải chú tâm theo dõi và lắng nghe lời giảng dạy. Một người mẹ trong gia đình phải chú tâm vào ngân quỹ gia đình, vào công việc hàng ngày.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng tóm tắt luật sống của người Kitô hữu, đó là hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn. Trong giai đoạn sơ khai của Giáo Hội, nhiều tín hữu đã giữ theo từng chữ diễn văn của Chúa Giêsu về ngày tận thế, đến độ đã có thái độ thụ động và lười biếng vì nghĩ rằng ngày tận thế đã kề bên. Để loại trừ thái độ ấy, thánh Phaolô đã khuyên nhủ mọi người hãy siêng năng làm việc, để khỏi trở thành gánh nặng cho người khác, và đó cũng là thái độ chờ đợi đích thực.
Người Kitô hữu sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Người Kitô hữu đang sống trong thời gian của Chúa, thời gian này đã mặc lấy cái đã rồi của biến cố cứu rỗi, vừa bao trùm cái nhìn chưa tới của ngày tận thế. Người Kitô hữu sống trong sự căng thẳng của cái đã đến và cái chưa đến, và đó là điểm độc đáo của việc chờ đợi nơi người Kitô hữu.
Người Kitô hữu đang sống bằng chính sự sống của Thiên Chúa và đang sống thiên đàng trên trần gian này, nhưng đồng thời chờ đợi vinh quang của ngày Chúa trở lại. Cái thế đứng đó đòi hỏi người Kitô hữu dấn thân vào cuộc sống để biến đổi nó bằng tinh thần của Tin Mừng. Do đó, chờ đợi, hy vọng đối với người Kitô hữu không là một sự chờ đợi thụ động, mà là sự chờ đợi trong tỉnh thức, để đón nhận Chúa đến trong từng biến cố cuộc sống.
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta về đòi hỏi của niềm hy vọng đang nuôi dưỡng đời sống đức tin của chúng ta. Chúng ta phải thống nhất sự cầu nguyện với cuộc sống. Mỗi giây phút trong cuộc sống của chúng ta phải là cuộc gặp gỡ với Đấng đang đến, và mỗi lời cầu nguyện cũng phải hướng chúng ta về thực tại cuộc sống hàng ngày.
Lạy Chúa, xin làm cho cuộc sống chúng con trở thành lời cầu nguyện và lời cầu nguyện trở thành cuộc sống. Đó là thái độ tỉnh thức Chúa mời gọi chúng con thực hiện nơi cuộc sống này. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay