22.09.2020 – Thứ Ba Tuần XXV Thường niên
Mẹ tôi và anh em tôi
Lời Chúa: Lc 8, 19-21
Khi ấy, mẹ và anh em Ðức Giêsu đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông. Họ báo cho Người biết: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy.” Người đáp lại: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.”
Suy niệm :
Chẳng rõ Đức Giêsu đã xa gia đình ở Nadarét bao lâu,
mà hôm nay Mẹ và anh em Ngài mới đến gặp Ngài.
Có phải vì nhớ, hay vì lo lắng do nghe các lời đồn đại?
Để biết được Ngài đang ở đâu, thì phải hỏi thăm,
bởi hồi đó chưa có những phương tiện truyền thông như bây giờ.
Vì vậy chuyện Mẹ đến được chỗ của Con là một nỗ lực không nhỏ.
Tiếc là khi đã đến nơi Con đang giảng dạy,
thì Mẹ lại không làm sao vào được, vì người đông quá (c. 19).
Chắc Mẹ đã nhờ ai đó vào báo cho Đức Giêsu:
“Có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy” (c. 20).
Các sách Tin Mừng Nhất Lãm đều không cho biết
Đức Giêsu có ra ngoài để đón tiếp Mẹ và các anh em Ngài không.
Điều này khiến ta có cảm tưởng bầu khí đón tiếp hơi lạnh lùng.
Nhưng cả ba Tin Mừng đều kể lại câu nói gây sốc của Ngài:
“Mẹ tôi và anh em tôi chính là những ai nghe lời Thiên Chúa
và đem ra thực hành” (c. 21).
“Mẹ tôi và anh em tôi” là ai? Một câu hỏi quá dễ !
Hiển nhiên đó là những người đang đứng ở ngoài kia.
Mẹ của Ngài là bà Maria, người phụ nữ làng Nadarét,
người đã cưu mang, cho bú mớm, và chăm lo dưỡng dục Ngài.
Anh em là những người họ hàng gần gũi, tuy không phải là anh em ruột.
Mẹ và anh em của Đức Giêsu là những người đang đứng ngoài nhà.
Ngài không hề khinh họ, nhưng Ngài tập trung vào người trong nhà.
Những người ở trong nhà là những người đang ngồi nghe lời Đức Giêsu.
Họ được mời gọi không nghe suông, nhưng đem ra thực hành,
để trở thành mẹ và anh em của Ngài.
Như thế Đức Giêsu đã nới rộng gia đình của Ngài.
Ngài không bó hẹp trong gia đình ruột thịt, mà khai mở một gia đình mới.
Gia đình thiêng liêng thì rộng lớn hơn nhiều,
và mỗi Kitô hữu đều có chỗ trong gia đình đó.
Đức Giêsu có nhiều mẹ và nhiều anh chị em.
Ai nghe và thi hành lời Thiên Chúa thì trở nên mẹ của Ngài,
bởi vì, theo thánh Bêđa, qua gương sáng và lời nói của họ,
họ sinh ra Ngài trong trái tim tha nhân.
Đức Giêsu là Con, luôn nghe và thi hành lời Thiên Chúa Cha.
Bất cứ ai sống như Ngài cũng trở nên con Thiên Chúa,
nên lập tức trở nên anh chị em với Ngài.
Chúng ta ít khi nghĩ tới chuyện mình có họ hàng với Đức Giêsu.
Có một thứ liên hệ còn sâu nặng hơn cả liên hệ máu mủ nữa.
Chúng ta mang dòng máu của Đức Giêsu, dòng máu vâng nghe lời Chúa.
Chính Thiên Chúa nối kết Đức Giêsu và cả nhân loại thành một gia đình.
Trong gia đình đó có chỗ quan trọng cho Đức Maria,
vì hơn ai hết Mẹ là người đã lắng nghe và thi hành lời Thiên Chúa.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”. (Lc 8,21)
Câu chuyện minh hoạ:
Trong dịp nghỉ hè ở một miền quê, tôi có dịp gặp gỡ một gia đình nghèo. Người chồng đã mất sức lao động sau một cơn bệnh nặng. Mọi gánh nặng về kinh tế gia đình đều dồn lên vai người vợ và đứa con gái đầu lòng mới 12 tuổi (nó còn ba đứa em nhỏ nữa). Nhưng tôi đã bắt gặp nơi gia đình kém may mắn ấy niềm tin tưởng đặc biệt vào Mẹ Maria và Thiên Chúa quan phòng.
Trước đây họ là những người ngoại đạo, sau cơn bạo bệnh, người chồng dường như mất hết niềm tin và hy vọng vào cuộc sống. Anh ta chỉ nhờ vào rượu để “giải sầu”. May mắn thay, một hội đoàn Công giáo đã đến chia sẻ, ân cần giúp đỡ gia đình anh vượt qua cơn khủng hoảng. Và rồi cả gia đình tự nguyện gia nhập vào đoàn dân Chúa. Giờ đây trong lúc trò chuyện, mọi lời anh nói đều thể hiện sự biết ơn. Anh tạ ơn Chúa, cảm ơn những người Công giáo tốt bụng.
Suy niệm:
Theo Thánh Luca, sau khi Chúa Giêsu giảng dụ ngôn người gieo giống (8,4-13) và dụ ngôn cái đèn (8,16-18) thì Đức Mẹ và mấy người bà con đến gặp Ngài. Nhân đây, Chúa muốn cho mọi người biết rằng: những ai nghe Lời Chúa và đem ra thực hành, những người ấy chính là những người thân thiết của Chúa, họ được chia sẻ sự sống của Chúa Giêsu và được Chúa đồng hành nâng đỡ trong mọi hoàn cảnh.
Lạy Chúa, xin cho chúng con được lắng nghe và thực hành Lời Chúa, để mỗi người chúng con được là thành viên trong gia đình của Chúa Giêsu, được chia sẻ và hưởng hạnh phúc với Chúa. Amen.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
Trong đệ nhị thế chiến, có một văn sĩ Hungary gốc Do Thái bị Đức quốc xã bắt làm tù binh trong khi tham gia quân đội Pháp. Qua những tác phẩm chống Đức quốc xã, văn sĩ gốc Do Thái này khó che dấu được tung tích của mình. Một người lính pháp cùng bị bắt làm tù binh đã đề nghị là hai người nên xử dụng chung một tên tuổi và lý lịch, bởi vì họ sẽ bị thuyên chuyển đến các trại khác nhau. Quân Đức quốc xã khó mà nhận ra sự kiện hai người cùng đồng tên và có chung một lý lịch. Người lính Pháp đã trao cho văn sĩ gốc Do Thái thẻ bài cũng như một số thư của mẹ anh. Anh dặn dò văn sĩ gốc Do Thái như sau: “Nếu có ai điều tra lý lịch, anh hãy cho họ xem những lá thư này”.
Sau này người văn sĩ gốc Do Thái có dịp đọc những lá thư của người lính Pháp. Nhìn những tờ giấy viết thư nhàu nát, dòng chữ yếu ớt, ông đoán được rằng người mẹ này có lẽ là một người đàn bà miền quê, già yếu, nhưng thương con với tất cả tình mẫu tử. Những lá thư ấy đều có những dặn dò giống nhau: “Con hãy giữ gìn sức khỏe… cố gắng đắp chăn cho thật ấm nha con… Xin Chúa chúc lành cho con, và chóng đưa con về tới nhà bình yên”. Mẹ là thế đó, luôn hằng ở bên con trên mọi bước đường và dành cho con tất cả mọi quan tâm, âu lo.
Đức Trinh nữ Maria cũng có tâm trạng như bao bà mẹ khác. Hằng theo con trên bước đường con rao giảng. Nhìn con mệt nhọc Mẹ muốn giơ bàn tay để săn sóc. Nhìn con vất vả với đám người đông đúc Mẹ muốn gặp để khuyên con nghỉ ngơi.
Thế nhưng đọc bài Tin Mừng hôm nay, có lẽ chúng ta thấy muộn phiền và như bị xúc phạm, hình như Chúa Giêsu vô tình trước tình mẫu tử của Đức Maria! Sự muộn phiền của chúng ta phát xuất từ cái nhìn cảm tính của con người. Đức Maria được mời gọi không chỉ làm mẹ một con người Giêsu trần thế. Nhưng là Mẹ Ngôi-Hai-Làm-Người.
Và như thế, lời tuyên bố “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”, Chúa Giêsu khẳng định vị thế của Mẹ Maria trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa, và đề cao vai trò của Mẹ trong ý định của Thiên Chúa là qui tụ mọi người về với Vương Quốc của Người, Vương Quốc qui tụ những người nghe và tin vào Lời. Mẹ Chúa Kitô chính là Mẹ Chúa Kitô toàn thể: bao gồm đầu và thân thể Người tức Giáo Hội. Giáo Hội được hình thành bởi những người nghe và tin vào Tin Mừng. Sứ vụ của Đức Kitô chính là thiết lập vương quốc này, hình thành thân thể này. Người là con của Đức Maria, nhưng trước nhất Người là con của Chúa Cha. Bởi đó trên hết mọi sự, Đức Kitô phải loan báo Vương Quốc Thiên Chúa, và qui tụ nhân loại vào trong vương quốc này, nơi đó mọi người là anh chị em với nhau, và tất cả cùng dự phần vào ơn nghĩa tử với Thiên Chúa, và cùng gọi Thiên Chúa là Cha.
Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã cho chúng con có được người mẹ tuyệt mỹ: Đức Maria, Mẹ là mẫu mực cho chúng con trong đời sống đức tin, đó là lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Cảm tạ Chúa đã qui tụ chúng con vào gia đình của Chúa, để tất cả là anh chị em với nhau. Xin cho chúng con luôn duy trì sự hiệp nhất với nhau trong tình bác ái huynh đệ, xứng đáng là con của Chúa. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay