14.09.2020 – Thứ Hai Tuần XXIV Thường niên – Suy Tôn Thánh Giá
Phải được giương cao
Lời Chúa: Ga 3, 13-17
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với ông Nicôđêmô rằng: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Ðấng từ trời xuống. Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.”
Suy niệm :
Nhiều người ngoài Kitô giáo cảm thấy sợ
khi vào nhà thờ, nhìn lên thánh giá,
thấy một người bị đóng đinh, máu chảy đầm đìa.
Tại sao lại thờ một người khủng khiếp như vậy?
Một số nơi đã đặt tượng Chúa Phục Sinh trên thánh giá.
Hẳn nhà thờ sẽ tươi hơn, ít gây sốc hơn,
mầu nhiệm phục sinh được nổi bật hơn…
Nhưng chúng ta vẫn không được quên Chúa chịu đóng đinh.
Không có cái chết ấy thì cũng chẳng có ơn cứu độ.
Không có thánh giá thì cũng chẳng có phục sinh.
Khi suy tôn thánh giá,
chúng ta không suy tôn hai thanh gỗ xếp hình chữ thập.
Chúng ta suy tôn chính Ðấng đi đóng đinh vào thánh giá.
Ngài là Ðấng vô tội, là Con Thiên Chúa làm người,
là “Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20).
Chúng ta cũng không suy tôn đau khổ và cái chết,
nhưng chúng ta suy tôn Tình Yêu:
Tình Yêu của Cha dám trao cho thế gian người Con Một,
Tình Yêu của Con dám sống hết mình cho Cha và anh em.
Ðau khổ và cái chết
là cái giá phải trả cho một tình yêu.
Tình yêu lớn nhất là tình yêu hiến mạng.
Thập giá là một thất bại của Tình Yêu.
Quà tặng của Cha bị loài người từ khước:
Người Con yêu dấu bị làm nhục và đóng đinh.
Quà tặng của Con bị loài người rẻ rúng:
Con chẳng đáng giá bằng tên sát nhân Baraba.
Thiên Chúa thất bại vì Ngài khiêm tốn.
Ngài để cho con người có tự do chối từ.
Ngài đau đớn lặng thinh khi Con Ngài hấp hối…
Nhưng thập giá lại là một thành công của Tình Yêu.
Nơi thập giá, tội ác con người lên đến cao điểm.
Cũng nơi thập giá, Tình Yêu Thiên Chúa lên đến tột cùng.
Và Tình Yêu đã thắng tội ác, sự sống thắng sự chết,
ánh sáng thắng bóng tối, tha thứ thắng hận thù.
Cha không đưa Ðức Giêsu xuống khỏi thập giá,
nhưng đưa Ngài ra khỏi nấm mồ hiu quạnh.
Thất bại của thập giá đã biến thành chiến thắng.
Thập giá trở thành Thánh Giá đem lại sự sống đời đời.
Thánh Giá đã trở nên biểu tượng của Kitô giáo.
Thánh Giá có mặt cả trên nến phục sinh.
Thánh Giá ở trên thân xác ta, mỗi lần ta làm dấu,
nhưng Thánh Giá còn ở với người Kitô hữu suốt đời:
“Ai muốn theo Tôi hãy vác thánh giá mình mà theo Tôi”.
Ðừng sợ hãi tránh né dù đau đớn xót xa.
Ðừng kéo lê, bạn sẽ thấy thánh giá nhẹ hơn và sinh trái.
Hãy hôn kính Thánh Giá của mình, của quê hương, của Giáo Hội,
dù chúng ta chẳng bao giờ hiểu hết được mầu nhiệm.
Ước gì chúng ta thấy được ý nghĩa của khổ đau
nhờ tin tưởng nhìn lên Thánh Giá Chúa Giêsu.
Cầu nguyện :
Lạy Cha, xin ban cho con điều khó hơn cả,
đó là ơn nhận ra Thánh Giá của Con Cha
trong mọi nỗi khổ đau của đời con,
và ơn bước theo Con Cha trên đường Thánh Giá,
bao lâu tuỳ ý Cha định liệu.
Xin đừng để con trở nên chua chát
nhưng được trưởng thành nhờ đón nhận đau khổ
với sự kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ
và lòng khát khao nóng bỏng
có ngày sẽ được ở nơi không còn khổ đau.
Ngày đó, Cha sẽ lau khô mọi giọt lệ
của những người đã yêu mến Cha,
đã tin vào tình yêu Cha giữa nỗi thống khổ,
tin vào ánh sáng của Cha giữa đêm đen.
Nhờ Cha, ước gì đau khổ của con
nói lên lòng tin của con
vào những lời hứa của Cha,
lòng cậy của con vào tình yêu trung tín của Cha,
và lòng mến mà con dành cho Cha.
Lạy Cha, xin cho con yêu Cha hơn yêu bản thân,
và yêu Cha chỉ vì Cha,
chứ không mong phần thưởng.
Ước gì Thánh Giá trở nên mẫu gương cho con,
là ánh sáng cho đêm tăm tối,
nhờ đó con không còn coi khổ đau
như một tai họa hay một điều vô lý,
nhưng như một dấu chỉ cho thấy
con đang thuộc về Cha mãi mãi.
(Karl Rahner)
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy”. (Ga 3,14)
Câu chuyện minh họa:
Xưa kia có một vị hoàng đế rất giàu sang và cũng rất đại lượng. Vua rộng ban vàng bạc châu báu cho tất cả những ai làm đẹp lòng vua. Thế là nịnh thần mọc lên như nấm khắp triều đình.
Các hoàng tử thì xu nịnh để được vua cha ban cho ngai vàng. Các quan trong triều đình thì xu nịnh để được thăng quan tiến chức. Ai cũng huênh hoang cho rằng mình hết lòng trung nghĩa với vua, sẵn sàng hiến mạng mình để bảo vệ nhà vua, để chết thay cho vua.
Nhà vua rất đơn sơ nên dễ tin vào những lời nịnh hót của họ và ban phát cho họ ân lộc dư dầy khiến ngân khố của triều đình cạn kiệt.
Cả triều đình chỉ có quan ngự y là người trung thành. Ông đã nhiều lần can gián vua, thuyết phục vua đừng tin bè lũ xu nịnh, nhưng vua chẳng chịu nghe.
Ngày nọ, vua lâm trọng bệnh thập tử nhất sinh, tính mạng nhà vua chỉ còn được đếm từng giờ. Quan ngự y trình với vua là bệnh vua chỉ có thể chữa lành nếu một vị hoàng tử nào đó hiến tặng trái tim mình làm thuốc cho vua.
Nghe tin nầy loan ra, các hoàng tử trong cung trốn biệt!
Khi không thể tìm được trái tim của hoàng tử làm thuốc, nhà vua hỏi quan ngự y xem có thể sử dụng tim của một người khác làm thuốc được không. Quan ngự y trả lời nếu không có trái tim của hoàng tử thì ít ra phải dùng trái tim của các vị quan lớn trong triều.
Nghe tin đó, các quan lớn rồi các quan nhỏ trong triều đều trốn biệt tăm. Túng quá, thôi thì dùng tạm trái tim của lính hầu, của công chúa cũng được. Nghe tin đó, cả công chúa, cả lính hầu, cả hàng trăm thê thiếp cũng không còn ai lai vãng trong cung điện nữa. Cung điện thường ngày huyên náo, giờ nầy vắng lặng như bãi tha ma!
Bấy giờ vua chỗi dậy, tỉnh ngộ rồi cười ra nước mắt cho nhân tình thế thái. Duyên do là quan ngự y và cũng là người trung nghĩa với vua, đã khéo dựng lên kịch bản nầy, đề nghị với vua giả vờ đau nặng, bỏ cơm bỏ cháo, để thử thách lòng người!
Cuộc đời là thế! Ai có đủ yêu thương để dám hy sinh tính mạng, dám chết thay cho người thân thiết của mình, nói chi đến việc chết thay cho kẻ thù nghịch? Vậy mà có một Đấng đã hy sinh tính mạng cho kẻ phản bội mình. Để hiểu Đấng ấy đã hy sinh như thế nào, chúng ta hãy trở lại với câu chuyện rắn đồng thời Mô-sê.
Suy niệm:
Trên trần gian này ai có đủ tình yêu thương để chết cho người thân của mình. Vậy mà Chúa Giêsu đã quá yêu thế gian, nên đã hiến mình làm của lễ đền tội cho chúng ta; hơn thế nữa, Ngài còn dùng chính cái chết để mang lại sự sống cho thế gian. Ngài đã tha thứ muôn vàn tội lỗi và tái sinh chúng ta để chúng ta được sống với Người. Khi xưa dân Do Thái đã không trung thành với Chúa, đúc bò vàng thờ lạy, nên Chúa đã cho rắn độc cắn để cảnh cáo họ. Thế nhưng, với tình yêu thương, Người đã cho ông Môsê làm con rắn đồng để ai nhìn lên nó sẽ được cứu. Đó cũng là dấu chỉ sau này Người sẽ phải chết để cứu độ chúng ta. Vì thế, chúng ta cần ăn năn sám hối về tội lỗi của mình, và cậy dựa vào lòng thương xót của Chúa, để được sống với Chúa trong ngày sau hết.
Lạy Chúa, xin cho con biết nhìn lên thập giá Chúa, để chiêm ngắm tình yêu mà Chúa đã trao ban cho nhân loại và cho chính bản thân con, để nhờ đó con biết cải thiện đời sống, hoàn thiện con người hơn để xứng đáng với tình Chúa yêu thương. Amen.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa chúng ta quay về với câu chuyện “Con rắn đồng” trong Cựu Ước để nói về chính mình. Sách Dân số kể rằng: Trong cuộc hành trình qua sa mạc, dân Israel mất kiên nhẫn. Họ kêu trách Thiên Chúa và ông Môsê rằng: “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai Cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống? Chúng tôi đã chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này” (Ds 21, 4-9). Bấy giờ, Thiên Chúa cho tai họa rắn độc đến cắn họ chết. Dân chúng ăn năn và kêu xin Thiên Chúa thương xót, nên Thiên Chúa truyền cho Môsê làm một con rắn đồng, treo lên một cây cột, để hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống.
Khi con cái Israel bị rắn cắn nhìn lên rắn đồng, họ được mời gọi không dừng lại ở con rắn đồng, mà hướng nhìn và tin vào Đấng đã truyền lệnh cho Môsê làm con rắn đồng. Nghĩa là họ phải nhận thức được là chính Chúa đã chữa lành họ chứ không phải con rắn đồng. Quyền phép chữa lành không ở nơi con rắn. Con rắn chỉ là một dấu hiệu, một biểu tượng giúp cho người ta hướng về Thiên Chúa và tin rằng Ngài là Đấng đầy quyền năng và luôn yêu thương, nâng đỡ họ. Cho dù họ có tội lỗi như thế nào đi nữa nhưng nếu họ trở về với đường lối của Thiên Chúa thì họ sẽ được chữa lành.
Con rắn đồng là hình ảnh tiên báo và tượng trưng về Chúa Giêsu: Chúa Giêsu cũng phải bị treo lên, để khi loài người hướng về Người, tin vào Người thì cũng sẽ được sống. Nếu trong Cựu Ước, khi nhìn lên rắn đồng thì con cái Israel sẽ được chữa lành khỏi nọc độc của rắn. Còn khi nhìn lên Chúa Giêsu, con người không những được chữa lành về thể xác mà còn được sự sống đời đời. Con rắn đồng giúp người ta hướng về tình yêu và lòng thương xót của Chúa. Còn Chúa Giêsu chính là Con Một của Thiên Chúa. Người là hiện thân của tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.
Thánh Gioan, qua đoạn Tin Mừng hôm nay, cho chúng ta thấy: vì yêu thương nhân thế gian, Thiên Chúa đã ban chính Con Một của mình, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Như vậy, nếu như trước kia Thiên Chúa dùng hình ảnh rắn đồng để mời gọi con cái Israel hướng nhìn về Thiên Chúa, thì nay, Thiên Chúa ban cho dân chính mình Ngài qua Người Con Một của Ngài, để qua người Con này mà dân được cứu độ. Nếu như trước đây người bị rắn cắn phải đi đến nhìn lên rắn đồng thì được khỏi, thì nay chính Thiên Chúa đến sống giữa thế gian. Ngài thổn thức trước những đau khổ của thế gian. Ngài đi tìm từng con chiên lạc, vác chiên trên vai, mang về băng bó, chữa lành vết thương.
Lễ suy tôn Thánh Giá hôm nay, chúng ta được mời gọi không phải suy tôn hai thanh gỗ vắt chéo lên nhau, nhưng suy tôn Đấng bị treo trên thập giá. Nơi thập giá, tình yêu vô cùng của Thiên Chúa được thể hiện cách trọn ven. Thế nhưng, cũng chính nơi đây tội lỗi của con người bị phơi bầy. Chính vì thế, thập giá Chúa Giêsu là nơi khởi nguồn ơn cứu độ cho những kẻ tin. Đồng thời, nơi đây cũng là bản án cho những người từ chối, không tin vào Chúa Giêsu. Bản án này không phải đến từ Thiên Chúa, nhưng là đến từ chính lựa chọn từ chối tình yêu thập giá.
Thập giá Chúa Giêsu không chỉ phơi bầy tội lỗi của con người, nhưng còn cho thấy tình yêu vô cùng của Thiên Chúa dành cho con người. Con người lãnh nhận ơn tha thứ không phải bởi vì tội lỗi của họ đang được tha thứ, nhưng là bởi tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.
Nguyện xin Chúa thương giúp mỗi người chúng con khi nhìn lên thánh giá Chúa không chỉ nhận ra tội lỗi của mình, mà còn nhận ra tình yêu vô biên mà Thiên Chúa dành cho mình. Để rồi chính tình yêu Thiên Chúa nâng đỡ và hướng dẫn chúng con trên hành trình đón nhận ơn tha thứ. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay