05.09.2020 – Thứ Bảy Tuần XXII Thường niên – Thánh Têrêsa Calcutta, nữ tu
Điều không được phép làm
Lời Chúa: Lc 6, 1-5
Vào ngày sabát, Ðức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ bứt lúa, vò trong tay mà ăn. Nhưng có mấy người Pharisêu nói: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày sabát?” Ðức Giêsu trả lời: “Các ông chưa đọc chuyện này trong Sách à? Vua Ðavít đã làm gì khi vua và thuộc hạ đói bụng? Vua vào nhà Thiên Chúa lấy bánh tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi.” Rồi Người nói: “Con Người làm chủ ngày sabát.”
Suy niệm:
“Tại sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?”
“Tại sao môn đệ ông lại không ăn chay?”
“Tại sao môn đệ ông không chịu rửa tay khi dùng bữa?”
Mấy người Pharisêu có vẻ thích đặt những câu hỏi tại sao.
Và trong bài Tin Mừng hôm nay, họ lại đặt một câu hỏi nữa:
“Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày sabát?”
Câu chuyện đơn giản như sau:
Thầy Giêsu và các trò đi ngang qua một cánh đồng lúa chín.
Các môn đệ đói nên bứt những bông lúa, vò trong tay cho vỏ tróc ra mà ăn.
Hành vi này được phép làm, dựa theo sách Đệ nhị luật (23, 26).
Nhưng vì đó là ngày sabát, nên lại không được phép làm.
Thật ra sách Xuất hành chỉ cấm gặt lúa vào ngày sabát thôi (34, 21).
Nhưng truyền thống đã dựng thêm một hàng rào bảo vệ,
bằng cách coi bứt lúa cũng là một hình thức gặt lúa.
Bởi thế các môn đệ bị coi là đã vi phạm luật giữ ngày sabát.
Thầy Giêsu lại một lần nữa bênh vực học trò của mình.
Ngài bắt đầu câu trả lời bằng việc đưa các ông Pharisêu về với Kinh Thánh.
Chẳng lẽ những người trí thức như họ mà đã không đọc chuyện này rồi sao.
Đó là chuyện vua Đavít và thuộc hạ đói bụng, đã được ăn “bánh thánh”,
khi họ đến đền thờ Nốp, gặp tư tế Akhimêléc (1 Sm 21, 2-7).
Vị tư tế này đã cho họ ăn thứ bánh đặt trước nhan Đức Chúa (Xh 25, 30)
mà chỉ tư tế mới được phép ăn (c. 4; Lv 24, 9),
khi 12 bánh cũ của tuần trước được thay bằng bánh mới vào ngày sabát.
Akhimêléc đã làm điều không được phép, vì bánh thường không còn.
Đứng trước cơn đói của Đavít, ông đã không quay đi vì nệ luật.
Đức Giêsu dùng câu chuyện này để bênh các môn đệ đang đói của Ngài,
dù nó không liên quan gì đến chuyện giữ ngày sabát.
Như tư tế Akhimêléc, Ngài cũng không quay đi vì nệ luật.
Hơn nữa, Ngài khẳng định mình là chủ ngày sabát (c. 5).
Đức Giêsu không dẹp bỏ ngày sabát, nhưng đặt nó ở dưới quyền của Ngài.
Chính Ngài cho ta biết cách giữ ngày sabát theo đúng ý Thiên Chúa.
Tội nghiệp các môn đệ bị đói, vì họ đã bỏ mọi sự mà theo Thầy Giêsu.
Họ chấp nhận bữa đói bữa no với một vị Thầy lang thang đây đó,
sống hoàn toàn nhờ lòng tốt của người nghe.
Mấy bông lúa có là gì để tránh cái cồn cào trong ruột.
Thầy Giêsu đã từng nếm cái đói, và thèm một trái vả (Mc 11, 13).
Thầy đã từng khát và xin nước của người phụ nữ (Ga 4, 7).
Bởi đó Thầy hiểu được cái đói khát hành hạ con người mọi thời.
Mọi luật lệ được đặt ra để phục vụ con người và thăng tiến nó.
Đôi khi chúng ta phải nhìn lại những luật đã quen giữ từ lâu
để điều chỉnh lại cho phù hợp với những nhu cầu mới của con người.
Làm sao để luật không đè bẹp, nhưng nâng đỡ con người sống tốt hơn?
Làm sao để khi áp dụng luật, tôi vẫn giữ được sự mềm mại của tình yêu?
Cầu nguyện :
Lạy Chúa,
con được no nê mà vẫn thiếu ăn,
vì bên con còn có người đói lả.
Con uống nước mát mà họng vẫn khô ran,
vì bên con còn có người đang khát.
Con vui cười mà nước mắt tuôn rơi,
vì bên con còn có người phiền muộn.
Con sáng mắt mà vẫn ở trong bóng đêm,
vì bên con còn có người mù tối.
Con mặc áo đẹp mà vẫn rách tả tơi,
vì bên con còn có người trần trụi.
Con nằm trong nệm êm mà vẫn thao thức,
vì bên con còn có bao người thiếu thốn.
(Myrtle Householder)
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát” (Lc 6,1-5)
Câu chuyện minh hoạ:
Có người kia lúc sinh thời rất tự hào về đời sống luân lý, liêm sỉ, chính trực của mình. Rồi một hôm ông bị bệnh nặng và qua đời, linh hồn ông bay thẳng đến trước cửa Thiên đàng và xin được trình diện trước tòa Chúa.
Tới nơi ông phủ phục và thưa: “Lạy Chúa, Chúa quá biết rõ đời con, suốt đời con luôn trung thành tuân giữ luật Chúa, không hề bỏ sót hoặc lỗi phạm điều gì bất lương bất chính cả. Này đây con xin Chúa thương nhìn xem bàn tay trong trắng của con”.
Thiên Chúa nhân từ nhìn ông và nói: “Con ơi, con nói đúng, hai bàn tay con trong sạch, không vướng mắc tội gì cả. Nhưng đáng tiếc con chỉ có hai bàn tay trắng, không chút việc lành phúc đức nào cả”.
Suy niệm:
Tin Mừng thánh Luca thuật lại việc tranh luận của người Pharisêu với Chúa Giêsu về luật ngày Sabat. Ta thấy có hai quan niệm khác nhau về cách thức giữ luật:
Đối với người Pharisêu, họ chỉ biết giữ luật nghỉ ngơi ngày Sabát. Nên khi họ thấy các môn đệ của Chúa Giêsu bứt lúa trong ngày này thì họ lên án.
Đối với Chúa Giêsu hiểu luật Sabát là nhằm giải phóng con người, nên trách người Pharisêu giữ luật cách hình thức bên ngoài mà thiếu đi ý nghĩa bên trong của luật, đó là vì tình yêu.
Thật thế, “con người làm chủ ngày Sabát” (Lc 6,5). Hay nói đúng hơn, lề luật vì con người chứ con người không vì lề luật. Đó là ý nghĩa luật pháp mà Chúa Giêsu muốn cho người Pharisêu hiểu và sống đúng với tinh thần ấy.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con có lòng yêu mến Chúa thật sự, để chúng con giữ luật Chúa không chỉ vì luật mà vì lòng mến Chúa và tha nhân. Amen.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
Ngày 02/8/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Thái Bình đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp với một bác sĩ Phó Khoa sản của Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư để điều tra về hành vi đầu độc cháu nội mới bảy tháng tuổi bị bại não bẩm sinh. Nghề bác sĩ được mệnh danh “lương y như từ mẫu”, nhưng thay vì cứu người, bà lại có hành động tự cho mình quyền trên sự sống người khác, nhất là với suy nghĩ theo chủ thuyết ưu sinh.
Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tố cáo việc người biệt phái quá cứng nhắc về Luật Do Thái; đồng thời, nhắc nhở việc cần phải sống thông điệp yêu thương. Người biệt phái, hay còn được gọi là Pharisêu, quá tự cao về việc được mệnh danh là người sống giữ luật tốt, xem mình là người tinh tuyền, để rồi loại trừ những gì họ xem là trái luật, không tinh sạch. Kể cả hành động bứt bông lúa trổ đồng đồng để ngậm cho đỡ đói cũng bị họ xăm soi phạm luật vì cho rằng đang làm công việc nặng nhọc của nghề nông trong ngày Sabat.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu dẫn chứng trong Cựu Ước, mà người Pharisêu quá rõ, việc Đavíd vượt qua cơn đói thế nào. Đứng trước cơn đói lả của David và các thuộc hạ, tư tế Akhimêléc đã lấy bánh tiến, loại bánh được làm từ bột, mười hai ổ bánh tiến được lọc đến mười một lần, đặt trên một cái khay bằng vàng ròng, chỉ có các thầy tế lễ mới được ăn sau khi thay bánh mới, cho thấy sự thánh thiêng của loại bánh đặt trước nhan Đức Chúa. Vị tư tế đã cho họ ăn thứ bánh tiến thánh thiêng ấy, dù biết rõ rằng họ không được phép.
Điều này muốn nói lên rằng, mạng sống con người quý hơn những thứ khác gấp ngàn lần. Và luật đặt ra là vì con người, phục vụ cho con người. Tính nhân đạo và nhân văn phải trên hết mọi luật lệ. Nhưng nhiều khi người ta sống quá nệ luật. Đã có nhiều lúc, xã hội xem nhẹ mạng sống, thậm chí sẵn sàng tước đoạt mạng sống của người khác, kể cả một thai nhi, một người bệnh lâu năm, một người tật nguyền chỉ vì một lợi ích mà người ta cho là lớn hơn. Không, luật trên hết là luật về sự sống, vì sự sống con người do Thiên Chúa ban cho. Sự sống thân xác cũng quan trọng không kém vì thân xác trần thế này là nơi mà chúng ta xây dựng cho mình con đường lên trời để hưởng sự sống đời đời với nhân đức yêu thương.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn nhận ra từng suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng con phải dẫn đến nhân đức yêu thương, vì Thiên Chúa là tình yêu. Xin giúp chúng con đừng bao giờ quên sót yêu thương bất cứ ai, do bởi mỗi người Chúa gởi đến đều là thông điệp yêu thương mà Chúa muốn chúng con sống. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay