15.08.2020 – Thứ Bảy Tuần XIX Thường niên – Đức Mẹ Lên Trời
Em thật có phúc
Lời Chúa: Lc 1, 39-56
Hồi ấy, bà Maria lên đường vội vã, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét. Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được trần đầy Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được phúc này là Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi như vậy? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”Bấy giờ bà Maria nói:
“Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa,
thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
Danh Người thật chí thánh chí tôn!
Ðời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
Chúa độ trì Israel, tôi tớ của Người,
như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Ápraham
và cho con cháu đến muôn đời.
Bà Maria ở lại với bà Êlisabét độ ba tháng, rồi trở về nhà.
Suy niệm :
Trong ngày mừng lễ Đức Maria được đưa lên trời cả hồn lẫn xác,
phụng vụ lại cho chúng ta chiêm ngắm một Đức Maria trong đời thường.
Lúc ấy Mẹ là một cô thiếu nữ, vượt đoạn đường dài hơn 100 cây số,
đi từ Galilê lên Giuđê, để thăm bà chị họ cao niên đang mang thai.
Bầu khí gặp gỡ là bầu khí của niềm vui.
Maria là người cất tiếng chào trước.
Tiếng chào ấy đã làm thai nhi Gioan nhảy mừng trong lòng mẹ (c. 44)
và làm bà Êlisabét ngỡ ngàng chúc tụng tán dương (cc. 42-45).
Maria cũng hân hoan cất lời ngợi khen Thiên Chúa (cc. 46-47).
Bầu khí gặp gỡ là bầu khí của Thánh Thần.
Maria đầy Thánh Thần từ khi cưu mang Đức Giêsu (Lc 1, 35).
Êlisabét đầy Thánh Thần từ khi nghe Maria chào (Lc 1, 41).
Nhờ Thánh Thần, bà Êlisabét đã khám phá ra bí mật của cô em.
Cô có phúc hơn mọi phụ nữ, vì cưu mang người Con tuyệt vời (c. 42).
Cô còn có phúc vì dám tin điều Thiên Chúa nói (c. 45).
Chính Mẹ cũng nhận mình là người diễm phúc vì được muôn hồng ân (c. 48).
Đem Đức Giêsu đến nhà, thăm viếng, chào hỏi, ở lại, phục vụ:
đó là những điều Mẹ Maria đã làm cho bà chị họ ngày xưa,
và vẫn còn làm cho chúng ta hôm nay trên trời.
Mẹ được tôn vinh không phải để xa cách, mà để gần gũi với con người.
Đấng tự xưng là nữ tỳ của Chúa thì đã sống như nữ tỳ của nhân loại.
Lễ Đức Mẹ được đưa lên trời cả hồn lẫn xác, nhắc chúng ta nhiều điều.
Lễ này nhắc chúng ta về thế giới của Thiên Chúa, về quê hương vĩnh cửu.
Chúng ta dễ bị hút xuống thế giới này, với vẻ đẹp và nỗi khốn cùng của nó.
Chúng ta loay hoay giải quyết không xong những vấn đề của trái đất,
vì quên nhìn nó từ trên cao và hướng nó về trời cao.
Lễ này cũng nhắc chúng ta về giá trị cao quý của thân xác.
Thân xác đi với ta suốt cả cuộc đời, chịu gian khổ và được tôn vinh với ta.
Chẳng thân xác nào gần Đức Giêsu bằng thân xác của Mẹ.
“Phúc cho người phụ nữ đã cưu mang Thầy và cho Thầy bú mớm.”
Tay Mẹ đã bồng ẵm Con từ Bêlem, qua Ai Cập, lên Đền thờ.
Tay Mẹ cũng đã ôm xác Con mình, được đưa xuống từ thập tự giá.
Mẹ sống bên Giêsu gấp mười lần thời gian các tông đồ sống bên Ngài.
“Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó” (Ga 12, 26).
Hơn ai hết Mẹ là người đã gắn bó phục vụ Đức Giêsu bằng cả cuộc đời.
Hơn ai hết Mẹ xứng đáng được ở bên Con cả hồn lẫn xác.
Lễ Mẹ Lên Trời là lễ của niềm hy vọng cho cả nhân loại.
Người Kitô hữu thêm xác tín về nơi mình sẽ đến.
Mẹ là người được hưởng trước những gì chúng ta sẽ được hưởng.
Dù cuộc đời người theo Chúa lắm gian truân và hy sinh,
nhưng kết thúc lại rất tươi và có hậu.
Lễ Mẹ Lên Trời, chỉ xin được yêu mến những sự bền vững trên trời,
và bớt bị mê hoặc bởi những điều chóng qua dưới đất.
Cầu nguyện :
Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.
Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.
Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.
Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”. (Lc 1,45)
Câu chuyện minh hoạ:
Truyện kể về một người mẹ nhà quê, nghèo nàn. Cuộc đời cơ cực với cảnh mẹ goá con côi. Cuộc sống bữa no bữa đói, khiến bà lo sợ cho tương lai của đứa con. Bà đã chấp nhận gửi con cho một gia đình giầu có trong làng, và rồi bà tình nguyện ở bên đứa trẻ để chăm sóc nó với tư cách là một vú nuôi. Năm tháng trôi qua, khi bà đã già yếu, và đứa con do tay bà chăm sóc đã thành danh giữa đời. Bà nghĩ rằng đã tới lúc nói cho con biết sự thật về nguồn gốc của nó, và chắc chắn nó sẽ vui mừng lắm, vì có một người mẹ đã quên cả bản thân mình để lo cho con. Bà nghĩ rằng, lúc đó những giọt nước mắt sung sướng của hai mẹ con nhận ra nhau sẽ dạt dào lắm! Nhưng tiếc thay, điều đó đã không xảy ra! Đứa con không chấp nhận sự thật ấy. Nó đã xua đuổi bà. Nó không dám nhận bà là mẹ. Nó sợ điều này sẽ ảnh hưởng đến công danh sự nghiệp nó ở đời. Thay cho những giọt nước mắt sung sướng là những giọt nước mắt tủi nhục đắng cay. Bà đã thốt lên trong tiếng nấc nghẹn ngào: “Con ơi! Ngày con còn bé, mẹ cho con một cục kẹo, con đã theo mẹ cả ngày, bây giờ mẹ cho con cả cuộc đời, sao con nỡ lòng xua đuổi mẹ hở con?”.
Suy niệm:
Tình thương của chúng ta đối với Chúa đôi khi cũng giống như người con trong câu chuyện trên đây. Chúa luôn dang rộng vòng tay chờ đợi và mong chúng ta trở về, nhưng chúng ta lại xa lìa vòng tay ấy. Lòng tin của chúng ta chỉ đặt nơi Chúa khi Chúa nhận lời mà thôi, chứ chúng ta không đặt niềm tin trọn vẹn vào Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào. Mẹ Maria đã đặt vào Chúa cả cuộc đời Mẹ, dù trong lúc nguy khó nhất, và Chúa đã không để Mẹ phải thất vọng bao giờ: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều cao cả…”
Lạy Chúa, chúng con là những con người lòng tin còn yếu kém, xin Ngài củng cố lòng tin nơi mỗi người chúng con, để trong mọi hoàn cảnh chúng con luôn tín tác vào Chúa, như Mẹ đã xin vâng ý Chúa trong từng phút giây của cuộc đời.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
Lên trời cả hồn xác là một đặc ân mà Thiên Chúa dàng cho Đức Mẹ. Mặc dù mãi tới ngày 01 tháng 11 năm 1950, Đức Giáo hoàng Piô XII mới công bố tín điều Đức Maria hồn xác lên trời, thế nhưng ngay từ những buổi đầu Giáo Hội đã sống niềm tin này. Điều này được thể hiện qua dòng lịch sử tên gọi của lễ này.
Theo dòng lịch sử lễ này được gọi bằng nhiều tên khác nhau: lễ Đức Mẹ Ngủ, lễ Đức Mẹ Chấm Dứt Cuộc Sống Ở Trần Gian, lễ Đức Mẹ Vượt Qua, lễ Đức Mẹ Mông Triệu (tức là lễ mừng Đức Mẹ được Thiên Chúa đưa về trời), và cuối cùng là lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Nhưng dù được gọi bằng tên gì thì cũng diễn tả một niềm tin Mẹ Maria không chết, Mẹ Maria không chết theo cái nghĩa bình thường, Mẹ Maria được đưa về trời. Niềm tin này không phải là một suy diễn vô căn cứ. Nhưng niềm tin này được suy tư và rút ra từ chính nền tảng Kinh Thánh.
Thánh Giêmanô Contantinô khi suy tư về đặc ân Đức Mẹ được đưa về trời cả hồn xác đã xác tín hùng hồn như sau: “Nếu thân xác Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, không bị hư hoại và được đưa về trời, thì điều đó không những xứng hợp với thiên chức làm mẹ Thiên Chúa, mà còn xứng hợp với thân xác đồng trinh rất thánh của Mẹ nữa.
Một tác giả cổ thời quả quyết: “Vì Đức Maria là Mẹ hiển vinh của Đức Kitô, mà Đức Kitô chính là Thiên Chúa, là Đấng cứu độ chúng ta, Đấng ban sự sống và sự trường sinh bất tử, nên Mẹ phải được Đức Kitô làm cho sống và cho thân xác Mẹ được nên giống như thân xác Người, nghĩa là không bao giờ bị hư hoại. Chính Người là Đấng đã cho Mẹ được trỗi dậy, ra khỏi mồ và là Đấng đã đưa Mẹ lên với Người, bằng cách nào thì chỉ một mình Người biết”.
Thánh Phaolô cũng chia sẻ niềm tin này qua thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô, ngài nói: Đức Kitô đã sống lại và Người cũng cho những kẻ liên đới với Người, kẻ thuộc về Người cũng được sống lại như Người (x. 1Cr 15, 20-23). Mà nói đến liên đới, nói đến thuộc về Đức Kitô, thì không ai có thể sánh được với Đức Maria: Đức Maria không chỉ gắn bó với Đức Kitô về thể xác theo nghĩa Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu; nhưng Mẹ còn đặt cả cuộc sống của mình trong ý định của Thiên Chúa. Qua lời “xin vâng”, Mẹ đã cưu mang Chúa vào trong lòng dạ của mình, Mẹ đã bồng ẵm Chúa Giêsu trốn sang Ai Cập, Mẹ hằng ghi nhớ tất cả rồi suy đi nghĩ lại trong lòng. Ngay cả khi đứng dưới chân thập giá, Mẹ đã liên đới với Chúa Giêsu với tất cả những đau khổ của con người, và làm theo ý Chúa Giêsu đón nhận Giáo Hội làm con của Mẹ mà Gioan là đại điện.
Hành trình về trời là hành trình liên đới với Đức Kitô, là hành trình để cho mình thuộc về Đức Kitô. Thế nhưng, nhiều khi vì các nhu cầu của cuộc sống mà nhiều người chúng ta để cho mình gắn chặt với những đòi hỏi của đời sống vật chất mà quên đi mối liên đới với Chúa.
Trong ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời hôm nay, xin Chúa cho chúng ta nhận ra được hành trình về trời là hành trình liên đới với Đức Kitô, là hành trình để cho mình thuộc về Đức Kitô, để rồi chúng ta biết theo gương Đức Mẹ dấn thân vào hành trình này qua việc đặt cuộc sống của mình dưới sự hướng dẫn của Lời Chúa, của các giá trị Tin Mừng. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay