12.08.2020 – Thứ Tư Tuần XIX Thường niên
Sửa lỗi người anh em
Lời Chúa: Mt 18, 15-20
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi là người anh em mình. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế. Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy. Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”
Suy niệm :
Trong Giáo hội ngay từ thuở ban đầu, đã có những người sai lỗi.
Nếu đó chỉ là những sai lỗi nhỏ giữa các cá nhân trong cộng đoàn
thì cần tha thứ cho nhau (Lc 17, 3-4).
Nhưng nếu đó là những sai lỗi nghiêm trọng đụng chạm đến cộng đoàn,
vô tình hay cố ý sống ngược với giáo huấn căn bản của Đức Giêsu,
thì cộng đoàn không thể nhắm mắt làm ngơ
mà không sửa sai cho người anh em phạm lỗi.
Bài Tin Mừng hôm nay phản ánh cách sửa lỗi trong cộng đoàn thánh Mátthêu.
Người phạm lỗi nặng ở đây vẫn được gọi là người anh em (c. 15).
Tiến trình sửa sai huynh đệ này diễn ra từ từ, từng bước một.
Bước này thất bại mới chuyển qua bước kế tiếp.
Bước một là cuộc gặp gỡ kín đáo giữa người sửa lỗi và người phạm lỗi.
Mục đích là để giúp người phạm lỗi biết lắng nghe lời góp ý chân tình,
nhận ra lỗi của mình và thay đổi cuộc sống cho phù hợp.
Bước hai diễn ra khi bước một thất bại, khi người phạm lỗi không chịu nghe.
Người sửa lỗi sẽ đem theo hai, ba người nữa để tăng sức thuyết phục.
Nếu người phạm lỗi vẫn khăng khăng không nghe,
thì bước kế tiếp là phải đưa chuyện này ra trước Giáo hội địa phương (c. 17).
Bước cuối cùng chỉ xảy ra khi người anh em ấy vẫn ngoan cố,
không muốn nghe tiếng nói của cộng đoàn Giáo hội,
nghĩa là tự đặt mình ra ngoài sự hiệp thông với cộng đoàn tín hữu,
thì Giáo hội đành lòng không nhận anh ấy như phần tử của Giáo hội nữa.
Có thể ngày nay Giáo hội có những cách sửa lỗi khác,
nhưng những nét dưới đây vẫn giữ nguyên giá trị:
coi người phạm lỗi như anh em và không muốn mất người ấy,
kiên trì đối thoại, cố gắng để người anh em ấy nghe ra và nhận lỗi,
kín đáo giữ thanh danh cho người ấy, đi từng bước trước khi quyết định.
Ngay cả khi Giáo hội đã đưa ra quyết định cuối cùng,
thì việc trở lại với cộng đoàn vẫn luôn mở ngỏ, nếu người ấy muốn làm hòa.
Đức Giêsu phục sinh đã cho Giáo hội dưới quyền thánh Phêrô
được quyền tháo cởi và ràng buộc (Mt 16, 19b; Ga 20, 23)
khi phải đưa ra các quyết định về những phần tử của mình (c. 18).
Sự hiện diện của những nhóm nhỏ trong cộng đoàn là điều có từ xưa.
Tuy nhóm chỉ có hai người, nhưng nếu họ đồng lòng xin một ơn nào đó,
thì Cha trên trời sẽ ban cho (c. 19).
Có nhóm hai hay ba người hội họp với nhau nhân danh Đức Giêsu,
thì Ngài có mặt ở trong cuộc gặp gỡ đó, và Ngài ở giữa họ (c. 20).
Đức Giêsu là Đấng Emmanuen, là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Mt 1, 23).
Đức Giêsu phục sinh cũng hứa ở với các môn đệ cho đến tận thế (Mt 28, 20).
Chính vì thế Ngài hiện diện một cách kín đáo, thầm lặng
nơi những cuộc hội họp nhỏ bé nhất giữa các tín hữu.
Thiên Chúa đã đi với dân Ngài trong hoang địa.
Hôm nay Chúa Giêsu vẫn đồng hành với chúng ta khi ta để cho Ngài quy tụ.
Ngài vẫn hiện diện ở nơi nhóm bạn có chung một niềm tin và tình yêu.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
cuộc đời chúng con diễn ra quanh những chiếc bàn,
làm bằng những chất liệu khác nhau,
kiểu dáng khác nhau, đặt ở những chỗ khác nhau.
Nơi bàn học,
Ngài mở trí tuệ chúng con
trước những chân trời mới,
và dạy chúng con học đạo làm người.
Nơi bàn ăn,
Ngài nuôi dưỡng thân xác chúng con
để chúng con có sức phục vụ tha nhân.
Nơi bàn làm việc,
Ngài cho chúng con được cộng tác với Ngài
trong việc xây dựng thế giới đại đồng huynh đệ.
Nơi bàn thờ,
Ngài cho chúng con được hiệp thông với Ngài,
và hiệp nhất với nhau qua một tấm bánh thánh.
Lạy Chúa,
giờ đây chúng con ngồi quanh chiếc bàn này,
để gặp gỡ, chia sẻ, để bàn bạc, thảo luận,
để cùng nhau tìm ý Chúa và đem ra thực hành.
Xin thánh hóa những chiếc bàn chúng con sử dụng
để tất cả trở nên con đường
đưa chúng con đến hưởng bàn tiệc thiên quốc. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em” (Mt 18,15)
Câu chuyện minh họa:
Đây là thảm kịch của một gia đình.
Vào một buổi chiều nọ, khi vừa mới đi làm về, người chồng đã nồ súng hạ sát người vợ, rồi bắn luôn đứa con trai út đang loanh quanh bên mẹ nó. Sau cùng anh quay họng súng vào đầu anh, nảy cò súng, tự sát.
Hai vợ chồng trên đây chết đi, để lại 5 đứa con. Đứa lớn nhất mới 15 tuổi.
Trước sự kiện thương tâm này, bà con láng giềng của gia đình xấu số kia, đã hết sức bàng hoàng. Người ta không biết rõ được vì lý do đã xảy ra cảnh tượng hãi hùng kia. Nhưng qua cuộc sống của đôi vợ chồng này, với cảnh cãi cọ, đôi co thường xuyên, người ta đã đi đến kết luận này là, đây chỉ là màn kết thúc của một tấn bi kịch mà người ta không biết rõ nó đã khởi sự từ lúc nào trong gia đình kia.
Chắc chắn là những cuộc đôi co, cãi vã giữa hai vợ chồng kia trước đó đã là những giọt nước rót vào một cái ly và cho đến giờ này, lúc mà tiếng súng chát chúa kia nồ vang chính là lúc mà ly nước kia đã tràn đầy.
Ngoài sự bàng hoàng trước cảnh thương tâm trên đây, bạn bè và những người xóm giềng của gia đình kia, hẳn không khỏi bị lương tâm cắn rứt, vì đã quá rụt rè, không dám đứng ra đóng vai trung gian hoà giải cho đôi vợ chồng đáng thương kia, trước đó.
Suy niệm:
Sửa lỗi người khác đòi hỏi chúng ta phải can đảm, kiên nhẫn, khiêm tốn và thời gian. Can đảm để nói lên sự thật và đón nhận sự thật. Kiên nhẫn để theo dõi việc sửa lỗi vì để thay đổi tính xấu cần có thời gian… Bên cạnh đó, việc sửa lỗi cho nhau cần đặt trên nền tảng của đức ái, vì thế cần có người để khuyên nhủ trong tình huynh đệ, để họ cảm thấy được cảm thông, trước khi đưa người có lỗi ra trước cộng đoàn. Và khi đến mức phải sửa dạy trước cộng đoàn thì những người có trách nhiệm cũng cần khuyên bảo người này trong tình bác ái để họ quay về mà hối cải.
Tuy nhiên, trong việc sửa lỗi, Chúa Giêsu cũng nhấn mạnh đến việc cầu nguyện chung cho nhau, vì nhờ sức mạnh của nhiều người lời cầu nguyện trở nên hiệu nghiệm hơn. Điều đó cũng nói lên tinh thần hiệp thông, và hiệp nhất trong cộng đoàn.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sửa lỗi nhau và chấp nhận nhau trong tình bác ái, vì ai cũng hơn một lần sai lỗi, nhưng hơn hết, chúng con biết giúp nhau hoàn thiện hơn mỗi ngày.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
Tha thứ là một chủ đề lớn của Tin Mừng. Nhập thể cũng là để tha thứ; và thập giá cũng là để tha thứ. Phần cuối của Tin Mừng hôm qua (Mt 10, 12-14) đã cho chúng ta thấy điều đó. Con người chúng ta thì ưu tiên gìn giữ 99 con chiên còn nguyên vẹn, sẵn sàng đánh mất con chiên lạc. Vì giá trị vật chất của một con chiên kia chẳng bằng 99 con còn lại được. Thế mà tư duy tình thương và độ lượng của Chúa lại khác hoàn toàn với lối nghĩ trên. Chúa thì sẵn sàng đi tìm kiếm con chiên bị mất, vì Chúa không muốn mất một ai, không để cho con chiên lạc ấy phải chết, nên phải tìm cho bằng được, có chết cũng mang nó về.
Liên kết với Tin Mừng hôm nay về việc sửa lỗi, về ơn tha thứ cách vô biên, đến đổi mà trên trời cũng phải cởi mở, cho thấy nơi trái tim của Chúa, trong sâu thẳm cung lòng của Người chỉ có yêu thương và tha thứ. Chúng ta là con người, cả trong yêu thương, dù muốn yêu một cách vô hạn, nhưng vốn dĩ chúng ta đã có giới hạn. Vì thế mà dù muốn yêu cách nhưng không, thì cũng tha thứ cách nhưng không là điều khó quá sức của chúng ta. Lỗi lầm, khiếm khuyết, và hệ luỵ của tội lỗi khiến chúng ta trở thành thụ tạo đáng thương. Điều này đáng lẽ chúng ta phải nhận thấy để dễ cảm thông, để dễ đón nhận nhau. Đằng này ngược lại, chúng ta thường phán xét cách chi li và để ý những lầm lỗi của nhau. Thay vì sửa lỗi thì chúng ta lên án, thay vì cảm thông với anh chị em thì chúng ta bêu riếu lỗi lầm của người khác để đánh bóng sự sang trọng nhân đức của chúng ta. Tiêu chuẩn sửa lỗi của Chúa Giêsu đưa ra nhằm giúp cho cộng đoàn chúng ta thăng tiến trong cái nhìn bao dung của Chúa. Trừ khi nào con người chúng ta hoàn toàn cự tuyệt với cộng đoàn, dứt khoát với ơn tha thứ của Chúa thì không cần phải nói đến. Những kẻ ấy đã đến bên ngoài biên độ của tự do để hoàn toàn phóng túng trong mê lầm.
Một con chiên lạc Chúa còn đi tìm, thì một người tội lỗi làm sao Chúa bỏ rơi. Chúa kêu mời chúng ta vì nhau mà sửa lỗi, vì yêu thương mà sửa cho nhau. Và cần đến lời cầu xin để tha thứ, cần tới Chúa để chúng ta nghĩ về nhau.
Chúa không muốn để mất một người nào. Và vì thế, Chúa tha thứ cho chúng ta. Người cũng kêu gọi nơi chúng ta lòng cậy trông mà kêu xin Chúa, dù có khi chúng ta cảm thấy bất lực, nhưng với ơn của Người, người ta có thể được cải hoá qua lời cầu xin của chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa thật rộng lượng với chúng con, Chúa tha thứ cho chúng con mọi tội lỗi. Xin cho chúng con hằng cậy trông và tình thương vô biên của Chúa mà đừng nản lòng thất vọng về bất cứ điều gì. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay