04.08.2020 – Thứ Ba Tuần XVIII Thường niên – Thánh Gioan Maria Vianney, linh mục
Hãy nghe và hiểu
Lời Chúa:
Mt 15, 1-2. 10-14
“Cây nào Cha Ta không trồng thì sẽ bị nhổ đi”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy có những luật sĩ và biệt phái từ Giêrusalem đến gặp Chúa Giêsu mà nói: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân? Vì họ không rửa tay khi dùng bữa”.
Và Người gọi dân chúng lại mà bảo: “Các ngươi hãy nghe và hãy hiểu lấy: Không phải cái gì vào trong miệng mà làm cho người ta ra dơ nhớp đâu, nhưng cái từ miệng phát xuất ra cái đó mới làm cho người ta ra dơ nhớp”.
Bấy giờ các môn đệ của Người tiến lại thưa với Người rằng: “Thầy có biết các người biệt phái lấy làm chướng tai khi nghe Thầy nói lời đó không?” Người đáp lại rằng: “Tất cả cây nào Cha Ta trên trời đã không trồng, thì sẽ bị nhổ đi. Các con hãy để mặc chúng: chúng là những người mù dẫn dắt những người mù. Mù mà dẫn mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố”.
Suy niệm :
Thế giới hôm nay bị trái tim và miệng lưỡi con người làm nó ô uế. Kitô hữu được sai vào thế giới để giúp nó trở lại sự trong sạch nguyên thủy.
Do Thái giáo coi trọng những nghi thức thanh tẩy bằng nước.
Aharon và các tư tế con của ông, trước khi tiến đến bàn thờ để dâng lễ,
phải rửa tay chân bằng nước đựng trong một cái vạc đồng.
“Họ sẽ tẩy rửa tay chân để khỏi phải chết. Đó là điều luật vĩnh viễn
cho Aharon và dòng dõi ông qua muôn thế hệ” (Xh 30, 20-21).
Khi khám phá ra những di tích ở Qumran, phía tây bắc Biển Chết,
người ta thấy có nhiều hồ tắm (mikvah) được đào dưới lớp đất sét giữ nước.
Cộng đoàn những người sống ở đây coi việc tắm rửa hằng ngày tại hồ
như một nghi thức thanh tẩy không thể thiếu trong cuộc sống của họ.
Bài Tin Mừng hôm nay bàn đến chuyện thanh tẩy trước khi ăn.
Nhóm Pharisêu trách Đức Giêsu vì môn đệ Ngài không rửa tay khi dùng bữa.
Thật ra trong Kinh Thánh Cựu Ước chẳng có luật nào dạy như vậy.
Người Pharisêu đã dựa trên một truyền thống truyền khẩu có từ thời ông Môsê.
Họ coi truyền thống tiền nhân này cũng ràng buộc chẳng khác nào Kinh Thánh.
Đức Giêsu nặng lời vì họ đặt truyền thống của mình lên trên Lời Chúa (cc. 3-9).
Khi để ý chi li những điều bên ngoài để giữ cho mình khỏi bị ô uế,
họ xao lãng việc để ý đến cái ô uế bên trong con người.
Khi nói với đám đông, Đức Giêsu nhắc họ hãy nghe và hiểu cho rõ (c. 10).
“Không phải cái vào trong miệng làm ô uế con người,
Nhưng cái ra từ miệng, cái đó mới làm con người ô uế” (c. 11).
Cái ra từ miệng lại là cái trào ra tự nhiên từ trái tim, từ cái tâm.
“Lòng có đầy thì miệng mới nói ra” (Mt 12, 34).
“Cái ra từ miệng là cái đến từ tim, chính cái ấy làm con người ô uế ” (c. 18).
Đức Giêsu mời chúng ta để ý hơn đến sự ô uế trong lời nói,
từ đó khám phá ra cái tâm ô uế của mình.
Thanh tẩy lời nói và cái tâm thì quan trọng hơn và khó hơn rửa tay.
Trong thánh lễ, vị linh mục rửa tay trước khi đọc Kinh Nguyện Thánh Thể.
Ngày nay, khi cử hành lễ Vượt Qua, người Do Thái có nghi thức rửa tay (rachaz).
Lúc rửa tay, họ cầu nguyện: “ Lạy Chúa, chúc tụng Chúa là Vua vũ trụ,
là Đấng đã thánh hóa chúng con bằng các điều răn
và đã ra lệnh cho chúng con tuân giữ luật rửa tay.”
Tôn giáo nào cũng cần có những nghi lễ, luật lệ, truyền thống, phụng tự.
Làm thế nào để tất cả những điều ấy không chỉ ngừng lại ở bên ngoài
nhưng là những phương thế giúp con người thay đổi nội tâm cách sâu xa?
Thế giới hôm nay bị trái tim và miệng lưỡi con người làm nó ô uế.
Kitô hữu được sai vào thế giới để giúp nó trở lại sự trong sạch nguyên thủy.
Có cách nào thanh tẩy được thế giới tôi đang sống không?
Cầu nguyện:
Như đóa sen trong đầm lầy,
xin giữ tâm hồn con thanh khiết.
Giữa một thế giới đầy hình ảnh vẩn đục,
xin gìn giữ mắt con.
Giữa một thế giới tôn thờ khoái lạc,
xin dạy con biết trân trọng thân xác.
Giữa một thế giới bị ám ảnh bởi tình dục,
xin thanh lọc trí tưởng tượng của con.
Xin nâng con lên cao
vượt qua những thèm muốn chiếm đoạt,
để biết tự hiến trong yêu thương.
Xin đừng để con phung phí sức lực
vào những chuyện tình cảm chóng qua,
nhưng giúp con tự rèn luyện mình
để gánh vác cuộc sống Chúa mời gọi.
Như đóa sen trong đầm lầy,
xin giữ thân xác con thanh khiết.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa”. (Mt 15,2)
Câu chuyện minh họa:
A-rit-tit là một tướng lãnh và chính trị gia nổi tiếng của Hy Lạp vào thế kỷ thứ V trước công nguyên. Ông thanh liêm tới nỗi dân chúng đã tặng ông biệt hiệu “A-rit-tit người công chính”.
Nhưng càng được người đời khen ông lại càng có nhiều kẻ thù. Và các đối thủ của ông đã cấu kết với nhau để kết án ông 10 năm lưu đày.
Có một thị dan không biết chữ, vừa khi thấy A-rit-tit đứng ở một góc phố mà chẳng biết đó là chính kẻ mới bị kết án, người ấy bèn nhờ ông viết tên A-rit-tit vào vỏ sò.
Sau khi đã viết xong và trao vỏ sò cho người ấy, A-rit-tit mới hỏi:
– Tại sao, ông viết phiếu ủng hộ việc bắt A-rit-tit đi đầy.
Người ấy trả lời:
– Tại sao ư? Bởi vì tôi không thể nào chịu được khi nghe thiên hạ cứ gọi ông ta là người công chính, thế thôi.
Không chịu được sự hiện diện của người công chính có thể là vì ghen tương mà cũng có thể là tại không muốn cải thiện cuộc đời.
Suy niệm:
Chúa Giêsu không đến để hủy bỏ lề luật nhưng Ngài đến để kiện toàn và làm cho luật trở nên sống động hơn bởi nó mang tính chất của tình yêu. Chúa Giêsu vẫn xác nhận việc giữ luật ngày Sabat nhưng phải vượt lên trên những quy luật cứng ngắt, luật vì con người chứ không phải con người vì luật. Ngài muốn mang tình thương và giải thoát con người khỏi ràng buộc của tội lỗi hơn là vì giữ luật mà quên đi tình người.
Thánh Gioan Maria Vianney đã sống ơn gọi linh mục cách triệt để theo lời mời gọi của Chúa. Ngài đã họa lại lòng thương xót và là máng chuyển ơn tha thứ cho những hối nhân. Tất cả những việc ngài làm chắc hẳn là do đời sống kết hiệp thâm sâu của ngài với Thiên Chúa. Ngài không cứ luật mà xử phạt nhưng đem lại tình thương và lòng nhân hậu cho những người đến với ngài.
Mỗi chúng ta cần học nơi ngài mẫu gương của lòng vị tha, đặt tình yêu vào luật lệ để chúng ta giữ luật cách nhẹ nhàng hơn, vì chúng ta hướng tới điều cốt lõi là được sống và ở lại trong Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con vừa tuân giữ luật Chúa, vừa mang đến tình yêu và lòng thương xót của Chúa đến cho những người chung quanh, để tình yêu Chúa luôn được hiện hữu.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
Ngay từ khởi đầu, Giáo Hội được chính Đức Giêsu trao cho nhiệm vụ là loan báo Tin Mừng, vì đó chính là sứ mệnh mà Đức Giêsu nhận lãnh từ nơi Chúa Cha, và cả cuộc đời công khai của mình chính Chúa Giêsu vẫn luôn thao thức cho Tin Mừng và tình thương cứu độ của Thiên Chúa được mặc khải đến với muôn dân.
Hôm nay, qua trang Tin Mừng của thánh sử Matthêu, với lòng trắc ẩn và trái tim xót thương, Chúa Giêsu trực tiếp chỉ thị và mời gọi các môn sinh của mình cũng hãy ra đi công bố hồng ân sự sống và tình thương của Chúa đối với muôn dân. Trong lời chỉ thị đó Chúa mời gọi các Tông đồ cũng bày tỏ lòng yêu thương Chúa qua việc ban cho các ngài khả năng khử trừ ma quỷ, chữa lành mọi thứ bệnh tật, đem lại bình an và sức mạnh cả tinh thần lẫn thể xác cho những ai cần được thương xót.
Hôm nay, Giáo Hội cũng long trọng mừng lễ kính thánh Gioan Maria Vianney, chúng hãy chiêm ngưỡng hình ảnh của ngài qua những dòng tiểu sử: Thánh Gioan Maria Vianey sinh ngày 08 tháng 5 năm 1786, tại Dardilly, nước Pháp. Đức cha Simon truyền chức linh mục cho ngài tại Grenoble vào ngày 13 tháng 8 năm 1815. Vào ngày 13 tháng 02 năm 1818, ngài được sai đến xứ Ars, nhưng đến năm 1821 mới được chính thức bổ nhiệm làm chánh xứ này. Ngài qua đời vào ngày 04 tháng 8 năm 1859 và ngày 08 tháng 01 năm 1905, ngài được Đức Giáo hoàng Piô X tôn phong lên bậc chân phước. Ngày 31 tháng 5 năm 1925, Đức Giáo hoàng Piô XI phong ngài lên bậc hiển thánh và năm 1929, cũng chính Đức Giáo hoàng Piô XI đã đặt ngài làm bổn mạng các cha xứ trên toàn thế giới.
Có thể nói, cả cuộc đời của thánh nhân là một bằng chứng sống động cho thấy sự quan phòng kỳ diệu nơi Thiên Chúa, một vị thánh tràn ngập lòng yêu mến Thiên Chúa và các linh hồn cách nồng nàn.
Một mẫu gương không chỉ dành cho vài người cùng thời với ngài, nhưng ngài đã được tôn vinh để làm gương mẫu cho tất cả linh mục trên thế giới. Cả cuộc đời của thánh nhân là một bài học lớn lao về sự thánh thiện, về sự cầu nguyện, hy sinh hãm mình, giảng dạy và yêu thương các linh hồn qua việc giải tội và đưa những linh hồn tội lỗi về với Chúa.
Lạy thánh Gioan Maria Vianney, xin chiếu tỏa gương sáng của ngài trên chúng con và xin ngài chuyển cầu cùng Chúa cho mỗi người chúng con luôn được yêu mến Chúa và các linh hồn. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay