03.08.2020 – Thứ Hai Tuần XVIII Thường niên
Xin cứu con
Lời Chúa: Mt 14, 22-36
Khi ấy, Ðức Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán đám đông. Sau khi giải tán đám đông, Người đi riêng lên núi mà cầu nguyện. Chiều đến, Người vẫn ở đó một mình, còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ nhiều dặm, bị sóng đánh vì ngược gió. Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!”, và sợ hãi la lên. Ðức Giêsu liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Ông Phêrô liền thưa với Người: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”. Ðức Giêsu bảo ông: “Cứ đến!” Ông Phêrô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Ðức Giêsu. Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với!” Ðức Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?” Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!” Khi qua biển rồi, thầy trò lên đất liền, vào Ghennêxarét. Dân địa phương nhận ra Ðức Giêsu, liền tung tin ra khắp vùng, và người ta đem tất cả những kẻ đau ốm đến với Người. Họ nài xin Người cho họ chỉ sờ vào gấu áo của Người thôi, và ai đã sờ vào thì đều được khỏi.
Suy niệm :
Bài Tin Mừng hôm nay là một loạt những kinh nghiệm thiêng liêng.
Có thể chúng ta ít nhiều đều đã có những kinh nghiệm này.
Thầy Giêsu là một nhà giáo nhân từ và cương quyết.
Ngài giáo dục các môn đệ bằng cách đưa họ vào những kinh nghiệm.
Kinh nghiệm bị Thầy bắt buộc phải qua bờ bên kia (c. 22),
dù họ rất muốn ở lại bờ bên này để nếm dư vị của thành công vừa rồi.
Sau phép lạ nhân bánh, người ta định tôn Thầy lên làm vua (Ga 6, 15).
Chỉ cần Thầy gật đầu là trò được chia sẻ tiếng tăm và quyền lực.
Các môn đệ đã bị ép lên thuyền, ngay lập tức, lúc chạng vạng tối.
Kinh nghiệm bị sóng đánh vì ngược gió.
Thuyền đã xa bờ mấy cây số, tiến tới không được, lùi lại cũng không xong.
Vào lúc khó khăn ấy lại không có Thầy ở trong thuyền.
Hầu như suốt đêm các môn đệ phải vất vả chèo chống với sóng gió.
Họ phải tập chiến đấu trong đêm tối khi không có Thầy ở bên.
Họ có nghĩ quyết định của Thầy là sai lầm, vội vã không ?
Kinh nghiệm hốt hoảng, sợ hãi và được trấn an.
Mãi đến lúc gần sáng, Thầy Giêsu mới đi trên biển mà đến với các môn đệ.
Ngài đến khi họ chưa thấy rõ mặt Ngài.
Ngài đến vào lúc bất ngờ và đến theo cách bất ngờ, khiến họ khiếp kinh.
Ngài đến đem bình an mà họ tưởng là ma quái đe dọa (c. 26).
Quả thật có những lúc không dễ nhận ra là Chúa đang đến với mình.
Chúa đến làm các môn đệ sợ hãi hơn cả sóng gió.
Nhưng “Cứ yên tâm, chính Thầy đây. Đừng sợ !” (c. 27).
Kinh nghiệm tự đưa mình vào một thách đố của lòng tin.
Một mặt Phêrô vẫn chưa tin trọn vẹn khi nói câu: Nếu quả là Thầy…(c. 28).
Nhưng mặt khác ông lại rất táo bạo khi dám xin ơn đi trên mặt nước.
Ông coi đó là cách thức chắc chắn nhất để biết có phải là Thầy không.
Nếu đúng là Thầy thì Thầy cũng có thể cho mình làm được như Thầy.
Chỉ cần Thầy truyền lệnh là đủ, Phêrô tin như thế.
Kinh nghiệm đi trên mặt nước và kinh nghiệm bị chìm.
Khi được Thầy cho phép, Phêrô đã dám từ thuyền bước xuống biển động.
Và ông đã đi được một quãng không rõ bao xa (c. 29).
Mặt nước cứng như đá hay người ông trở nên nhẹ bổng?
Bây giờ thì đúng là Thầy rồi, chỉ Thầy mới cho mình làm được như Thầy.
Phêrô sung sướng tiến về phía Thầy với lòng tin đang lớn lên.
Nhưng khi gặp gió thổi mạnh thì ông lại sợ, lại hoài nghi, yếu tin.
Ông mất tập trung vào sự hiện diện quyền năng của Thầy và bị chìm.
Người ta có thể bị chìm ngay khi biết Chúa ở trước mặt.
Kinh nghiệm được Thầy nắm tay mà dắt vào thuyền.
Khi Phêrô kêu cứu, Thầy Giêsu đã giữ ông khỏi bị nước nuốt chửng.
Sau đó hẳn hai Thầy trò đã cùng nhau đi trên sóng mà về thuyền.
Khi cả hai lên thuyền thì gió lặng, chẳng cần Thầy phải dẹp yên sóng gió.
Các kinh nghiệm môn đệ vừa trải qua thật kinh khủng và gần gũi với ta.
Buồn bực, sợ hãi, căng thẳng, bình an, nghi ngờ, chới với, hạnh phúc.
Đời Kitô hữu là một chuỗi những kinh nghiệm như thế.
Chúng ta tưởng Chúa bỏ rơi, Chúa vắng mặt, Chúa là ma làm ta sợ hãi.
Đơn giản Chúa là Thầy biết cách làm ta trưởng thành qua kinh nghiệm.
Cuối cùng chúng ta sẽ nhìn nhận: “Quả thật Thầy là Con Thiên Chúa” (c. 33).
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
con chẳng dám xin đi trên mặt nước như Phêrô,
nhưng nhiều khi con cảm thấy
sống đức tin giữa lòng cuộc đời
chẳng khác nào đi trên mặt nước.
Có bao thứ sóng gió đẩy đưa và lôi cuốn.
Có bao cám dỗ muốn hút con vô vực sâu.
Cả sự nặng nề của thân xác con
cũng kéo ghì con xuống.
Đi trên mặt nước cuộc đời chẳng mấy dễ dàng.
Nhiều khi con thấy mình bàng hoàng sợ hãi.
Xin cứu con khi con hầu chìm.
Xin nắm lấy tay con khi con quỵ ngã.
Xin nâng đỡ niềm tin yếu ớt của con,
để con trở nên nhẹ tênh
mà bước những bước dài hướng về Chúa. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa: Mt 14, 13-21
“Mọi người đều ăn no”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu nghe tin Gioan Tẩy Giả đã chết, thì Người rời bỏ nơi đó xuống thuyền đi đến nơi hoang địa vắng vẻ. Dân chúng nghe biết, thì từ các thành phố đi bộ theo Người. Ra khỏi thuyền, Người thấy dân chúng đông đảo, thì thương xót họ và chữa những người bệnh tật trong họ.
Chiều tới, các môn đệ đến gần thưa Người rằng: “Ðây là nơi hoang địa, mà giờ đã chiều rồi: xin Thầy giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn”.
Nhưng Chúa Giêsu nói với các ông rằng: “Họ chẳng cần phải đi, các con hãy cho họ ăn”. Các ông thưa lại rằng: “Ở đây chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá”. Người bảo các ông rằng: “Hãy đem lại cho Thầy”.
Khi Người đã truyền cho dân chúng ngồi trên cỏ, Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các ông này phân phát cho dân chúng. Mọi người đều ăn no. Và người ta thu lượm được mười hai thúng đầy những miếng bánh vụn. Số người ăn là năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và con trẻ.
Câu chuyện minh họa:
Cách đây vài thập niên, Calcutta khi ấy là một thành phố đông dân: ban ngày, người nghèo ngồi la liệt khắp phố, mong chờ lòng rộng rãi giúp đỡ của khách thập phương; ban đêm, họ không nơi cư trú phải nghỉ đêm trên các vỉa hè, hẻm cụt của thành phố. Một nữ tu trung niên người Albanie vốn đang phục vụ truyền giáo tại Ấn Độ, đã động lòng xót thương họ. Đêm ngày đối diện những cảnh nghèo hèn đau khổ của cư dân thành phố Calcutta, Chị đã tự hỏi: “Ta phải làm gì cho đám đông những người đáng thương này?”. Trở lại nhà dòng, Chị gom hết số tiền mình có, mua một căn nhà rẻ mạt và sửa chửa nó thành nơi cư trú qua đêm cho những kẻ không nhà. Bằng khả năng nhỏ bé nhưng với tấm lòng quảng đại to lớn, Chị muốn ra tay làm một cái gì đó giúp người khốn cùng không còn phải bơ vơ hiu quạnh nữa.
Không những lo cho họ có chỗ định cư, lại còn phải tìm nguồn cung cấp lương thực giúp họ sống qua ngày. Làm thế nào Chị nữ tu ấy- mà sau này người ta quen gọi là Mẹ Têrêsa- có thể nuôi đủ 9000 miệng ăn mỗi ngày? Chúa đã không chịu thua lòng bác ái của Mẹ. Nhiều bàn tay yêu thương sẵn sàng liên đới công việc từ thiện của Mẹ: một đôi bạn trẻ sắp lập gia đình, hy sinh không tổ chức tiệc cưới dành toàn bộ chi phí giúp người nghèo; Ủy Ban Nobel trao tặng Mẹ giải thưởng Nobel Hoà Bình năm 1979; nhiều phụ nữ thiện chí dâng hiến cuộc đời trong hội dòng Thừa Sai Bác Ái nối dài việc cứu tế.
Suy niệm:
Nhìn vào bài Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa chủ động ban phát lòng thương xót, các môn đệ không xin Chúa làm phép lạ, đám đông cũng không… Ngài chạnh lòng thương đám đông nên Ngài chữa bệnh, giảng dạy và còn hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông, mà những người này không phải là những người bà con ruột thịt với Chúa. Qua đó, Chúa dạy các môn đệ cũng như mỗi người chúng ta về sự quảng đại, không ích kỷ lo cho bản thân, không phân biệt thành phần nào. Nhưng trong cuộc sống thực tế, rất khó khi chúng ta phải cho đi, và khi cho đi thường khi chúng ta chỉ dành phần cho những người có liên quan đến mình. Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta về sự quan tâm đến mọi người nhất là người nghèo khổ, vì thế chúng ta là những môn đệ của Chúa, chúng ta cần liên đới với anh chị em, cảm thông, chia sẻ và cùng nhau góp phần xây dựng đời sống bác ái yêu thương ở trần gian này vì Nước Trời bắt đầu ngay tại nơi đây.
Hơn thế nữa, Chúa Giêsu còn ban cho chúng ta nguồn lương thực cao quý là chính Mình và Máu Ngài để mời gọi chúng ta thông dự bàn tiệc thiêng liêng mai sau, mang lại sự sống đời đời.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết mở rộng tâm hồn để chúng con không thờ ơ trước những người đang cần đến con, và biết nhạy cảm trước nhu cầu của anh chị em, để chúng con chia sẻ cho nhau tình thương và lòng thương xót của Chúa.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
Say mê với phép lạ “hoá bánh ra nhiều”, các môn đệ như muốn hưởng chút tự hào vì mình có Thầy quyền phép, nhưng Chúa Giêsu liền “bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia”. Chúa yêu mà chẳng chiều lòng người. Tình yêu phải sáng suốt, can đảm, mạnh mẽ, để không làm cho người mình thương yêu suy thoái. Chúa dạy ta bằng chính hành động của Người.
Giữa những thành công ru ngủ lòng người, Chúa Giêsu đưa các môn đệ vào giữa biển đời đầy sóng gió. Nhưng Người vẫn đồng hành với họ, khi sóng gió nổi lên, khi các Tông đồ sợ hãi, tiếng yêu thương của Chúa Giêsu luôn vang lên: “Cứ yên tâm, Thầy đây, đừng sợ!”. Dù trong bình an, dù trong lầm than, Chúa vẫn ở bên chúng ta để bảo vệ, che chở.
Nhiều lần chúng ta gặp sóng gió trên đường đời, sóng gió trong gia đình, trong công việc, chúng ta hoang mang và thầm nghĩ Chúa quyền năng và giàu tình thương, nhưng Người đâu rồi? Chúa luôn lên tiếng “cứ yên tâm, Thầy đây, đừng sợ!”.
Thánh Phêrô muốn được sức mạnh, quyền năng như Chúa để làm chủ biển cả và sóng gió, Chúa ban cho ông khi nói: “cứ đến”. Giây phút đầu, Phêrô đã làm chủ biển khơi khi nhìn vào Chúa, ông đi trên mặt nước mà đến với Người. Nhưng khi ông nhìn vào mãnh lực sóng gió và khiếp sợ, thì ông bị chìm. Khi Chúa là sức mạnh trong ta, ta thắng được mọi sóng gió và thử thách. Nhưng khi Chúa không còn là lẽ cậy trông, là sức mạnh cho ta, thì biển đời sẽ vùi lấp ta.
“Người đâu mà kém tin vậy?”. Chúa trách Phêrô và có thể cũng trách chúng ta bao lần trong đời, khi ta hoang mang xao xuyến. Một em học sinh sợ đi lễ thì mất giờ học bài. Bậc phụ huynh thì sợ con đi dự lễ, đọc kinh, học giáo lý thì ảnh hưởng việc học ở trường! Sinh hoạt trong xứ thì sợ mất việc nhà! “Người đâu mà kém tin vậy?”, đó là lời mà Chúa vẫn còn nói với chúng ta mỗi ngày.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con xác tín vào tình Chúa yêu thương, để trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, dù vui hay buồn, dù bình an hay khi gặp gian nan sóng gió, chúng con vẫn vững tin: Chúa luôn ở kề bên để bảo vệ, giữ gìn chúng con an bình. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay