21.07.2020 – Thứ Ba Tuần XVI Thường niên
Ai là mẹ tôi?
Lời Chúa: Mt 12, 46-50
Khi ấy, Ðức Giêsu còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy.” Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Ðây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Ðấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”
Suy niệm :
Bài Tin Mừng hôm nay có thể làm chúng ta bị sốc.
Đức Giêsu đang giảng cho một đám người khá đông.
Chắc là họ đứng chen chúc nhau đến nỗi khó lòng đến gần Ngài được.
Chính vào lúc này thì mẹ và anh em Ngài đến, không rõ lý do.
Họ muốn nói chuyện với Đức Giêsu, nhưng đành phải đứng ở ngoài.
Có người vào báo cho Ngài về chuyện đó.
Chúng ta tưởng Ngài sẽ ngưng ngay bài giảng để ra gặp mẹ và anh em.
Một giọt máu đào hơn ao nước lã.
Mẹ Ngài hẳn đã phải đi một đoạn đường xa để đến gặp con trò chuyện.
Nhưng lạ thay Đức Giêsu vẫn tiếp tục giảng.
Ngài vẫn tiếp tục nói chuyện với đám đông đang nghe Ngài,
thay vì đi ra nói chuyện với mẹ.
Sự quan tâm của Ngài nhắm vào những người ở trong đây,
hơn những người đứng ở ngoài kia.
Sau đó Ngài lại đặt những câu hỏi vừa dễ lại vừa lạ:
“Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” (c. 48).
Dĩ nhiên đó là những người đang đứng ngoài kia,
đang chờ được gặp mặt và nói chuyện với Ngài.
Nhưng đó không phải là đáp án của Đức Giêsu.
Chính Ngài cho ta đáp án bằng cách giơ tay chỉ các môn đệ mà nói:
“Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi” (c. 49).
Có một gia đình máu mủ đậm đà đứng ở ngoài kia,
và một gia đình mới rất thân thương đứng ở trong này.
Đức Giêsu không coi thường tình mẫu tử hay tình họ hàng ruột thịt.
Điều Ngài muốn nhấn mạnh ở đây là chuyện Ngài có một gia đình mới.
Các môn đệ của Ngài thuộc về gia đình này.
Họ là mẹ, là anh chị em của Ngài, vì họ thi hành Ý muốn của Cha Ngài.
Chính Đức Giêsu là người Con luôn thi hành Ý muốn của Cha.
Ai thi hành Ý Cha trên trời cũng trở nên gần gũi với người Con (c. 50).
Chúng ta có họ với Đức Giêsu và làm nên một gia đình bao la rộng lớn.
Bỗng nhiên chúng ta thấy mình gần Cha, gần Giêsu và gần nhau.
Nước Trời bắt đầu đến khi hơn hai tỉ kitô hữu
nhận ra là mình cùng muốn làm trọn Ý Cha,
cùng gắn bó keo sơn với Giêsu và cùng coi nhau là anh chị em (Mt 23, 8).
Đức Giêsu có nhiều anh chị em trong gia đình của Ngài.
Các phụ nữ thật là chị em của Ngài, dù xã hội Ngài trọng nam khinh nữ.
Đức Giêsu cũng không chỉ có một người mẹ tên là Maria.
Bất cứ ai sống theo ý Cha trên trời trong niềm vâng phục phó thác,
bất cứ ai sinh Đức Giêsu ra cho môi trường sống của mình,
bất cứ ai làm cho Ngài lớn lên trong trái tim nhân loại,
người ấy là mẹ Đức Giêsu.
Trong gia đình mới là Giáo Hội của Đức Giêsu,
Maria đã là Mẹ Đức Giêsu theo ý nghĩa tuyệt vời nhất.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội Thánh
là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh
sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa
giữa một thế giới đầy chia rẽ.
Xin cho Hội Thánh
không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh
trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.
Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.
Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”. (Mt 12,50)
Câu chuyện minh họa:
Chuyện cổ Tây phương có ghi lại chuyện một nhà thông thái khôn ngoan lên đường đi tìm kiếm dòng suối nhiệm mầu như sau:
Sau cuộc hành trình dài, mắt ông sáng lên, tim ông đập mạnh khi ông vừa trông thấy dòng suối nước hiện ra. Lòng đầy vui mừng phấn khởi, chân ông bước nhanh để được mau đến suối nước, khi tới nơi ông ngồi nghỉ chân bên bờ suối. Được giải khát bởi dòng nước trong mát, ông nhớ lại mọi sự việc sau cuộc hành trình gian khổ, ông bơi lội trong nước dù như muốn chìm trong suối nước. Ông ở lại bên bờ suối nhiều ngày ăn chay cầu nguyện. Trong thinh lặng ông nghe như trong suối nước thỏ thẻ với ông. Trước khi từ giã suối nước nhiệm mầu lên đường trở về, ông cẩn thận chụp hình dòng suối với tất cả tài nghệ khéo léo của ông.
Vừa về đến nhà, thân bằng quyến thuộc cũng như bạn bè lối xóm trong làng đều nhận thấy niềm hạnh phúc và sự vui sướng rạng rỡ trên gương mặt của ông, vây quanh ông và vồn vã hỏi cho biết việc gì đến với ông, ông đã khám phá ra những gì mới mẻ làm ông thay đổi và được vui mừng đến như vậy. Họ tò mò đặt nhiều câu hỏi về dòng suối nước nhiệm mầu và những điều ông đã học được bên dòng suối nước thiêng. Người khôn ngoan tìm mọi cách giải thích cho họ nhưng xem ra chỉ là chuyện ngoài tai đối với họ.
Sau cùng ông yêu cầu họ là hãy đích thân lên đường tìm đến suối nước và tự mình đến gần suối nước, nhìn ngắm suối nước, lắng nghe tiếng suối nước thì thầm, dìm mình xuống suối, nếm thử hương vị ngọt ngào của dòng suối, cảm nghiệm được sự linh thiêng của suối nước mới mong hiểu được phần nào vẻ đẹp sâu xa của suối này bởi vì lời nói không thể nào diễn tả hết được. Thế nhưng vì sự nông cạn của tâm hồn, vì mải miết với việc làm ăn và mọi thứ bon chen lợi lộc, họ chỉ hài lòng với tấm hình của suối nước mà ông đã đem về làm kỷ niệm, họ chiếm đoạt tấm hình của suối nước nhiệm mầu, cắt kiếng, đóng khung mạ vàng và đặt trên tường cao để mọi người chiêm ngắm nó từ đằng xa, nhưng không một ai muốn lên đường mạo hiểm đi tìm suối nước thiêng.
Trước thái độ và sự cứng lòng của dân làng, người thông thái cảm thấy buồn và ông không khỏi hối hận vì đã dại dột đem về tấm hình của dòng suối nước nhiệm mầu ấy.
Suy niệm:
Mẹ Maria là người đã lắng nghe, hằng suy đi nghĩ lại trong lòng và đem Lời Chúa ra thực hành. Chúa Giêsu đã lấy tiêu chuẩn ấy mà thiết lập một mối tương quan gia đình của Chúa, không dựa trên huyết thống nhưng trên việc tuân giữ và thi hành Lời Chúa. Như thế, sức sống bằng Lời Chúa hằng ngày đã làm cho chúng ta trở nên mật thiết với Chúa hơn. Trong cầu nguyện, chúng ta trở thành người thân đích thực của Chúa; rước Chúa, chúng ta trở nên một với Chúa. Đó là điều hạnh phúc nhất của mỗi Kitô hữu chúng ta. Nhưng trước hết chúng ta cần trở nên anh em của nhau qua những việc bác ái, tình yêu thương, giúp nhau vượt qua những khó khăn của cuộc đời. Vì thế, Lời Chúa không chỉ trên mặt chữ nhưng hơn cả là áp dụng trong thực tế cuộc sống.
Lạy Chúa, xin cho con yêu mến Chúa thật nhiều để con dễ dàng đến với anh chị em con hơn nữa, vì tất cả chúng con đều là anh em với nhau trong gia đình của Chúa.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay