11.01.2020 – Thứ Bảy sau lễ Hiển Linh
Mọi người đều đến với ông
Lời Chúa : Ga 3, 22-30
Khi ấy, Chúa Giêsu cùng với các môn đệ đến miền đất Giuđê, Người ở lại đó với họ và làm phép rửa. Còn Gioan, đang làm phép rửa tại Ênon, gần Salim, vì ở đó có nhiều nước, người ta đến và chịu phép rửa ; vì lúc đó, Gioan chưa bị tống ngục.
Bấy giờ, xảy ra cuộc tranh luận giữa các môn đệ của Gioan và một người Do thái về việc thanh tẩy. Họ đến gặp Gioan và nói với ông: “Thưa Thầy, người đã ở với Thầy bên kia sông Giođan và được Thầy làm chứng cho, thì kìa ông ta đang làm phép rửa và mọi người đều đến với ông ấy!”
Gioan trả lời rằng: “Không ai có thể nhận được gì, nếu không do trời ban cho. Chính các anh đã làm chứng là tôi đã nói: tôi không phải là Đấng Kitô, nhưng tôi được sai đi trước Người. Ai có vợ, người ấy là chồng, còn bạn của chồng đứng đó mà nghe và vui mừng hớn hở vì nghe tiếng nói của người chồng. Đó chính là niềm vui trọn vẹn của tôi. Người phải lớn lên, còn tôi phải bé đi”.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu tỏ mình
tại một nơi nào đó thuộc vùng đất Giuđê.
Nơi đây Đức Giêsu và các môn đệ ở với nhau, và Ngài đã làm phép rửa.
Tại một nơi khác có tên là Ênôn, gần Salim, có lẽ thuộc vùng Samaria,
Gioan Tây Giả cũng đang làm phép rửa
cho những người đến với ông.
Như thế ở hai nơi khác nhau, có hai phép rửa khác nhau,
được làm bởi hai người khác nhau.
Ta không thấy có gì khác biệt về bản chất giữa hai phép rửa này.
Chỉ có điều là phép rửa của Đức Giêsu thu hút được nhiều người hơn.
Các môn đệ của ông Gioan đã nhận thấy điều đó
và họ đi báo cho Thầy Gioan của mình một tin không vui:
“Mọi người đều đến với ông ấy!” (c. 26).
Họ khó chịu vì Đức Giêsu, người đã từng được Thầy của họ làm chứng,
người đã sống bên Thầy ở bên kia sông Giođan (c. 26),
bây giờ lại nổi tiếng hơn Thầy.
Ông Gioan lại chẳng hề khó chịu chút nào.
Ông chưa bao giờ quên sứ mạng của mình là làm chứng cho Đức Giêsu,
Đấng mà ông đã thấy Thần Khí ngự xuống khi chịu phép rửa..
Gioan biết sự cao trọng của mình nằm ở đâu:
Ông là người được Thiên Chúa sai đến trước Đức Kitô (c. 28).
Ông không phải là chú rể, ông chỉ là bạn của chú rể,
vì thế ông không có quyền “có cô dâu” (c.29).
Cựu Ước coi dân Ítraen là cô dâu (Is 62, 4-5; Gr 2, 2; Hs 2, 21).
Tân Ước coi Giáo Hội Kitô là cô dâu (2 Cr 11, 2; Ep5, 25-27. 31-32).
Ông Gioan coi Đức Giêsu là chú rể, và ông đứng đó nghe chàng.
Ông vui mừng hớn hở khi nghe được tiếng nói của chàng.
Khi người ta kéo đến với Đức Giêsu để chịu phép rửa,
thì ông Gioan biết rằng mình đã thành công trong sứ vụ của mình,
sứ vụ làm nhịp cầu cho Dân Chúa và Đức Giêsu Kitô gặp nhau.
Ông như reo lên vì mãn nguyện: “Đó là niềm vui của Thầy,
niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn” (c.29).
Chúng ta không quên ơn Gioan, không quên sự xóa mình của ông.
Đức Giêsu được hiển linh, được nổi bật, chính vì Gioan đã chịu lu mờ đi.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con thấy Chúa thật lớn lao,
để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ.
Xin cho con thấy Chúa thật bao la,
để cả mặt đất cũng chưa vừa cho con sống.
Xin cho con thấy Chúa thật thẳm sâu,
để con dễ đón nhận nỗi khổ đau sâu thẳm nhất.
Lạy Chúa Giêsu,
xin làm cho con thật mạnh mẽ,
để không nỗi thất vọng nào
còn chạm được tới con.
Xin làm cho con thật đầy ắp,
để ngay cả một ước muốn nhỏ
cũng không còn có chỗ trong con.
Xin làm cho con thật lặng lẽ,
để con chỉ còn loan báo Chúa mà thôi.
Xin Chúa ngự trong con thật sống động,
để không phải là con,
mà là chính Ngài đang sống.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.” (Ga 3,30)
Câu chuyện minh họa:
Khi ông E hay tin người láng giềng là ông A xây thêm một lầu thứ ba cao hơn nhà ông thì ông E vội mướn người xây thêm hai lầu nữa để cho nhà ông vẫn là cao nhất trong vùng.
Ông A chưa kịp thỏa mãn với ngôi nhà mới thì đã thấy nhà mình trở nên thấp, bực tức, ông liền đi mướn thợ xây thêm 5 lầu nữa vì nghĩ là với 5 lầu cao thì người láng giềng kia sẽ thua cuộc không thể nào nâng nhà cao hơn được nữa. Ông E không chịu thua khi thấy ông A xây thêm năm lầu, ông ra lệnh cho thợ tiếp tục xây thêm 7 lầu để được có nhà cao nhất, như thế hai ông cứ tranh nhau xây nhà cao thêm mãi, họ quên rằng móng của ngôi nhà mà hai ông đã cho thiết kế lúc đầu không thể nào chịu đựng được sức nặng của khối lượng nhà nhiều lầu như thế. Khi hai người đang mải miết thi nhau làm cho nhà mình cao hơn thì một trận động đất nhẹ làm cho cả hai ngôi nhà lầu đang xây dở ngã sập tiêu tan và hai ông cũng bị chôn vùi xuống đống gạch vụn, chưa kịp có phút giây nào yên nghỉ để hưởng ngôi nhà mới.
Suy niệm:
Lòng ganh tị làm cho con người ra mù quáng, hai người trong câu chuyện trên vì muốn hơn thua nhau mà đã bị chôn vùi dưới đống gạch mà chính các ông đã cho xây lên.
Thánh Gioan Tẩy Giả đã dạy cho chúng ta bài học khiêm tốn, hạ mình đi để Chúa được lớn lên, đành rằng thời ấy Gioan là người nổi bật nhưng ông biết vai trò và bổn phận của mình: Chúa phải nổi bật lên, còn tôi phải nhỏ đi. Ông ý thức vai trò của mình là người dọn đường cho Chúa, để mọi người được nhìn thấy vinh quang Chúa, và đến lúc ông phải để cho hình bóng mình lu mờ đi, để Chúa được tỏ hiện.
Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức và sống đúng vai trò của mình, không vì nhìn thấy người khác được may mắn hơn mà sinh lòng ganh tị, vì trước mặt Chúa mọi người đều có một vai trò khác nhau.
Têrêsa Mai An – Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM
Đọc đoạn Tin Mừng này trong bối cảnh truyền giáo, chúng ta thấy dấy lên trong lòng sự phấn khởi lạ thường. Tại sao như thế? Chúng ta phấn khởi bởi nhiều phép rửa được thực hiện thời Chúa Giê-su, từ nơi Chúa Giê-su và cả từ nơi Gio-an. Đoạn Tin Mừng này làm chúng ta liên tưởng đến anh chị em lương dân đây đó khắp nơi đến để chịu phép rửa trong Giáo Hội Công Giáo, hay ít là họ nghe về Tin Mừng Chúa Giê-su. Tin Mừng còn cho ta biết, lúc này ông Gio-an chưa bị tóng giam. Nghĩa là ông còn tiếp tục làm phép rửa cho dân, và tiếp tục giới thiệu Đấng Cứu Thế cho dân. Tin Mừng có thể bị cản trở rao giảng, bởi người ta làm khó Gio-an, họ chất vấn ông về phép rửa, Tin Mừng có thể sẽ không được rao giảng nữa, vì như Gio-an khi bị tóng giam, bị giết chết, các nhà truyền giáo cũng không còn hiện diện để rao giảng, để làm phép rửa.
Bất chấp những khó khăn hiện tại, Gio-an thi hành sứ mạng của mình. Dường như ta thấy ông một mình thực hiện sứ mạng ấy. Cho thấy tính cách mạnh mẽ và không khoan nhượng của ông. Biết mình phải làm gì và phương thức ra sao. Ông làm phép rửa của ông, theo cách của ông, nhưng ông không nề hà khi phải chấp nhận làm người trung gian. Ông như một người chuyển tiếp, kêu gọi người ta đón nhận phép rửa, ăn năn sám hối, rồi lại nói về Đấng cao trọng hơn – Đó là Chúa Ki-tô Cứu Thế.
Tính chân thực của giá trị Tin Mừng phản ánh giá trị con người của Gio-an trong đoạn này làm toát lên vẻ thanh thoát nơi sứ vụ của ông. Quả thật với triết lý: làm sao để Chúa Ki-tô phải lớn lên, trở thành tâm niệm của cuộc đời ông. Nói như thánh Phaolô sau này, miễn sao Chúa Ki-tô được rao giảng. Là nhà truyền giáo, chúng ta có thấy mình thấm nhuần với triết lý đó không? Phải để Chúa lớn lên và lớn hơn tất cả. Đó phải là triết lý chứ không phải là khẩu hiệu suông, vì có khi ta rao giảng Tin Mừng nhưng lại nại vào cái tôi của ta, khoe khoang về tài năng hay giá trị của ta, còn Chúa thì như một điều gì xa xỉ. Thậm chí chúng ta tranh giành ảnh hưởng, địa bàn, phân chia ranh giới và so nài mức độ ảnh hưởng. Khiến cho tính cơ chế và cái tôi của chúng ta che khuất hết bóng hình của Tin Mừng, làm cho người ta không nhìn thấy Chúa và thậm chí bít đường người khác đến với Chúa. Những điều này đáng để chúng ta suy ngẫm và nhất là với sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội ngày nay.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết khiêm nhường trong rao giảng, chân thật trong đời sống và xả thân trong sứ vụ, để lúc nào chúng con cũng hăng say nói về Chúa cho những người chưa tin. Amen.
GKGĐ Giáo phận Phú Cường