10.01.2020 – Thứ Sáu sau lễ Hiển Linh
Hãy đi trình diện tư tế
Lời Chúa : Lc 5, 12-16
Khi ấy, Ðức Giêsu đang ở trong một thành kia; có một người đầy phong hủi vừa thấy Người, liền sấp mặt xuống, xin Người rằng: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Người giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn, anh hãy được sạch”. Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh. Rồi Người truyền anh ta không được nói với ai, và Người bảo: “Hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được sạch, thì hãy dâng của lễ như ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.”
Tiếng đồn về Người ngày càng lan rộng; đám đông lũ lượt tuôn đến để nghe Người và để được chữa bệnh. Nhưng Người lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện.
Suy niệm:
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu vừa tỏ mình, vừa giấu mình.
Ngài giấu mình khi Ngài ra lệnh cho người phong không được nói với ai.
Nhưng hẳn anh ấy cũng khó giữ kín chuyện này, khi anh đi gặp các tư tế.
Thế nên cuối cùng tiếng đồn về Ngài đã lan ra,
khiến người ta nô nức, lũ lượt kéo đến với Ngài (c. 15).
Đức Giêsu đã không thể giấu mình trước đám đông dân chúng.
Ngài lôi cuốn họ như một vị giảng thuyết và như một người chữa lành.
Con người mãi mãi cần sức mạnh tinh thần và sức khỏe thân xác.
Đức Giêsu đem đến cả hai điều ấy cho hạnh phúc con người.
Hãy nhìn người phong, mình anh đầy những vết lở loét.
Anh đến với Đức Giêsu, sấp mặt xuống nài xin.
“Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (c.12).
Lời nguyện của người phong là lời cầu xin mẫu mực cho ta.
Dĩ nhiên là anh ấy rất muốn được khỏi căn bệnh nan y này,
căn bệnh đã làm tan nát thân xác anh và cả cuộc đời anh,
Hơn nữa, nó còn bắt anh trở nên kẻ sống ngoài lề xã hội và tôn giáo.
Nhưng anh vẫn không để ước muốn quá đỗi bình thường của mình lấn lướt.
Anh đặt ước muốn ấy dưới ước muốn của Đức Giêsu.
“Nếu Ngài muốn !” nghĩa là Ngài có thể và có quyền không muốn.
Anh để cho Đức Giêsu được tự do muốn điều Ngài muốn.
“Ngài có thể làm tôi được sạch: anh tin vào khả năng của Ngài,
khả năng làm cho những vết lở loét kia biến mất.
Chính khi Đức Giêsu được tự do, được tin cậy và phó thác,
thì dường như Ngài không thể từ chối được nữa.
“Tôi muốn, anh hãy được sạch.”
Đức Giêsu tẩy sạch anh bằng một ước muốn được nói ra lời,
kết hợp với một cử chỉ đầy yêu thương là đưa bàn tay ra đụng vào anh.
Khi cầu xin, bạn hãy để cho Chúa được tự do giúp bạn,
theo ý muốn của Chúa, theo cách của Chúa, vào lúc của Chúa.
Đừng dạy Chúa phải làm gì, vì Chúa biết điều tốt nhất cho bạn.
Cầu nguyện :
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế Người là tất cả của tôi.
Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,
đến với Người trong mọi sự,
và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.
Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,
nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người
và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi.
(R. Tagore)
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Người giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi.” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh”. (Lc 5,13)
Câu chuyện minh họa:
Nạn đói xảy ra trong vùng. Một người ăn xin bên góc đường bước đến bên đại văn hào Nga, Tolstoy, đang đi ngang qua đó. Tolstoy dừng lại, lấy tiền cho nhưng không tìm được đồng nào. Ông nói với sự nuối tiếc: “Này người anh em, đừng giận tôi. Tôi chẳng đem theo gì”.
Mặt người ăn xin sáng lên và nói: “Ông gọi tôi là anh em, đó đã là món quà rất lớn rồi!”
Suy niệm:
Thái độ chữa bệnh của Chúa Giêsu: “Ngài giơ tay đụng vào anh” chứng tỏ ngài không hề ghê tởm anh. Ngài còn dạy anh phải đi trình diện tư tế để anh được hòa nhập vào cộng đồng, được phục hồi nhân phẩm. Ngài đã chữa anh về phần xác đồng thời cũng chữa anh về phần hồn.
Người mắc chứng bệnh phong này nhận thấy mình cần được chữa lành nên tìm đến với Chúa, với hy vọng anh được chữa lành. Chúng ta có ý thức rằng mình là những người tội lỗi, bệnh tật cần được Chúa chữa lành không? Mỗi lần tôi rước Chúa, là mỗi lần tôi chạm đến Chúa, tôi có ý thức điều đó không?
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khao khát Chúa để được Người chữa lành, biến đổi và được hoán cải để trở nên con người mới hầu xứng đáng với danh hiệu làm con Chúa.
Têrêsa Mai An – Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM
Trong cuộc sống, cái gây nên đau khổ nhất cho con người chính là: bệnh tật và sự cô đơn. Bệnh tật làm cho con người thất vọng và nghĩ mình vô dụng, bệnh tật còn làm cho con người đau đớn thể xác, v.v. Còn sự cô đơn thì làm cho con người cảm thấy mình trở nên dư thừa, bị cô lập không được tiếp xúc với ai và cũng không ai thèm tiếp xúc với họ. Đau khổ nhất chính là bị đẩy ra một nơi xa cộng đồng, không được ở với cha mẹ, anh chị em và bà con xóm làng.
Tất cả những tâm trạng đó, nơi người bị bệnh phong, họ phải hứng chịu tất cả.
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy cử chỉ ưu ái mà Chúa Giê-su dành cho những người cùng khổ, những kẻ bị xã hội ruồng rẫy. Với sự nhạy cảm của một lương y, thánh sử Lu-ca ghi lại một chi tiết đáng chú ý, đó là sự kiện Chúa Giê-su giơ tay chạm đến người bệnh phomg, biểu lộ một tình yêu xoá bỏ mọi ngăn cách, một tình yêu đi đến và dừng lại nơi những đau khổ của con người. Đối với Chúa Giê-su, người bị bệnh phong ấy không là một phế nhân, môt kẻ bị loại bỏ, mà là một con người đáng cảm thông và thương yêu. Người bệnh phong được chữa lành, nhưng nhất là được phục hồi nhân phẩm, được sống như một con người giữa mọi người.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay thúc đẩy chúng ta biết “đi ra” hướng về những người đang bị đẩy ra bên lề xã hội. Họ đang chờ đợi một cánh tay nâng đỡ, một lời an ủi, một nụ cười cảm thông. Bao nhiêu nghĩa cử là bấy nhiêu phép lạ.
Không chỉ dừng lại ở đó, người môn đệ Chúa Giê-su còn được mời gọi hãy biết yêu thương ngay cả người không đáng yêu, hãy tha thứ kẻ không đáng tha thứ. Đức Giê-su đã làm thế và chúng ta cũng phải làm như vậy, nếu chúng ta là môn đệ đích thực của Chúa.
Mong sao mỗi người chúng ta sẵn sàng chia sẻ và gánh lấy những gánh nặng cho nhau. Thập giá mà mỗi người chúng ta phải vác, sẽ nhẹ đi biết bao khi chúng ta biết bắt chước Đức Giê-su, giơ tay ra chạm đến người bệnh phong.
Xin Chúa Giê-su ban cho chúng ta được trở nên dấu chỉ tình thương của Chúa trong xã hội hôm nay. Amen.
GKGĐ Giáo phận Phú Cường