09.01.2020 – Thứ Năm sau lễ Hiển Linh
Trả lại tự do
Lời Chúa : Lc 4, 14-22a
Khi ấy, Ðức Giêsu trở về miền Galilê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. Người giảng dạy trong các hội đường của họ, và được mọi người tôn vinh.
Rồi Ðức Giêsu đến Nadarét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng:
“Thần Khí Chúa ngự trên tôi,
vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.
Người đã sai tôi đi công bố
cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha,
cho người mù biết họ được sáng mắt,
trả lại tự do cho người bị áp bức,
công bố một năm hồng ân của Chúa.”
Ðức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe”. Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu tỏ mình.
Ngài không tỏ mình cho một đám đông trong hoang địa,
nhưng tỏ mình cho người dân làng Nadarét, tại hội đường của họ.
Thánh Luca đã muốn chọn Nadarét thay vì Caphácnaum
làm nơi Đức Giêsu bày tỏ con người và chương trình hành động của Ngài.
Nadarét là một ngôi làng nhỏ, chẳng có gì nổi bật (x.Ga 1, 46),
nhưng ở đây, Con Thiên Chúa làm người đã sống hơn chín phần mười đời mình
như một người thợ (Mc 6, 3), con của một ông thợ khác (Mt 13, 55).
Ở đây, Đức Giêsu đã lớn lên từ từ về mọi mặt (Lc 2, 40).
Bé Giêsu, cậu Giêsu, chú Giêsu rồi ông Giêsu.
Ngài sống như một người bình thường, không có hào quang trên đầu,
cũng không làm nhiều phép lạ như các sách ngụy thư đã kể.
Hôm nay, Đức Giêsu trở lại làng xưa, nơi có biết bao kỷ niệm.
Vì là ngày sabát, theo thói tục, Ngài đến hội đường.
Ông trưởng hội đường đã mời Ngài đọc sách thánh và diễn giải.
Hãy ngắm nhìn cử chỉ đĩnh đạc của Đức Giêsu.
Ngài đứng lên, nhận cuộn sách, mở ra;
sau khi đọc, Ngài cuộn sách, trả lại và ngồi xuống.
Đức Giêsu đã cố ý chọn đoạn sách Isaia 61, 1-2
Ngài thấy đoạn sách thánh đó nói về mình, về sứ vụ tương lai:
“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe.”
Như thế chính Ngài nhận mình là Đấng có Thần Khí Chúa ngự trên,
nhận mình là Mêsia, Đấng được xức dầu để thi hành một sứ mạng.
Sứ mạng của Đức Giêsu chủ yếu là loan báo và công bố ( Lc 4, 18-19).
Sứ mạng ấy nhắm đến những người bất hạnh trong xã hội:
người nghèo, người bị giam cầm, người bị mù lòa, bị áp bức.
Đức Giêsu như đến để mở một Năm Thánh đặc biệt, Năm hồng ân.
Ơn nổi bật là ơn trả lại tự do cho tù nhân và cho người bị áp bức (aphesis).
Vẫn luôn có những người tự nhốt mình trong nhà tù của thành kiến, thói quen…
Xin được ơn tự do để thoát khỏi sự chi phối của cái tôi ích kỷ.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
ai trong chúng con cũng thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.
Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.
Xin giúp chúng con được tự do thực sự:
tự do trước những đòi hỏi của thân xác,
tự do trước đam mê của trái tim,
tự do trước những thành kiến của trí tuệ.
Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,
để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con được tự do như Chúa.
Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,
khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi
và chữa bệnh ngày Sabát.
Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,
khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.
Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,
vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.
Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng con được tự do bay cao.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh.” (Lc 4,15)
Câu chuyện minh họa:
Grant Teaff, huấn luyện viên trưởng môn bóng đá tại đại học Baylor, đã kể lại một câu chuyện thú vị sau đây trong quyển sách nhan đề “Tôi Tin” của ông. Câu chuyện kể về một chàng thanh niên từng là một vận động viên nhảy sào vô địch thế giới. Anh tên là Brian Sternberg.
Năm 1963. Brian là sinh viên năm thứ hai tại đại học Washington. Chàng ta chẳng những là vận động viên nhảy sào vô địch thế giới mà còn là một quán quân nhào lộn của Mỹ Châu nữa. Sau đây là nguyên văn lời Teaff kể lại: “Khắp trường đua ai cũng biết rằng trong suốt một thời gian dài, Brian Sternberg là một lực sĩ trẻ ích kỷ nhất trong đám các lực sĩ trẻ khác”. Teaff kể lại ông đã nhìn thấy phong cách của Brian Sternberg trong ngày anh lực sĩ này phá được kỷ lục thế giới: “Điều đập vào mắt tôi là dáng điệu, nét tự tin của anh và sự kiện là anh ta chẳng bao giờ cười”. Hôm sau, trong khi ăn sáng, Teaff đọc báo và hết sức sửng sốt. Dòng tít đầu tờ báo ghi: “Brian Sternberg bị chấn thương”.
Một mình tập luyện trong sân tập, chàng tập nhào lộn ba nhịp, rơi vào khung căng, khiến khung bị gẫy và chàng bị lâm vào tình trạng hoàn toàn tê liệt, chỉ còn mắt và miệng là cử động được thôi. Thế là Brian chỉ còn là một phế nhân, không tự làm gì được, vô vọng và trở thành một thanh niên cực kỳ đau khổ.
Năm năm sau, huấn luyện viên Teaff gặp lại Brian trong một hội nghị của các huấn luyện viên và các lực sĩ tại công viên Estes, thuộc tiểu bang Colorado. Phòng hội nghị hoàn toàn tối đen. Bỗng nhiên máy chiếu phim dọi sáng lên màn ảnh. Trên màn ảnh, Brian Sternberg đang chạy trên đường đua để thực hiện cú nhảy sào phá kỷ lục. Sau đó, hội trường lại chìm vào bóng tối trở lại, ngoại trừ luồng sáng lẻ loi dọi vào một chiếc ghế đơn trên sân khấu trống rỗng. Đột nhiên từ trong bóng tối trên sân khấu, một cầu thủ bóng đá to con tên là Wes Wilmer tiến ra, trên tay là một vật có hình dáng một hình nộm to lớn rách rưới với đôi tay dài và đôi chân rũ rượi treo hai bên sườn; hình mộm chúi qua chúi lại khi Wes Wilmer bước ngang qua sân khấu. Hình nộm rách rưới ấy chính là chàng Brian Sternberg cao 1m905, cân nặng 37kg845. Wilmer đặt chàng ta xuống trên chiếc ghế và dùng đầu gối nâng chàng lên để giữ cho chàng khỏi té nhào xuống. Thế rồi Brian Sternberg bắt đầu nói bằng một giọng rè rè:
“Thưa quí bạn,
Ôi! Tôi cầu xin Chúa để những gì xảy đến cho tôi sẽ không bao giờ xảy đến cho một ai trong các bạn. Tôi cầu xin để các bạn không bao giờ phải nếm mùi nhục nhã hổ thẹn vì không thể thực hiện được một hành vi cho ra người như tôi.
Ôi! Tôi cầu xin Chúa để các bạn sẽ không bao giờ phải nếm mùi thương đau mà tôi đang phải nếm chịu từng ngày. Tôi hy vọng và cầu xin để những gì đã xảy đến cho tôi sẽ không bao giờ xảy đến cho một ai trong các bạn. Trừ phi, thưa các bạn, đó là điều cần thiết để giúp các bạn đặt Thiên chúa vào trọng tâm đời sống các bạn”.
Những lời nói của Brian gây chấn động chẳng khác gì điện giật. Không một ai hiện diện ở đó có thể quên được.
Suy niệm:
Brian đã làm chứng cho Chúa bằng đời sống của mình. Brian không cần phải giới thiệu Chúa Giêsu là ai, đã sinh ra ở đâu và sống như thế nào… Brian đã chứng tỏ quyền năng và tình yêu của Chúa đã thực hiện nơi cuộc đời của mình.
Trong ngày khởi đầu sứ vụ, Chúa Giêsu công bố rõ sứ mạng của Ngài: loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, và công bố một năm hồng ân của Chúa. Trước lời tuyên bố mọi người đều thán phục.
Lạy Chúa, chúng con được mời gọi sống sứ mạng của Chúa, xin cho chúng con biết dùng chính đời sống của mình mà loan báo và giới thiệu Chúa cho người khác.
Têrêsa Mai An – Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM
Những ngày sau Chúa Nhật lễ Chúa Hiển Linh, phụng vụ Giáo Hội hướng chúng ta đến hình ảnh của một Thiên Chúa luôn tỏ mình ra cho dân Ngài.
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giê-su tỏ mình trong chính sứ vụ của Chúa. Người không tỏ mình cho một đám đông trong hoang địa, nhưng tỏ mình cho người dân làng Nadarét, tại hội đường của họ. Thánh sử Lu-ca diễn tả hình ảnh Chúa Giê-su với những cử chỉ xác tín như sau: Người đứng lên, nhận cuốn sách, mở ra; sau khi đọc, Người cuộn sách, trả lại và ngồi xuống.
Đức Giê-su đã chọn đoạn sách Isaia (61, 1-2). Người thấy đoạn Sách Thánh đó nói về mình, về sứ vụ tương lai: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe”.
Chính Chúa Giê-su tỏ cho mọi người biết về mình rằng: Nguời chính là Đấng có Thần Khí Chúa ngự trên, nhận mình là Mêsia; Đấng được xức dầu để thi hành một sứ mạng. Đức Giê-su chính là “vị Thiên Sai”: đến với người nghèo, để nâng đỡ, an ủi, cứu giúp; xây dựng bình an, giải thoát con người khỏi ách thống trị của sự dữ, khỏi tội lỗi.
Không biết Lời Chúa hôm nay đã tác động được gì nơi tâm hồn của mỗi người chúng ta?
Qua bí tích Rửa Tội, người Ki-tô hữu được Chúa trao cho trách vụ trở nên ngôn sứ và chứng nhân cho Tin Mừng, chúng ta đã thực thi chức năng ngôn sứ và làm chứng cho Chúa như thế nào? Chúng ta có trở nên chứng nhân đích thực của Chúa khi quan tâm đến người nghèo, người thấp cổ bé họng, người không có tiếng nói, người bị bỏ rơi không, v.v. hay chúng ta đã phản chứng khi khước từ những người cần đến sự giúp của chúng ta, coi khinh và bỏ rơi những người tội lỗi, đồng thời dồn anh chị em mình vào ngõ cụt đường cùng?
Lạy Chúa Giê-su, xin cho mỗi người chúng con biết sống tình liên đới, cảm thông và chia sẻ, để trở nên sứ giả của Tin Mừng tình thương trong gia đình, lối xóm và cuộc sống của chúng con hôm nay. Amen.
GKGĐ Giáo phận Phú Cường