08.01.2020 – Thứ Tư sau lễ Hiển Linh
Đến với các ông
Lời Chúa : Mc 6, 45-52
Khi ấy, Ðức Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia về phía thành Bétxaiđa trước, trong lúc Người giải tán đám đông. Sau khi từ biệt các ông, Người lên núi cầu nguyện. Chiều đến, chiếc thuyền đang ở giữa biển hồ, chỉ còn một mình Người ở trên đất. Người thấy các ông phải vất vả chèo chống vì gió ngược, nên vào khoảng canh tư đêm ấy, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông và Người định vượt các ông. Nhưng khi các ông thấy Người đi trên mặt biển, lại tưởng là ma, thì la lên. Quả thế, tất cả các ông đều nhìn thấy Người và đều hoảng hốt. Lập tức, Người bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Người lên thuyền với các ông, và gió lặng. Các ông cảm thấy bàng hoàng sửng sốt, vì các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hoá nhiều: lòng trí các ông còn ngu muội!
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm qua cho thấy Đức Giêsu tỏ mình cho dân chúng
như một người mục tử lo cho nhu cầu vật chất và tinh thần của đoàn chiên.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu tỏ mình cho riêng các môn đệ.
Ngài xuất hiện như người có uy quyền trên biển cả và cuồng phong.
Sau phép lạ bánh hóa nhiều, Đức Giêsu trả lại sự lặng lẽ cho vùng hoang địa.
Ngài bắt buộc các môn đệ lên thuyền sang bờ bên kia trước,
Còn Ngài thì đi giải tán đám đông cuồng nhiệt muốn tôn Ngài làm vua.
Hãy lắng nghe sự tĩnh lặng của nơi hoang vu này, của núi và đất.
Chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, sẵn sàng bước vào cuộc trò chuyện với Cha.
Hãy cảm được sự lắng xuống của tâm hồn Ngài, sau một thành công vang dội.
Đức Giêsu chìm sâu trong cầu nguyện với Cha,
nhưng Ngài vẫn biết điều gì đang xảy ra cho môn đệ.
Ngài đang ở trên mặt đất vững vàng,
còn họ phải lênh đênh giữa biển, vất vả chèo chống vì gió ngược.
Hãy chiêm ngắm cách tỏ mình đặc biệt của Đức Giêsu cho các môn đệ.
Ngài “đến với các ông” vào lúc trời gần sáng, lúc chưa thấy rõ mặt người.
Ngài đến khi các môn đệ đã qua một đêm mệt mỏi, vắng Thầy.
Ngài đến một cách khác thường bằng cách đi trên mặt nước biển
Ngài đến khiến các ông nhìn thấy tưởng là ma, hoảng hốt la lên.
Ngài đến đem lại bình an: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ !”
Ngài bước vào con thuyền của các ông, và trời lặng gió.
Chúng ta cần làm quen với những kiểu tỏ mình khác thường của Chúa.
Ngài đến với ta vào lúc không ngờ, dưới những dáng dấp kỳ lạ.
Chúng ta phải có khả năng nhận ra khuôn mặt Ngài trong bóng tối lờ mờ,
giữa những thất bại, nhọc nhằn, giữa những cô đơn, sợ hãi.
Ngài đến đem bình an mà ta tưởng là yêu ma.
Biết bao lần ta gặp gió ngược trong đời,
nỗ lực nhiều nhưng tiến tới chẳng bao nhiêu.
Nhưng kinh nghiệm một mình với gió ngược mà không có Thầy ở bên
cũng là một kinh nghiệm đáng quý.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con nhìn thấy sự hiện diện của Chúa
ở bên con dưới muôn ngàn dáng vẻ.
Chúa hiện diện lặng lẽ
như tấm bánh nơi nhà Tạm,
nhưng Chúa cũng ở nơi những ai nghèo khổ,
những người sống không ra người.
Chúa hiện diện sống động nơi vị linh mục,
nhưng Chúa cũng có mặt ở nơi hai, ba người
gặp gỡ nhau để chia sẻ Lời Chúa.
Chúa hiện diện nơi Giáo Hội
gồm những con người yếu đuối, bất toàn,
và Chúa cũng ở rất sâu
trong lòng từng Kitô hữu.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con thấy Chúa
đang tạo dựng cả vũ trụ
và đang đưa dòng lịch sử này về với Chúa.
Xin cho con gặp Chúa nơi bất cứ ai là người
vì họ có cùng khuôn mặt với Chúa.
Xin cho con khám phá ra
Chúa đang hẹn gặp con
nơi mọi biến cố buồn vui của đời thường.
Ước gì con thấy Chúa ở khắp nơi,
thấy đâu đâu cũng là nhà của Chúa.
Và ước gì con đừng bỏ lỡ bao cơ hội gặp Chúa
trên bước đường đời của con. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Người lên thuyền với các ông, và gió lặng.” (Mc 6,51)
Câu chuyện minh họa:
Một ghềnh đá nằm trên một ngọn núi cao được gia đình chim phượng hoàng chọn làm nơi xây tổ đẻ trứng và ấp con. Từ ghềnh đá này người ta có thể nhìn thấy bao quát cảnh vật chung quanh.
Thấm thoát thời gian trôi nhanh, chim phượng hoàng mẹ nhìn con và nói
– Đã đến lúc các con phải tập bay.
– Bay như thế nào? Ba chiếc mỏ non nớt cùng cất tiếng hỏi:
Chim mẹ trả lời:
– Các con phải đi ra mép ghềnh đá rồi buông mình rơi xuống và vỗ cánh để gió nâng các con lên.
Ba chú chim con ngơ ngác nhìn nhau với những ánh mắt đầy lo sợ. Tuy thế chúng cũng vâng lời mẹ đi ra mép ghềnh đá nhìn xuống vực thẳm, nhưng rồi lại vội vàng quay trở về chui vào tổ tìm sự an toàn.
Ngày hôm sau chim phượng hoàng mẹ cũng lặp lại lời nói hôm qua:
– Đã đến lúc các con phải tập bay.
Một chú chim con sợ hãi nói:
– Vực thẳm sâu quá!
Con khác tiếp lời:
– Chúng con sẽ phải rơi xuống tan xác mất thôi.
Và con thứ ba thú nhận:
– Chúng con sợ quá, mẹ ơi!
Nhưng chim phượng hoàng mẹ nói như ra lệnh ;
– Hãy đi ra bờ vực thẳm!
Thấy đàn con không nhúc nhích, phượng hoàng mẹ nói giọng cương quyết hơn:
– Hãy đi ra mép gềnh đá, đừng sợ!
Theo lệnh mẹ, ba chú chim con chậm rãi bỏ tổ tìm ra mép ghềnh đá. Chim mẹ nhẹ nhàng dùng mỏ đẩy ba con đi nhanh hơn. Đến nơi, một con can đảm nhảy xuống vực thẳm và tung cánh. Được gió nâng đỡ, nó vỗ những nhịp cánh đầu tiên và bay trong bầu trời cao rộng.
Suy niệm:
Đang mệt mỏi vì gió thổi mạnh, các ông cố gắng chèo chống với sóng gió của biển cả, một bóng người xuất hiện nên các ông tưởng thấy ma, sửng sốt la lên. Chúa quyền năng, Ngài đã xuất hiện ngay khi các ông gặp khó khăn, đang vật lộn với sóng gió dữ dội. Qua đó chúng ta thấy rằng Ngài không bỏ rơi các môn đệ của Ngài. Ngài đến ngay lúc các ông tưởng chừng như thất vọng. Ngài đến để trấn an các ông, nâng đỡ tinh thần các ông và giúp các ông nhận ra tình yêu của Chúa.
Ngày nay, giữa những lúc khó khăn, thử thách trong cuộc sống chúng ta có nhận ra Chúa đang hiện diện với chúng ta không?
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn nhận ra sự hiện diện của Chúa trong mọi lúc nhất là những lúc khó khăn, để chúng con luôn an tâm rằng, Chúa hằng đồng hành cùng chúng con: “Chính Thầy đây đừng sợ”.
Têrêsa Mai An – Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM
Giữa biển hồ mênh mông, các Tông đồ vất vả chèo chống trong cơn gió ngược. Các ông mang tâm trạng gì trong lúc này? Phải chăng các ông đang than trách Thầy vì Thầy không đồng hành với các ông? Hay là các ông tự nhủ không cần Thầy đến giúp, bởi các ông ỷ lại khả năng ngư phủ của mình? Cả hai thái độ đó đã làm cho các ông không nhận ra Thầy mình, và cứ ngỡ là “ma” khi Thầy đến với các ông.
Giữa lúc chèo chống vất vả này, nếu các môn đệ tin tưởng vào Thầy và hy vọng Thầy sẽ đến giúp, thì khi thấy bóng dáng Thầy các ông sẽ nhận ra Thầy mình, nhưng tiếc quá!
Thái độ tự phụ vào khả năng của mình cũng là vật cản không thể giúp con người nhận diện được Chúa. Các môn đệ tin vào khả năng của mình bởi dầu sao các ông là những ngư phủ thứ thiệt. Cậy dựa vào sức mình cũng đồng nghĩa với việc loại trừ Chúa ra khỏi cuộc sống. Do đó khi Chúa đến, các ngài đã không nhận ra Chúa. Thật đáng tiếc!
Đó cũng chính là thái độ thường xảy đến với chúng ta trong cuộc sống:
– Hoặc là khi đối diện với những thách đố trong cuộc sống, chúng ta hầu như cảm thấy mất niềm tin vào Chúa. Tại sao? Có thể đức tin của chúng ta chỉ được bén rễ trên những ích lợi trần thế. Có thể chúng ta thể hiện đức tin để chờ đợi những may lành mang tính trần thế trong cuộc sống, như là làm ăn thành công, sức khỏe dồi dào, v.v.
– Hoặc là chúng ta quá tự phụ cậy dựa vào sức mình, cậy dựa vào sức con người, vào những thành tựu khoa học, chúng ta coi việc cầu nguyện là không cần thiết, và cầu xin sự trợ giúp của Chúa là phù phiếm. Khi đối diện với những thách đố trong cuộc đời chúng ta cứ bám víu vào những phương tiện trần thế, vào khả năng của con người, chúng ta sẽ bị nhận chìm giữa biển khơi.
Lạy Chúa, Chúa hằng yêu thương con người và không bao giờ lìa xa chúng con. Chỉ vì đức tin chúng con chưa vững mạnh để nhận diện ra sự đồng hành của Chúa trên nẻo đường chúng con đi. Xin thêm lòng tin cho chúng con, và xin giúp chúng con luôn gắn chặt với Chúa. Vì chỉ có sự gắn kết này chúng con mới nhận ra Chúa luôn ở kề bên chúng con. Amen.
GKGĐ Giáo phận Phú Cường