19.12.2019 – Trước lễ Giáng Sinh
Chuẩn bị sẵn sàng
PHÚC ÂM: Lc 1, 5-25
“Thiên thần Gabriel báo trước việc Gioan Tẩy Giả sinh ra”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Vào thời Hêrôđê làm vua xứ Giuđêa, có một tư tế tên là Dacaria, thuộc phiên ban Abia, và vợ ông bởi dòng dõi Aaron, tên là Elisabéth. Cả hai là người công chính trước mặt Thiên Chúa, ăn ở theo mọi giới răn và lề luật của Chúa, không ai trách được điều gì. Nhưng họ lại không con, vì Elisabéth son sẻ, và cả hai đã đến tuổi già.
Xảy ra khi Dacaria chu toàn chức vụ tư tế trước mặt Thiên Chúa, theo lượt của phiên mình như tục lệ hàng tư tế,- ông bắt thăm và trúng việc vào cung thánh Chúa mà dâng hương, -đang lúc toàn thể đám đông dân chúng cầu nguyện bên ngoài, trong giờ dâng hương. Bấy giờ thiên thần Chúa hiện ra cùng ông, đứng bên phải hương án. Dacaria thấy vậy (thì) hoảng hốt, sự kinh hoàng đột nhập vào ông.
Nhưng thiên thần nói với ông rằng: “Dacaria, đừng sợ, vì lời ngươi cầu nguyện đã được nhậm rồi. Elisabéth vợ ngươi sẽ hạ sinh cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ gọi tên con trẻ là Gioan. Ngươi sẽ được vui mừng hân hoan, và nhiều người cũng sẽ vui mừng vì việc trẻ sinh ra. Vì trẻ này sẽ nên cao trọng trước mặt Chúa, sẽ không uống rượu và thức có men, sẽ được tràn đầy Thánh Thần ngay từ lòng mẹ, sẽ đem nhiều con cái Israel trở về cùng Chúa là Thiên Chúa. Trẻ này sẽ đi trước Người, trong thần trí và quyền lực của Elia, để hướng lòng dạ cha ông về với con cháu, kẻ ngỗ nghịch về lại với lương tri của những người công chính, dọn cho Chúa một đoàn dân chuẩn bị”.
Dacaria thưa với thiên thần rằng: “Làm sao tôi biết được, vì tôi đây đã già, và vợ tôi cũng đã cao niên?” Thiên thần liền đáp: “Ta là Gabriel, ta đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, ta được sai đến nói với ngươi, và báo cho ngươi tin lành này. Thì đây, ngươi sẽ nín câm và không nói được cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ngươi đã không tin lời ta, là những lời sẽ nên trọng khi đến thời của chúng”.
Dân chúng đang trông đợi Dacaria, lấy làm lạ vì ông ở lâu trong cung thánh. Nhưng lúc ra, ông không nói được, và họ biết ông đã thấy điềm lạ trong cung thánh. Còn ông thì chỉ làm hiệu cho họ, và vẫn bị câm. Khi những ngày thánh vụ của ông đã mãn, ông trở về nhà.
Sau những ngày ấy, Elisabéth vợ ông thụ thai, và bà ẩn mình trong năm tháng, bà nói rằng: “Chúa đã làm cho tôi thế này, trong những ngày Người đoái thương, cất nỗi khổ nhục tôi khỏi người đời”.
Suy niệm :
Ở nước Do Thái, vợ chồng lấy nhau mà không con nối dõi
là một điều bất hạnh, thậm chí là một hình phạt của Thiên Chúa.
Chúng ta không rõ hai ông bà Dacaria và Êlisabét
đã sống với nhau bao lâu mà không có con.
Chỉ biết bây giờ ông đã cao niên rồi, và bà đã quá tuổi sinh sản (c. 7).
Hai vợ chồng già đã kiên nhẫn cầu xin và chờ đợi trong nhiều năm.
Có vẻ Đức Chúa ngoảnh mặt đi, không nghe lời họ,
dù cả hai đều thuộc dòng tộc tư tế Aharon và rất mực đạo đức (cc. 5-6).
Bây giờ họ có còn hy vọng nữa không?
Chính khi ta thất vọng, thì Chúa đến loan báo Tin Vui (c. 19).
Tư tế Dacaria may mắn trúng thăm, nên ông được vào Nơi Thánh
để lau hương án và dâng hương mới.
Tại nơi thâm nghiêm này, khi ông lo việc tế tự,
ông được sứ thần Chúa báo tin về đứa con sắp chào đời của mình.
Gioan, nghĩa là Đức-Chúa-thi-ân, sẽ là món quà ông được tặng.
Nhưng Gioan sẽ còn là món quà cho nhiều người Ítraen,
vì Gioan có sứ mạng giải hòa dân tộc ông với nhau và với Chúa.
Một con người chưa được mang thai và chào đời,
nhưng về người ấy, Thiên Chúa đã có bao ước mơ và dự tính.
Ngài cho Gioan được đầy Thánh Thần từ trong lòng mẹ (c. 15).
“Làm cho kẻ ngỗ nghịch trở về nẻo chính đường ngay,
và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (c. 17).
Đó là những việc Gioan sẽ làm sau này trong tư cách là Êlia mới.
Dacaria có vẻ không tin vào lời sứ thần,
Có vẻ ông không còn nuôi hy vọng có một đứa con (c. 18).
Ông quên mất chuyện Ápraham đã sinh con trong lúc tuổi già.
Là một tư tế hẳn ông phải biết có nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn
đã sinh con làm thủ lãnh đất Ítraen (Tl 13, 2; 1Sm 1-2; St 16, 1).
Việc ông bị câm là một hình phạt, nhưng ông không bị loại trừ.
Thinh lặng chín tháng là thời gian ông chờ đợi để lời hứa nên trọn.
Từ khi bà Êlisabét có thai, bà ẩn mình một thời gian.
Bà chưa muốn cho ai hay biết chuyện này.
Niềm vui bất ngờ đến với bà, người được hưởng hạnh phúc làm mẹ.
“Chúa đã làm cho tôi như thế đó,
khi Ngài đoái thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời.”
Mỗi một trẻ thơ chào đời đều có nét của Gioan.
Chẳng người nào thấy ánh mặt trời mà lại nằm ngoài ý Thiên Chúa.
Như Gioan, ngay từ khi tôi chưa hiện hữu trong lòng mẹ,
Thiên Chúa đã nghĩ đến tôi, và biết tên tôi.
Tôi có chỗ rất riêng trong chương trình của Chúa.
Chúa có một sứ mạng rất riêng cho tôi hôm nay.
Thời nào cũng cần Gioan, cần những người kêu gọi hoán cải.
Nhân loại thời nay cần những người dọn đường sáng tạo,
có khả năng mở những con đường mới đi vào lòng thế nhân.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa,
Chúa đã làm người như chúng con,
nên Chúa hiểu gánh nặng của phận người.
Cuộc đời đầy cạm bẫy mời mọc
mà con người lại yếu đuối mong manh.
Hạnh phúc thường được trộn bằng nước mắt,
và giữa ánh sáng,
cũng có những bóng mờ đe dọa.
Lạy Chúa Giêsu,
nếu có lúc con mệt mỏi và xao xuyến,
xin nhắc con nhớ rằng trong Vườn Dầu
Chúa đã buồn muốn chết được.
Nếu có lúc con thấy bóng tối bủa vây,
xin nhắc con nhớ rằng trên thập giá
Chúa đã thốt lên: Sao Cha bỏ con ?
Xin nâng đỡ con, để con đừng bỏ cuộc.
Xin đồng hành với con, để con không cô đơn.
Xin cho con yêu đời luôn
dù đời chẳng luôn đáng yêu.
Xin cho con can đảm
đối diện với những thách đố
vì biết rằng cuối cùng
chiến thắng thuộc về người
có niềm hy vọng lớn hơn. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu…”. (Lc 1,21)
Câu chuyện minh họa:
John P., một linh mục Ái Nhĩ Lan, sau nhiều năm tận tâm thuyết phục một thanh niên bỏ đạo trở về với Giáo hội, đã phải hoài công vô vọng. Bao lời khuyên răn cứ như “nước đổ lá môn”.
Một lần kia, Mẹ Têrêsa Calcutta được mời đến thăm Ái Nhĩ Lan. Ban tổ chức có thu xếp một buổi nói chuyện thân mật giữa Mẹ với các bạn trẻ. Mẹ chỉ nói giản dị về tình yêu Thiên Chúa: Chúa yêu thương các bạn; Ngài luôn đồng hành với các bạn. Sau đó Mẹ rời thành phố. Ai về nhà nấy.
Trời mỗi lúc mỗi khuya! Khi mọi vật đang chìm vào tĩnh mịch, chợt một hồi chuông điện thoại reo vang phá tan giấc ngủ của cha John. Ngài nhấc vội chiếc điện thoại, và đầu giây bên kia là giọng nói của chàng thanh niên năm nào: “Alô, con muốn xưng tội với cha. Con muốn trở về cùng Giáo hội.”
– “Chuyện gì xảy ra cho anh vậy?” Vị linh mục hỏi lại. Ngài tưởng chừng chàng thanh niên đang bị tai nạn hiểm nghèo nào đó nên vội dọn mình ra đi.
Nhưng anh ta trả lời: “Thưa cha, vì chiều nay Mẹ Têrêsa đã nói với con một lời đánh động lòng con rất nhiều.”
Vị linh mục ngạc nhiên: “Mẹ nói lời gì, và nếu tôi không lầm thì nhà thờ chật ních. Mẹ lại đâu có cơ hội để gặp riêng anh?”
– “Vâng thưa cha, Mẹ không gặp riêng con, nhưng Mẹ đã nói với mọi người, trong đó có con. Mẹ nói rằng: “Chúa ở với các con.”
Nghe thế, vị linh mục càng ngạc nhiên hơn nữa: “Ủa, đã nhiều lần tôi cũng nói với anh như thế, nhưng sao hôm nay anh lại bị thuyết phục bởi lời nói ấy của Mẹ Têrêsa?”
Anh thanh niên chậm rãi giải thích: “Thưa cha, vì Mẹ đã nói câu đó từ thẳm sâu của tâm hồn. Mẹ đã nói với con bằng tất cả con tim của mình.”
Một câu nói không phát ra từ một công thức có sẵn hay do một thói tục xã giao thông thường thúc đẩy, nhưng khởi đi từ chốn thâm sâu của một tâm hồn yêu thương mới có khả năng thuyết phục, hoán cải, và truyền đạt được ý nghĩa chân thực nhất của danh hiệu Emmanuel-Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta.
Suy niệm:
Biết bao lần chúng ta lắng nghe “Chúa ở cùng anh chị em” nhưng được mấy lần chúng ta bị đánh động bởi lời ấy? Biết bao lần con tim chúng ta rung động khi lời ấy chạm đến tai chúng ta? Niềm vui lớn nhất của những người yêu nhau là họ được ở bên nhau; cũng vậy, Thiên Chúa vì yêu thương con người, nên đã xuống thế mang thân phận con người để ở với con người, để thông chia nỗi đau của con người, và cứu thoát con người khỏi vũng lầy tội lỗi. Thiên Chúa đã đến để phá đổ bức tường ngăn cách giữa trời và đất, giữa con người với nhau, để giữa thế gian, Thiên Chúa hiện hữu.
Xin cho Ngôi Lời hiện diện sống động trong cuộc đời con, để niềm vui và sự bình an của Chúa được gieo vãi khắp nơi.
Têrêsa Mai An – Gp. Mỹ Tho
Suy niệm
Điều sứ thần xác quyết: “lời cầu xin của ông bấy lâu hôm nay đã được Thiên Chúa nhận lời”, quả thật là một tin vui rất lớn không chỉ đối với ông Dacaria mà còn đối với cả gia đình và dòng tộc của ông. Thế nhưng sau khi nghe tin vui này, Dacaria đã gặng hỏi lại sứ thần: “dựa vào đâu mà tôi biết được được điều ấy? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã cao niên”. Câu hỏi của Dacaria cho ta có cảm giác ông không có gì vui. Ông tỏ ra nghi ngờ trước lời loan báo của sứ thần, thậm chí có vẻ như ông đang khó chịu và muốn thách thức Thiên Chúa khi nói: “dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy?”. Vậy đâu là nguyên nhân khiến ông Dacaria có một tâm trạng cũng như những lời nói lạ thường đến như thế trước lời tiên báo của sứ thần?
Chúng ta thử đặt giả thiết rằng: giả sử Chúa nhận lời ban cho ông Giacaria có một đứa con ngay khi mà ông còn đang háo hức đợi chờ thì sao? Chắc chắn lúc đó ông sẽ rất vui. Có lẽ chính sự chờ đợi đã bào mòn niềm tin của ông Dacaria. Với tuổi đời mỗi ngày mỗi chất chồng trên cuộc đời của hai vợ chồng: 40, 45, 50, 55, 60… dường như đã khiến ông không còn đủ kiên nhẫn để chờ đợi. Thời gian dành cho sự kiên nhẫn nơi ông đã cạn. Niềm hy vọng nơi ông đã tắt dần theo thời gian.
Đến đây một câu hỏi lại được gợi lên: tại sao Chúa lại quá chậm trễ như vậy? Thật vậy, nếu như Chúa không chậm trễ mà nhận lời ban cho ông Giacaria có một người con ngay khi ông cầu xin, chắc chắn ông sẽ rất vui sướng. Thế nhưng niềm vui đó sẽ ngắn ngủi và chỉ dừng lại ở gia đình ông, họ hàng của ông. Và sứ mạng tiền hô cho Đấng Cứu Thế của Gioan Tiền Hô sẽ không được ứng nghiệm. Và như thế khi Đấng Cứu Thế đến, rất có thể nhiều người sẽ không đón nhận. Sứ mạng của Gioan Tiền Hô là dọn đường cho Đấng Mêssia đến.
Việc Thiên Chúa nhận lời cầu nguyện của ông Dacaria không chỉ dừng lại ở niềm vui của cá nhân ông và gia đình ông mà còn hơn thế nữa, nó còn mang đến niềm vui, niềm hạnh phúc cho người khác, của cả nhân loại. Chính vì thế, lời đầu tiên ông nói sau khi nói trở lại được là cất lời ca tụng Chúa: Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Israel đã viếng thăm cứu chuộc dân Người.
Nhìn lại kinh nghiệm đức tin của Dacaria, chúng ta cũng xin Chúa cho chúng ta đừng bao giờ mất niềm tin vào Chúa, nhưng luôn biết kiên nhẫn để nhận ra và sống thánh ý Chúa mỗi ngày, cho dù rất nhiều khi ý Chúa muốn không giống ý chúng ta. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường