16.12.2019 – Thứ hai tuần III Mùa Vọng
Gioan là một ngôn sứ
PHÚC ÂM: Mt 21, 23-27
“Phép rửa của Gioan bởi đâu mà có?”
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy Chúa Giêsu vào Đền thờ. Lúc Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ lão trong dân đến hỏi Người rằng: “Ông lấy quyền nào mà làm những điều này? Ai đã ban quyền ấy cho ông?” Chúa Giêsu trả lời: “Tôi cũng hỏi các ông một điều. Nếu các ông trả lời cho tôi, thì tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều đó. – Phép Rửa của Gioan bởi đâu mà có? Bởi trời hay bởi người ta?” Họ bàn tính với nhau rằng: “Nếu ta nói bởi trời, thì ông sẽ nói với ta: Vậy tại sao các ngươi không tin ông ấy? Và nếu ta nói bởi người ta, thì chúng ta lại sợ dân chúng. Vì mọi người coi Gioan như một vị tiên tri”. Bấy giờ họ trả lời Chúa Giêsu rằng: “Chúng tôi không được biết”. Chúa Giêsu nói với họ: “Tôi cũng không nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều đó”.
Suy Niệm
“Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?
Ai đã cho ông quyền ấy” (c. 23).
Hai câu hỏi của giới lãnh đạo tôn giáo ở Giêrusalem đặt cho Đức Giêsu.
Làm các điều ấy là vào thành thánh giữa đoàn dân tung hô vang dội,
là đuổi những người buôn bán trong Đền thờ,
là chữa bệnh và giảng dạy ở đó (Mt 21, 12-15).
Ai là Đấng đã cho ông Giêsu quyền ấy?
Đây không phải là câu hỏi để thượng tế và kỳ mục tìm thông tin.
Đây là câu hỏi để họ tìm thêm lý lẽ nhằm bắt bẻ Đức Giêsu khi có dịp.
Đức Giêsu đã không trực tiếp trả lời câu hỏi này.
Hay đúng hơn Ngài trả lời bằng cách đặt một câu hỏi khác (c. 24).
Ngài chỉ hỏi họ đúng một điều thôi, về nguồn gốc phép rửa của Gioan.
“Do trời hay do người phàm”, do Thiên Chúa hay do loài người (c. 25).
Câu hỏi này lập tức đưa họ vào thế bị động, lưỡng nan.
Nếu do Thiên Chúa, tại sao họ lại không tin Gioan? (c. 25).
Nhưng họ lại không dám bảo phép rửa của Gioan là do người phàm,
vì dân chúng tin Gioan là một ngôn sứ (c. 26),
nghĩa là người của Thiên Chúa, người được sai để nói lời của Ngài.
Các thượng tế và kỳ mục đã không dám trả lời câu hỏi của Đức Giêsu.
Nếu nhìn nhận phép rửa của Gioan là đến từ Thiên Chúa,
thì họ cũng phải nhìn nhận Đức Giêsu,
vì Gioan làm chứng Đức Giêsu là Đấng Mêsia.
Điều này thì họ không hề muốn, vì nó đòi họ phải thay đổi cuộc sống,
thay đổi mọi lối suy nghĩ và mọi niềm tin xưa nay.
Ngược lại nếu coi thường phép rửa của Gioan, họ lại sợ dân chúng.
Họ không dám đi ngược với cái nhìn của dân, vì muốn được lòng dân.
Rõ ràng họ không có tự do để chọn một trong hai.
Đức Giêsu đã bắt họ phải công khai quan điểm của mình.
Nhưng họ đã chọn thái độ né tránh: “Chúng tôi không biết.” (c. 27).
Nói câu này trước mặt dân chúng thì quả là khó nghe và khó tin.
Làm sao họ lại không biết chuyện quan trọng đó?
Vì họ không thỏa mãn điều kiện Đức Giêsu đưa ra (c. 24),
nên Ngài sẽ không trả lời cho họ biết Ngài dùng quyền nào (c. 27).
Thành thật với chính mình thật khó biết bao!
Đón nhận sự thật với trọn cả tâm hồn đòi phải trả giá.
Sự thật bao giờ cũng đòi ta đổi đời, không để ta yên.
Chính vì thế ta thích quanh co và dễ né tránh sự thật.
Nhưng dù ta có né tránh sự thật, thì sự thật vẫn cứ theo đuổi ta luôn.
Chẳng ai làm át được tiếng nói của sự thật.
Mùa Vọng là thời gian ra khỏi bóng tối của dối trá, để đón lấy sự thật.
Chỉ cần bớt một chút cứng cỏi của tự mãn về cái tôi,
thêm một chút mềm mại của tình yêu khiêm hạ,
là ta có cơ may gặp được chân lý như đám đông dân chúng.
Và chân lý sẽ cho ta được tự do (Ga 8, 32).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin dẫn con vào nhà của con,
căn nhà của trái tim,
căn nhà vừa quen vừa lạ.
Xin hãy cho con thấy
những phức tạp, rắc rối, những che đậy, giằng co,
những mâu thuẫn và vô lý nơi con.
Xin hãy cho con thấy
những nhỏ mọn, ích kỷ,
những yếu đuối, khô khan,
những cứng cỏi và tự ái nơi con.
Xin cho con ý thức
những lo âu, sợ hãi
đang đè nặng làm con ngột ngạt,
những nỗi đau thầm kín khiến đời con mất vui,
những vết thương không biết bao giờ lành,
những đổ vỡ khiến lòng con khép lại.
Lạy Chúa Giêsu,
xin giúp con dọn những bề bộn nơi tim con.
Xin biến đổi tim con, để nó trở nên đơn sơ hơn,
hồn nhiên hơn và tươi tắn hơn.
Ước gì con nhìn mọi sự, mọi người,
bằng trái tim bao dung của Chúa.
Và ước gì khi đã ra khỏi nỗi bận tâm về mình,
trái tim con được nhẹ nhàng hơn và tự do hơn
để yêu mến mọi người. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?”. (Mt 1,24)
Câu chuyện minh họa:
Sách Lã Thị Xuân Thu có kể vài ứng đối của Án Tử như sau:
Nghe tin Án Tử sắp sang nước Sở, Vua Sở bảo quân thần rằng: “Án Tử là người có tài ăn nói của nước Tề sắp sang đây. Ta muốn làm cho hắn bị nhục, các ngươi có kế gì không?”. Cận thần thưa: “Để bao giờ Án Tử sang, chúng tôi sẽ trói một người nước Tề và cho là phạm tội ăn trộm”.
Khi Án Tử đến nơi, vua Sở cho thiết tiệc khoản đãi. Đang giữa bữa tiệc, bỗng có hai tên lính điệu một người bị trói vào, vua Sở hỏi: “Tên này tội gì mà bị trói thế?” Họ đáp: “Đó là một người nước Tề, phạm tội ăn trộm”. Vua đưa mắt nhìn Án Tử và nói: “Người nước Tề hay trộm cắp lắm nhỉ?” Án Tử đứng dậy thưa: “Chúng tôi có nghe cây quất mọc ở đất Hoài Nam thì là thành quất chua. Cành lá giống nhau, mà quả lại chua, ngọt khác nhau là tại sao?” – “Thưa là tại thuỷ thổ khác nhau”. “Nay người dân ở bên Tề thì lương thiện, mà sang nước Sở lại sinh ra trộm đạo, có lẽ cũng bởi thuỷ thổ nên sinh ra đổi khác chăng.”
Sở Vương muốn làm nhục Án Tử nhưng rồi trước bằng chứng về sự thật mà Án Tử đưa ra để biện mình, Sở Vương lại đành nuốt nhục. Chính bằng chứng về sự thật mà Án Tử nêu ra, đã đột ngột làm xoay chuyển được mưu của những kẻ muốn bày trò làm nhục người khác.
Suy niệm:
Hoàn cảnh Sở Vương phần nào giống như tâm trạng của giới Thượng tế, Biệt phái vào thời Chúa Giêsu, khi họ lên tiếng bắt bẻ Chúa Giêsu trong bài tin mừng hôm nay. Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục không tin Chúa Giêsu và chất vấn về quyền hạn của Người: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?” Đức Giêsu biết họ không phải đi tìm chân lý, và tìm cách bắt bẻ Ngài, nhưng Ngài vẫn khoan nhân với họ, đặt câu hỏi cho họ để mời gọi họ nhận ra sự thật. Chúa Giêsu lại nhắc đến Gioan Tẩy Giả để khơi gợi niềm tin cho họ bởi Gioan thu hút nhiều người tin vào Chúa và ăn năn sám hối, thế nhưng họ vẫn cố chấp và không tin.
Chúng ta là những môn đệ của Chúa, chúng ta có cố chấp trước những lời giáo huấn của Giáo hội không? Ngày nay, Thiên Chúa vẫn đang đối thoại với con người qua mọi biến chuyển trên thế giới bằng nhiều cách thế, chúng ta phải biết sáng suốt và nhận ra những dấu chỉ ấy để chúng ta thật sự là những môn đệ trung tín của Chúa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khiêm tốn đón nhận những lời giáo huấn của Giáo hội, bỏ đi những rào cản khiến chúng con xa rời đức tin, để mỗi ngày đức tin của chúng con trở nên vững mạnh hơn.
Têrêsa Mai An – Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM
“Ông lấy quyền nào mà làm những điều này? Ai đã ban quyền ấy cho ông?”, câu hỏi của các thượng tế và kỳ lão thoạt nghe cho thấy có vẻ họ muốn tìm hiểu về Chúa Giêsu, họ đang đi tìm sự thật về Chúa Giêsu, nhưng thực ra họ đặt ra câu hỏi đó có mục đích là để bắt bẻ và tìm cớ hại Người. Chúa Giêsu biết rõ âm mưu của họ, nhưng thay vì giận dữ, Chúa Giêsu lại tỏ ra khoan dung và nhân từ trước thái độ cố chấp của họ, nên thay vì trả lời, Nguời lại đặt ra cho họ một câu hỏi, không phải để bắt bẻ hay gài bẫy họ, mà để mời gọi họ nhận ra được sự thật về Người và tin vào Người.
Chúng ta có thể thấy được ý muốn của Chúa Giêsu, nhận ra được tấm lòng thương xót của Người khi Người nhắc lại cho các thượng tế và kỳ lão về phép rửa của Gioan Tẩy Giả. Cuộc đời và lời giảng dạy của Gioan Tẩy Giả không những thu hút nhiều người đến nghe giảng, mà còn chịu phép rửa thống hối. Vậy mà Gioan chỉ coi mình là tiếng kêu trong sa mạc, dọn đường cho Đấng đến sau ông. Lời của Gioan Tẩy Giả chính là một chứng từ về sự thật: “Đấng đến sau tôi, quyền thế hơn tôi và tôi không đáng cởi dây giày cho Ngài”. Như thế, khi nhắc lại Gioan Tẩy Giả và phép rửa của ông là Chúa Giêsu muốn các thượng tế và kỳ lão chấp nhận sự thật. Nhưng họ vẫn cố chấp và ác ý, khiến họ không thể trở thành môn đệ của Người.
Trong thế giới hôm nay: Thiên Chúa vẫn đang đối thoại, mời gọi mỗi người chúng ta không ngừng tìm hiểu sự thật, và chúng ta được cứu rỗi hay bị luận phạt là tùy thuộc thái độ đón nhận hay khước từ lời mời gọi đó.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con luôn tin nhận Chúa là Đấng đã đến trần gian để cứu chuộc nhân loại, cứu chuộc chúng con; xin cho chúng con nhận ra được ánh nhìn nhân từ và tấm lòng thương xót của Chúa, để chúng con luôn siêng năng đến với Chúa và được tắm trong đại dương ân sủng của Chúa. Amen.
GKGĐ – Giáo Phận Phú Cường