28.11.2019 – Thứ năm tuần XXXIV Thường niên
Sắp được cứu chuộc
PHÚC ÂM: Lc 21, 20-28
“Giêrusalem sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho các dân ngoại chấm dứt”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi các con thấy Giêrusalem bị các đạo binh bao vây, các con hãy biết rằng đã gần đến lúc thành ấy bị tàn phá. Bấy giờ những ai ở trong đất Giuđa, hãy chạy trốn lên núi, những ai ở trong thành, hãy rời xa, và những ai ở vùng quê, chớ có vào thành; vì những ngày ấy là những ngày báo oán, để ứng nghiệm mọi lời đã ghi chép.
“Khốn cho những đàn bà đang mang thai và nuôi con thơ trong những ngày ấy: vì chưng sẽ có sự khốn cực cả thể trong xứ và cơn thịnh nộ trút xuống dân này. Chúng sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ phải bắt đi làm tôi trong các dân, và Giêrusalem sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho dân ngoại chấm dứt.
“Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn, chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến”.
Suy niệm:
Theo Josephus, một sử gia người Do Thái đáng tin cậy,
bốn quân đoàn của vị tướng Rôma là Titus
đã vây hãm thành phố Giêrusalem vào lễ Vượt Qua năm 70,
khiến người dân trong thành rơi vào cảnh đói khát cùng cực.
Ông kể chuyện một phụ nữ quê ở Pêrêa vì quá đói
đã túm lấy đứa con còn thơ dại, giết con và nướng để ăn.
Cũng theo sử gia này, quân Rôma đã dùng gươm
để giết hơn một triệu người ở Giêrusalem và Giuđê.
Những người Do Thái bị bắt làm tù binh là gần một trăm ngàn.
Ai có thể tưởng được điều khủng khiếp như vậy đã xảy ra
chỉ bốn mươi năm, sau khi Đức Giêsu nói những lời tiên báo.
Giêrusalem là thành trì vững chắc, nơi trú ẩn an toàn,
bây giờ lại là nơi nguy hiểm, cần phải tránh xa (c. 21).
Tai họa ập xuống trên phụ nữ mang thai và cho con bú (c. 23).
trên cả tội nhân lẫn trẻ thơ vô tội.
Thành đô đã bị bao vây, bị thiêu rụi, bị quân Rôma giày xéo.
Dân thành bị ngã gục, bị đi đày, phải tản mác khắp nơi.
Sự sụp đổ của thành đô đã là một biến cố trên đất Israel.
Nhưng trước khi Đức Giêsu ngự đến trên mây trời
như Con Người đầy quyền năng và vinh hiển (c. 27),
sẽ có những dấu lạ đáng sợ khác trên bầu trời và ngoài biển cả (c. 25).
Thánh Máccô nói đến hiện tượng mặt trời, mặt trăng mất sáng,
và các vì sao sa xuống từ trời (Mc 13, 24-25).
Thánh Luca nói đến cảnh biển gào, sóng thét.
Những điều đó làm muôn dân hoang mang, hồn xiêu phách lạc,
nhưng không làm các môn đệ hoảng hốt, âu lo.
Ngược lại họ mừng vui vì Đấng họ chờ đợi từ lâu nay đã đến.
“Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên” (c. 28).
Đứng thẳng để đón Đấng mà họ đã suốt đời thắp đèn chờ đợi.
Ngẩng đầu để mừng giây phút ơn cứu chuộc đã đến gần.
Chỉ khi Đức Giêsu phục sinh trở lại như Đấng xét xử quyền năng,
Ngài mới trọn vẹn hoàn thành Nước Thiên Chúa trên mặt đất.
Vào cuối năm phụng vụ, Lời Chúa nói với chúng ta về ngày tận thế.
Đó là ngày vừa đáng sợ, vừa chan chứa niềm vui,
ngày được gặp mặt Đấng chúng ta đã tin tưởng, mến yêu và hy vọng.
Người ta vẫn hay đoán già đoán non về ngày tận thế.
Nhiều người tưởng là năm 2000, gần đây có người lại nói là 2012.
Điều quan trọng là làm sao tôi có thể đứng thẳng, ngẩng đầu khi Ngài đến,
làm sao nhân loại trên trái đất này sẵn sàng ra nghênh đón Ngài
như đón Đấng Cứu Tinh mà họ nóng lòng chờ đợi.
Nếu ngày mai Ngài đến với cả thế giới hay đến với riêng mình tôi,
tôi có sẵn sàng chưa hay còn bị còng lưng, cúi đầu vì bao gánh nặng?
Mỗi người đều có ngày tận thế của mình.
Xin cho tôi được bình an khi ngày ấy đến mà không có điềm lạ nào báo trước.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa quang lâm,
chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.
Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,
còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.
Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,
Chúa đâu muốn mất một người nào…
Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa
xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,
vui tươi và hạnh phúc,
để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn
cho mọi người và cho cả vũ trụ.
Xin nuôi dưỡng nơi chúng con
niềm tin vững vàng
và niềm hy vọng nồng cháy,
để tất cả những gì chúng con làm
đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.” (Lc 21,28)
Câu chuyện minh họa:
Ngày 28.l0.1992, khoảng 20.000 tín đồ Nam Triều Tiên thuộc một giáo phái được mệnh danh là “Giáo Hội Của Ngày Cánh Chung” trong những giờ phút cực kỳ quan trọng. Vì theo sự tiên đoán của Giáo Hội này, thì vào nửa đêm ấy Chúa Giêsu sẽ tái xuất hiện từ trời cao, giữa tiếng kèn đồng để đem tín đồ giáo phái này lên khoảng không giữa thiên đàng và quả địa cầu, với mục đích giúp họ tránh những đại họa sẽ diễn ra. Sau đó sẽ báo hiệu ngày tận thế sắp đến như được bài Tin Mừng hôm nay diễn tả.
Tiếp tục theo dõi diễn tiến về ngày tận thế của giáo phái Giáo Hội của ngày cánh chung, người ta thấy các báo chí xuất bản có đăng những hình ảnh của các tín đồ thuộc giáo phái này trong bộ quốc phục truyền tin, hợp nhau cầu nguyện và hát thánh ca trong các nguyện đường để chờ đợi giây phút Chúa Giêsu tái giáng lâm. Nhưng các phóng viên đã đề tựa đề cho bản tin là: “Ngày tận thế đã bị đình hoãn”.
Bản tin diễn tả tiếp giới lãnh đạo của giới cánh chung lên tiếng xin lỗi các tín đồ, vì họ đã không dàn xếp được cuộc thăng thiên tập thể cho các tín đồ. Bởi lẽ Chúa Giêsu đã không xuất hiện vào giờ phút họ tiên đoán. Mặc dầu họ đã tính toán thật kỹ lưỡng dựa theo Kinh Thánh, bằng khoa học siêu toán học bằng điện máy. Dầu sao, khi nghe tiếng đồn của họ khiến nhiều tín đồ giáo phái này đã bỏ bê công việc làm, các sinh viên học sinh đã nghỉ học. Những người có đất đai, nhà cửa và tài sản đã đem bán sạch. Tệ hơn, có một số phụ nữ có mang đã phá thai và thậm chí có một vài tín đồ đã tự tử vì quá sợ ngày Chúa đến.
Mặt khác, trong khi đó thì cảnh sát có những mối lo sợ khác, họ sợ rằng nếu ngày Chúa đến không diễn ra thì các tín đồ cuồng tín có thể sẽ có những phản ứng mạnh như tự tử tập thể chẳng hạn. Vì thế các nhân viên an ninh và các xe cứu thương đã canh chừng và chực sẵn bên ngoài các nguyện đường của giáo phái này để phòng ngừa những diễn tiến bất trắc có thể xảy đến. Nhưng vào đêm hôm đó rạng ngày hôm sau, hai kim đồng hồ vẫn tiếp tục di chuyển mà không có dấu hiệu nào khác thường xảy ra. May thay đã không có tai nạn nào đáng tiếc được tuờng thuật, vì phản ứng thất vọng của các tín đồ thuộc giáo phái trên, ngoại trừ một số người giận dữ ném xô sát vào các mục sư, một số tín đồ khác cuồng tín hơn đã lôi các giảng viên bục giảng để hành hung. Diễn tiến trên là một chuyện khó tin nhưng có thật, vì đã diễn ra trong một thời đại tân tiến ngày nay của những giáo phái tự xưng là nền tảng, vì họ chủ trương hiểu Kinh Thánh theo nghĩa đen và theo nguyên văn.
Suy niệm:
Chúa Giêsu loan báo ngày Chúa đến mang niềm hoan lạc chứ không phải gây hoang mang sợ hãi, và luôn trong tư thế tỉnh thức để sẵn sàng cho ngày Chúa đến: “anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc”. Đó là thái độ vui mừng của người luôn đặt niềm tin vào Chúa ngay cả những lúc gian nan khốn khổ nhất.
“Đứng thẳng và ngẩng đầu lên” để giúp mỗi người chúng ta không nhìn về quá khứ tội lỗi mà mất đi niềm hy vọng, nhưng để đặt trọn tương lai vào tình yêu Chúa quan phòng, đó là động lực giúp chúng ta vươn tới.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết sống tâm tình ăn năn thống hối mỗi ngày và đặt trọn tình yêu vào Chúa để mỗi ngày con tiến xa hơn nữa trên con đường bước theo chân Chúa.
Têrêsa Mai An – Gp. Mỹ Tho
Suy niệm
Truyện phim Titanic đã làm cho câu chuyện về chiếc tàu lịch sử này trở thành quen thuộc. Titanic có nghĩa là khổng lồ, là một chiếc tàu Anh quốc to lớn và sang trọng nhất thế giới vào đầu thế kỷ 20. Được đề cao như một lâu đài nổi khổng lồ không bao giờ đắm, nhưng lâu đài ngạo nghễ chở đầy hành khách cao sang quyền quí ấy đã đắm ngay trong chuyến khởi hành đầu tiên từ bờ biển nước Anh tới Nữu Ước sau khi rời bến được năm ngày. Trong số hai ngàn hai trăm hành khách, có một ngàn năm trăm người đã chết dần theo tàu, số người sống xót phần đông là đàn bà và trẻ em đã nhờ bám vào những chiếc phao để sang tàu khác.
Ai đã một lần trải qua tai nạn lưu thông hoặc đã sống cảnh loạn lạc chiến tranh, hay phải sống những giây phút mà sự sống như sợi chỉ mành treo chuông, đều cảm nghiệm những hãi hùng được mô tả trong câu chuyện đắm tàu Titanic, hoặc cảnh sụp đổ thành Giêrusalem mà Chúa Giêsu loan báo trong Tin Mừng hôm nay.
Năm 70 sau Công nguyên, đúng như lời tiên tri của Chúa Giêsu, gót giày của hoàng đế La Mã đã dẫm lên kinh thành muôn thuở của người Do Thái. Sự ngạo nghễ của thành Giêrusalem trong phút chốc chỉ còn lại một đống gạch vụn.
Ngày nay người ta không chỉ nhắc đến chiếc tàu Titanic vì những báu vật được chôn vùi dưới lòng biển mà chính vì những nghĩa cử anh hùng của những người chồng, người cha, người thủy thủ, đã sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để nhường những chiếc phao cứu sống cho đàn bà, trẻ em. Giữa cảnh chết chóc, hoa hy sinh đã trổ bông. Cũng vậy, trong cảnh đổ nát điêu tàn, sự sống đã phát sinh. Thành Giêrusalem đổ nát, một đất nước bị xóa tên trên bản đồ thế giới, thế nhưng, đó chính là giây phút khai sinh của Giáo Hội. Rời bỏ Giêrusalem đổ nát, rời bỏ thành trì cũ kỹ, các tông đồ đã tản mác đi khắp nơi, và nhờ đó, Tin Mừng được loan báo cho mọi đất nước.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nói với chúng con: “Các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến”, mời gọi chúng con nhìn vào hoàn cảnh sống hiện tại mà sống cho Chúa. Xin cho hạt giống chúng con đang gieo vãi hàng ngày được trổ bông kết trái, góp phần vào việc mở rộng Nước Chúa, để khi Chúa đến trong vinh quang chúng con được ngẩng cao đầu trong niềm vui và hy vọng nơi Chúa. Amen.
Suy niệm
Truyện phim Titanic đã làm cho câu chuyện về chiếc tàu lịch sử này trở thành quen thuộc. Titanic có nghĩa là khổng lồ, là một chiếc tàu Anh quốc to lớn và sang trọng nhất thế giới vào đầu thế kỷ 20. Được đề cao như một lâu đài nổi khổng lồ không bao giờ đắm, nhưng lâu đài ngạo nghễ chở đầy hành khách cao sang quyền quí ấy đã đắm ngay trong chuyến khởi hành đầu tiên từ bờ biển nước Anh tới Nữu Ước sau khi rời bến được năm ngày. Trong số hai ngàn hai trăm hành khách, có một ngàn năm trăm người đã chết dần theo tàu, số người sống xót phần đông là đàn bà và trẻ em đã nhờ bám vào những chiếc phao để sang tàu khác.
Ai đã một lần trải qua tai nạn lưu thông hoặc đã sống cảnh loạn lạc chiến tranh, hay phải sống những giây phút mà sự sống như sợi chỉ mành treo chuông, đều cảm nghiệm những hãi hùng được mô tả trong câu chuyện đắm tàu Titanic, hoặc cảnh sụp đổ thành Giêrusalem mà Chúa Giêsu loan báo trong Tin Mừng hôm nay.
Năm 70 sau Công nguyên, đúng như lời tiên tri của Chúa Giêsu, gót giày của hoàng đế La Mã đã dẫm lên kinh thành muôn thuở của người Do Thái. Sự ngạo nghễ của thành Giêrusalem trong phút chốc chỉ còn lại một đống gạch vụn.
Ngày nay người ta không chỉ nhắc đến chiếc tàu Titanic vì những báu vật được chôn vùi dưới lòng biển mà chính vì những nghĩa cử anh hùng của những người chồng, người cha, người thủy thủ, đã sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để nhường những chiếc phao cứu sống cho đàn bà, trẻ em. Giữa cảnh chết chóc, hoa hy sinh đã trổ bông. Cũng vậy, trong cảnh đổ nát điêu tàn, sự sống đã phát sinh. Thành Giêrusalem đổ nát, một đất nước bị xóa tên trên bản đồ thế giới, thế nhưng, đó chính là giây phút khai sinh của Giáo Hội. Rời bỏ Giêrusalem đổ nát, rời bỏ thành trì cũ kỹ, các tông đồ đã tản mác đi khắp nơi, và nhờ đó, Tin Mừng được loan báo cho mọi đất nước.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nói với chúng con: “Các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến”, mời gọi chúng con nhìn vào hoàn cảnh sống hiện tại mà sống cho Chúa. Xin cho hạt giống chúng con đang gieo vãi hàng ngày được trổ bông kết trái, góp phần vào việc mở rộng Nước Chúa, để khi Chúa đến trong vinh quang chúng con được ngẩng cao đầu trong niềm vui và hy vọng nơi Chúa. Amen.
GKGĐ – Gp. Phú Cường