27.11.2019 – Thứ tư tuần XXXIV Thường niên
Một sợi tóc
PHÚC ÂM: Lc 21, 12-19
“Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy, nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy: các con sẽ có dịp làm chứng. Vậy các con hãy ghi nhớ điều này trong lòng là chớ lo trước các con sẽ phải thưa lại thể nào. Vì chính Thầy sẽ ban cho các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù nghịch các con không thể chống lại và bắt bẻ các con.
“Cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu sẽ nộp các con, và có kẻ trong các con sẽ bị giết chết. Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất. Các con cứ bền đỗ, các con cũng sẽ giữ được linh hồn các con”.
Suy niệm:
Lúc trời còn tối, ngày 16 tháng 11 năm 1989, tại nước El Salvador,
một nhóm người có vũ trang đã xâm nhập vào Đại Học Trung Mỹ.
Chúng đã giết sáu linh mục Dòng Tên và hai mẹ con người nấu ăn.
Giết xong chúng đã kéo xác ra ngoài vườn và làm những trò man rợ.
Các linh mục này đều là những nhà trí thức, có ảnh hưởng trong xã hội.
Họ muốn nói lên tiếng nói của người nghèo, chịu cảnh bất công,
muốn chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài khiến hơn 70 ngàn người chết.
Họ đã phải trả giá bằng vụ thảm sát bất ngờ,
đã chết như những chứng nhân, những vị tử đạo thời mới.
Chuyện ấy đã xảy ra cách đây hai mươi năm rồi.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nói về những cuộc bách hại
xảy ra trước khi Ngài trở lại trong ngày tận thế.
Các môn đệ sẽ phải chịu những gì Thầy mình đã chịu.
Họ sẽ bị bắt, bị ngược đãi, bị tù đày, bị đem ra tòa đạo, tòa đời (c. 12).
Họ sẽ bị nộp bởi chính người thân, bị mọi người thù ghét,
và thậm chí bị giết hại (cc. 16.17).
Tất cả những gì các môn đệ phải chịu đều là vì danh Thầy (cc. 12. 17).
Chính tình yêu trung tín đối với Thầy và giáo huấn của Thầy
đã khiến bao Kitô hữu tự nguyện đón nhận khổ đau và cái chết.
Không phải chỉ chối Thầy cách công khai mới mang tội bất trung.
Không phải chỉ bước qua thập giá mới là phản bội.
Bất cứ khi nào chúng ta bước qua những giá trị ngàn đời của Kitô giáo,
như sự thật, sự sống, công bằng, bác ái, nhân phẩm, tự do, lương tâm,
khi ấy chúng ta chối bỏ Đức Kitô Giêsu.
Bất cứ khi nào chúng ta dám xả thân để sống cho những giá trị đó,
chúng ta đã làm chứng cho Ngài rồi.
Gioan Tẩy Giả đã chết vì nói sự thật mất lòng với Hêrôđê.
Maria Goretti đã chết vì muốn sống trong sạch.
Maximilien Kônbê đã xin chết thay cho người khác vì lòng bác ái.
Tất cả đều được Giáo Hội tôn kính như những vị tử đạo,
dù họ không chết vì tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu.
Đối với Đức Giêsu, giây phút đứng trước tòa là giây phút quan trọng.
Người môn đệ có cơ hội công khai làm chứng cho Thầy (c. 13).
Đức Giêsu không để họ một mình đối diện với sức mạnh của quyền uy.
Ngài hứa sẽ giúp họ trả lời những cáo buộc của tòa án (c. 15; Cv 6, 10).
Thế nên họ chẳng có gì phải xao xuyến, lo âu (c. 14).
Tòa án trở thành nơi làm chứng tuyệt vời của người môn đệ.
Điều quan trọng khi bị bách hại là phải kiên trì (c. 19).
Có nhiều kiểu hành hạ nhằm làm cho người môn đệ bỏ cuộc.
Nhưng một sợi tóc anh em cũng không bị mất (c. 18)
nghĩa là Chúa sẽ lo từng li từng tí cho môn đệ của mình.
Mạng sống của các môn đệ ở đời này có thể bị mất (c. 16),
nhưng nếu họ kiên trì và trung tín, họ sẽ giữ được nó ở đời sau.
Chúng ta cầu cho nhau được ơn kiên trì giữa thử thách của thời đại mới.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời,
Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục.
Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian,
lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó.
Thế gian này vàng thau lẫn lộn.
Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài.
Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình,
giữ được vị mặn của muối,
và sức tác động của men,
để đem đến cho thế gian
một linh hồn, một sức sống.
Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo,
chỉ sợ mình bỏ sống đạo
vì bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế.
Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng
chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo,
những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.
Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con,
thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui
của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Lời Chúa:
“Anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan…” (Lc 21,14-15).
Câu chuyện minh họa:
Một sĩ quan người Anh có đức tin mạnh mẽ được phái đến phục vụ ở một xứ nọ. Ông cùng gia đình xuống thuyền để đi đến đó. Thuyền rời bến được vài ngày thì biển động mạnh, một cơn bão kinh khủng ập đến làm thuyền có nguy cơ bị đắm. Sự lo lắng nỗi sợ hãi xâm chiếm tất cả mọi người trên thuyền. Vợ của viên sĩ quan là người tỏ ra lo sợ hơn cả. Bà trách cứ chồng bà, vì trái với phản ứng sợ hãi của vợ, ông tỏ ra rất bình tĩnh. Thái độ bình tĩnh này bị bà xem như một biểu lộ sự thiếu lo lắng, yêu thương đối với bà và con cái. Sau khi nói vài lời ngắn gọn với vợ, ông rời căn phòng, nhưng liền sau đó ông quay trở lại với thanh kiếm trên tay. Với ánh mắt thảm não, ông tiến về phía người vợ và dí mũi kiếm vào ngực bà. Lúc đầu bà này sợ tái mặt, nhưng sau đó bỗng bà cười lớn tiếng, không hề tỏ vẻ sợ hãi.
– Làm sao em có thể cười khi em cảm thấy mũi nhọn của lưỡi kiếm trên ngực em? Em không sợ sao? – viên sĩ quan hỏi.
– Làm sao em sợ được – bà trả lời, – khi em thấy lưỡi kiếm ấy ở trong tay một người thương em.
– Vậy tại sao em lại muốn anh sợ cơn bão tố này khi anh biết rằng nó ở trong tay của Cha anh là Người hằng yêu mến anh?”
Suy niệm:
Chúa Giêsu trấn an các môn đệ khi gặp thử thách vì Danh Chúa, thì đừng lo phải nói gì, phải đối phó ra sao nhưng Người sẽ ban ơn cần thiết cho chúng ta để chúng ta đối đáp lại những lời vu khống của địch thù.
Là môn đệ Chúa Kitô, Người sẽ không bỏ rơi khi chúng ta bám víu và trông cậy vào Người. Người sẽ không bỏ chúng ta khi gặp thử thách, dù bị ghét bỏ, Người cũng sẽ bảo vệ chúng ta. Phần chúng ta, chúng ta cần phải thi hành sứ mạng của mình đó là cơ hội để làm vinh danh Chúa. Để thực hiện tốt điều đó, chúng ta cần tạo mối liên hệ với Thiên Chúa để kín múc sức mạnh nơi Người, và dẹp bỏ mọi bức tường ngăn cách để đến với tha nhân.
Ước gì trong mọi hoàn cảnh, chúng ta luôn nhớ đến sứ mạng chứng nhân của mình để kiên tâm bền chí, dù có phải gặp gian nan thử thách vì có Chúa ở cùng.
Têrêsa Mai An – Gp. Mỹ Tho
Suy niệm
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đào sâu ý nghĩa của tử đạo trong cuộc sống hàng ngày nơi chúng ta.
Đọc lại cuộc tử đạo của một trăm mười bảy vị thánh được ĐứcGiáo hoàng Gioan Phaolô II tôn phong ngày 19 tháng 6 năm 1988, chúng ta biết rằng dầu các ngài bị bắt giữ vì nhiều lý do khác nhau, nhưng cuối cùng, tôn giáo vẫn là yếu tố quyết định trong mọi bản án. Tất cả các thánh tử đạo Việt Nam đều bị đặt dưới một chọn lựa quyết liệt, có tính cách thuần túy tôn giáo là bước qua hay không bước qua thập giá. Nếu thập giá là biểu tượng thiết yếu của Kitô giáo, thì bước qua thập giá có nghĩa là chối bỏ Chúa Kitô và niềm tin của mình. Nơi các thánh tử đạo, chúng ta thấy ứng nghiệm lời Chúa Giêsu: “Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người thù ghét”.
Quả thật, từ hai ngàn năm qua, chính vì danh Chúa Kitô, các Kitô hữu bị thù ghét và bách hại. Như vậy, bách hại là phần số của những người mang danh hiệu Kitô. Không thể là môn đệ Chúa Giêsu mà không đi lại con đường chính Nguời đã đi qua. Chúa Kitô đã báo trước cho các môn đệ: “Môn đệ không trọng hơn Thầy”, nếu Người đã bị bách hại thì các môn đệ cũng phải bị bách hại.
Nhưng tại sao Chúa Giêsu, các môn đệ và tất cả những người công chính đều bị bách hại?
Chúng ta không hiểu được hoàn toàn mầu nhiệm của sự dữ. Chúng ta chỉ biết rằng sau ngày thứ Sáu Tuần Thánh đầu tiên đã có biết bao ngày thứ Sáu Tuần Thánh khác nối tiếp nhau cho đến ngày nay. Tất cả những đau khổ ấy không phải là sự kiện riêng rẽ tách biệt nhau, cũng không xảy ra một cách ngẫu nhiên hoặc chỉ do sự độc ác của một người nào đó. Các cuộc bách hại đều nằm trong một cuộc song đấu vĩ đại giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa công chính và gian tà. Cuộc song đấu ấy bao gồm toàn thể lịch sử nhân loại: bao lâu còn có những người mang danh hiệu Kitô thì bấy lâu còn bách hại.
Ngày nay, không còn có những cuộc bách hại đẫm máu nhưng lại có vô số hình thức chối bỏ và chà đạp tự do tôn giáo. Ngày nay, không còn có những cuộc bách hại công khai nhưng lại có vô số những tấn công tinh vi hơn nhằm loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống con người. Dùcác cuộc bách hại ấy không làm thân xác con người bị tổn thương, nhưng nhân cách và lương tâm con người ngày càng bị bóp nghẹt và chết dần chết mòn. Ngày nay, không còn có những cái chết đẫm máu nhưng tử đạo có nghĩa là dám can đảm đi ngược lại dòng đời và khước từ những gì đi ngược với giá trị của Tin Mừng.
Một cuộc tử đạo dai dẳng như thế, thiết tưởng đã là Kitô hữu, ai trong chúng ta cũng có thể trải qua từng giờ từng phút. Cuộc tử đạo ấy đòi hỏi người Kitô hữu phải can đảm và kiên trì hơn cả việc giơ cổ cho lý hình chém trong giây lát.
Nguyện xin Chúa ban sức mạnh để chúng con được bền đỗ trong cuộc tử đạo liên lỉ ấy.Amen.
GKGĐ – Gp. Phú Cường