09.11.2019 – Cung hiến thánh đường Latêranô
Tôi sẽ xây dựng lại
PHÚC ÂM: Ga 2, 13-22
“Người có ý nói đền thờ là thân thể Người”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêrusa-lem; Người thấy ở trong đền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc. Người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ, Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ, và bảo những người bán chim câu rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”.
Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: “Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi”.
Bấy giờ người Do-thái bảo Người rằng: “Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy”. Chúa Giêsu trả lời: “Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”. Ngưòi Do-thái đáp lại: “Phải bốn muơi sáu năm mới xây được đền thờ này mà ông, ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?” Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói.
Suy niệm:
Hôm nay chúng ta mừng lễ cung hiến thánh đường Latêranô.
Ðây là vương cung thánh đường cổ kính nhất của Hội Thánh,
là nhà thờ chính toà của Ðức Thánh Cha, giám mục Rôma,
là Mẹ của mọi nhà thờ trên thế giới.
Cung hiến thánh đường là dâng cho Chúa một ngôi nhà
để dành riêng cho việc phụng tự.
Khi được cung hiến để trở thành nhà của Thiên Chúa,
thánh đường cũng trở nên nhà của các tín hữu.
Nơi Thiên Chúa hiện diện và thi ân
cũng là nơi con người họp nhau để tôn thờ, cảm tạ.
Dù nguy nga hay nhỏ bé, cổ kính hay hiện đại,
mọi nhà thờ đều là nơi Thiên Chúa hẹn gặp con người.
“Hãy phá hủy Ðền thờ này đi,
nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại.”
Ðức Giêsu không có ý nói đến đền thờ Giêrusalem.
Ngài muốn nói đến chính thân thể Ngài,
thân thể bị phá hủy và được xây dựng lại,
thân thể bị giết chết và được phục sinh.
Ðức Giêsu phục sinh trở nên Ðền Thờ của Giao Ước mới.
Ai ai cũng được mời gọi bước vào Ðền Thờ này.
Chỉ nơi đây, con người mới gặp được Thiên Chúa.
Hội Thánh cũng được ví như một Ðền Thờ thiêng liêng,
mỗi tín hữu là một viên đá sống động (x. 1Pr 2, 4-8),
và Ðức Kitô là viên đá góc, là nền (x. 1Cr 3, 11).
Thánh Phaolô không ngần ngại khẳng định
“Ðền thờ của Thiên Chúa chính là anh em” (1Cr 3,17).
Hơn thế nữa, ngài còn nói:
“Thân xác anh em là Ðền Thờ của Thánh Thần” (1Cr 6,19)
Như thế cả Hội Thánh và từng Kitô hữu đều là Ðền Thờ.
Ðền Thờ chủ yếu lại không phải là những toà nhà
có thể bị thời gian bào mòn, bị chiến tranh phá hủy.
Ðền thờ là những con người sống động.
Ðền thờ quan trọng nhất là con người Ðức Giêsu phục sinh,
một con người đầy tràn sức sống của Thánh Thần.
Mọi Ðền thờ đều phải qui về Ðền thờ đó.
Không gắn bó với Ðấng phục sinh và Thánh Thần của Ngài,
chẳng Ðền thờ nào là Ðền thờ thực sự.
Khi thấy nhà Cha trở thành nơi buôn bán,
Ðức Giêsu đã nổi giận, vì nhiệt tâm đối với Cha.
Chúng ta thường thiếu một chút giận dữ hồn nhiên như vậy,
vì chúng ta yêu quá ít và sợ quá nhiều.
Chúng ta dửng dưng với những gì liên hệ đến Thiên Chúa.
Có nhiều nhà thờ, đền thờ cần tu bổ.
Nhà thờ đầu tiên là con người tôi.
Xin Ðức Giêsu cứ thanh tẩy chúng ta bằng Thánh Thần,
cứ tiếp tục lật đổ và trục xuất những gì ô uế.
Ước gì chúng ta cung hiến lại bản thân mình cho Chúa
để Hội Thánh thật sự là Ðền thờ,
nhờ đó cả thế giới cũng trở thành Ðền thờ của Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội Thánh là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa giữa một thế giới đầy chia rẽ.
Xin cho Hội Thánh không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.
Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.
Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Lời Chúa:
“Người lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò ra khỏi Đền Thờ,…” (Ga 2,15)
Câu chuyện minh họa:
Ngày kia, có một thanh niên đến thưa với Thầy ẩn sĩ Sisot:
– Thưa Thầy, xin Thầy cho con một lời chỉ giáo.
– Con muốn gì cứ nói!
– Thưa Thầy, con phải làm gì? Con mới phạm một tội tầy đình và thật ghê gớm.
Nói xong, chàng thanh niên khóc nức nở. Thầy Sisot thản nhiên trả lời: “Nếu như thế thì hãy chỗi dậy đi”.
Chàng thanh niên lắc đầu: “Con đã cố gắng chỗi dậy nhưng lại sa ngã và phạm đi phạm lại, con phải chỗi dậy bao nhiêu lần nữa?”
Thầy Sisot cương quyết: “Con phải chỗi dậy sau mỗi một lần sa ngã cho đến khi nào Chúa gọi con ra khỏi thế gian này”
Suy niệm:
Mỗi con người Chúa dựng nên, đều được Chúa tháp vào một lương tâm để phân biệt điều tốt, điều dữ. Vì vậy, tâm hồn mỗi người là đền thờ của Chúa, chúng ta cần phải can đảm và quyết liệt chiến đấu chống lại những cơn cám dỗ và tránh xa dịp tội, để giữ mãi tâm hồn trong sáng mà Chúa đã ban cho chúng ta. Còn khi chúng ta đã phạm tội, thì chúng ta cũng đừng thất vọng, mà hãy đứng lên, rút kinh nghiệm, và sửa sai sau mỗi lần vấp ngã. Có như thế chúng ta mới làm cho ngôi đền thờ chúng ta xứng đáng để Chúa cư ngụ.
Lạy Chúa, xưa Chúa đã có những hành vi mạnh mẽ để bảo vệ ngôi đền thờ của Chúa khỏi ô uế, xin cho chúng con cũng mạnh mẽ loại trừ những gì cản bước tiến chúng con đến với Chúa, và nhất là luôn giữ cho tâm hồn trong sạch mà phụng thờ Chúa trong mọi sự..
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
Suy niệm
Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ, ắt hẳn nhiều người sẽ cảm thấy phấn khích với hành động mạnh mẽ và dứt khoát của Người. Ắt chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu khi ai đó biến đền thờ thành nơi buôn bán. Tuy nhiên, việc làm đó của Chúa Giêsu đã đụng chạm đến nhiều người, trực tiếp ảnh hưởng đến cái lợi của những người buôn bán, và họ đã phản ứng gay gắt với Chúa. Họ đặt vấn đề: ông lấy quyền gì mà đuổi chúng tôi. Khi đặt câu hỏi này với Chúa, họ nghĩ họ được phép buôn bán ở đây, hoặc là cách nào đó, dù là mua chuộc, hay chia chác lợi nhuận, họ có phép làm chuyện đó.
Chúng ta thử nghĩ xem, nhiều người cũng chất vấn chúng ta như thế, ông lấy quyền gì mà nói đến chúng tôi:
- Thấy xã hội tham ô, hối lộ, chúng ta lên án, động đến nhóm lợi ích, họ nói rằng ông lấy quyền gì mà nói.
- Thấy xã hội bất công, người nghèo bị ăn chặn, chúng ta lên tiếng, họ nói ông lấy quyền gì mà làm như thế, lo mà giảng Lời Chúa đi, rảnh hơi, lo chuyện bao đồng.
- Thấy môi trường ô nhiễm, chúng ta lên án xả thải, lên án phá hoại môi trường, chúng ta chung tay bảo vệ môi trường sống của mình, họ nói ông lấy quyền gì mà nói, chúng tôi mới có quyền, thậm chí chúng kết án ngược lại chúng ta.
- Thấy những cơ cấu nhập nhằng, ảnh hưởng đến sự vận hành chung, thiếu tính minh bạch, chúng ta lên tiếng, họ nói chúng ta là kẻ chia rẽ, không cùng nhìn về một hướng.
- Thấy những tệ nạn, xì ke, ma tuý, đập đá, mãi dâm, mại thánh, ồn ào trong nhà thờ, nghe điện thoại khi lễ, mất trật tự, làm việc thiếu phương pháp, chúng ta chấn chỉnh, rồi cũng sẽ có người nói với chúng ta, việc đó có người khác lo…
Còn nhiều cái để chúng ta cùng nhau suy nghĩ theo motíp này lắm.
Chúng ta hãy đặt mình trong tâm thế của Chúa Giêsu. Dĩ nhiên, Chúa có quyền và không cần ai cho Người cái quyền đó. Sống cho lẽ phải, sống cho sự thật, sống cho các giá trị Tin Mừng, cũng không cần ai phải cho quyền đó với chúng ta, mà chúng ta chỉ có một mệnh lệnh: hãy làm theo những gì Chúa dạy chúng ta. Dù thế nào, chúng ta vẫn phải làm, giống như Chúa chấp nhận giá máu, chấp nhận hy sinh.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết xây dựng đền thờ chúng con thật thánh thiện, tốt lành. Xin giúp chúng con luôn biết bảo vệ những giá trị Tin Mừng khi phải đối diện với xã hội tục hoá hôm nay. Amen.
GKGĐ – Gp. Phú Cường