08.10.2019 – Thứ ba tuần XXVII Thường niên
Chọn phần tốt hơn
PHÚC ÂM: Lc 10, 38-42
“Martha rước Người vào nhà mình. Maria đã chọn phần tốt nhất”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy Chúa Giêsu vào một làng kia, và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: “Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với”.
Nhưng Chúa đáp: “Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện (quá). Chỉ có một sự cần mà thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất”.
Suy niệm:
Nếu ở Việt Nam mỗi năm có khoảng mười hai ngàn người chết vì tai nạn giao thông,
thì ở Nhật có ba mươi ngàn người tự sát trong năm qua.
Tai nạn giao thông lắm khi do vội vã, không làm chủ được tốc độ.
Tự sát do áp lực của công việc quá lớn, do căng thẳng, do sợ bị khiển trách.
Xem ra cuộc sống hối hả đã dẫn đến nhiều cái chết thương tâm.
Nhiều người chết bất ngờ vì bệnh tim mạch.
Con người hôm nay có nhiều tiện nghi hơn, nhiều thú vui hơn ngày xưa,
nhưng lại thiếu sự thanh thản, bình an, trầm lắng.
Trong bài diễn văn ngày 20-08-2006 tại Castel Gandolfo,
Đức Thánh Cha đã cảnh báo về nguy hiểm khi làm quá nhiều công việc.
Ngài trích lời thánh Bênêđictô: bị quá tải thường dẫn đến sự chai đá của con tim,
tinh thần bị thương tổn, trí khôn bị mất và ơn Chúa bị phân tán.
Ngài khẳng định lời nhắc nhở này cũng áp dụng cả cho ngài và cho mọi người.
Không được đánh mất mình trong công việc :
đó là tâm niệm của người lãnh đạo trên một tỉ người Công Giáo khắp thế giới.
Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy một giây phút thư giãn của Đức Giêsu.
Trên con đường nay đây mai đó của một người rao giảng,
Đức Giêsu cũng có lúc dừng chân.
Một ngôi làng quen thuộc, một mái nhà ấm cúng, một bữa ăn ngon,
tất cả như một ốc đảo xanh tươi đem lại cho Thầy trò hạnh phúc
sau những vất vả, nhọc mệt, hiểm nguy và thiếu thốn.
Hầu chắc ngôi làng này ở Bêtania, gần Giêrusalem.
Hai chị em Mácta và Maria đã được nhắc đến trong Tin Mừng Gioan.
Mácta là người đón khách và nấu nướng (Ga 11, 20; 12, 2),
còn Maria thì hay phủ phục dưới chân Đức Giêsu (Ga 11, 32; 12, 3).
Những nét này ta lại thấy trong bài Tin Mừng hôm nay theo Luca.
Mácta vẫn là người ra đón Chúa, Maria vẫn là người ngồi duới chân Chúa.
Một người thiên về hoạt động, một người có vẻ trầm hơn.
Nhưng cả hai đều được Đức Giêsu quý mến (Ga 11, 5).
Chúng ta cần chiêm ngắm cuộc chia sẻ của Đức Giêsu với chị Maria.
Chị ngồi bên chân Chúa và lắng nghe lời Người (c.39).
Đức Giêsu là người nói và chị Maria là người nghe.
Ngài có thể đã chia sẻ với chị về đời sống nội tâm và việc tông đồ của ngài.
Được chia sẻ và có người nghe mình chia sẻ là một hạnh phúc.
Còn chị Maria thì sung sướng được ngồi nghe trong tư thế của một môn đệ.
Người ta có cảm tưởng chị có thái độ thụ động khi nghe.
Thật ra để lắng nghe cần tích cực mở tai và mở lòng.
Lắng nghe Lời Chúa là cần trước khi đem ra thực hành.
Mácta đón Chúa vào nhà,
còn Maria đón Lời Chúa vào tâm hồn mình.
Có thể định nghĩa cầu nguyện là ngồi và lắng nghe Chúa nói.
Một số người tưởng cầu nguyện là phải nói thật nhiều cho Chúa nghe.
Thật ra Chúa muốn bày tỏ cho ta những ước mơ của ngài về ta,
nên ta cũng cần dành khoảng lặng cho ngài.
Nghệ thuật đối thoại cũng là nghệ thuật thinh lặng lắng nghe.
Trong khi Maria ngồi nghe Chúa nói,thì Mácta tất bật dưới bếp.
Mácta bối rối về nhiều chuyện phục vụ (peri pollên diakonian, c. 40).
Chị sợ bữa ăn không được chuẩn bị chu đáo và kịp thời.
“Em con để con phục vụ một mình”: chị thấy cô đơn trong công việc.
“mà Thầy không quan tâm sao?”: chị nghĩ lẽ ra Thầy nên để ý chuyện ấy.
“Xin Thầy bảo em giúp con một tay”: chị muốn Maria xuống bếp giúp chị.
Mácta thật là người tốt, chị muốn tiếp đãi Đức Giêsu đàng hoàng.
Nhưng có lẽ chị quên rằng Maria cũng đang tiếp đãi Đức Giêsu,
và ngài rất vui với cách tiếp đãi đó.
Nếu đưa Maria xuống bếp phụ cho chị, thì Thầy Giêsu nói chuyện với ai?
Chúng ta cũng dễ say mê làm việc của Chúa, đến nỗi quên cả việc gặp Chúa.
Có khi chúng ta coi trọng hiệu quả của công việc ta làm cho Chúa
mà quên dành giờ cho Chúa.
Cầu nguyện là ở với Chúa, nghỉ ngơi bên Chúa,
sống tình bạn với Chúa như hai người ngồi bên nhau.
Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận nhắc ta đặt Chúa lên trên việc-của-Chúa.
Đức Giêsu thông cảm với nỗi căng thẳng, âu lo của Mácta
thể hiện trên khuôn mặt và giọng nói của chị.
Ngài nhẹ nhàng gọi tên chị hai lần : “Mácta, Mácta ơi !”
“Chị băn khoăn lo lắng về nhiều chuyện quá!” (peri polla, c.41).
Câu này ngài cũng muốn nói với từng người chúng ta.
Chúng ta cũng lo nhiều chuyện, gánh nhiều trách nhiệm.
“Chỉ có một chuyện cần mà thôi”: ngài mời ta tập trung vào một chuyện cần.
Lo nhiều chuyện làm ta bị phân tán.
“Maria đã chọn phần tốt nhất” :
ngồi dưới chân Chúa là một chọn lựa nghiêm chỉnh giữa những công việc bề bộn.
Đặt Chúa lên trên và lên trước mọi việc khác là một chọn lựa không dễ dàng.
Dù sao Mácta là một thánh nữ, được Giáo Hội kính nhớ trong Phụng vụ.
Chúng ta phải làm Mácta, tận tụy với việc của Chúa, không phải việc của mình,
như thế ta sẽ bình an hơn khi thất bại, khiêm tốn hơn khi thành công.
Chúng ta phải làm Mácta, nhưng không được lo lắng, bôn chôn.
Chúng ta làm mọi việc trong an tĩnh, thư thái, vui tuơi, hài hước,
bởi lẽ Chúa chẳng đòi ta làm quá sức mình.
Chúng ta phải làm Mácta, đảm đang lo nhiều việc, nhưng không được tự hào,
coi thường những người thiếu khả năng, bệnh tật,
hay đánh giá người khác dựa trên hiệu quả công việc.
Chúng ta phải làm Mácta, nhưng không cần ai để ý (c.40).
không coi việc mình làm là quan trọng hơn việc người khác,
vì biết rằng Chúa ban cho mỗi người mỗi việc để phục vụ cho toàn thân.
Cuộc sống hôm nay khiến ta khó làm Maria.
Nhưng phải cố dành giờ để làm Maria mỗi ngày.
Phải thu xếp để được làm Maria, để có người thay mình làm Mácta.
Nghe lời Chúa sẽ dẫn tới hành động: đó là xây nhà trên đá.
Cuối cùng đời sống chúng ta là kết hợp của Mácta và Maria :
vừa đón Chúa như Mácta, vừa tiếp Chúa như Maria,
vừa làm việc của Chúa, vừa gặp gỡ chính Chúa,
vừa hoạt động, vừa chiêm niệm,
nhưng lúc nào cũng hướng về Chúa.
Cầu nguyện:
Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,
xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.
Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,
xin cho con quý chuộng những lúc
được an nghỉ trước nhan Chúa.
Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,
xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa
để nghe lời Người.
Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,
xin cho con thoát được lên cao
nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.
Lạy Chúa,
ước gì tinh thần cầu nguyện
thấm nhuần vào cả đời con.
Nhờ cầu nguyện,
xin cho con gặp được con người thật của con
và khuôn mặt thật của Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Lời Chúa:
“Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 10,42)
Câu chuyện minh họa:
Một giáo sư đang trong giờ giảng về cách quản lý thời gian. Ông đặt vài thứ trước mặt. Đầu tiên, ông lấy một cái bình to và bắt đầu cho vào đó những quả bóng chơi golf. Sau đó, ông hỏi các sinh viên: “Theo các bạn, bình đã đầy chưa?”. “Rồi ạ!”, các sinh viên trả lời.
Giáo sư lại lấy ra một hộp đựng đầy bi và đổ vào bình. Rồi lắc lên cho bi rơi lấp vào khoảng trống giữa những quả bóng. Ông lại hỏi lần nữa và các sinh viên, lần này có vẻ ngập ngừng hơn, trả lời: “Có lẽ là rồi ạ.”
Lần này, vị giáo sư lấy ra một xô cát, và cũng đổ vào bình. Tất nhiên, cát lấp đầy các khe hở. Ông hỏi lại và các sinh viên lần này đồng thanh: “Rồi ạ!”
“Hãy xem này, “giáo sư nói và lấy ra hai lon bia, đổ vào bình. Bia tràn vào giữa những hạt cát.
“Bây giờ,” giáo sư nói, “tôi muốn các bạn hãy tưởng tượng cái bình này như cuộc đời của mình.
Bóng golf tượng trưng cho những điều quan trọng – gia đình, con cái, sức khoẻ, bạn bè, đam mê – những điều mà nếu mọi thứ khác mất đi, thì chỉ mình chúng vẫn có thể làm cuộc sống của bạn đầy đủ.
Những viên bi là thứ khác, nhỏ nhặt hơn – nghề nghiệp, nhà cửa, ôtô. Còn cát là những gì vặt vãnh còn lại.”
“Nếu các bạn cho cát vào trước”, giáo sư tiếp tục, “sẽ không còn chỗ cho bi và bóng golf nữa. Cuộc đời cũng vậy. Nếu dành tất cả thời gian và năng lượng cho những việc vặt vãnh, bạn sẽ không bao giờ làm được những điều quan trọng.
Hãy ưu tiên làm những việc thực sự cần thiết trước. Dành thời gian cho con cái, kiểm tra sức khỏe, đi ăn với gia đình, làm những việc mình thích. Sau khi đã làm tất cả những điều đó, chắc chắn bạn vẫn còn thời gian cho những thứ nhỏ nhặt như lau dọn nhà cửa, sửa chữa đồ đạc. Vì thế, hãy luôn ưu tiên những quả bóng, và đặt chúng vào bình trước tiên.”
Khi người thầy dừng lại, lớp học vẫn im lặng một hồi. Bỗng có cánh tay giơ lên, và một sinh viên hỏi: “Thưa giáo sư, vậy bia tượng trưng cho cái gì?”
Giáo sư mỉm cười hài lòng, “Một câu hỏi hay. Bia, tôi chỉ muốn nói với các bạn rằng, ngay cả khi các bạn thấy cuộc sống của mình đã quá bận rộn và đầy đủ thì, vẫn luôn còn thời gian cho một chầu bia!”
Khi thấy mình có quá nhiều việc phải giải quyết, và 24 giờ mỗi ngày là không đủ, thì bạn hãy nghĩ đến chiếc bình này, đặt những quả bóng vào trước. Và… đừng quên nghỉ ngơi!
Suy niệm:
Trong cuộc sống có quá nhiều việc, làm cho chúng ta không nhận ra đâu là điều quan trọng nhất. Chúng ta chỉ nghĩ làm sao cho mình được no ấm hằng ngày là đủ, không màng đến điều gì nữa. Nhưng chúng ta quên rằng “Có một điều cần thiết mà thôi” mà đôi khi chúng ta không nhận ra, đó là tìm kiếm Chúa. Để được như vậy, chúng ta cần dành cho Chúa thời gian trong ngày sống của mình để sống thân tình với Chúa, nhờ đó chúng ta sẽ sống trọn vẹn hơn ơn gọi Kitô hữu của mình.
Lạy Chúa, xin cho con biết ở lại trong Chúa vì nơi Chúa con được kín múc nguồn sức sống vô biên.
Têrêsa Mai An – Gp. Mỹ Tho
Suy niệm
Làm việc tông đồ, thế nhưng lắm lúc chúng ta cũng hay phàn nàn. Chúng ta phàn nàn người này người nọ, so sánh mình với người khác, so nài về công việc mình làm với công việc của người khác, nghĩ rằng việc mình quan trọng hơn, cần được ưu tiên hơn. Và có khi chúng ta muốn được tuyên dương, muốn được chú ý nhiều hơn.
Câu chuyện về những phàn nàn của Macta ngày hôm nay là câu chuyện thời sự của đời tông đồ nơi mỗi chúng ta. Dù là chị, nhưng Macta lại phàn nàn về e mình. Cũng thế, tuy mỗi người mỗi việc, mỗi sở trường, mỗi tính cách, mỗi thời gian và không gian khác nhau, nhưng chúng ta lại muốn Chúa để mắt trông nom đến chúng ta nhiều hơn: “Em con để con một mình phục vụ, mà Thầy không để ý sao”. Lời phàn nàn phân bua của Macta là lời điển hình hằng ngày của chúng ta. Chúng ta hay đặt mình là trung tâm, coi việc mình làm là quan trọng.Chúng ta muốn người khác giúp mình, quan tâm mình, và thậm chí còn muốn “ra lệnh” cho Chúa phải lưu tâm đến chúng ta.
Đang lúc mệt nhọc nấu nướng, lau dọn, chạy ngược chạy xuôi với mọi công việc; đôi chân mệt mỏi, đôi tay rả rời, tâm trí thì bận bịu, lo lắng; nhìn thấy sự nhàn rỗi của người khác làm ta khó chịu. Chúng ta có thể có suy nghĩ và hành động như Mácta, giờ này mà ngồi đó sao, giờ này mà bình thản cầu nguyện và nghe lời Chúa sao, giờ này mà rảnh rỗi hát hỏng sao, v.v. Chúng ta có muôn cách phàn nàn về người khác vì chúng ta nghĩ mình cần được trợ giúp và là trung tâm của mọi lo lắng và sắp đặt. Chúng ta làm mọi việc mìnhcho là quan trọng, nhưng vô tình chúng ta lại làm đổ vỡ các mối tương quan, gây xích mích tình người. Chúng ta làm mọi việc với suy nghĩ rằng mình đang phục vụ Chúa và vì lợi ích của anh chị em, nhưng hoa trái của nó là sự khó chịu và bất an, thiếu vắng tình bác ái và vị tha. Và trên hết nó thiếu đi sự kết nối với Chúa. Điều này Đức Hồng y FXNguyễn Văn Thuận đã kinh nghiệm: bạn chọn Chúa hay chọn việc của Chúa.
Chúa Giêsu thật tế nhị và nhân hậu. Chúa không la mắng Macta, cũng không trách móc nặng lời. Đó là sự tinh tế và cư xử đầy kinh nghiệm. Nói cho Mácta biết, con lo lắng nhiều việc. Con cần nghỉ ngơi, con làm ít lại, con đặt người khác vào trọng tâm của con, và nhất là đặt Chúa vào trọng tâm công việc của mình.
Lạy Chúa Giêsu, khi làm việc gì, xin cho chúng con đều nghĩ đến Chúa và vì lợi ích của anh chị em. Amen.
GKGĐ – Gp. Phú Cường