03.10.2019 – Thứ năm tuần XXVI Thường niên
Như chiên con
PHÚC ÂM: Lc 10, 1-12
“Sự bằng an của các con sẽ đến trên người ấy”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Thầy sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: ‘Bình an cho nhà này’. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ.
“Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: ‘Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi’. Khi vào thành nào mà người ta không tiếp đón các con, thì hãy ra giữa các phố chợ và nói: ‘Cả đến bụi đất thành các ngươi dính vào chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin phủi trả lại các ngươi. Nhưng các ngươi hãy biết rõ điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần’. Thầy bảo các con, ngày ấy, thành Sôđôma sẽ được xử khoan dung hơn thành này”.
Suy niệm:
Đức Giêsu sai các môn đệ của mình đi trước,
từng hai người một, vào mọi thành phố và mọi nơi Ngài sẽ đến.
Sứ mạng dọn đường này không dễ chút nào.
Đức Giêsu biết rõ những hiểm nguy và chống đối đang chờ đợi họ.
“Thầy sai anh em đi như chiên con vào giữa bầy sói.” (c. 3).
Chiên con trở nên hình ảnh của người môn đệ,
yếu đuối, không có khả năng chống cự khi gặp sự tấn công hung hãn.
Chính Đức Giêsu cũng là Chiên Con được Thiên Chúa sai đi.
Chính Ngài cũng “như chiên bị đem đi làm thịt,
như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng hề mở miệng” (Is 53, 7).
Người môn đệ được sai vào thế giới mãi mãi thấy mình mong manh,
trước thế lực tưởng như không thể thắng nổi của sự dữ.
Nhưng người môn đệ lại không được trang bị nhiều:
không túi tiền, không bao bị, không giầy dép,
dù đó là những điều bình thường thiết yếu cho một cuộc hành trình.
Chính vì thế họ buộc lòng phải cậy dựa vào người khác.
Mà không phải ai cũng có lòng, ai cũng vui vẻ đón nhận.
Như thế là chấp nhận liên tục bấp bênh,
liên tục cậy dựa vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
Nhà của các tín hữu là nơi hoạt động của người môn đệ.
Căn nhà là nơi các môn đệ được trú ngụ, được chia sẻ bữa ăn.
Họ sống gần gũi như người trong nhà, như người thợ làm việc.
Nếp sống giản dị và siêu thoát của họ phải được bày tỏ
qua việc chấp nhận mọi đồ ăn thức uống người ta dọn cho (cc. 7-8),
cũng như việc không đi tìm một căn nhà khác tiện nghi hơn (c. 7).
Ngoài ra các thành phố cũng là điểm đến của họ (cc. 8-12).
Nhưng dù là vào một căn nhà hay vào một thành phố (cc. 5. 8),
thái độ của người môn đệ đều rất tích cực và thân thiện.
Họ chúc bình an, chữa bệnh, loan báo Nước Thiên Chúa đã đến gần.
Họ cũng khiêm tốn chấp nhận bị từ chối,
khi ơn bình an không được đón nhận, lời loan báo không được lắng nghe.
Những lời dặn dò của Đức Giêsu ngày xưa, bây giờ vẫn còn giá trị.
Chúng ta vẫn tiếp tục được sai vào các thành phố hôm nay.
Có biết bao người cần được chữa lành về thân xác, tinh thần,
với những thứ bệnh mới của thời đại được coi là văn minh.
Có bao người cần được nghe một lời đem lại cho đời họ chút hy vọng.
Được sai vào thành phố thế kỷ 21 để rao giảng, thật là một thách đố.
Làm sao ta có can đảm nói về Nước Trời cho những người vô tín,
và những người bị cuốn vào cơn lốc của vật chất và khoái lạc ?
Làm sao nói về Đấng Vô Hình khi nhiều người chỉ tin vào cái hữu hình ?
Người môn đệ hôm nay vẫn phải lại gần con người để chia sẻ cuộc sống,
như xưa các môn đệ xưa đã sống chung, ăn chung,
và làm việc như một người thợ để phục vụ.
Giáo Hội vẫn cần xin nhiều thợ hiền lành và can đảm để đến với thế giới.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu thương mến,
xin ban cho chúng con
tỏa lan hương thơm của Chúa
đến mọi nơi chúng con đi.
Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con
bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.
Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con
để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.
Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,
để những người chúng con tiếp xúc
cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.
Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,
không phải bằng lời nói suông,
nhưng bằng cuộc sống chứng tá,
và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.
(Mẹ Têrêxa Calcutta)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Lời Chúa:
“Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường.” (Lc 10,3-4)
Câu chuyện minh họa:
Có một nhà hiền triết đến nghỉ hè tại một thành phố nọ; ông vua của đô thị này thường tự hào mình là người giàu có nhất trần gian. Vốn là người siêu thoát mọi của cải trần thế, nhà hiền triết quyết định đến gặp cho được con người khoe khoang này. Khi nhà hiền triết vừa đến cung điện, nhà vua liền đưa ông đi một vòng và cho ông thấy tất cả sự giàu sang của mình. Nhà vua hỏi một cách huênh hoang:
– Nhà ngươi nghĩ gì về tất cả sự giàu có của ta?
Nhà hiền triết cúi đầu giữ im lặng. Nhà vua lại hỏi tiếp:
– Theo nhà ngươi, thì ai là người hạnh phúc nhất trên trần gian này?
Nhà hiền triết suy nghĩ một lúc, rồi kể tên những người Hy Lạp mà có lẽ không ai biết đến, kể cả nhà vua. Nhận ra thái độ khiêu khích của nhà hiền triết, nhà vua liền nổi giận; ông yêu cầu nhà hiền triết giải thích ngay về thái độ ấy. Lúc bấy giờ, nhà hiền triết thong thả nói:
– Thưa ngài, không ai có thể được xem là hạnh phúc, khi trái tim người đó còn gắn bó với của cải vật chất. Điều này cũng giống như một cuộc hôn phối, của cải vật chất qua đi, người có của sẽ thành một người góa, mà người góa thì đương nhiên sẽ khóc lóc; hoặc giả như người có của cải qua đi, người đó cũng chẳng mang theo được một đồng xu nào, lúc đó cũng chỉ có khóc lóc mà thôi.
Suy niệm:
Cuộc sống của Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta bài học về sự nghèo khó. Ngài đã chọn sinh ra trong nơi hang đá lạnh lẽo, sống dưới mái nhà nghèo miền Nadareth, ra đi rao giảng với hai bàn tay trắng và chết không một mảnh áo che thân. Cuộc sống của Ngài đã dạy các môn đệ và cho mỗi chúng ta về sự buông bỏ tất cả. Đây cũng là điều kiện và đồng phục của những người môn đệ Chúa, những nhà truyền giáo, những tu sĩ và của những người mang danh Kitô hữu.
Của cải vật chất dễ làm cho con người tha hóa, nô lệ và mù quáng; đôi khi nó lại trở nên cứu cánh và tự giam mình trong sự ích kỷ. Vì thế, tinh thần nghèo khó giúp con người biết giữ khoảng cách đối với của cải vật chất và sử dụng nó như phương thế xây dựng Nước Trời.
Lạy Chúa, giữa một xã hội chạy theo của cải vật chất, xin giúp con biết tìm kiếm sự nghèo khó của Chúa để mưu cầu lợi ích cho tha nhân, biết san sẻ với người túng thiếu, và không lệ thuộc vào của cải vật chất.
Têrêsa Mai An – Gp. Mỹ Tho
Suy niệm
Tin Mừng phải được loan báo trong sự nghèo khó.Đó là điều Chúa Giêsu muốn khi sai các tông đồ ra đi loan báo Tin Mừng. Người loan báo Tin Mừng phải là những người không rườm rà tô điểm, không thức ăn, không mang theo túi tiền, bao bị, giày dép (x. Lc 10,3). Vì theo Đức Giáo hoàng Phanxicô, “Tin Mừng là ơn cứu độ chứ không phải là một thần học hay giải pháp về sự thịnh vượng”. (Bài giảng ngày thứ Năm, 06/02/2014).
Ngài giải thích: “Chúng ta phải giúp đỡ và xây dựng các tổ chức hỗ trợ cho những người nghèo, người tù tội, và bị bách hại… Đúng thế, bởi vì Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn để làm việc đó. Nhưng khi chúng ta quên mất sứ mạng loan báo Tin Mừng, quên mất sự nghèo khó, quên mất lòng nhiệt thành tông đồ, rồi thay vào đó, chúng ta đặt hi vọng vào những phương thức của con người, thì Giáo Hộisẽ dần dần trượt dài, trở nên một tổ chức phi chính phủ (NGO), trở thành một tổ chức đẹp đẽ. Nó mạnh mẽ, nhưng không có tính phúc âm hóa, bởi thiếu đi tinh thần, thiếu đi sự nghèo khó, và thiếu mất sức mạnh chữa lành”. (Bài giảng ngày thứ Năm, 06/02/2014).
Quả thật, người loan báo Tin Mừng thực sự chính là người bước theo con đường nghèo khó của Chúa Giêsu, Đấng “vốn dĩ là Thiên Chúa,… nhưng đã tự hủy mình” (Pl 2,7); Đấng “vốn giàu có, lại trở nên nghèo khó vì chúng ta, để chúng ta trở nên giàu có nhờ sự nghèo khó của Người” (2Cr 8,9).
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết can đảm bước đi theo Chúa trên con đường nghèo khó, nhờ đó chúng con thật sự trở thành chứng nhân đích thực Tin Mừng của Chúa. Amen.
GKGĐ – Gp. Phú Cường