27.9.2019 – Thứ sáu tuần XXV Thường niên
Anh em bảo Thầy là ai?
PHÚC ÂM: Lc 9, 18-22
“Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa. Con Người phải chịu nhiều đau khổ”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Việc xảy ra là khi Chúa Giêsu cầu nguyện riêng một nơi, và có các môn đệ ở với Người, thì Người hỏi các ông rằng: “Những đám dân chúng bảo Thầy là ai?” Các ông thưa rằng: “Người thì bảo là Gioan Tẩy giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác thì cho là một trong các tiên tri thời xưa, đã sống lại”. Người lại hỏi các ông rằng: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Và Người ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai mà rằng: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại”.
Suy niệm:
Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu đã đi cầu nguyện một mình,
trước khi đặt những câu hỏi quan trọng cho các môn đệ.
“Dân chúng nói Thầy là ai ?” (c. 18).
Ngài muốn biết dư luận nghĩ gì về mình.
Nói chung họ nghĩ Ngài là một ngôn sứ đầy quyền năng (x. Lc 24, 19).
Điều đó đúng nhưng không đủ.
Đức Giêsu mong nghe ý kiến của những người đã ở gần Ngài hơn.
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (c. 20).
Phêrô đại diện anh em trả lời: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.”
Câu trả lời này đúng hơn và đủ hơn,
nhưng cũng dễ gây hiểu lầm và chưa đến lúc cần công bố.
Chính vì thế Đức Giêsu đã cấm các môn đệ không được tiết lộ (c. 21).
Phêrô đã trả lời đúng, vì Thầy Giêsu quả là Đấng Kitô
hay còn gọi là Đấng Mêsia mà dân Do Thái mong đợi từ bao đời.
Nhưng Phêrô có thể hiểu sai khuôn mặt của Đấng Mêsia đó.
Mêsia Giêsu không phải là người sẽ giải phóng Ítraen khỏi ách Rôma,
cũng không phải là người muốn nắm quyền lực trần thế.
Nhưng Ngài sẽ phải chịu khổ hình và bị giết chết bởi giới lãnh đạo (c. 22).
Mêsia Giêsu mang khuôn mặt đau khổ của Người Tôi Trung.
Phêrô đã đi theo Mêsia nào?
Nếu ông biết số phận bi đát đang chờ đợi Thầy của ông,
ông có còn muốn theo Ngài nữa không?
“Còn con, con bảo Thầy là ai?”
Đức Giêsu cũng hỏi từng người chúng ta như vậy, nhiều lần trong đời.
Tôi phải trả lời, vì tôi không nên đi theo Đấng mà tôi không biết là ai.
Tôi nghe câu hỏi trên ở mọi chặng đường của cuộc sống,
và có thể đưa ra những câu trả lời khác nhau, dựa trên kinh nghiệm,
bởi lẽ Đức Giêsu là một Mầu nhiệm không ngừng mở ra cho tôi.
Qua từng biến cố trong đời, tôi lại khám phá ra những nét mới nơi Ngài.
Ngài vẫn là một, nhưng mang nhiều dáng dấp khác nhau khi đến với tôi,
để đáp lại những khát vọng sâu thẳm nơi trái tim.
Nhưng trả lời câu hỏi của Thầy Giêsu không hẳn đã là điều quan trọng.
Điều quan trọng là sống câu trả lời của mình.
Đời tôi là một chuỗi những câu trả lời cho câu hỏi đó.
Nếu tôi coi Ngài là Thầy, xin được ngồi nghe và để Thầy uốn nắn.
Nếu tôi coi Ngài như Bạn, xin được dành giờ để tâm sự, sẻ chia.
Nếu tôi tin Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa làm người,
xin được cúi đầu thờ lạy trước tình yêu khiêm hạ.
Nếu tôi gọi Ngài là Chúa, xin được hiến trọn đời mình
để cùng Ngài phục vụ cho kế hoạch cứu độ của Cha.
Nếu tôi gọi Ngài là Đấng Giải Phóng, xin Ngài cho tôi được tự do,
và cho tôi được cộng tác với Ngài giúp thế gian ra khỏi vòng nô lệ.
Cuối cùng, nếu tôi biết rõ Ngài yêu tôi cách độc nhất,
xin để cho đời mình đáp lại tình yêu.
Cầu nguyện:
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ cõi chết đến sự sống,
từ lầm lạc đến chân lý.
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ thất vọng đến hy vọng,
từ sợ hãi đến tín thác.
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ ghen ghét đến yêu thương,
từ chiến tranh đến hòa bình.
Xin hãy đổ đầy bình an
trong trái tim chúng con,
trong thế giới chúng con,
trong vũ trụ chúng con.
(Mẹ Têrêxa Calcutta)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Lời Chúa:
“Người hỏi các ông rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai?”. (Ga 1,51)
Câu chuyện minh họa:
Cách đây mấy năm, có một gia đình kia ở Ban Mê Thuột. Gia đình có ba đứa con trai nhỏ từ 8 đến 12 tuổi, rủ nhau đi tắm ở hồ nước cách xa nhà chừng một cây số và cả ba cùng chết đuối. Một rủi ro lớn cho gia đình. Sau sự kiện đó cha mẹ các em từ lâu vốn rất lơ là chuyện đạo đức nay bổng trở nên siêng năng đạo đức hơn. Khi gặp người cha, cha sở chia buồn và hỏi:
– Anh chị có buồn lắm không? Người cha trả lời: “Thưa cha buồn lắm cha ạ, nhưng qua sự việc đau buồn đó, chúng con hiểu ra rằng mọi sự Chúa đều xếp đặt theo tình thương của Chúa cả; Chúa đã đổi cái chết của ba đứa chúng con bằng sự sống linh hồn của cả gia đình chúng con. Chết ở tuổi đó thì các con chúng con sẽ được lên thiên đàng, còn chúng con ở trần gian biết trở về cùng Chúa sau những năm tháng chỉ biết lo làm ăn mà ít khi nghĩ đến Chúa.
Suy niệm:
Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy Chúa thật quan phòng và nhân hậu vô cùng, vì Người không bỏ rơi con người bao giờ, nhưng qua một biến cố nào đó trong cuộc đời, họ nhận ra ơn Chúa.
Việc tuyên xưng đức tin của Phêrô là một dấu ấn quan trọng cho sứ mạng của Chúa Giêsu vì thời ấy nhiều người quan niệm sai lầm về Ngài. Vì thế, Chúa Giêsu nghiêm cấm họ không được tiết lộ Người là ai kẻo họ lại phạm phải sai lầm khác nữa. Họ quan niệm Chúa là một người đem lại vinh quang trần thế, nhưng Chúa lại khác, Người đem lại cho con người niềm hạnh phúc Nước Trời, trở thành con cái Chúa và Ngài còn muốn huấn luyện đức tin của họ bằng những dấu lạ.
Ngày nay, nhiều khi chúng ta cũng hiểu sai về Chúa, khi chúng ta chỉ cầu nguyện theo ý mình, và bắt Chúa làm theo ý chúng ta. Là những môn đệ trung tín của Chúa, chúng ta cần tiếp xúc với Chúa nhiều hơn, đi vào mối tương quan mật thiết với Chúa qua việc cầu nguyện, để Người uốn nắn chúng ta nên những người môn đệ đích thực của Chúa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sẵn sàng đón nhận thánh ý Chúa trong cuộc đời, vì sự gì xảy ra không có gì ngoài tình yêu quan phòng của Chúa.
Têrêsa Mai An – Gp. Mỹ Tho
Suy niệm
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta điều chỉnh lại dung mạo đích thực của Chúa Giê-su trong cuộc sống chúng ta. Khi thánh Phê-rô đại diện các môn đệ tuyên xưng Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, thánh nhân cũng chỉ hiểu chữ Ki-tô ấy theo quan niệm thông thường của người Do Thái đương thời của ngài. Trong sự chờ đợi của người Do Thái thời Chúa Giê-su, Đấng Ki-tô là vị cứu tinh của dân tộc được Thiên Chúa sai đến để tái lập nước Israel, giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của ngoại bang và mang lại độc lập phồn vinh cho xứ sở.
Chính vì quan niệm sai lầm ấy, mà liền ngay sau khi Phê-rô tuyên xưng Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, Chúa Giê-su loan báo cuộc tử nạn của Người, Nguời quả là Đấng Ki-tô, nhưng là một Đấng Ki-tô chỉ thực hiện công cuộc giải phóng bằng con đường khiêm hạ và phục vụ. Các môn đệ chỉ nhận ra dung mạo của Chúa Giê-su sau khi Người sống lại. Trong ánh sáng phục sinh, các môn đệ hiểu rằng Chúa Giê-su đã thực thi sứ mạng cứu rỗi qua thập giá. Các môn đệ cũng hiểu rằng tuyên xưng Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô có nghĩa là đi theo con đường thập giá của Người.
“Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”. Câu hỏi Chúa Giê-su đặt ra cho các môn đệ cách đây hai ngàn năm, giờ đây cũng được đặt ra cho từng Ki-tô hữu. Dĩ nhiên, câu trả lời của chúng ta không chỉ là lời tuyên xưng trên môi miệng mà thiết yếu là cả cuộc sống, qua đó chúng ta tỏ bày dung mạo đích thực của Chúa Giê-su cho những người xung quanh. Nếu danh hiệu Ki-tô gắn liền với thập giá, thì cuộc sống của người Ki-tô hữu cũng phải là cuộc sống của thập giá. Sau khi ra lệnh đánh đòn Chúa Giê-su, tổng trấn Philatô đã đưa Người ra trước đám đông và tuyên bố: “Này là Người!”.
Ngày nay, qua cuộc sống đi theo con đường khiêm hạ, hy sinh, từ bỏ, thập giá, các Ki-tô hữu cũng có thể giới thiệu với mọi người: “Này là Người”, này là Đấng Ki-tô của loài người.
Lạy Chúa, xin làm cho thập giá của Chúa luôn là lẽ khôn ngoan và sức mạnh của các Ki-tô hữu chúng con. Amen.
GKGĐ – Gp. Phú Cường