26.9.2019 – Thứ năm tuần XXV Thường niên
Ông này là ai?
PHÚC ÂM: Lc 9, 7-9
“Ông Gioan đã bị trẫm chém đầu rồi, ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, quận vương Hêrôđê nghe biết tất cả các việc Chúa Giêsu đã làm thì phân vân, vì có kẻ nói rằng: “Ông Gioan đã từ cõi chết sống lại”; còn kẻ khác lại nói: “Ông Êlia đã hiện ra”; kẻ khác nữa nói rằng: “Một tiên tri thời xưa đã sống lại”. Nhưng Hêrôđê thì nói: “Ông Gioan trẫm đã chém đầu rồi. Ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế?” và vua tìm cách gặp Người.
Suy niệm :
Đức Giêsu với các môn đệ của Ngài đã nổi tiếng ở vùng Galilê,
qua các hoạt động rao giảng và chữa bệnh.
Tiếng đồn về Ngài ngày càng lan rộng (Lc 5, 15).
Điều đó hẳn đã đến tai của Hêrôđê (c. 7),
vị tiểu vương cai quản vùng Galilê trong hơn bốn mươi năm (Lc 3, 1).
Hêrôđê bối rối và lúng túng trước những tin mình nhận được.
Ông đã cho chém đầu Gioan Tẩy giả, kẻ được coi là ngôn sứ (c. 9).
Bây giờ lại nổi lên một người khác tên là Giêsu.
Người ta đồn đãi nhiều về nhân vật Giêsu này.
Có một số người nói ông này là Gioan bị chém đầu nay sống lại.
Có những người khác nói đó là ông Êlia tái giáng
sau khi đã được đưa về trời trong cơn gió lốc (2V 2, 11).
Cũng có những kẻ nói Giêsu là một ngôn sứ nào đó thời xưa sống lại.
Quả thật nhìn việc làm, lời giảng và lối sống của Giêsu,
người ta dễ thấy Ngài là một ngôn sứ (x. Lc 7, 16-17).
Mà chính Đức Giêsu cũng nhận mình là ngôn sứ (Lc 4, 24; 13, 33).
“Ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?”
Hêrôđê tò mò muốn biết Ngài là ai.
Ông không tin Đức Giêsu là Gioan bị chém đầu, nay sống lại.
Và ông tìm cách gặp mặt Ngài (c. 9).
Hêrôđê đã được gặp Đức Giêsu trong cuộc Khổ Nạn (Lc 23, 6-12).
Lúc ấy Ngài xuất hiện trong tư cách một phạm nhân.
Dù vậy Hêrôđê cũng vui sướng vì ước ao của mình được thỏa nguyện.
Ông đã nghe Ngài làm được những phép lạ lớn lao,
nên ông ước mong được chứng kiến tận mắt một vài phép lạ.
Tiếc thay Đức Giêsu đã không muốn chiều Hêrôđê.
Ngài đã không trả lời ông, cũng chẳng làm một phép lạ nào.
Ngài thanh thản bình an trước những lời tố cáo của các thượng tế.
Ngài không muốn tránh cái chết mà Ngài biết nằm trong ý định của Cha.
“Ông này là ai ?”, Hêrôđê đã tìm thấy câu trả lời khiến ông bị hụt hẫng.
Giêsu chỉ là một anh khờ dại, chỉ đáng bị khinh bỉ và chế giễu.
Cuộc tìm kiếm với nhiều tò mò của Hêrôđê kết thúc.
Ông chẳng bao giờ biết được Đức Giêsu thật sự là ai.
Nhiều người đã đặt câu hỏi: “Ông Giêsu này là ai?” (Lc 5,21; 7,49; 8,25).
Hôm nay nhân loại vẫn đặt câu hỏi quan trọng đó.
Để trả lời, phải bước vào một cuộc hành trình, bỏ lại những thành kiến.
Tò mò, thích những điều giật gân, muốn thấy những điều lạ thường:
tất cả những điều ấy không giúp ta khám phá mầu nhiệm một con người.
Sự thật về Giêsu có khi lại được nhận ra qua cái im lặng cam chịu,
qua sự bất lực đớn đau trên thập giá hơn là qua sự thi thố quyền năng.
Phải đổi toàn bộ cái nhìn của mình để nhận ra được Giêsu là ai,
để không vội vã đánh giá Ngài dựa trên tiêu chuẩn người đời.
Như Hêrôđê, chúng ta có thể có cơ hội gặp mặt Giêsu,
nhưng vẫn không biết Ngài là ai.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa,
khi đến với Chúa
con tháo bỏ đôi giày: những tham vọng của con
con cởi bỏ đồng hồ: thời khóa biểu của con,
con đóng lại bút viết: các quan điểm của con,
con bỏ xuống chìa khóa: sự an toàn của con,
để con được ở một mình với Ngài,
lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật.
Sau khi được ở với Ngài,
con sẽ xỏ giày vào
để đi theo đường của Chúa,
con sẽ đeo đồng hồ
để sống trong thời gian của Chúa,
con sẽ đeo kính vào
để nhìn thế giới của Chúa,
con sẽ mở bút ra
để viết những tư tưởng của Chúa,
con sẽ cầm chìa khóa lên
để mở những cánh cửa của Chúa.
(Graham Kings)
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ
Lời Chúa:
“Ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế? Rồi vua tìm cách gặp Đức Giêsu”. (Lc 9,9)
Câu chuyện minh họa:
Có rất nhiều giai thoại kể về những tượng thánh giá cổ xưa… Tại một nhà thờ bên Tây Ban Nha, có một tượng thánh giá cổ rất đặc biệt. Cánh tay trái của Chúa Giêsu vẫn còn đóng vào gỗ giá, nhưng cánh tay mặt thì rời ra và đưa đến phía trước trong tư thế ban phép lành.
Người Tây Ban Nha kể về nguồn gốc của tượng thánh giá này như sau: Một hôm có một tội nhân đến xưng tội với vị linh mục chính xứ ngay dưới cây thánh giá này. Như thường lệ, mỗi khi giải tội cho một tội nhân có quá nhiều tội nặng, vị linh mục này tthường tỏ ra rất nghiêm khắc. Ngài ra việc đền tội nặng cũng như ngăm đe nhiều điều.
Tội nhân ra về, lòng cảm thấy nhẹ nhàng. Nhưng tính nào tật ấy, không bao lâu, người đó sa ngã lại. Lần này, sau khi anh xưng thú tội lỗi, vị linh mục lại đe dọa như sau: “Ðây là lần cuối cùng tôi giải tội cho ông”.
Nhiều tháng trôi qua, tội nhân lại đến quỳ dưới chân linh mục cũng bên dưới cây thánh giá và lại xin ơn tha thứ một lần nữa. Nhưng lần này, vị linh mục đã dứt khoát. Ngài trả lời: “Ông đừng có đùa với Chúa. Tôi không thể ban phép giải tội cho ông nữa”.
Nhưng lạ lùng thay, khi vị linh mục vừa khước từ tội nhân, thì ông bỗng nghe một tiếng thì thầm từ bên thánh giá. Bàn tay phải của Chúa Giêsu bỗng được rút ra khỏi thánh giá và ban phép lành cho hối nhân. Và vị linh mục nghe được tiếng thì thầm ấy như sau: “Chính ta là người đã đổ máu ra cho người này, chứ không phải ngươi”.
Từ đó, bàn tay phải của Chúa Giêsu cứ ở mãi trong tư thế ấy, như không ngừng mời gọi con người đến để ban ơn tha thứ…
Suy niệm:
Chúa Giêsu bị nhiều người hiểu không đúng về Ngài, nên cần có những người môn đệ của Chúa giới thiệu. Hêrôđê cũng không hiểu về Chúa nên muốn gặp Người để hiểu tường tận, để thoải mãn tính tò mò. Trong xã hội ngày nay cũng thế, có nhiều người không biết Chúa Giêsu là ai, vì thế vai trò của người Kitô hữu rất quan trọng. Chúng ta có thể làm chứng cho Chúa, giới thiệu Chúa bằng nhiều cách, đó là sứ mạng của chúng ta. Chúng ta làm sao để người khác muốn tìm gặp Chúa. Để được như thế, chúng ta cũng cần gặp Chúa trước đã, rồi chúng ta mới có kinh nghiệm giới thiệu Chúa cho người khác.
Lạy Chúa, xin cho con tìm gặp Chúa trong mọi biến cố đời con, trong cách sống và cách ứng xứ với tha nhân.
Têrêsa Mai An – Gp. Mỹ Tho
Suy niệm
“Rồi vua tìm cách gặp Đức Giê-su”.
Được gặp gỡ Chúa Giê-suKi-tô là một hồng ân trọng đại mà có lẽ bất cứ ai cũng khao khát, mong chờ. Thế nhưng, để cho hồng ân này có thể mang lại những hoa trái thiêng liêng và ý nghĩa, đòi hỏi mọi người chúng ta cần phải có một tấm lòng yêu thương và một con tim đơn thành.
Tiểu vương Hêrôđê, sau khi nghe nói về Chúa Giê-su, ông ta cũng tìm cách tìm gặp Người. Thế nhưng, chúng ta có thể nhận ra, tiểu vương Hêrôđê tìm gặp Chúa Giê-su không phải vì yêu mến Người, không phải vì khiêm nhường để đón nhận những giáo huấn của Người. Ông ta muốn gặp Chúa để thoả mãn lòng hiếu kỳ và nhất là, vì lòng đố kỵ, ganh tức, để có cơ hội loại trừ Người.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta vẫn luôn có rất nhiều cơ hội để gặp gỡ Chúa Giê-su: qua giờ kinh nguyện, qua thánh lễ, qua anh chị em sống chung quanh mình, v.v. Điều quan trọng là chúng ta có nhận ra sự hiện diện của Chúa hay không! Hãy tìm gặp Chúa với một con tim tràn đầy tình yêu thương và tấm lòng khiêm tốn, đơn sơ. Có như thế, cuộc gặp gỡ với Đức Giê-suKi-tô mới mang lại niềm vui, bình an và hạnh phúc đích thực cho chúng ta cũng như cho mọi người.
Lạy Chúa Giê-su yêu mến của chúng con, xin thanh tẩy tâm hồn và đôi mắt của chúng con. Xin giúp chúng con nhận ra và tìm gặp Chúa nơi những người thân yêu trong gia đình, những anh chị em sống chung quanh chúng con, nhất là nơi những anh chị em nghèo khổ, bất hạnh. Xin cho chúng con luôn biết mến yêu và phục vụ Chúa hiện diện nơi mọi người. Amen.
GKGĐ – Gp. Phú Cường