24.9.2019 – Thứ ba tuần XXV Thường niên
Mẹ tôi và anh em tôi
PHÚC ÂM: Lc 8, 19-21
“Mẹ và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, mẹ và anh em Chúa Giêsu đến tìm Người, nhưng vì đám đông, nên không thể đến gần Người được. Người ta báo tin cho Người rằng: “Có mẹ và anh em Thầy đứng ở ngoài muốn gặp Thầy”. Người trả lời với họ rằng: “Mẹ và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”.
Suy niệm:
Chẳng rõ Đức Giêsu đã xa gia đình ở Nadarét bao lâu,
mà hôm nay Mẹ và anh em Ngài mới đến gặp Ngài.
Có phải vì nhớ, hay vì lo lắng do nghe các lời đồn đại?
Để biết được Ngài đang ở đâu, thì phải hỏi thăm,
bởi hồi đó chưa có những phương tiện truyền thông như bây giờ.
Vì vậy chuyện Mẹ đến được chỗ của Con là một nỗ lực không nhỏ.
Tiếc là khi đã đến nơi Con đang giảng dạy,
thì Mẹ lại không làm sao vào được, vì người đông quá (c. 19).
Chắc Mẹ đã nhờ ai đó vào báo cho Đức Giêsu:
“Có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy” (c. 20).
Các sách Tin Mừng Nhất Lãm đều không cho biết
Đức Giêsu có ra ngoài để đón tiếp Mẹ và các anh em Ngài không.
Điều này khiến ta có cảm tưởng bầu khí đón tiếp hơi lạnh lùng.
Nhưng cả ba Tin Mừng đều kể lại câu nói gây sốc của Ngài:
“Mẹ tôi và anh em tôi chính là những ai nghe lời Thiên Chúa
và đem ra thực hành” (c. 21).
“Mẹ tôi và anh em tôi” là ai? Một câu hỏi quá dễ !
Hiển nhiên đó là những người đang đứng ở ngoài kia.
Mẹ của Ngài là bà Maria, người phụ nữ làng Nadarét,
người đã cưu mang, cho bú mớm, và chăm lo dưỡng dục Ngài.
Anh em là những người họ hàng gần gũi, tuy không phải là anh em ruột.
Mẹ và anh em của Đức Giêsu là những người đang đứng ngoài nhà.
Ngài không hề khinh họ, nhưng Ngài tập trung vào người trong nhà.
Những người ở trong nhà là những người đang ngồi nghe lời Đức Giêsu.
Họ được mời gọi không nghe suông, nhưng đem ra thực hành,
để trở thành mẹ và anh em của Ngài.
Như thế Đức Giêsu đã nới rộng gia đình của Ngài.
Ngài không bó hẹp trong gia đình ruột thịt, mà khai mở một gia đình mới.
Gia đình thiêng liêng thì rộng lớn hơn nhiều,
và mỗi Kitô hữu đều có chỗ trong gia đình đó.
Đức Giêsu có nhiều mẹ và nhiều anh chị em.
Ai nghe và thi hành lời Thiên Chúa thì trở nên mẹ của Ngài,
bởi vì, theo thánh Bêđa, qua gương sáng và lời nói của họ,
họ sinh ra Ngài trong trái tim tha nhân.
Đức Giêsu là Con, luôn nghe và thi hành lời Thiên Chúa Cha.
Bất cứ ai sống như Ngài cũng trở nên con Thiên Chúa,
nên lập tức trở nên anh chị em với Ngài.
Chúng ta ít khi nghĩ tới chuyện mình có họ hàng với Đức Giêsu.
Có một thứ liên hệ còn sâu nặng hơn cả liên hệ máu mủ nữa.
Chúng ta mang dòng máu của Đức Giêsu, dòng máu vâng nghe lời Chúa.
Chính Thiên Chúa nối kết Đức Giêsu và cả nhân loại thành một gia đình.
Trong gia đình đó có chỗ quan trọng cho Đức Maria,
vì hơn ai hết Mẹ là người đã lắng nghe và thi hành lời Thiên Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Lời Chúa:
“Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.” (Lc 8,21)
Câu chuyện minh họa:
Cô bé vẫn mải mê gấp những ngôi sao bé nhỏ vì cô tin vào truyền thuyết cổ khi gấp đủ một trăm ngôi sao nhỏ đem tặng cho người mình yêu quý thì một điều ước của người đó thành sự thật.
Cô bé muốn bạn trai của mình được vui vẻ, cô bé không muốn người bạn trai đó mãi mãi im lặng, cô muốn thấy những nụ cười thật sự những niềm vui trong ánh mắt của bạn trai. Thời gian trôi đi cô bé vẫn luôn luôn là người đứng đầu lớp và nhóm bạn thân của cô về hầu hết mọi mặt. Túi sao nhỏ của cô càng ngày càng nhiều và cho đến một ngày kia cô là ngày cô sẽ phải xa rời các bạn, xa rời quê hương để đến một nơi mà bố mẹ cô cho là tốt cho bản thân cô, cho tương lai rực rỡ, và cô gái quyết định mang những túi sao đủ màu sắc đến cho bạn cô với lý do món quà trước khi rời xa.
Cô bé: “tối nay nhiều sao quá” mắt cô sáng ngời: “ấy hãy ước điều gì đó đi” giọng nói thật nhẹ nhàng như chờ đợi. Cậu bạn trai khẽ mỉm cười mở gói quà và nói: “chúc những điều hạnh phúc nhất sẽ đến với ấy, bạn thân”. Cô bé giật mình đôi mắt nhoà đi, giọng như bật khóc: “tớ muốn nghe điều ước dành cho ấy”…
Bỗng cô nhận ra trong ánh mắt kia đã lâu lắm rồi như đang thật sự cười và phản chiếu một bầu trời sao đang dành cho cô những điều tốt đẹp nhất. Cô vội vàng thầm ước… đôi mắt đó, nụ cười đó mãi mãi theo cô.
Những mong ước đôi khi không vĩ đại, nó thật nhỏ bé chân thành và nó thật giản dị, đôi khi niềm hạnh phúc của người khác là nụ cười của bao người, bất chợt đến và sẽ không phai…
Suy niệm:
Mỗi người đều cảm nhận niềm hạnh phúc khác nhau. Riêng Đức Giêsu cảm thấy hạnh phúc vì Mẹ Ngài là người luôn lắng nghe và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống. Chúng ta cũng thuộc gia đình của Chúa, khi chúng ta biết lắng nghe và thi hành thánh ý Chúa, là trung thành với Đấng đã tạo dựng và yêu thương chúng ta. Lời Chúa sẽ đem lại hạnh phúc cho những ai tìm kiếm chân lý. Và Lời ấy luôn vang vọng trong mỗi tâm hồn chúng ta, trong mỗi biến cố và trong mọi tha nhân.
Xin cho con biết dành thời gian ở lại với Chúa, để lắng nghe và để thêm nghị lực để con tiến bước trên con đường làm chứng cho Chúa trong vai trò của mình.
Têrêsa Mai An – Gp. Mỹ Tho
Suy niệm
Đề cao tình huyết tộc, cha ông đã dạy: “Giọt máu đào hơn ao nước lã”. Nhưng trong đời sống, có những cha mẹ, có nhiều con cái cho “giọt máu đào” chẳng bằng “một mớ rau xào”. Tình huyết tộc không là cứu cánh, đem đến bình an, yêu thương.
Lời của Chúa Giê-su dạy trong đoạn Tin Mừng hôm nay, mở ra cho chúng ta một mối liện hệ không căn cứ trên liên hệ huyết tộc, mà trên nền tảng “nghe và thực hành Lời Thiên Chúa”. Mối liên hệ này chắc chắn sẽ bền vững và đem lại bình an, hạnh phúc đích thực cho con người. Chúng ta có muốn tham gia vào “Đại gia đình của Chúa Giê-su” không?
Nhiều lần trong Tin Mừng, Chúa Giê-su dạy chúng ta: “Không phải ai thưa lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời cả đâu”. Nghĩa là để được vào trong gia đình yêu thương của Chúa Giê-su, không phải ta chỉ “đọc kinh, dự lễ” mà còn phải thực hành Lời Chúa dạy, phải sống giới răn yêu thương một cách mãnh liệt nữa. Chúng ta ngắm nhìn với lòng kính phục những người đang phục vụ “người dưng nước lã” mà chịu những hao mòn, mất mát về mình. Những hy sinh, quảng đại vì người nghèo khổ của bao người là bằng chứng “gia đình Chúa Giê-su” đang hiện diện hôm nay, cũng như mời gọi chúng ta bước vào làm thành viên.
Làm thành viên trong gia đình của Chúa Giê-su phải có một điều kiện duy nhất là: nghe và thực hành Lời Chúa. Một ngày, chúng ta dành được mấy phút cho việc nghe Lời Chúa? Nếu trong cuộc sống, chỉ lo việc tìm miếng cơm manh áo, lo làm giàu, không còn giờ dành cho việc “nghe Lời Chúa”, thì đó là dấu hiệu chứng tỏ chúng ta là “bà con” của gia đình ma vương. Nhưng nghe, mới chỉ là bước khởi đầu trên đường vào nhà Thiên Chúa. Nếu không thực hành Lời Chúa mà mình nghe, thì chúng ta chỉ là người khách lạ, đứng “dòm ngó qua cửa nhà người khác”, chứ chưa bước vào để làm một thành viên, chia sẻ trách nhiệm yêu thương, phục vụ anh em với Chúa Giê-su.
Lạy Chúa Giê-su, chúng con thường “muốn bắt quàng làm họ” với những người quyền thế, sang giàu. Xin cho chúng con biết khôn ngoan “làm họ hàng” với Chúa, khi mỗi ngày biết dành thời giờ để lắng nghe và quyết tâm thực hành Lời Chúa. Amen.
GKGĐ – Gp. Phú Cường