12.9.2019 – Thứ năm tuần XXIII Thường niên
Hãy yêu kẻ thù
PHÚC ÂM: Lc 6, 27-38
“Các con hãy tỏ lòng thương xót như Cha các con hay thương xót”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả con má bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho, và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại.
Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng.
Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Đấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác.
Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ. Đừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được thứ tha. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy”.
Suy niệm :
Khi đọc lời nhắn nhủ trên đây của Ðức Giêsu,
chúng ta thường thấy đó là chuyện không thể làm nổi,
hay nếu làm được, ắt sẽ sinh ra những hậu quả tồi tệ.
Chắc chắn Ðức Giêsu không dạy ta bao che cho kẻ ác,
hay đòi hủy bỏ luật hình sự để phạt các phạm nhân.
Ngài không cổ vũ việc ăn xin khi nói: “Ai xin, con hãy cho.”
Ngài cũng không biến chúng ta thành người bạc nhược.
Bài Tin Mừng hôm nay là một viên ngọc,
vì nó cho thấy nét đặc trưng của người Kitô hữu.
Nó vén mở một lý tưởng mà ta phải vươn tới.
Chúng ta cần vượt lên trên nghĩa đen của mặt chữ
để cảm được tinh thần mà Chúa muốn ta sống.
Không sống lời Ngài, ta vẫn là kẻ đứng ngoài Kitô giáo.
“Hãy yêu kẻ thù”: câu này được nhắc lại hai lần.
Theo bài Tin Mừng này thì kẻ thù của tôi là ai?
Ðó là kẻ ghét tôi, kẻ nguyền rủa tôi và vu khống.
Ðó là kẻ tát vào mặt tôi và đoạt áo ngoài của tôi.
Như thế kẻ thù tôi chẳng đâu xa, ngày ngày tôi vẫn gặp.
Họ là những người hay làm phiền và lợi dụng tôi,
là những kẻ xúc phạm đến danh dự và quyền lợi của tôi.
Họ là những người tự nhiên tôi không ưa, hay không ưa tôi.
Ðức Giêsu không đòi tôi yêu kẻ thù như yêu người thân:
về mặt tình cảm, chuyện đó khó thực hiện.
Nhưng Ngài mời tôi yêu bằng hành động.
Yêu là làm ơn, là chúc lành, là cho vay.
Yêu là cầu nguyện điều lành cho kẻ thù (cc. 27-28).
Khi làm điều tốt cho kẻ thù,
tôi được giải phóng khỏi cái tôi ăn miếng trả miếng,
và nhờ đó chính kẻ thù tôi cũng có thể được giải phóng
khỏi cái tôi ích kỷ của họ.
Khi yêu kẻ thù bằng những hành động tử tế,
tôi không còn coi họ là kẻ thù của tôi nữa.
Dần dần, tình cảm của tôi đối với họ cũng biến đổi.
Cần can đảm biết bao khi chào hỏi, bắt tay
một người làm tôi vô cùng đau khổ.
Ðó chẳng phải là một hành động giả hình,
nhưng là một nỗ lực thắng vượt tình cảm tự nhiên.
Ðó chẳng phải là một hành vi của kẻ yếu,
nhưng là dấu hiệu của tính quả cảm anh hùng.
Kitô hữu được mời gọi vượt lên trên cái tự nhiên.
Suy nghĩ tự nhiên, tình cảm tự nhiên, phản ứng tự nhiên…
Phải ra khỏi cái tự nhiên, thường tình,
mới vào được thế giới siêu nhiên,
thế giới của những người con, sống nhân hậu như Cha.
Sống nhân hậu như Cha là trở nên hoàn thiện.
Thế giới văn minh không chỉ nhờ tiến bộ của khoa học,
nhưng chủ yếu nhờ những chiến thắng trên lòng ích kỷ
của từng người cũng như của mọi tập thể lớn nhỏ.
Trái đất chỉ tồn tại nhờ tha thứ yêu thương.
Kitô giáo chỉ sống còn nhờ yêu thương tha thứ.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa,
xin cho con quả tim của Chúa.
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,
nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa
vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.
Xin cho con vượt qua mọi oán hờn nhỏ nhen,
mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,
không một biến cố nào làm xáo trộn,
không một đam mê nào khuấy động hồn con.
Xin cho con đừng quá vui khi thành công,
cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ lớn
để yêu người con không ưa.
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở
để có thể ôm cả những người thù ghét con.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.”. (Lc 6,38)
Câu chuyện minh họa:
Ghi lại kinh nghiệm sống của mình trong tập nhật ký có tựa đề là Những người bạn muôn thuở, bà Ressa Marita, vợ của triết gia công giáo người Pháp Jack Maritain đã viết như sau:
“Trong cuộc sống thiêng liêng, chúng ta không nên so sánh mình với ai cả, mà chỉ so sánh mình với mẫu gương trọn lành của Chúa mà thôi. So sánh mình với kẻ khác, ta sẽ thấy mình dễ bị cám dỗ, thấy những điểm tiêu cực nơi anh chị em và trở nên tự kiêu, luôn cho mình là tốt hơn. Nhưng nếu nhìn vào mẫu gương trọn lành của Chúa, ta được mời gọi canh tân liên lỉ, tiến mãi không ngừng, vì Chúa là Ðấng trọn tốt trọn lành vô cùng”.
Suy niệm:
Mức độ đo lường tình yêu thương của chúng ta không thể so sánh với một ai khác, nhưng chỉ có mức độ cao nhất là nơi Thiên Chúa, mẫu gương trọn lành vô cùng mà không có nơi một loài thụ tạo nào. Chúng ta đang trên con đường đi tới sự trọn lành thì không thể nào chúng ta dừng lại thỏa mãn bản thân nhưng phải nhìn vào gương mẫu của Chúa để tiến xa hơn mỗi ngày. Những hành động yêu thương chỉ có nơi Chúa, và Người nêu gương cho chúng ta là sự yêu thương không loại trừ, và không giới hạn, trao ban một tình yêu chân thành, yêu thương cả thù địch, cầu nguyện cho kẻ ngược đãi, và vu khống mình…
Thật vậy, chúng ta không thể yêu thương chỉ trên môi miệng mà thôi nhưng cần phải thực hành tình yêu thương ấy bằng những hành động cụ thể đối với những người chung quanh và những người mà chúng ta gặp gỡ.
Lạy Chúa, nói yêu thương thì dễ nhưng thực hành yêu thương rất khó, xin uốn nắn con tim con mỗi ngày để con chỉ nghĩ đến người khác như là hiện thân của Chúa để con yêu thương và phục vụ họ như Chúa đã nêu gương.
Têrêsa Mai An – Gp. Mỹ Tho