24.6.2019 – Thứ hai tuần XII Thường niên
Em này rồi sẽ ra sao
PHÚC ÂM: Lc 1, 57-66. 80
“Nó sẽ gọi tên là Gioan”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi đến ngày sinh, bà Êlisabeth sinh hạ một con trai. Láng giềng bà con nghe biết Chúa đã tỏ lòng nhân hậu lớn lao đối với bà liền đến chúc mừng bà. Ngày thứ tám, người ta đến làm phép cắt bì cho con trẻ, và họ lấy tên Dacaria của cha nó mà đặt cho nó. Nhưng bà mẹ đáp lại rằng: “Không được, nó sẽ gọi tên là Gioan”. Họ bảo bà rằng: “Không ai trong họ hàng bà có tên đó”. Và họ làm hiệu hỏi cha con trẻ muốn gọi tên gì. Ông xin một tấm bảng và viết: “Tên nó là Gioan”. Và mọi người đều bỡ ngỡ.
Bỗng chốc lưỡi ông mở ra, và ông liền chúc tụng Chúa. Mọi người lân cận đều kinh hãi. Và trên khắp miền núi xứ Giuđêa, người ta loan truyền mọi việc đó. Hết thảy những ai nghe biết đều để bụng nghĩ rằng: “Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực, bàn tay Chúa đã ở với nó”. Con trẻ lớn lên, mạnh mẽ trong lòng: nó ở trong hoang địa cho đến ngày tỏ mình ra cùng dân Israel. Đó là lời Chúa.
Suy niệm:
Giới trẻ ngày nay xem ra thích mừng sinh nhật hơn mừng lễ bổn mạng.
Ngày vui ấy thường đi với quà, tiệc mừng và những lời cầu chúc.
Thật ra mừng sinh nhật có thể là một hành vi mang nhiều tính tôn giáo.
Tôi nhớ đến ngày tôi được sinh ra,
một sinh linh bé nhỏ chào đời,
mang hình ảnh của Thiên Chúa, mang khuôn mặt của Đức Giêsu.
Ngày ấy quan trọng và đáng nhớ ngay cả đối với chính Thiên Chúa.
Dù thế giới có hơn 6,7 tỷ người thì một hài nhi mới sinh
cũng có một chỗ đặc biệt trong trái tim Thiên Chúa.
Thiên Chúa có những ước mơ và dự tính riêng về từng con người.
Chẳng ai chào đời một cách tình cờ và ngẫu nhiên.
Mỗi người đều cần cho kế hoạch lớn của Thiên Chúa.
Mừng sinh nhật một cách nghiêm túc lại trở thành một lễ tạ ơn.
Tạ ơn Chúa đã cho tôi được làm người ở đời.
Bất chấp những khổ đau vấp ngã, những thất bại đắng cay,
tôi vẫn xin được yêu mảnh đời Chúa dệt cho tôi.
Hôm nay Giáo Hội mừng sinh nhật của thánh Gioan Tẩy giả.
Chỉ có Đức Giêsu và Mẹ Maria mới được mừng ngày sinh trong phụng vụ.
Điều đó cho thấy sinh nhật của Gioan là biến cố có ảnh hưởng lớn.
Bài Tin Mừng hôm nay nói vắn gọn về chuyện sinh hạ và cắt bì Gioan,
nhưng kể dài hơn về chuyện đặt tên cho em.
Chúng ta có thể cảm được niềm vui lớn lao của người mẹ là bà Êlisabét.
Niềm vui này đã bắt đầu từ khi bà có thai Gioan.
Chẳng biết bà bao nhiêu tuổi, chỉ biết là bà đã cao niên lại không sinh con.
Hiếm muộn thời xưa thường bị coi là do người vợ.
Đó là một sự sỉ nhục (St 30, 23) và là một hình phạt của Chúa (2 Sm 6, 23).
Nhưng bà Êlisabét lại là người công chính thuộc dòng tư tế Aharon,
“sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa,
không ai chê trách được điều gì” (Lc 1,6).
Bà đã sống với nỗi đau này trong nhiều năm, sau bao lần chờ đợi và thất vọng.
Khi biết mình có thai trong lúc tuổi già,
bà tự nhủ : “Chúa đã làm cho tôi như thế đó,
khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước người đời (Lc 1,25).
Ngày sinh của Gioan là ngày vui đặc biệt cho bà, người làm mẹ lần đầu.
Niềm vui ấy còn được nhân lên vì bà sinh một cậu con trai.
Láng giềng, thân thích đến chung vui với bà vì bà được Chúa thương.
Chúng ta không rõ bởi đâu mà Êlisabét đòi phải đặt tên cho con mình là Gioan.
Chỉ biết bà đã phản ứng quyết liệt chuyện đặt tên con là Dacaria.
Nhưng quyết định của người cha mới là quan trọng,
vì người cha thường là người có quyền đặt tên cho con,
qua đó nhìn nhận người con ấy là của mình (x. Mt 1, 21).
Ông Dacaria chẳng những bị câm, lại còn điếc nữa,
nên người ta phải làm hiệu để hỏi ý ông.
Khi ông viết trên bảng tên “Gioan” thì mọi người chưng hửng.
Chính lúc ấy một phép lạ xảy ra: ông nói được và chúc tụng Thiên Chúa.
Gioan là tên mà sứ thần đã dặn ông lúc dâng hương trong Đền thờ.
Gioan (Yôkhanan) có nghĩa là Đức Chúa thi ân.
Gioan thật là một ơn của Chúa và sẽ đóng một vai trò trong lịch sử cứu độ.
Chúng ta để ý đến vai trò của bà con láng giềng trong bài Tin Mừng này.
Họ đến chung vui, can thiệp ít nhiều vào chuyện đặt tên đứa trẻ.
Họ bỡ ngỡ với cái tên Gioan, và kinh sợ khi ông Dacaria nói lại được.
Việc sinh hạ Gioan quả đã được vây bọc bởi nhiều chuyện lạ lùng.
Tiếng vang không chỉ nơi láng giềng thân thích,
mà còn được loan truyền khắp vùng đồi núi xứ Giuđê (c. 65).
“Rồi đây đứa trẻ này sẽ ra thế nào ?”
Đó là câu hỏi mà ai cũng để tâm suy nghĩ sau khi nghe câu chuyện.
Hẳn là em này sẽ có một định mệnh và ơn gọi đặc biệt.
Có thể sau đó mọi sự lại lắng xuống,
còn cậu Gioan thì vẫn lớn lên, tinh thần vững mạnh.
Cậu không lập gia đình và sống trong hoang địa, chờ ngày đến với Ítraen.
Mừng sinh nhật của thánh Gioan Tẩy giả,
chúng ta thấy được sự khiêm tốn của Thiên Chúa.
Để giới thiệu Con của Người là Đức Giêsu cho dân Ítraen,
Thiên Chúa cần đến Gioan, một người dọn đường.
“Để dọn đường cho Đức Giêsu, ông Gioan đã rao giảng
kêu gọi toàn dân Ítraen chịu phép rửa tỏ lòng sám hối” (Cv 13, 24).
Và Thiên Chúa đã chuẩn bị rất kỹ cho cuộc sinh hạ của con người này.
“Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ,
lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi” (Is 49,1).
Hình ảnh người Tôi Trung trên đây trong Isaia khá hợp với Gioan.
“Người là đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ
để tôi trở thành người Tôi Trung đem nhà Giacóp về cho Người…” (Is 49,5).
Hóa ra việc Thiên Chúa chọn, gọi và giao sứ mạng
đã diễn ra ngay từ con người chỉ mới là phôi thai trong lòng mẹ.
Điều này đúng với Gioan :
“Em sẽ được đầy Thánh Thần ngay khi còn trong lòng mẹ.
Em sẽ đưa nhiều con cái Ít raen về với Đức Chúa…
và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (Lc 1, 15-17).
Gioan đã được gọi để làm ngôn sứ cho dân tộc của ngài,
giúp cho dân Ítraen đón nhận Đấng đến sau ông nhưng lại có trước ông.
Ơn gọi ấy đã làm cho ông hiện hữu ở trên đời.
Cuộc sinh hạ của Gioan được coi là kỳ lạ.
Thật ra cuộc sinh hạ nào cũng là một màu nhiệm lạ lùng.
Khi rửa tội một em bé mới sinh,
chúng ta cũng vẫn đặt câu hỏi: Em này rồi sẽ ra sao ?
Đâu là định mệnh tương lai của em ?
Đâu là con đường riêng mà Chúa muốn em đi ?
Chúng ta chỉ mong bàn tay Chúa ở với em (Lc 1, 66).
Những thai nhi, những hài nhi, những trẻ thơ hôm nay ở quanh ta
cũng được hiện hữu và được trao một sứ mạng.
Mừng sinh nhật một vị thánh, chúng ta thêm trân trọng sự sống nơi các em,
và thấy mình có bổn phận nâng đỡ để các em đi con đường Chúa muốn
và trở thành những người đưa dân tộc Việt Nam đến với Chúa.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu thương mến,
xin ban cho chúng con
tỏa lan hương thơm của Chúa
đến mọi nơi chúng con đi.
Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con
bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.
Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con
để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.
Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,
để những người chúng con tiếp xúc
cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.
Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,
không phải bằng lời nói suông,
nhưng bằng cuộc sống chứng tá,
và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa. Amen.
(Chân phước Têrêxa Calcutta)
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh.” (Lc 1,80a)
Câu chuyện minh họa:
Chiều muộn, tôi đã phải dừng lại để nhường đường cho một người phụ nữ đang vội vã đẩy một chiếc xe chất đầy những túi lớn và một cô bé con. Vừa lúc, một bánh của chiếc xe đẩy bị mắt kẹt, khiến cho chiếc xe bị đổ, mấy cái túi đổ tung toé, người phụ nữ cũng bị ngã, cả cô bé con cũng rơi khỏi xe, hoảng hốt tột độ.
Đúng theo bản năng của một người làm cha, phản ứng đầu tiên của tôi là lao đến bế cô bé sốc lên vai mình, vỗ lưng để dỗ dành nó. Và cảm giác đầu tiên của tôi là ngạc nhiên khi cô bé không hề nhìn quanh tìm mẹ. Cô bé chỉ khóc và nhìn thẳng vào bức tường, cuống cuồng nắm chặt lấy áo và cổ tôi. Cô bé cũng không trả lời khi tôi nựng nịu, mà chỉ vùi mặt vào ngực tôi.
Chỉ vài dây sau, người mẹ trẻ chạy lại phía con, nhưng cô bé không chịu rời tay ra khỏi vai tôi. Tôi đành nói người mẹ cứ sắp xếp lại những chiếc túi, để tôi bế cô bé giúp.
Nghe thấy tôi vỗ về cô bé, chị bỗng nói:
– Nó chỉ có thể nghe anh nếu anh áp tai nó vào ngực anh, vì nó còn bị điếc nữa.
“Còn?”
Tôi cuối xuống nhìn vào đôi mắt xanh rất đẹp. Và tôi nhìn thấy… không gì cả. Không phản ứng. Không định hướng. Không cảm xúc. Cô bé mong manh và hoảng hốt này vừa bị mù vừa bị điếc. Cửa sổ duy nhất của cô bé để hướng ra thế giới là nhờ sự ôm ấp.
Tôi vuốt má cô bé và thấy một nụ cười yên tâm qua làn nước mắt. Tôi cù vào phía dưới cằm, cô bé cười khúc khích rồi ngả đầu vào vai tôi. Tôi cảm thấy trái tim mình như rạn nứt khi nghĩ đến cô con gái 2 tuổi rưỡi của mình – Christina. Đã hàng tháng nay tôi không kể chuyện cho nó nghe trước khi đi ngủ, vì tôi phải làm việc buổi đêm. Đã cả năm nay rồi tôi không chơi trò cù vào bụng để nó cười rộ lên thích thú. và có lẽ cũng cả tuần nay rồi tôi chỉ “Ngủ đi, bố yêu con” mà không hề ôm hay hôn Christina.
Christina!
Liệu cô bé tôi đang bế trên tay có biết rằng tôi là một người xa lạ? Và liệu cô bé có phân biệt được những người khác nhau? Liệu cô bé có biết đâu là mẹ mình và đâu là những người phụ nữ khác? Và tất cả những câu hỏi của tôi được trả lời trong một giây sau đó. Khi mẹ cô bé ôm lấy con mình thật chặt, dụi vào má và hôn lên trán cô.
Vẻ mặt cô bé đã trả lời tất cả: Tất nhiên là cô có thể nhận biết được mọi người.
Tôi đã cố gắng để không khóc khi nhìn hai mẹ con họ đi khuất sau góc phố. Có một điều tôi muốn làm ngay lập tức: Về nhà và ôm lấy bé Christina, để nó nghe được cả trái tim tôi cũng nói “Bố yêu con”.
Suy niệm:
Cuộc đời thánh Gioan Tẩy Giả gắn liền với rất nhiều những điều lạ lùng, là Vị tiền hô nhưng ngài không hề đánh bóng chính mình, cũng không dành cho mình bất cứ vinh quang nào. Ngài biết được vai trò và sứ vụ của mình là người dọn đường: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa. Hãy sửa đường cho thẳng để Thiên Chúa đi”.
Hôm nay chúng ta mừng lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả để nhắc nhở bổn phận của người Kitô hữu, biết nhận ra sứ vụ của mình trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, noi gương thánh nhân sống và làm chứng cho Chúa giữa lòng thế giới hôm nay, để Nước Chúa được lan rộng, ý Chúa được thể hiện và danh Chúa luôn được cả sáng.
Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe lời Chúa dạy bảo để mỗi ngày con mỗi lớn lên trong ân sủng Chúa.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho