21.6.2019 – Thứ sáu tuần XI Thường niên
Kho tàng ở đâu, tim ở đó
PHÚC ÂM: Mt 6, 19-23
“Kho tàng con ở đâu, thì lòng con cũng ở đó”.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng tích trữ cho mình kho tàng dưới đất: là nơi ten sét mối mọt sẽ làm hư nát, và trộm cướp sẽ đào ngạch lấy mất, nhưng các con hãy tích trữ cho mình kho tàng trên trời: là nơi không có ten sét, mối mọt không làm hư nát, trộm cướp không đào ngạch lấy mất: Vì kho tàng con ở đâu, thì lòng con cũng ở đó. Con mắt là đèn soi cho thân xác con. Nếu mắt con trong sáng, thì toàn thân con được sáng. Nhưng nếu mắt con xấu kém, thì toàn thân con phải tối tăm. Vậy nếu sự sáng trong con tối tăm, thì chính sự tối tăm, sẽ ra tối tăm biết chừng nào?”
Suy niệm :
Cuộc sống con người ở đời thật mong manh và bấp bênh.
Vì thế con người muốn tìm cho mình một cái gì chắc chắn.
Của cải vật chất hứa hẹn cho con người một chỗ dựa an toàn.
Càng có nhiều của cải thì càng vững:
nhiều người đã thành thật tin như vậy
nên đã suốt đời lo tích trữ một kho tàng trên trần gian.
Thầy Giêsu không tin như thế.
Đối với Thầy, kho tàng dưới đất cũng mong manh và bấp bênh.
Thời xưa mối mọt là kẻ thù đáng sợ của nhiều thứ tài sản (G 4, 19).
Nhà cửa, đồ đạc đều có thể làm mồi cho chúng.
Thật ra vật chất tự nó đã mang mầm mống hư hoại rồi.
Hơn nữa, sự đe dọa không chỉ đến từ bên trong.
Kẻ trộm là nguy hiểm có thực đối với những căn nhà thời ấy.
Hắn có thể đào ngạch, khoét vách làm bằng bùn,
để lấy đi những của cải thường được chôn dấu dưới đất (c. 19).
Kho tàng dưới đất quả là không bền.
Thầy Giêsu đề nghị chúng ta tích trữ một cách khôn ngoan hơn,
tích trữ một kho tàng gì đó mà mối mọt không đục khoét được
và kẻ trộm không sao ăn cắp được.
Đó là thứ kho tàng trên trời được tích trữ qua bao việc lành,
những việc ta làm theo ý Thiên Chúa.
Có một sự khác biệt lớn giữa kho tàng trên trời và kho tàng dưới đất.
Tích trữ kho tàng dưới đất khiến ta cậy dựa vào của cải đời này.
Tích trữ kho tàng trên trời đòi ta hoàn toàn cậy dựa vào Thiên Chúa.
Kho tàng ở đâu thì tim anh ở đó (c. 21).
Kho tàng trên trời sẽ nâng tim anh lên trời cao.
Kho tàng dưới đất sẽ kéo tim anh xuống đất thấp.
Trái tim là nơi sâu thẳm của tâm linh con người.
Chính vì thế thi thoảng cần kiểm tra xem tim mình đang ở đâu,
kho tàng nào đang khiến mình gắn bó.
Chúng ta phải ngừng theo đuổi những kho tàng mau qua
để gắn bó với những giá trị thực sự bền vững.
Con người thời nay cũng phải sống trong sự bấp bênh triền miên.
Càng tiến bộ kỹ thuật lại càng có nhiều bất ổn, bất trắc,
nên đời sống vẫn không vì thế mà được thư thái bình an.
Nhiều người đã cảm được sự phù du của vật chất và tiếng tăm.
Tiền bạc và quyền lực như nước trôi qua kẽ tay, chẳng ai nắm được.
Thầy Giêsu mời chúng ta đổi mới cái nhìn.
Đừng nhìn bằng mắt xấu, nghĩa là bằng cặp mắt thèm muốn, tham lam.
Hãy nhìn bằng mắt tốt, nghĩa là bằng cặp mắt siêu thoát, quảng đại.
Cái nhìn bằng mắt tốt sẽ đem lại ánh sáng cho toàn thân (c. 22).
Cái nhìn bằng mắt xấu sẽ gây ra bóng tối kinh khủng (c. 23).
Con mắt là ngọn đèn cho thân thể.
Ước gì con mắt tôi biết thấy Chúa là kho tàng đích thực của mình.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng, khoái lạc
là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự do ngước lên cao
để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.
Xin giải phóng chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần nào
sự phong phú của kho tàng trên trời.
Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán tất cả những gì chúng con có,
để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.
Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước những lời mời gọi của Chúa,
không bao giờ ngoảnh mặt
để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Kho tàng của anh ở đâu thì lòng anh ở đó.” (Mt 6,21)
Câu chuyện minh họa:
Cha Gioan Tauler, một vị linh mục đạo đức vẫn luôn cầu xin để được gặp một người chỉ dẫn cho ngài thiên đàng ở đâu. Một ngày kia, có tiếng lương tâm giục ngài ra trước cửa nhà thờ để gặp vị quân sư đó. Nhìn trước nhìn sau, cha chẳng thấy ai, ngoại trừ một người ăn mày, quần áo rách rưới, mặt mũi bẩn thỉu, hôi thối. Cha đến gần chào người hành khất:
– Chào ông, chúc ông may mắn.
Người ăn mày thản nhiên trả lời:
– Chào cha, tôi có bị rủi ro bao giờ đâu.
– Vậy thì xin Thiên Chúa ban cho ông mọi điều sung sướng.
– Ồ, thưa cha, đời tôi chưa bao giờ thấy khổ cả.
Cha Tauler rất ngạc nhiên về cách nói năng của người này. Cha hỏi tiếp:
– Nếu Chúa bắt ông xuống hỏa ngục, ông có buồn khổ không?
Người hành khất trả lời không cần suy nghĩ:
– Nếu Chúa làm như vậy thì tôi sẽ ôm ghì lấy Chúa và đưa Chúa xuống hỏa ngục luôn. Tôi thà ở hỏa ngục với Chúa còn hơn ở Thiên Đàng mà không có Ngài.
Vị linh mục càng ngạc nhiên hơn nữa. Cha hạch hỏi:
– Này ông, ông có thể cho tôi biết ông từ đâu tới đây?
– Thưa Cha, tôi từ Thiên Chúa mà đến.
– Nhưng ông tìm thấy Thiên Chúa ở đâu?
– Ở ngay khúc quẹo, chỗ mà tôi từ bỏ mọi của cải vật chất trên đời này.
Tới đây, Cha Tauler không thể chờ đợi thêm được nữa. Ngài hỏi nhanh:
– Thế thì, ông là ai?
Người ăn mày nói một cách trịnh trọng:
– Tôi là Vua.
Cha Tauler quỳ xuống trước mặt người ăn mày:
– Tâu Đức Vua, Ngài có thể cho con biết vương quốc ngài ở đâu không?
– Vương quốc của Ta ở ngay trong tâm hồn Ta.
Suy niệm:
Kho tàng Chúa Giêsu muốn nói đến chắc chắn nơi đó không có tiền của, vàng bạc hay kim cương nhưng kho tàng ấy là lòng tin tưởng vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, Ngài luôn mưu cầu lợi ích cho chúng ta, lòng tin tưởng ấy giúp chúng ta không còn sống cho chính mình nữa mà sẵn sàng ấn thân vì tha nhân, hy sinh sức khỏe, thời gian, tiền bạc… để mong mang lại hạnh phúc cho người khác.
Đức Kitô mời gọi chúng ta hãy tìm kiếm kho tàng vô tận nơi Chúa, vì nơi ấy không gì đục khoét hay mối mọt ăn mòn. Trong Người, chúng ta mới cảm được hạnh phúc và tình yêu vĩnh cửu mà không ai có thể cướp mất được. Và nhờ đó chúng ta mới có cái để trao ban.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết chọn Chúa là điểm tựa và là cùng đích của cuộc đời, để chúng con không còn tìm kiếm hạnh phúc nơi nào khác nữa, vì có Chúa là tất cả của cuộc đời chúng con. Amen
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
Suy niệm
Hai tiếng “gia đình” nghe thật quen thuộc và thân thiết với hầu hết mỗi người chúng ta. Vì nơi gia đình, như Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói là nơi của sự sống và tình yêu; nơi đó con người được sinh ra và lớn lên (x. FC, 41). Ngoài ra, gia đình còn được xem như điều gì đó bền vững và chắc chắn vì gia đình được thiết lập bởi chính Thiên Chúa và trong sự hiệp thông với Ngài (x. St 1, 27-28).
Tưởng chừng như gia đình là một khối vững chắc qua mọi thời đại, nhưng không, trong thời đại hôm nay, đời sống gia đình đang phải đối diện với nhiều sóng gió. Những sóng gió này đến từ trào lưu đề cao sự tự do cá nhân, chủ động đánh mất tương quan hoặc gạt Thiên Chúa ra khỏi đời sống của mình. Hệ quả như: đồng tính luyến ái, ly hôn, đơn thân, phá thai, sàng lọc thai nhi, v.v. Qua đó cấu trúc gia đình đang bị tổn thương nặng nề. Như thế, chúng ta thấy gia đình cũng có rất nhiều sự mong manh cần được chăm sóc, vun đắp và nuôi dưỡng.
Chúng ta cũng không lạ gì khi các văn kiện của Giáo Hội qua các triều đại Giáo hoàng gần đây luôn đề cập đến gia đình. Trong các văn kiện đó chúng ta luôn bắt gặp lời mời gọi mỗi gia đình hãy xác định lại đâu là phẩm giá và trách nhiệm của mình. Hãy tìm lại căn tính của mình và sống đúng với căn tính đó (FC, 17). Vì theo kế hoạch của Thiên Chúa, gia đình được xây dựng như một sự hiệp thông sâu xa trong đó nhắm đến sự sống và tình yêu.
Giáo Hội là thân mình Đức Kitô (Ep 1, 23) và gia đình chính là một Giáo Hội thu nhỏ (LG. 11), nên gia đình mang trong mình mầu nhiệm Giáo Hội và sứ mạng của Giáo Hội. Gương sáng từ gia đình như một tấm kính, nhìn qua đó ta có thể thấy được hình ảnh của Hội Thánh Đức Kitô. Gia đình chính là một sự phản chiếu, một hình ảnh sống động, một sự nhập thể vào trong thế giới. Nếu tấm kính đó sáng thì mọi người sẽ thấy được một Hội Thánh sáng láng biết bao. Cũng như “đèn của thân thể là con mắt, mắt sáng thì toàn thân sẽ sáng” (Mt 6, 22). Gia đình phải trở nên “đèn” của Giáo Hội, những chứng tá gương sáng từ gia đình sẽ làm cho Giáo Hội được rạng ngời.
Trách nhiệm sống chứng tá và vun đắp cho đời sống gia đình trong thời đại hôm nay thuộc về mỗi người chúng ta. Hãy hành động ngay hôm nay để đưa gia đình trở về với căn tính và sứ mạng của mình. Không chỉ bằng những lời cầu nguyện mà thôi nhưng phải bằng những hành động cụ thể. Với sự chung tay góp sức của mỗi người hy vọng rằng những tổn thương của gia đình nhanh chóng được chữa lành và gia đình thật sự trở thành nơi cho sự sống bắt đầu và nơi cho tình yêu nảy nở đúng với kế hoạch Thiên Chúa. Chúng ta xây dựng gia đình hôm nay là xây dựng Giáo Hội, cũng là xây dựng Nước Trời mai sau vậy.
GKGĐ – Gp. Phú Cường