20.6.2019 – Thứ năm tuần XI Thường niên
Lạy Cha chúng con
PHÚC ÂM: Mt 6, 7-15
“Vậy các ngươi hãy cầu nguyện như thế này”.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Đừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin. Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này:
“Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
“Vì nếu các con có tha thứ cho người ta những lầm lỗi của họ, thì Cha các con, Đấng ngự trên trời, mới tha thứ cho các con. Nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ lỗi lầm cho các con”.
Suy niệm :
Chúng ta không thể lèo lái hay ép buộc Thiên Chúa
bằng những lải nhải dài dòng hay bằng những câu thần chú.
Cầu nguyện không phải là thông báo cho Chúa biết nhu cầu của ta (c. 8).
Cha Teilhard de Chardin đã viết:
“Chúng ta phải cầu xin Chúa không phải vì lề luật buộc như thế,
cũng không phải vì Chúa không biết ta cần gì.
Không, kinh nguyện là tình yêu, là cách diễn tả tình yêu.”
Thiên Chúa thích nghe miệng chúng ta nói lên nhu cầu của mình.
Đức Giêsu dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha, Abba, như Ngài đã gọi.
Abba là tiếng gọi âu yếm thân thương của đứa con đối với người cha.
Khi gọi Thiên Chúa là Cha, chúng ta thấy mình hết sợ hãi và xa cách.
Cha siêu việt và quyền uy, nhưng Cha không áp bức và bắt con làm nô lệ,
Cha cao sang ở trên trời nhưng Cha lại gần gũi với nhu cầu của con cái.
Ba lời cầu xin đầu tiên đều hướng về Cha: Danh Cha, Nước Cha, và Ý Cha.
Danh Cha được vinh hiển khi Nước Cha được thành tựu, Ý Cha được thể hiện.
Nước Cha đã đến rồi với sự hiện diện và hoạt động của Đức Giêsu,
nhưng chúng ta vẫn phải cầu xin cho Nước ấy mau đến cách viên mãn.
Ý Cha và quyền tối cao của Cha đã được thể hiện trọn vẹn trên trời rồi,
nhưng còn phải được thể hiện dưới đất nữa, nơi mọi người và nơi từng người.
Ba lời cầu đầu tiên, là những lời trực tiếp nài xin Cha.
Làm cho Danh Cha được biết đến, Nước Cha được nhìn nhận,
Ý Cha được tuân hành : đó là công việc của Cha cho đến tận thế.
Nhưng việc đó cũng cần sự cộng tác hằng ngày của mỗi Kitô hữu
qua việc họ sống tận căn những đòi hỏi gai góc của Nước Trời,
để cho thấy Nước Trời đã đến trên mặt đất.
Bốn lời cầu xin sau nhắm đến nhu cầu cụ thể của các môn đệ.
Xin lương thực hàng ngày là điều cần thiết cho họ,
những người nay đây mai đó, sống nhờ lòng tốt của người nghe.
Xin ơn tha thứ là điều ta cần mỗi ngày từ Chúa, sau bao sai lỗi,
mà cũng là điều ta phải trao lại cho anh em.
Xin Chúa đừng đưa chúng ta vào cơn thử thách quá sức chịu đựng
đến mức mất đức tin và quỵ ngã.
Nhưng xin Chúa gìn giữ và giải thoát chúng ta khỏi Ác Thần.
Kinh Lạy Cha giúp chúng ta trò chuyện với chính Thiên Chúa là Cha.
Chúng ta được mở ra trước thế giới trên trời nơi Cha ngự trị,
những cũng được mở ra trước thế giới dưới đất của con người.
Một thế giới có bao người thiếu bánh ăn, cần được chia sẻ.
Một thế giới có nhiều xung đột và hận thù, cần sự bao dung thứ tha.
Một thế giới hỗn loạn với bao điều phải chấn chỉnh cho hợp Ý Chúa.
Một thế giới không biết mình là anh em, con cùng một Cha.
Kinh Lạy Cha bao giờ cũng nhắc chúng ta về những điều dang dở…
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến.
Xin đừng mỉm cười mà nói rằng
Chúa đã ở bên chúng con rồi.
Có cả triệu người chưa biết Chúa.
Nhưng biết Chúa thì được cái gì ?
Chúa đến để làm gì
nếu đời sống con cái của Chúa
cứ tiếp tục y như cũ ?
Xin hoán cải chúng con.
Xin lay chuyển chúng con.
Ước gì sứ điệp của Chúa
trở nên máu thịt của chúng con,
trở nên lẽ sống của cuộc đời chúng con.
Ước gì sứ điệp đó
lôi chúng con ra khỏi sự an nhiên tự tại,
và đòi buộc chúng con,
làm chúng con không yên.
Bởi lẽ chỉ như thế,
sứ điệp đó mới mang lại cho chúng con
bình an sâu xa,
thứ bình an khác hẳn,
đó là Bình An của Chúa. Amen.
(Hélder Câmara)
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Khi cầu nguyện anh em đừng lải nhải như dân ngoại.” (Mt 6,7)
Câu chuyện minh họa:
Ngày kia khi cỡi ngựa đi ngang qua một ngôi làng, thánh Benardo giúp một nông dân đang đi bộ trên đường. Thấy ngài, người nông dân nói:
– Ông đã chọn một nghề thật an nhàn. Tại sao tôi lại không trở nên một người tối ngày chỉ biết cầu nguyện để cũng có một con ngựa để cỡi?
Nghe nói vậy, thánh Benardo bình tĩnh hỏi:
– Thế anh tưởng cầu nguyện dễ lắm sao? Này, tôi đánh cược với anh, nếu anh đọc được một kinh lạy cha từ đầu đến cuối mà không lo ra, tôi sẽ tặng anh con ngựa này.
Người nông dân tỏ vẻ ngạc nhiên đến tột độ, và hỏi:
– Thật không?
Thấy thánh Benardo gật đầu tái xác nhận lời hứa, người nông dân vội vàng nhắm mắt chắp tay đọc to:
– Lạy cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến…
Vừa đọc đến đây, bỗng anh ta chia trí, ngừng lại và hỏi:
…Vậy là tôi có thể lấy cả yên ngựa và dây cương nữa chứ?
Chẳng có ngựa cũng chẳng có cương cho anh, anh chia trí rồi đấy!
Suy niệm:
Lời cầu nguyện để chúng ta mong được vinh danh Chúa và xin Ngài ban ơn giúp sức để chúng ta chu toàn bổn phận cũng vì danh Chúa. Khu chúng ta cầu nguyện, chúng ta ý thức mình là một trong thành phần của Giáo hội, và phải đặt ý Chúa trên hết chứ không phải những nhu cầu của chúng ta cần Chúa đáp ứng. Và cầu nguyện là đối thoại với Thiên Chúa, vì thế chúng ta cần thực hiện một cách riêng tư, kín đáo, và củng cố mối tương quan với Người.
Thiên Chúa không cần chúng ta phải cầu nguyện theo một công thức, bài bản, nhưng Người muốn chúng ta dâng lên Người những tâm tình thật đơn sơ chân thành xuất phát từ trái tim. Nơi đó, chúng ta có thể lắng nghe, đối thoại và hiệp thông với Thiên Chúa.
Trong thực tế, chúng ta đã thực hành việc cầu nguyện như thế nào?
Lạy Chúa, xin cho con biết ở lại với Chúa để cảm nhận được những tình yêu của Ngài, và để con sống trọn vẹn tình yêu ấy vì đó là sức mạnh giúp con vươn lên trong cuộc sống này.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
Suy niệm
Tôn giáo nào cũng dạy người ta phải cầu nguyện. Mỗi tôn giáo lại có cách thức thực hành và cầu nguyện riêng. Mỗi người tự do chọn cho mình một con đường, một hình thức để diễn tả sao cho phù hợp với tôn giáo của mình. Hôm nay, Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Người cầu nguyện. Vậy phải cầu nguyện như thế nào? Hãy để Chúa Giêsu dạy chúng ta như Người đã dạy các môn đệ khi xưa.
Trước tiên, chúng ta cần hiểu cầu nguyện là hướng lòng lên cùng Thiên Chúa. Ngay từ thuở bé, ai cũng được ông bà, cha mẹ, anh chị dạy cho cách cầu nguyện thật đơn sơ như làm dấu thánh giá, đọc kinh Lạy Cha trước bữa ăn, v.v. Tưởng chừng như đơn giản, nhưng đây lại chính là lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã dạy. Thật là hạnh phúc khi gia đình quây quần bên mâm cơm có cha có mẹ và con cái cùng nhau đọc vang lời kinh “Lạy Cha…” để tạ ơn Thiên Chúa trước bữa ăn trong gia đình.
Hôm nay, các gia đình có quá nhiều thứ để bận tâm nên cũng sẽ không biết cách cầu nguyện thế nào cho phải: cha mẹ bận rộn với chuyện cơm áo gạo tiền, con cái bận rộn vui chơi học hành, v.v. Bên cạnh đó, có rất nhiều thứ phương tiện giải trí khiến người ta không còn để ý tới việc cầu nguyện. Cho đến khi gia đình, người thân gặp chuyện không hay xảy ra, người ta mới chạy vạy cầu chỗ này, xin chỗ kia mà quên đi bài học chính Chúa đã dạy: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin” (Mt 6,7-8).
Chúng ta hãy nhớ rằng, kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu đã dạy là một mặc khải về Chúa Cha. Thiên Chúa của chúng ta không là Thiên Chúa xa vời hay nghiêm nghị, nhưng là Thiên Chúa gần gũi, thân mật đến độ chúng ta có thể gọi Ngài là Cha với tất cả trìu mến như một em bé gọi cha mình.
Lạy Chúa, là người Công giáo, ai trong chúng con cũng thuộc kinh Lạy Cha, nhưng để hiểu và sống lời kinh này thì còn nhiều thiếu sót. Xin cho mỗi lần chúng con đọc lên lời kinh này chúng con biết cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa, đồng thời cũng giúp chúng con ý thức về điều kiện để hưởng sự xót thương, nghĩa là càng tha thứ cho người khác, chúng con càng được Chúa thứ tha. Xin Chúa thương ở cùng gia đình chúng con và dạy chúng con biết cầu nguyện với Chúa luôn luôn. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường