19.6.2019 – Thứ tư tuần XI Thường niên
Đấng thấu suốt những gì kín đáo
PHÚC ÂM: Mt 6, 1-6. 16-18
“Cha ngươi Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi”.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để thiên hạ trông thấy, bằng không, các con mất công phúc nơi Cha các con là Đấng ở trên trời. Vậy khi các con bố thí, thì đừng thổi loa báo trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng họ. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con có bố thí, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ kín, và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.
“Rồi khi các con cầu nguyện, thì cũng chớ làm như những kẻ giả hình: họ ưa đứng cầu nguyện giữa hội đường và các ngả đàng, để thiên hạ trông thấy. Quả thật, Ta bảo các con: họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.
“Khi các con ăn chay, thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não: họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước mặt người ta. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết con ăn chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha con Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con”.
Suy niệm :
“Đã mang tiếng ở trong trời đất,
phải có danh gì với núi sông.”
Danh tiếng để lại cho đời là điều khiến nhiều người bận tâm.
Có người hiến mình để làm những công trình lớn lao để lại cho hậu thế.
Nhưng cũng có người rơi vào thói háo danh,
làm mọi sự chỉ để tìm cho mình chút tiếng khen mau qua.
Trong Bài Giảng trên núi mà ta nghe hôm nay,
Đức Giêsu tố giác thói háo danh của những người đạo đức giả,
khi họ làm ba việc đạo đức căn bản là bố thí, cầu nguyện, ăn chay.
Ngài cũng cho thấy cách sống đạo của người môn đệ.
Làm các việc đạo đức để tìm tiếng khen, là một cám dỗ có thật.
Có người thổi kèn trong hội đường hay ngoài phố khi bố thí.
Có người thích đứng cầu nguyện tại giữa ngã ba đường.
Có người có mang bộ mặt thiểu não khi ăn chay.
Tất cả chỉ nhằm thu hút sự chú ý của nhiều người khác,
chỉ nhằm “cho người ta thấy”, “để người ta khen” (cc. 1. 2. 5. 16).
Họ làm những việc tốt lành, nhưng lại tìm mình, co quắp trên chính mình,
trong khi lẽ ra những việc này phải mở họ ra trước Thiên Chúa.
Đối với Đức Giêsu, được người ta khen là nhận được phần thưởng rồi,
nên cũng chẳng được Cha trên trời ban thưởng nữa (c. 1).
Họ được phần thưởng mau qua của người đời,
nhưng mất phần thưởng trọng hậu trong ngày sau hết.
Đức Giêsu mời các môn đệ đi vào cái kín đáo, thầm lặng,
nơi đó không có con mắt của người đời, không có tiếng khen chê.
Nơi đó kín đến mức tay trái không biết việc tay phải làm.
Nơi đó là căn phòng đóng cửa, để chỉ có Cha và anh gặp gỡ.
Cha là Đấng hiện diện ở nơi kín đáo (cc. 6. 18).
Cha cũng là Đấng thấy những gì được làm ở nơi kín đáo (cc. 4. 6. 18).
Cha thấy anh đã bố thí, cầu nguyện, ăn chay cách thầm lặng.
Chính Cha sẽ ban thưởng cho anh.
“Hữu xạ tự nhiên hương” có thể là một hình ảnh đẹp về người Kitô hữu.
Đời Kitô hữu là cuộc đời kín đáo thầm lặng, như bị che khuất.
Nhưng cũng là cuộc đời không che giấu được trước mắt mọi người.
Chính khi cái tốt được làm một cách vô cầu, thì nó lại tỏa ngát hương.
Không hẳn là chúng ta luôn luôn phải cầu nguyện trong phòng đóng cửa.
Cũng như không hẳn chúng ta phải tô son đánh phấn khi ăn chay.
Nhưng điều quan trọng là chúng ta làm mọi sự cho vinh danh Chúa.
Cầu nguyện :
Ngày lại ngày, lạy Thiên Chúa,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan,
hai tay cung kính, lạy Thiên Chúa muôn loài,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.
Dưới bầu trời bao la,
trong cô đơn và thầm lặng,
với tấm lòng thanh tịnh,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.
Trong thế giới ồn ào vì nhọc nhằn,
huyên náo vì đấu tranh,
giữa đám đông hối hả lăng xăng,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.
Và khi đã hoàn tất việc đời,
lạy Thiên Chúa muôn loài,
một mình, lặng lẽ,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan. Amen.
(R. Tagore,
Đỗ Khánh Hoan dịch)
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6,18b)
Câu chuyện minh họa:
Từ ngày vào thu đến nay, khu vườn của bà cụ già góa bụa trước đã ngổn ngang nay càng thêm ngập rác. Mỗi lần gió thu lùa đến, là từng đợt lá vàng rơi ào ạt, chất chồng ngoài sân, trên thềm nhà bà cụ. Mỗi trận mưa thu lại làm cho cỏ dại mọc thêm lởm chởm. Trông thật thê lương!
Thế rồi, một buổi sáng thứ bảy đẹp trời, vị linh mục chính xứ tập họp hết các em trong đoàn thanh niên Công Giáo. Ngài hăng say khuyến khích các em dấn thân cho công bằng xã hội, phục vụ cộng đồng, ưu tiên chọn giới nghèo, đứng về phía người cô thế cô thân như tinh thần của Năm Thánh. Ngài khuyên các em hy sinh trọn ngày nghỉ cuối tuần để đi giúp các người nghèo, các cô nhi quả phụ, theo gương Chúa Giêsu, Đấng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng dấn thân hầu hạ người khác và hiến thân làm giá cứu chuộc loài người ( Mc 10, 45 ).
Các cậu thanh niên, các cô thiếu nữ, sau khi nghe linh mục giảng xong, hăng hái vác cuốc, xẻng, chổi đến tận nhà bà cụ gìa góa bụa để xin làm cỏ, quét dọn, hốt rác cho nhà bà từ trong nhà ra tận cửa ngõ. Họ vui vẻ phục vụ. Thỉnh thoảng bà cụ lụm khụm mang nước ra cho các cô cậu uống, nhưng ai cũng lễ phép kiếu từ, xin bà cụ cho các em được phục vụ hoàn toàn không lấy công, ngay cả một lon nước ngọt cũng không dám nhận. Bà cụ hết sức mến phục các em…
Sau một ngày làm việc cực nhọc, mồ hôi nhễ nhãi, mặt mày lem luốc, nhưng trong lòng thật hạnh phúc, các em trở về nhà xứ để báo cáo công tác lên cha Sở và Hội Đồng Giáo Xứ.
“Kính thưa Cha, kính thưa quý vị trong Hội Đồng Giáo Xứ, chúng con hôm nay đã được gởi đến và đã hoàn tất công tác dọn dẹp sạch sẽ vườn nhà bà cụ già ở bên cạnh chùa…”
Cả hội trường vang tiếng vỗ tay. Anh đại diện kể tiếp: “Bà cụ rất cảm động, bà có cho chúng con nước ngọt, nhưng chúng con xin phép kiếu từ…” Cha Sở lên tiếng khen ngợi: “Các con giỏi quá! Thật đúng là phục vụ không lấy công, chỉ vì yêu người mà thôi.” Lại một tràng pháo tay nổ dòn trong hội trường.
Một bạn trẻ khác khoe thêm: “Bà cụ còn khen chúng con làm việc rất hăng say. Bà bảo chúng con là mỗi ngày bà nhờ nghe tiếng chuông chùa bên cạnh, tiếng gõ mõ tụng kinh bên chùa vọng sang, khiến tâm hồn bà rất siêu thoát, và hạnh phúc. Nay lại thấy bên nhà chùa gởi thanh niên thiếu nữ sang giúp dọn sạch sẽ, khiến bà thấy rõ được ánh quang từ bi của phật pháp…”
Nghe đến đây, một vị trong Hội Đồng Giáo Xứ hỏi ngay: “Thế thì các bạn có đính chính không?” Anh đại diện trả lời: “Dạ thưa không ạ”
Ông chủ tịch bật thốt lên: “Thế thì hỏng bét! Bà cụ hiểu lầm rồi!” Anh bạn trẻ gãi đầu: “Dạ thưa, bà còn khen đạo Phật và nhà chùa thật là biết thương đến kẻ cô thế cô thân như bà, khi gởi mấy phật tử trẻ như chúng con đây sang quét dọn giúp bà”.
Cả Hội Đồng Giáo Xứ nhao nhao lên: “Thật là dọn cỗ cho người khác xơi! Không ai mở miệng đính chính à?” Anh bạn trẻ cố gắng trình bày vấn đề: “Dạ thưa chúng con chỉ biết im lặng phục vụ…”
Ông chủ tịch nhăn nhó trách cứ: “Thì chỉ cần thưa với bà cụ là các bạn thuộc đoàn thanh niên Công Giáo của Giáo Xứ chúng ta đang đi phục vụ cộng đồng là đủ rồi. Có phải là bà sẽ phục đạo Công Giáo mình không chứ! Có tốn hơi mất sức gì đâu. Tại sao các bạn lại không chịu nói?”
Một bạn gái trong đoàn công tác đứng lên, nhìn sang phía cha Sở đang cười tủm tỉm ra vẻ rất hài lòng, rồi cô bé nhỏ nhẹ lên tiếng: “Dạ thưa bác, tại vì sáng nay cha Sở bảo chúng con phải phục vụ giống y như Chúa Giêsu đã phục vụ ạ!”
Suy niệm:
Lòng đạo đức đích thực của người Do Thái được biểu lộ qua ba yếu tố: cầu nguyện, ăn chay và bố thí. Nhưng điều quan trọng và cốt yếu là con người sống thật trước mặt Thiên Chúa với ý hướng ngay lành, chứ không phải làm mọi việc để người khác biết đến danh mình. Ăn chay là dấu chỉ sự ăn năn; thực thi bác ái là đáp trả lòng thuong xót của Thiên Chúa và cầu nguyện để mỗi ngày Chúa thanh luyện bản thân mình hơn.
Thật vậy, sự kín đáo của một người không phải là những gì người ấy giấu đi không cho người khác biết, nhưng là những gì trong cuộc đời người ấy được thực hiện trong một sự thinh lặng sâu xa. Đó là những gì được trao tặng trong sự thân mật của trái tim, để rồi không còn chỗ cho ngôn từ nữa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết đắm mình trong cầu nguyện, để chúng con được tan chảy trong Ngài; từ đó, chúng con sẽ được hòa chung nhịp đập với trái tim Chúa, nhịp đập của sự yêu thương, tha thứ và cảm thông.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
Suy niệm
Thương những người thương mình; thương những người thân thích với mình: tình yêu nam nữ, tình yêu huyết thống… Đây là những tình yêu tự nhiên của con người không cần tìm, đó là điều bẩm sinh trong lòng. Nhưng đối với kẻ thù, thương yêu không chỉ thuộc về tấm lòng mà còn thuộc về ý chí. Tình yêu này không đến một cách tự nhiên, mà cần phải vận dụng đến ý chí để chiến thắng khuynh hướng thuộc bản năng của con người tự nhiên.
Thật vậy, tình yêu này không phải là một thứ tình cảm tự nhiên hay một thứ gì đó mà chúng ta có thể trao đổi như: “yêu thương kẻ yêu thương mình, chào hỏi những người chào hỏi”, nhưng tình yêu này là một ân huệ đến từ Thiên Chúa – Đấng ban nhưng không người Con Một của mình để cứu chuộc nhân loại tội lỗi, dù con người bất xứng vô cùng ( x. Mc 10,45; Rm 5,6-11). Vì thế, tình yêu này luôn mang đến một sức mạnh chữa lành: yêu kẻ thù chính là phương dược để phá tan hận thù; cầu nguyện cho kẻ ngược đãi chính là phương thế giúp hoán cải kẻ ngược đãi, v.v.
Người môn đệ không thể sống yêu thương một cách vụ lợi, tính toán hay yêu thương theo kiểu hỗ tương: “yêu thương kẻ yêu thương mình, chào hỏi những người chào hỏi mình”. Người môn đệ của Đức Giêsu được mời gọi phải chu toàn ý muốn của Thiên Chúa trong mức độ toàn vẹn và triệt để hơn, phải yêu thương với một tình yêu đích thực: yêu thương mà không cần đáp trả hay thưởng công, yêu thương như Chúa đã yêu thương mình. Tình yêu không vụ lợi, không đòi đáp trả sẽ làm cho người môn đệ trở nên giống Thiên Chúa, bởi Thiên Chúa cũng hoàn toàn tốt lành đối với kẻ vô ơn và ác đức. Người môn đệ của Đức Giêsu luôn được mời gọi không ngừng dấn thân hoàn toàn, để có thể nên trọn lành và thuộc trọn về một mình Thiên Chúa.
Lệnh truyền: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” thật khó thực hiện được nếu không có ơn Chúa. Chính vì thế, lệnh truyền này cho thấy, chúng ta không chỉ tự mình dấn thân phục vụ kẻ thù bằng việc thiện mình làm cho họ, nhưng còn làm Thiên Chúa nhập cuộc giúp đỡ kẻ thù bằng cách cầu xin Ngài ban cho họ điều mà mình không có khả năng thực hiện. Đồng thời, cầu nguyện cho kẻ thù cũng đồng nghĩa với việc cầu nguyện cho chính mình: xin Chúa ban ơn giúp mình vượt qua mọi rào cản để có thể yêu thương kẻ thù như Chúa yêu họ.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường