18.6.2019 – Thứ ba tuần XI Thường niên
Như Cha trên trời
PHÚC ÂM: Mt 5, 43-48
“Các ngươi hãy yêu thương thù địch”.
Khi ấy, Chúa phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đã nghe dạy: ‘Ngươi hãy yêu thân nhân, và hãy thù ghét địch thù’. Còn Ta, Ta bảo các con: Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét các con, hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các con: để như vậy các con nên con cái Cha các con, Đấng ngự trên trời: Người khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương. Vì nếu các con yêu thương những ai mến trọng các con, thì các con được công phúc gì? Các người thu thuế không làm thế ư? Nếu các con chỉ chào hỏi anh em các con thôi, thì các con đâu có làm chi hơn? Những người ngoại giáo không làm như thế ư? Vậy các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Đấng hoàn hảo”.
Suy niệm :
Bí tích Thánh Tẩy làm chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa.
Nhưng bí tích Thánh Tẩy không phải chỉ là bí tích để lãnh nhận,
mà còn là bí tích để sống.
Trở nên con cái Thiên Chúa là tiến trình dài một đời người.
Kitô hữu trở nên con Cha trên trời nhờ bí tích Thánh Tẩy
và cũng nhờ cố gắng liên tục sống như Cha của mình.
Thiếu cố gắng này, người ta chỉ còn là Kitô hữu có tên trong sổ Rửa tội.
Bài Tin Mừng hôm nay thật là đỉnh cao của Kitô giáo.
Đức Giêsu dạy ta nẻo đường để trở nên con cái Cha trên trời (c. 45).
Đó là: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”.
Cựu Ước dạy ta yêu người thân cận (Lv 19, 18).
Còn Đức Giêsu dạy ta yêu kẻ thù và cầu nguyện cho họ (c. 44).
Yêu ở đây không phải là chuyện của cảm xúc hay thích thú.
Dĩ nhiên chúng ta không thể yêu kẻ thù tha thiết như yêu cha mẹ mình được.
Yêu ở đây là chuyện của ý chí và hành động.
Chúng ta yêu kẻ thù, vì kẻ thù cũng là thụ tạo của Cha như ta.
Dù kẻ thù của ta có là kẻ xấu xa và bất chính,
nhưng họ vẫn được Cha trên trời dấu yêu.
Ngài cho mặt trời mọc lên mỗi sáng để nắng ấm đem lại sự sống cho họ.
Ngài cho mưa rơi xuống luống cày của họ để họ có của nuôi thân (c. 45).
Thiên Chúa không dành nắng hay mưa cho riêng người tử tế đạo đức.
Ngài bao dung và rộng rãi khi đối xử với mọi người.
Trở nên con cái Cha là mang những tâm tình sâu kín ấy của trái tim Cha.
Khi trái tim ta giống trái tim Cha,
ta sẽ nhìn kẻ thù bằng cặp mắt mới, sẽ cư xử với họ theo cung cách mới.
Lúc đó họ sẽ chẳng còn là kẻ thù nữa, mà là bạn.
Đức Giêsu mời gọi các môn đệ của mình bước lên,
lên cao hơn cái tự nhiên, bình thường của người đời.
Dù là kẻ xấu, người thu thuế vẫn yêu kẻ yêu thương ông ta.
Người dân ngoại chưa biết Chúa vẫn chào hỏi anh em của họ (c. 46).
Điều mà Đức Giêsu đòi các Kitô hữu phải làm hơn người khác,
đó là yêu kẻ thù ghét mình, cầu nguyện cho kẻ làm khổ mình
và chào những kẻ chẳng bao giờ chào hỏi mình.
Làm thế là vượt lên trên tình cảm tự nhiên đang kéo trì mình xuống,
là giải thoát mình khỏi sức nặng của cái tôi nhỏ mọn, tự ái, kiêu căng.
Làm thế là bắt đầu đi vào trong nơi sâu nhất của trái tim Thiên Chúa.
“Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời” (c. 48).
Lý tưởng này thật là cao xa, sức người không vươn tới được.
Nhưng nếu ta tập quen yêu kẻ thù chung quanh ta,
– mà ai trong chúng ta lại không có kẻ thù –
thì chúng ta dần dần sẽ trở nên hoàn thiện.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện diện
và hoạt động trong đời con.
Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
khép kín và nghi ngờ.
Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.
Xin dạy con sự khiêm nhu
để con dám buông đời con cho Chúa.
Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,48)
Câu chuyện minh họa:
Liền sau thế chiến II chấm dứt, Coritanbun với những vết sẹo trên thân thể, tàn tích của những khổ hình Bà phải chịu trong trại tập trung Đức quốc xã, đã đi khắp Âu châu rao giảng sự tha thứ cho những kẻ đã làm hại mình.
Thế nhưng vào một Chúa nhật nọ, sau khi kêu gọi mọi người hãy tha thứ cho nhau trong một nhà thờ của thành phố Munich, bước ra ngoài Bà bất ngờ đối diện với một khuôn mặt quen thuộc. Đó là dung mạo của người lính đã hành hạ bà và hàng ngàn nữ tù nhân khác trong trại tập trung. Những tiếng than khóc, những cảnh tra tấn, rồi những tiếng kêu trả thù nổi dậy mạnh mẽ trong tâm trí Bà.
Lúc đó người đàn ông tiến lại khiêm tốn đưa tay ra vừa muốn bắt tay bà vừa nói: “Thưa Bà, tôi rất cảm ơn những lời tốt đẹp của Bà kêu gọi sự tha thứ. Xin Bà tha thứ cho tôi”. Bà Coritanbun như chết điếng người, vì trước đây bà đã cầu nguyện và quyết tha thứ thật sự, nhưng giờ đây đối diện với con người cụ thể đã tra tấn mình, bà đứng lặng im, tay không thể nào bắt tay người đến xin bà tha thứ.
Sau này vào năm 1971 khi kể lại biến cố ấy trong tập sách “Nơi ẩn trốn”, bà đã cho biết “Trong giây phút thinh lặng đó, tôi đã cố gắng dâng lên Chúa lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa thấy con chưa thể tha thứ cho người đã hành khổ con. Xin Chúa hãy ban cho con những tâm tình của Chúa để con có thể tha thứ như Chúa”. Và chính trong lúc đó Bà đã hiểu rằng con người chỉ có thể tha thứ cho nhau khi nhìn nhận tình yêu thương và sự tha thứ của Thiên Chúa.
Suy niệm:
Chỉ trong sự tha thứ, chúng ta mới có thể họa lại hình ảnh nhân hậu của Thiên Chúa. Ngài không dừng lại ở chỗ tha thứ nhưng còn đi sâu vào lòng người, xóa tan mọi mặc cảm tội lỗi, và tha thứ tuyệt đối.
Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ phải yêu kẻ thù; và Người hướng họ về Nguồn mạch tình yêu sáng tạo. Người khơi gợi nơi họ căn tính sâu xa của một người làm con Chúa:“Hãy yêu kẻ thù; như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời.”
Lạy Chúa, xin cho con có trái tim của Chúa để yêu thương những người bách hại con; xin cho con có cái nhìn của Chúa để tha thứ cho những người gây bất lợi cho con, và xin cho con biết nhận ra mình đầy khuyết điểm để nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho