15.6.2019 – Thứ bảy tuần X Thường niên
Có thì nói có
PHÚC ÂM: Mt 5, 33-37
“Thầy bảo các con: đừng thề chi cả”.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con lại còn nghe dạy người xưa rằng: ‘Đừng bội thề, nhưng hãy giữ lời ngươi đã thề với Chúa’. Phần Thầy, Thầy bảo các con: Đừng thề chi cả, đừng lấy trời mà thề, vì là ngai của Thiên Chúa; đừng lấy đất mà thề, vì là bệ đặt chân của Người; đừng lấy Giêrusalem mà thề, vì là thành của Vua cao cả; cũng đừng chỉ đầu mà thề, vì con không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hoặc ra đen được. Nhưng lời các con phải: có thì nói có, không thì nói không; nói thêm thắt là do sự dữ mà ra”.
Suy niệm:
Việc thề vẫn có trong các nền văn hóa nhân loại.
Người ta thề để người khác tin lời của mình hơn,
vì nếu không giữ lời thề sẽ bị các thần minh nguyền rủa.
Người Do thái từ xa xưa cũng đã có thói quen thề.
Thề là nại đến Thiên Chúa để làm chứng cho điều mình nói.
Hêrôđê Antipas đã thề hứa với cô bé con bà Hêrôđia (Mt 14, 7).
Lời thề của một người lãnh đạo như ông đã khiến ông bị kẹt.
Phêrô đã chối Thầy kèm theo những lời thề thốt (Mt 26, 72. 74),
vì ông sợ người ta không tin lời ông nói.
Đức Giêsu biết chuyện Luật Môsê cấm bội thề,
và phải giữ trọn điều đã hứa với Đức Chúa (c. 33).
Nhưng quan điểm của Ngài trong Bài Giảng trên núi là không thề gì cả.
Không cần thề để xin Đức Chúa làm chứng cho lời ta nói,
vì mọi lời ta nói, Ngài đều biết và làm chứng.
Vì những sơ xuất trong việc giữ lời thề
có thể làm Thánh Danh Đức Chúa bị xúc phạm, nên khi thề,
người Do thái thường thay Danh Chúa bằng một vật gì đó (Mt 23, 16-22).
Tương tự như ở Việt Nam, họ dùng trời hay đất để thề.
Họ cũng thề nhân danh Đền thờ Giêrusalem hay chính đầu của mình
Đối với Đức Giêsu, điều đó cũng chẳng làm nhẹ tội chút nào,
vì trời, đất, Đền Thờ, hay đầu của chúng ta cũng đều thuộc về Chúa.
Trời quan trọng vì là ngai của Thiên Chúa.
Đất quan trọng vì là bệ dưới chân Người.
Đền thờ quan trọng vì là thành của Đức Vua cao cả.
Đầu cũng chẳng thuộc quyền con người,
vì màu trắng hay đen của sợi tóc nằm ngoài tầm chi phối của họ (cc. 34-36).
Khi kêu gọi chúng ta đừng thề chi cả,
Đức Giêsu muốn lời nói của ta tự nó phải mang sức mạnh của sự thật,
tự nó chắc chắn, đáng được mọi người tin cậy.
Thánh Giacôbê đã nhắc lại giáo huấn của Đức Giêsu khi viết:
“Hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không,
như thế anh em sẽ không bị xét xử” (Gc 5, 12).
Mọi thêm thắt đều do ác thần (c. 37).
Giáo hội sơ khai đã giữ lệnh truyền này một cách nghiêm túc.
Nhưng từ đầu thời Trung cổ, Giáo hội đã dùng các hình thức tuyên thệ.
Giáo sư trong các chủng viện vào đầu năm học, phải tuyên thệ
trung thành giảng dạy giáo lý chính thống của Giáo hội.
Các lời khấn của tu sĩ cũng là những lời thề hứa sống như Giêsu.
Dù sao chúng ta cũng là những con người mong manh, hay thay đổi.
Thề, hứa, khấn, tuyên thệ trọn đời, đều là những việc vượt sức con người.
Trung tín với điều mình đoan nguyện là bắt đầu đi vào vĩnh cửu.
Chỉ xin sự trung tín của Thiên Chúa nâng đỡ sự trung tín của chúng ta.
Cầu nguyện:
Lạy Thiên Chúa, đây lời tôi cầu nguyện:
Xin tận diệt, tận diệt trong tim tôi
mọi biển lận tầm thường.
Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên
để gánh chịu mọi buồn vui.
Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang
để đem tình yêu gánh vác việc đời.
Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường
để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó,
hay cúi đầu khuất phục trước ngạo mạn, quyền uy.
Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai
để nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng ngày.
Và cho tôi sức mạnh tràn trề
để âu yếm dâng mình theo ý Người muốn.
R. Tagore
(Đỗ Khánh Hoan dịch)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Lời Chúa:
“Hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quy”. (Mt 5,37)
Câu chuyện minh họa:
Trong khi chờ đem ra hành quyết, cha Giu-se Pê-tơ, cha sở họ đạo Li-e-giơ, được bọn Phát-xít Đức cho phép viết thư cho con chiên.
Người viết: “… Trong lời cầu nguyện hằng ngày, cha hứa cùng Chúa là cha sẽ chấp nhận, với lòng can đảm và hân hoan, bất kỳ cái chết nào mà Chúa muốn gởi cho, dù khốn cực đau đớn cách nào cũng được…”. Rồi người kết luận: “Đây là lúc cha giữ đúng lời hứa ấy”.
Giáo lý về điều răn thứ II:
– Hỏi: Điều răn thứ hai dạy ta sự gì?
– Thưa: Dạy ta tôn kính tên Chúa và giữ những điều ta đã lấy tên Người mà thề hay là khấn hứa.
– Khấn là gì?
– Khấn là hứa cùng Chúa sẽ làm một việc lành và có ý buộc mình phải giữ.
Trong thời Thẩm Phán, ông Giép-tê đã hứa: nếu Chúa cho thắng trận, ông sẽ dâng bất cứ người hay vật nào ra đón ông trước tiên cho Chúa. Khi trở về, chính con gái ông lại ra đón ông trước hết. Thế là, dù đau đớn, ông vẫn dâng con gái yêu quí cho Chúa như đã khấn hứa.
Cha Giu-se Pê-tơ đã dâng chính sự sống mình như đã khấn hứa.”
Suy niệm:
Trong một số trường hợp, thề thốt là việc cần thiết, vì đó là thế gian, nên có những việc xấu xa gian ác xen lẫn. Nhưng đối với Nước Thiên Chúa thì không phải vậy. Những ai thuộc về Thiên Chúa thì nói sự thật và đứng về phía sự thật. Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta sống thế nào để người khác thấy sự chân thật nơi chúng ta và làm cho sự dối trá không còn hiện diện nữa. Lời nói của chúng ta tự nó có giá trị, chúng ta muốn gây sự tín nhiệm nơi người khác vậy chúng ta phải nói thật, khách quan, không cần thề chi cả. Điều Chúa muốn nơi những môn đệ của Người là thật thà trong lời nói và việc làm, điều đó mới chứng thực chúng ta là con cái Thiên Chúa vì Người là sự thật và luôn hiện diện trong sự thật.
Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con biết huấn luyện lươn tâm ngay thẳng biết nhận ra đâu là điều thiện, điều tốt, để tuan giữ và tránh xa những hành vi gian dối.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
Suy niệm
Lời nói là để thông đạt sự thật và thiết lập những tương quan, nhưng ngày nay, nhiều khi lời nói đã trở thành phương tiện giúp người ta thực hiện những mưu mô độc ác và tính toán ích kỷ; nói sao cũng được miễn đạt được mục đích: trong việc làm ăn, trong chính trị, trong gia đình, có những lời nói không đúng sự thật. Lỗi về sự trung thực không phải chỉ là khi nói dối hay vu khống, mà còn là nói sai đi một chút, hoặc hứa mà không làm, hẹn mà không giữ đúng. Chúa Giêsu dạy: “Có thì nói có, không thì nói không, mọi điều thêm thắt là do sự dữ mà ra”.
Chúa Giêsu cũng đã làm gương cho ta: “Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống, không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2Cr 5, 15). “Đấng chẳng hề mắc tội, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2Cr 5, 21).
Vì vậy, chúng ta phải sống trong Chúa. Dứt bỏ lối sống cũ, để từ nay ta không còn nhìn xem, phán đoán và cư xử theo xác thịt nữa. “Vì thế, từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người” (2Cr 5, 16). Ta sống sự sống mới. Amen.
GKGĐ – Gp. Phú Cường