12.6.2019 – Thứ tư tuần X Thường niên
Để kiện toàn
PHÚC ÂM: Mt 5, 17-19
“Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn”.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng tưởng Thầy đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Thầy bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời”.
Suy niệm:
Đã có thời người ta nghĩ rằng theo Công giáo là bất hiếu,
vì phải từ bỏ việc cúng giỗ cha mẹ tổ tiên.
Nếu người chết cũng có nhu cầu ăn uống tiêu dùng như người sống,
thì hiếu thảo đòi phải lo cho người đã khuất được đầy đủ, ấm no.
Nhiều người không dám theo đạo,
vì sợ theo đạo thì không được cúng giỗ tổ tiên, phải bỏ ông bà.
Vào thời thánh Mátthêu, một số người Do-thái cũng có nỗi sợ tương tự.
Họ tin vào Đức Giêsu và muốn trở thành môn đệ của Ngài,
nhưng họ lại sợ làm thế là bỏ đạo của cha ông, bỏ Do-thái giáo.
Họ sợ giáo huấn mới mẻ của Đức Giêsu làm họ bỏ Luật Môsê,
và không còn thuộc về dân Thiên Chúa nữa.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu khẳng định :
“Đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hay lời các Ngôn sứ.
Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (c. 17).
Luật Môsê thật ra là Luật của Thiên Chúa trao qua trung gian ông Môsê.
Môsê đã làm nhiệm vụ trao lại cho dân Do-thái và giải thích Luật ấy.
Người Do-thái từ bao đời đã giữ Luật theo lời giải thích của Mô-sê.
Bây giờ có một Đấng mới xuất hiện, là Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa.
Ngài biết rõ ý định của Thiên Chúa mà Ngài âu yếm gọi là Cha.
Đức Giêsu không gạt bỏ Luật của Thiên Chúa được trao cho Môsê.
Nhưng Ngài sẽ giải thích lại Luật ấy cho đúng với ý Thiên Chúa,
vì chẳng ai biết rõ ý Cha bằng Con.
Trong Bài Giảng trên núi mà ta sắp nghe trong những ngày tới,
ta sẽ thấy Đức Giêsu giải thích lại Luật Môsê như thế nào.
Hành vi đó được gọi là kiện toàn hay hoàn chỉnh.
Một giai đoạn mới trong lịch sử cứu độ đã được mở ra với Đức Giêsu.
Giai đoạn chung cục này vừa liên tục, vừa vượt quá giai đoạn cũ.
Đức Giêsu mời chúng ta tuân giữ nghiêm túc Luật Thiên Chúa đã ban,
nhưng theo cách giải thích mới mẻ, hoàn chỉnh và có thẩm quyền của Ngài.
Muốn trở nên hoàn thiện, muốn đón nhận Nước Trời do Ngài khai mở,
cần sống Luật Tôra đã được Ngài giải thích lại.
Người Kitô hữu gốc Do-thái khi theo Đức Giêsu thì chẳng sợ mình bỏ đạo,
bỏ Lề Luật, bỏ các Ngôn sứ hay truyền thống của cha ông
Giáo huấn của Đức Giêsu đã chứa đựng cốt lõi tinh túy của Luật ấy rồi.
Làm thế nào để các Kitô hữu Á Châu cảm thấy đức tin của mình
không tạo ra sự xung đột hay đoạn tuyệt
với những giá trị của nền văn hóa mình đã lãnh nhận và đã sống?
Làm sao để mình sống viên mãn là một kitô hữu, một người Công Giáo Rôma,
mà vẫn chẳng mất căn tính là người Việt Nam hay người Châu Á?
Chỉ cần một điều kiện, đó là thấy Kitô giáo không phá bỏ, nhưng kiện toàn
tất cả mọi giá trị cao quý có trong các nền văn hóa và tôn giáo khác.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa,
Chúa đã muốn trở nên con của loài người,
con của trái đất, con của một dân tộc.
Chúa vẫn yêu mến dân tộc của Chúa
dù họ từ khước Tin Mừng
và đóng đinh Chúa vào thập giá.
Xin cho chúng con biết yêu mến quê hương,
một quê hương còn nghèo nàn lạc hậu
sau những năm dài chiến tranh,
một quê hương đang mở ra trước thế giới
nhưng lại muốn giữ gìn bản sắc dân tộc
và bảo vệ nền đạo lý của cha ông.
Xin cho chúng con đừng nhắm mắt ngủ yên
trong sự an toàn và tiện nghi vật chất,
nhưng biết trăn trở trước nỗi khổ đau,
và làm một điều gì đó thật cụ thể
cho những đồng bào quanh chúng con.
Ước gì chúng con biết phục vụ đất nước
bằng khối óc, quả tim và đôi tay.
Và ước gì chúng con biết khiêm tốn
cộng tác với muôn người thiện chí.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Lời Chúa:
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ nhưng là để kiện toàn.” (Mt 5,17)
Câu chuyện minh họa:
Một buổi chiều đẹp trời nọ, một bà đang ở trong nhà nghe tiếng ồn ào bên ngoài, nhìn qua cửa sổ, thấy một chiếc xe hàng to đậu ngay trước cửa nhà bên cạnh. Một đám thanh niên nam có nữ có đang khuân vác những chiếc đàn ghi ta điện, những cái trống to nhỏ đủ cỡ, và những loa phóng thanh thật to vào trong căn nhà đó.
Biết rằng rồi đây sẽ phải chịu đựng những tiếng ồn ào suốt đêm, sẽ không ngủ được, rồi ngày mai sẽ phải mệt nhọc cả ngày, bà ta vô cùng tức giận.
Vừa lúc ông chồng đi làm về, bà bắt đầu đổ hết cơn bực dọc lên ông. Bà phiền trách nào là phải lo dọn dẹp nhà đi nơi khác, nào là ngay bây giờ phải tìm nơi nào tạm trú qua đêm, chứ không thể nào chịu nổi những âm thanh đinh tai nhức óc.
Nhưng ông chồng tỏ vẻ bình tĩnh nói với vợ:
Sao bà lại bực tức đến thế? Tôi tưởng bà thích chứ, vì đó là những nhạc sĩ của ban nhạc lừng danh trong nước. Họ đã từng đi trình diễn khắp đó đây trên thế giới. Này bà, mình sắp sửa ngồi nghe những bản nhạc nổi tiếng mà khỏi phải trả đồng xu nào cả. Bà không thích à?
Nghe đến đó, bà vợ đổi nét mặt từ bực tức thành tươi cười. Bà liền vội điện thoại cho các bà bạn khác mời đến nhà nghe nhạc. sau đó bà pha trà và chuẩn bị vài món bánh kẹo để thoải mái thưởng thức âm nhạc suốt đêm.
Suy niệm:
Lề luật nhằm phục vụ con người, đồng thời giúp con người tìm thánh ý Chúa được gói ghém qua lề luật. Trong Cựu Ước, kinh sư và Pharisiêu đã giải thích lề luật theo cách méo mó. Lề luật thời đó thay vì phục vụ con người, lại đè bẹp con người. Đối với Chúa Giêsu, chỉ có một luật quan trọng là luật tình yêu. Luật ấy được đặt vào tâm hồn mỗi người, để hướng dẫn con người bước đi trong tình mến Chúa và yêu người.
Lạy Chúa Giêsu là Đấng ban lề luật, xin hãy khắc ghi lề luật tình yêu Chúa vào tâm hồn chúng con, để trái tim chúng con không còn cằn cỗi khô khan, nhưng chan chứa tình yêu và sức sống.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
Suy niệm
Một số người Việt Nam lương dân nghĩ rằng người theo Công giáo là bất hiếu, phải từ bỏ việc cúng giỗ tổ tiên, cha mẹ. Vì thế, nhiều người không dám theo đạo Công giáo. Thực ra, việc cúng giỗ chạp là tâm tình hiếu thảo của người còn sống đối với người đã qua đời, tấm lòng của con cháu đối với ông bà. Người Do Thái thời Chúa Giêsu cũng có nỗi lo lắng tương tự. Họ muốn trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, nhưng lại sợ làm thế là hủy bỏ lề luật của cha ông.
Tuy nhiên, thánh sử Matthêu viết Tin Mừng cho người Do Thái. Trong đoạn Tin Mừng này, ngài đề cập đến việc Chúa Giêsu dạy về việc tuân giữ lề luật. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, là Đấng ban luật, Người còn như một Môsê mới, dạy bảo dân chúng tuân giữ lề luật. Và Chúa Giêsu cũng cho biết: “Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn”. Người kiện toàn để nhắc nhở dân chúng tránh giữ luật cách hình thức bề ngoài mà không có tâm tình bên trong.
Lề luật chỉ dẫn để người ta sống tốt. Tuy nhiên không thể chỉ căn cứ trên luật mà xét đoán người này lỗi luật, người kia phạm luật. Chúa “kiện toàn luật” nghĩa là Người mặc cho lề luật một góc nhìn nhân hậu, bác ái từ người xét đoán. Vì luật lệ giúp ích và thăng tiến con người chứ không phải là tiêu chuẩn để kết án một tâm hồn lầm lỗi.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết sống giới răn Chúa dạy, tránh xa tội lỗi; cũng như khi đối diện với tội lỗi và tội nhân, xin cho chúng con đừng bao giờ xét đoán nhưng luôn khoan hậu nhân từ, vì biết rằng chỉ có tình thương là tồn tại mãi. Amen