08.6.2019 – Thứ bảy tuần VII Phục sinh
Lời chứng xác thực
PHÚC ÂM: Ga 21, 20-25
“Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra”.
Khi ấy, Phêrô quay lại, thấy môn đệ Chúa Giêsu yêu mến theo sau, cũng là người nằm sát ngực Chúa trong bữa ăn tối và hỏi “Thưa Thầy, ai là người sẽ nộp Thầy?” Vậy khi thấy môn đệ đó, Phêrô hỏi Chúa Giêsu rằng: “Còn người này thì sao?” Chúa Giêsu đáp: “Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến con? Phần con, cứ theo Thầy”. Vì thế, có tiếng đồn trong anh em là môn đệ này sẽ không chết. Nhưng Chúa Giêsu không nói với Phêrô: “Nó sẽ không chết”, mà Người chỉ nói: “Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến con”.
Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra, và chúng tôi biết lời chứng của người ấy xác thật. Còn nhiều việc khác Chúa Giêsu đã làm, nếu chép lại từng việc một thì tôi thiết tưởng cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách viết ra.
Suy niệm:
Trong bài Tin Mừng hôm nay, ngoài Đức Giêsu và Phêrô,
còn có người môn đệ được Đức Giêsu thương mến.
Anh đã có mặt trong bữa Tiệc Ly cùng với Phêrô, đã nằm gần Thầy,
và được Phêrô nhờ hỏi Thầy xem ai là kẻ phản bội (13,23-25).
Anh đã đưa Phêrô vào dinh thượng tế khi Đức Giêsu bị bắt (18,15-16).
Anh đã cùng với Phêrô chạy ra ngôi mộ trống lúc ban mai,
nhưng anh chạy nhanh hơn, và tin trước Phêrô (20,3-10).
Khi Phêrô chối Thầy ba lần và không lộ diện nữa (18,17-18.25-27),
thì anh là môn đệ duy nhất đứng gần thập giá Đức Giêsu,
và được Ngài trao Thân Mẫu của mình để làm Mẹ của anh (19:25-27).
Trong lần Đức Giêsu tỏ mình bên bờ hồ Galilê, sau mẻ cá lạ (21,4-7),
anh là người đầu tiên nhận ra Thầy, và nói với Phêrô: “Chúa đó!”
Có vẻ hình ảnh người môn đệ được Chúa thương nổi trội hơn Phêrô.
Dù sao Simon Phêrô đã ba lần tuyên xưng tình yêu trước Thầy,
và ba lần Thầy giao cho anh chăm sóc đoàn chiên như người mục tử.
Thầy còn tiên báo cái chết tử đạo của anh,
và mời anh một lần nữa: “Hãy theo Thầy” (21,19; x. 13,36-37).
Đó là đường đời của Phêrô, một môn đệ và một mục tử.
Nhưng đâu là con đường tương lai của người môn đệ kia?
Phêrô đi theo Đức Giêsu, quay lại, thấy anh này cũng đang đi theo.
“Thưa Thầy, còn anh này thì sao?” (c. 21).
Đức Giêsu đã không bảo là anh này sẽ không chết,
hay anh còn sống mãi cho đến ngày Ngài quang lâm (c. 23).
Khi cuốn Tin Mừng Thứ Tư được viết xong vào cuối thế kỷ thứ nhất,
thì người môn đệ kia đã qua đời, nhưng không được phúc tử đạo.
Như thế tiếng đồn về câu nói của Đức Giêsu là sai sự thật (c. 22).
Những gì anh để lại cho thế giới là cuốn Tin Mừng Thứ Tư.
“Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra.
Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực” (c. 24).
Người môn đệ này cho chúng ta một lời chứng đáng tin,
vì anh là người đã sống bên Thầy Giêsu, thật gần gũi.
Anh đã mắt thấy tai nghe, và có kinh nghiệm thân thiết với Thầy.
Không hẳn anh đích thân cầm bút viết cuốn Tin Mừng này,
nhưng anh lại chính là tác giả của mọi điều được viết trong đó.
Tất cả là kinh nghiệm riêng tư anh đã trải qua với Thầy Giêsu,
và những suy niệm lâu dài dưới ánh sáng Phục sinh và Thánh Thần.
Người môn đệ này còn là người sáng lập một cộng đoàn tín hữu.
Cộng đoàn ấy được ám chỉ qua đại từ “chúng tôi” (c. 24; x. 1,14.16).
Một người trong cộng đoàn đã viết chương cuối này (c. 25: “tôi”).
Ai là người môn đệ được Đức Giêsu thương mến?
Nhiều người nghĩ anh là Gioan, nhiều người lại nghĩ khác.
Dù sao anh thật là một môn đệ lý tưởng cho chúng ta.
Điều anh để lại cho đời trong cuốn Tin Mừng là điều anh xác tín.
Anh là nhân chứng đáng tin cậy của Đức Kitô, Con Thiên Chúa.
Đúng anh là người được Thầy yêu và là người đã hết lòng yêu Thầy.
Cầu nguyện :
Lạy Thiên Chúa của đời con,
chỉ trong tình yêu con mới tìm thấy Chúa.
Trong tình yêu, các cánh cửa hồn con mở tung,
để con được thở không khí tự do tươi mới
và quên đi cái tôi nhỏ mọn của mình.
Trong tình yêu, toàn bộ con người con vươn ra khỏi
những ranh giới cứng nhắc của óc hẹp hòi
và của thái độ tự khẳng định đầy bất an
khiến con bị giam mình trong sự nghèo nàn và trống rỗng.
Trong tình yêu, mọi sức mạnh của hồn con tuôn chảy về Chúa,
chẳng bao giờ còn muốn quay trở lại,
nhưng chỉ muốn mất mình trọn vẹn trong Chúa,
vì qua tình yêu, Chúa là trung tâm sâu nhất của lòng con,
Chúa gần con hơn cả chính con gần con.
Nhưng khi con yêu Chúa,
khi con tìm cách phá vỡ vòng vây chật hẹp của cái tôi, và vứt bỏ sau lưng
nỗi khắc khoải không nguôi về những câu hỏi còn bỏ ngỏ,
khi đôi mắt mù lòa của con không còn chỉ nhìn từ xa và từ bên ngoài
ánh rạng ngời không thể lại gần được của Chúa,
và hơn nữa, lạy Chúa là Đấng vô phương thấu hiểu,
khi qua tình yêu, Chúa trở nên trung tâm sâu nhất của đời con,
khi ấy con mới có thể chôn mình hoàn toàn trong Chúa,
lạy Thiên Chúa nhiệm màu,
và chôn mọi câu hỏi của con cùng với con. Amen.
Karl Rahner, S.J.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
Ông Phê-rô nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, còn anh này thì sao?” Đức Giê-su đáp: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy” (Ga 21,21-22)
Câu chuyện minh họa:
Trong thời nội chiến tại Hoa Kỳ, Tổng thống Abrham Lincoln đã chọn một viên sĩ quan trẻ tuổi làm thư ký riêng của ông. Viên sĩ quan này là người nổi tiếng là gan dạ và kiêu hùng. Vì thế công việc bàn giấy xem ra không mấy thích hợp với anh ta.
Viên sĩ quan này chỉ có một ước mơ là được trở lại chiến trường, bởi vì anh nghĩ rằng, chỉ ở nơi trận mạc, anh mới có thể phục vụ cho xứ sở của anh cách đắc lực được mà thôi. Vì thế, rất nhiều lần viên sĩ quan này than phiền với Abraham Lincoln về vị trí tù túng của anh, và anh xin với vị nguyên thủ quốc gia của anh, cho anh được trở lại chiến trường.
Lần đó Abraham nhìn thẳng vào viên sĩ quan và nói:
– Này anh bạn trẻ, theo tôi nhận xét thì quả thực anh luôn luôn muốn xả thân cho Tổ Quốc, nhưng anh không muốn sống cho Tổ Quốc
Qua lời nhận xét trên đây, Abraham Lincoln muốn nói với viên sĩ quan trẻ tuổi kia rằng, xả thân cho tổ quốc cũng giá trị như sống cho tổ quốc. Bởi vì nếu cái chết ở ngoài chiến trường của người chiến binh là một bằng chứng cho lòng yêu tổ quốc, thì cuộc sống phục vụ tại bàn giấy, cũng là một bằng chứng cho lòng yêu đó.
Suy niệm:
Trong bài Tin mừng hôm nay, Thánh Gioan cho chúng ta thấy rằng, Chúa dùng chúng ta mỗi người với một cách thế khác nhau, có người phải dùng cả mạng sống, có người chỉ âm thầm trong đời sống cầu nguyện, hay có những người vất vả cho công việc phục vụ…
Các tông đồ và cộng đoàn tiên khởi đã làm chứng về Chúa Phục sinh bằng lời rao giảng, kinh nghiệm sống với Chúa, và bằng việc hy sinh cả mạng sống mình nữa. Cũng vậy, chúng ta mỗi người tùy hoàn cảnh cũng có thể làm chứng về Chúa về đức tin, thái độ, và gương sáng.
Xin cho chúng con can đảm làm chứng cho Chúa bằng chính đời sống hằng ngày.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM
Đoạn cuối Tin Mừng của Gioan, xuất hiện hai Tông đồ đặc biệt: Phêrô và Gioan. Phêrô là Tông đồ cả. Ông được Chúa trao quyền chìa khoá. Một biểu tượng về năng quyền và sự phục vụ Hội Thánh. Có thể nói, ông già nhất trong số những người theo Chúa. Đơn sơ, mạnh mẽ và cũng dạn dày kinh nghiệm. Phêrô chứng kiến nhiều biến cố đặc biệt trong cuộc đời Chúa Giêsu. Từ là những người đầu tiên theo Chúa khi Chúa gọi ông trên bãi biển ngày nào, ông bỏ chài lưới mà theo Chúa cùng với người anh em là Anrê. Đến biến cố biến hình trên núi Tabor, và thay mặt các anh em Tông đồ tuyên xưng niềm tin vào Đấng Kitô. Ông cũng đã cùng Chúa Giêsu ăn bữa tiệc ly, trong vườn Cây Dầu và hành trình theo Chúa, dù xa xa trên đường khổ nạn cho đến khi Chúa Giêsu chịu chết trên đồi cao. Tất cả những biến cố ấy nhắc lại như một cuốn phim chậm nhằm điểm tô thêm cho vai trò của Phêrô. Đến giây phút cuối cùng, ông vẫn trung thành. Phêrô đã thưa với Chúa: Thầy biết con yêu mến thầy. Dù cho ông đã vấp ngã trước đây, dù cho ông có bốc đồng và ỷ lại sức mình, thì giờ đây, với ba lần nói yêu mến Chúa và nhận lãnh trách nhiệm chăn dắt đoàn chiên của Chúa, ông đã khiêm tốn hơn, phó thác hơn: Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự, Chúa biết con yêu mến Chúa. Lời của Phêrô được Gioan trình thuật lại làm dấy lên trong lòng ta một cảm xúc vô cùng chân thật. Sau bao nhiêu thăng trầm, con không ỷ lại sức con nữa. Nhưng con phó thác, con biết Chúa biết con. Chúa biết mọi sự, Chúa biết con thiện chí đến đâu và Chúa cũng biết giới hạn của con. Điều này hoàn toàn trái ngược với lần Phêrô mạnh dạn tuyên bố: dù ai có bỏ Thầy thì bỏ, con sẽ liều chết vì Thầy.
Cuộc đời là vậy, sau bao thăng trần, chúng ta mới thấy giới hạn của mình. Khi đã mang trong mình dạn dày kinh nghiệm, chúng ta mới thấy Chúa ở bên chúng ta và chúng ta cần Chúa đến thế nào. Gioan thuật lại câu chuyện này như một sự liên tưởng đến chính Gioan, dù là môn đệ Chúa Giêsu thương mến, dù đã ngả đầu vào Chúa để nghe được tâm tư của Chúa, dù mỗi người mang một sứ mạng, nhưng tấm gương đức tin của Phêrô không chỉ để cho Gioan biết mà học hỏi, đọc và nghiền ngẫm, mà còn giúp mỗi người chúng ta biết khiêm nhường và phó thác cuộc đời mình cho tình thương và sự che chở của Chúa.
Lạy Chúa, Chúa biết con yếu đuối và đổi thay, con cần Chúa từng phút giây. Xin cho con biết khiêm nhường tin tưởng và phó thác đời con trong tay của Chúa. Amen.
GKGĐ – Gp. Phú Cường