20.3.2019 – Thứ tư tuần II Mùa Chay
Anh em không được như vậy
PHÚC ÂM: Mt 20, 17-28
“Họ đã lên án tử cho Người”.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, đem riêng mười hai môn đệ đi theo. Dọc đường, Người nói với họ: “Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các vị thượng tế và luật sĩ. Người ta sẽ lên án tử cho Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại để chúng nhạo báng, đánh đòn, rồi treo Người lên thập giá, nhưng đến ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Bấy giờ bà mẹ các con ông Giêbêđê cùng với hai con đến gặp Người. Bà sấp mình xuống lạy Người, có ý xin Người điều chi đó. Người hỏi: “Bà muốn gì”. Bà ta thưa lại: “Xin Ngài hãy truyền cho hai con tôi đây được ngồi một đứa bên hữu, một đứa bên tả Ngài, trong Nước Ngài”. Chúa Giêsu đáp lại: “Các ngươi không biết điều các ngươi xin. Các ngươi có thể uống chén mà ít nữa đây Ta sắp uống chăng?” Họ nói với Người: “Thưa được”. Người bảo họ: “Vậy các ngươi sẽ uống chén của Ta, còn việc ngồi bên hữu hay bên tả, thì không thuộc quyền Ta ban, nhưng Cha Ta đã chuẩn bị cho ai, thì người ấy mới được”. Nghe vậy, mười người kia tỏ ra bất bình với hai anh em: Chúa Giêsu gọi họ lại mà bảo: “Các con biết thủ lãnh của các dân tộc thì thống trị họ và những người làm lớn thì hành quyền trên họ. Giữa các con thì không được thế. Trong các con, ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu trong các con, thì hãy làm tôi tớ các con. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người”.
Suy niệm:
Ghế tượng trưng cho chức vụ và chức vị.
Chính vì thế bình thường người ta ai cũng thích ghế.
Ghế trong tôn giáo cũng như ghế ngoài đời.
Tìm cách có ghế, giữ ghế hay tìm cách lên một ghế cao hơn,
đó vẫn là điều khiến nhiều người vất vả,
và đó cũng là điều khiến thế giới loạn lạc và xung đột.
Bài Tin Mừng kể cho chúng ta chuyện tranh cãi giữa nhóm Mười Hai.
Vẫn là chuyện những cái ghế.
Quan trọng nhất là hai ghế nằm hai bên tả hữu của Thầy
khi Thầy vào vinh quang trong Nước Thiên Chúa.
Chỉ tiếc là chuyện tranh cãi này lại xảy ra ngay sau khi
Thầy Giêsu tâm sự riêng với các môn đệ về cuộc Khổ Nạn của mình.
Chẳng rõ có phải Gioan và Giacôbê đã nhờ mẹ mình xin giùm không.
Từ chối lời xin ngây thơ của một người mẹ thương con là điều không dễ.
Thầy Giêsu có bực mình không khi phải chịu một áp lực như thế?
“Các người không biết các người xin gì!”
Điều các người xin xa lạ với con đường Thầy sắp đi.
Điều các người mơ ước lại là điều Thầy sắp phải quyết liệt từ bỏ:
quyền lực, tiếng tăm, vinh dự…
“Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?”
Như thế Thầy Giêsu thách đố nhóm Mười Hai
về khả năng chia sẻ cuộc Khổ Nạn với Ngài,
khả năng dám uống chung một chén đắng mà Ngài sắp uống.
Chỉ những ai dám cùng chịu đau khổ mới được chung phần vinh quang.
Chẳng rõ các môn đệ có lường được cái giá phải trả không,
nhưng họ đã vội trả lời là uống nổi.
Thầy Giêsu xác nhận chọn lựa của họ,
nhưng Ngài lại không hứa cho họ ngồi hai bên tả hữu của mình,
đơn giản là vì điều đó thuộc quyền của Cha.
Chuyện tranh cãi giữa các môn đệ là cơ hội để Thầy Giêsu vạch ra
cách hành xử cho những nhà lãnh đạo tương lai của Giáo Hội.
Chắc chắn nó khác với lối lãnh đạo ngoài đời,
khi người ta dùng quyền uy để thống trị và làm bá chủ (c. 25).
“Giữa anh em thì không được như vậy,” anh em không được theo thói đời.
Thầy Giêsu dạy các môn đệ điều ngược đời:
kẻ làm lớn, làm đầu phải làm đầy tớ phục vụ cho anh em mình (cc. 26-27).
Tấm gương lớn nhất là tấm gương Thầy phục vụ (c. 28).
Cuộc Khổ nạn sắp đến là việc phục vụ khiêm hạ nhất của Thầy.
Lần đầu tiên Đức Giêsu cho biết ý nghĩa cái chết sắp đến của mình,
cái chết như giá chuộc để cứu độ muôn người (c. 28).
Mười môn đệ khác có còn ghen tức hai anh em con ông Dêbêđê nữa không
nếu họ biết rằng ngồi ghế cao chính là để thấy rõ mà dễ phục vụ hơn?
Cầu nguyện:
Lạy Thầy Giêsu,
Thầy không gọi chúng con là tôi tớ,
Thầy cũng không chỉ coi chúng con là môn đệ.
Thầy còn coi chúng con như bạn hữu của Thầy,
vì Thầy đã thổ lộ cho chúng con
những điều riêng tư thầm kín nhất
trong tương quan giữa Thầy với Cha.
Hơn nữa, sau phục sinh,
Thầy đã gọi các môn đệ là anh em.
Mặc nhiên Thầy tự nhận mình là Anh Trưởng
đứng đầu một đoàn em đông đúc.
Xin cho chúng con
luôn thi hành ý muốn của Cha
để trở nên những người em
cùng huyết nhục với Thầy.
Lạy Thầy Giêsu, Thầy đã nâng chúng con lên
làm môn đệ, làm bạn, làm anh em của Thầy.
Còn Thầy lại hạ mình xuống
phục vụ chúng con như người tôi tớ,
rửa chân cho chúng con như một nô lệ
và chết thay cho chúng con trên thập giá.
Xin cho chúng con hiểu được tấm lòng của Thầy
và sống yêu thương mọi người như anh em. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Lời Chúa:
“Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em.” (Mt 23,26)
Câu chuyện minh họa:
Trong tác phẩm Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy vọng, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận kể về chứng từ của cô Sophie Berdanska. Vì túng nghèo, cô phải đi làm thuê cho một gia đình Do Thái tên là Merston. Công việc của cô là chăm sóc mấy đứa con của ông chủ. Biết Sophie là người Công giáo, ông chủ đặt điều kiện là cô “không được giảng đạo” cho con cái ông. Tối hôm ấy, Sophie lấy một miếng giấy nhỏ ghi ít chữ vào đó rồi bỏ vào huy chương ba cô trối lại và đeo vào cổ. Các con ông chủ nhiều lần đòi coi huy chương ấy, nhưng cô không cho. Nhờ sự chăm sóc tận tâm của Sophie, các con ông Merston càng ngày càng ngoan ngoãn giỏi giang. Ít năm sau, các con ông lần lượt đau nặng. Cô Sophie tận tình lo lắng phục vụ lũ trẻ, và chúng lần lượt được bình phục. Nhưng vì quá tận tâm lo cho chúng, Sophie kiệt sức và qua đời. Ít lâu sau, ông Merston tình cờ mở chiếc huy chương nàng để lại và đọc được hàng chữ trong mảnh giấy trong đó: “Khi người ta cấm tôi nói về đạo của tôi, tôi quyết sống đạo trước mặt họ như một chứng tích hùng hồn”. Chợt hiểu ra tất cả và cảm phục Sophie, cả gia đình Merston sau đó đã xin theo đạo! Sophie là người đã hiểu và bước theo con đường vương giả của Chúa Giêsu, đường yêu thương phục vụ, đường xả kỷ vị tha!
Suy niệm:
Trong đời sống, mọi người quan niệm người lớn luôn là người được gắn bó với chức tước, quyền lợi, và địa vị… và như vậy, người lớn là người được người khác phục vụ, và rất nhiều người tìm cách để đạt được những điều này với nhiều hình thức tiêu cực.
Hai người con ông Dêbêđê có lẽ cũng mang tư tưởng đó, khi nghĩ rằng Chúa được vinh quang thì các ông cũng được vinh quang theo nghĩa trần thế, nhưng đối với Chúa Giêsu thì không phải vậy, “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em”. Chúa Giêsu đã hướng các ông đến mầu nhiệm thập giá, con đường yêu thương thể hiện qua tinh thần khiêm nhu phục vụ. Đó là con đường mà Chúa Giêsu khai mở để cứu độ nhân loại.
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy mỗi người chúng con gương khiêm nhường phục vụ như Chúa, tiến bước trên con đường yêu thương để đến với Chúa trong vinh quang đích thực.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
Suy niệm
Antonello – một doanh nhân giàu có tại Ý.Một hôm ông viết thư ngỏ ý với thị trưởng Milan, ông sẵn sàng dâng tặng 50 triệu Mỹ kim để thành phố thực hiện bất cứ dự án nào, nhưng với điều kiện là phải khắc tên của ông lên dự án đó, nhưng vị thị trưởng đã từ chối.
Cho đi để mong được nhận lại là phương cách mà ai trong chúng ta cũng thường suy nghĩ. Người ta thường làm ơn, làm phúc thì mong nhận lại được điều gì đó. Làm bác ái thì mong được ghi tên tuổi. Nhưng với linh đạo của Chúa Giêsu lại khác với cách suy nghĩ của con người. Chính Người đã nói: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng”. Ngay trong đoạn Tin Mừng trên đã trình thuật cho chúng ta thấy khi bà mẹ của hai người con ông Dêbêđê đến gặp Đức Giêsu để xin cho hai người con, một người ngồi bên hữu, một người bên tả.
Đức Giêsu trả lời: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?
Họ đáp:“Thưa uống nổi”.
Đức Giêsu bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được”.
Đời sống gia đình hay đời sống Kitô hữu cũng vậy, vì danh Đức Kitô, vì tình yêu và vì hạnh phúc, chúng ta hãy dấn thân bằng một tình yêu vô vị lợi. Một cử chỉ mà chúng ta làm cho người anh chị em để mong được trả ơn, thì không mang lại ý nghĩa cao đẹp và không mang gì cho hạnh phúc đích thực.
Nhân gian có câu: “Hạnh phúc là một điều rất kì diệu, ta chỉ nhận được nó khi đem nó trao cho người khác”.Chúng ta cầu xin Chúa luôn che chở và hướng dẫn mỗi người đi đúng với lời dạy của Ngài.
Nguồn: GKGĐ – Gp. Phú Cường