12.3.2019 – Thư ba tuần I Mùa Chay
Biết rõ anh em cần gì
PHÚC ÂM: Mt 6, 7-15
“Vậy các ngươi hãy cầu nguyện như thế này”.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Đừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin. Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này:
” ‘Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ đến chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen’.
“Vì nếu các con có tha thứ cho người ta những lầm lỗi của họ, thì Cha các con, Đấng ngự trên trời, mới tha thứ cho các con. Nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ lỗi lầm cho các con”.
Suy niệm :
Mùa Chay là thời gian tăng cường việc cầu nguyện.
Nhưng vấn đề là cầu nguyện như thế nào theo đúng ý của Đức Giêsu.
Ngài đã cảnh báo về một thứ cầu nguyện có tính phô trương, tìm mình.
Ngài mời ta cầu nguyện một cách kín đáo (Mt 6, 6).
Cầu nguyện là gặp Cha, Đấng ở nơi kín ẩn và Đấng thấy ở nơi kín ẩn.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nhắc chúng ta nhớ rằng
cầu nguyện không phải là dùng những lời kinh như một thứ ma thuật,
để lèo lái hay cưỡng bách Thiên Chúa phải theo ý mình.
Cầu nguyện là mềm mại để uốn mình theo ý Chúa.
Sức mạnh của cầu nguyện không nằm ở chỗ lắm lời,
vì không phải cứ nói nhiều là được ưng nhậm (c. 7).
Cầu nguyện cũng không phải là thông tin cho Ngài biết về tình trạng của ta,
sợ rằng nếu ta không nói thì Ngài không biết (c. 8).
Thật ra, Thiên Chúa đã biết trước nhu cầu của từng người rồi.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần bày tỏ để có tương quan với Thiên Chúa,
thổ lộ với Ngài cách đơn sơ hồn nhiên như con thơ nói với cha.
Qua kinh Lạy Cha, Đức Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện.
Ngài dạy họ gọi Thiên Chúa là Cha, Abba.
Họ được phép gọi như Ngài đã gọi và chia sẻ chức vị làm Con của Ngài.
Một lời cầu nguyện có tính tập thể: “Lạy Cha chúng con.”
Chính vì Cha là Cha của chúng con nên chúng con là anh chị em với nhau.
“Cha ở trên trời”, vì thế Cha lại thấy hết mọi người và ở bên từng người.
Cha thật siêu việt vì Cha ở trên trời cao thẳm;
nhưng Cha lại thật gần gũi,
vì Cha lo cho từng con chim sẻ, từng bông hoa ngoài đồng,
Cha cho mặt trời mọc lên và mưa rơi xuống trên mặt đất.
Ba lời xin đầu tiên của kinh Lạy Cha hướng đến Thiên Chúa Cha.
Hẳn chúng diễn tả tâm tình chủ yếu của Đức Giêsu trong suốt đời.
Bốn lời xin tiếp theo hướng đến nhu cầu của nhóm môn đệ.
Xin bánh mỗi ngày, xin ơn tha thứ, ơn thắng được cám dỗ và sự dữ.
Có khi lời nguyện của chúng ta quá qui về mình, loay hoay với cái tôi,
với những ước mơ tính toán, những âu lo cho nhu cầu vật chất.
Hãy xin Chúa những điều lớn lao cho Nước Chúa trên trần gian,
còn mọi sự khác nho nhỏ, Ngài sẽ ban thêm cho ta.
Cầu nguyện :
Lạy Cha là Đấng Tạo Hóa nhân từ,
xin cho chúng con thấy sự hiện diện của Cha
trong vũ trụ vô cùng lớn,
trong những hạt tử vô cùng nhỏ,
và trong bộ óc vô cùng phức tạp của con người.
Cha từ ái biết bao
khi ban cho chúng con một thế giới đầy mầu sắc.
Mầu xanh cỏ non, mầu hồng trái chín,
mầu vàng mặt trời xế chiều.
Cha từ ái biết bao
khi ban cho chúng con một thế giới đầy âm thanh.
Tiếng suối róc rách, tiếng chim hót véo von,
tiếng gió rì rào qua kẽ lá.
Cha từ ái biết bao
khi ban cho chúng con một thế giới đầy hương thơm.
Hương của đồng lúa mới, của hoa bưởi, hoa cau,
hương thơm của nắng xuân dìu dịu.
Chúng con ca ngợi đôi tay khéo léo của Cha
khi tạo nên sự trong ngần ngời sáng của viên ngọc,
sự lộng lẫy phong phú của muôn loài hoa lan,
sự rực rỡ hài hòa nơi đôi cánh của loài bướm,
và nhất là sự đẹp đẽ cao cả nơi con người.
Dưới lòng đất, trên núi cao,
giữa biển sâu, trong rừng vắng,
chỗ nào chúng con cũng thấy bóng dáng Cha.
Xin cho chúng con
biết chung sống với thiên nhiên này
như một người bạn, một quà tặng Cha ban,
biết giữ gìn ngôi nhà trái đất
để nó khỏi hư hỏng, cạn kiệt,
và biết chia sẻ cho nhau bao tài nguyên còn tiềm ẩn.
Ước gì đến ngày cả trái đất, cả vũ trụ này
và muôn loài Cha đã dựng nên
được cùng với cả nhân loại chúng con
vui hưởng tự do và vinh quang trong Nước Cha. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.” (Mt 6,7-8)
Câu chuyện minh họa:
Thầy Đô-đi-kê nổi tiếng thánh thiện nhất trong dòng và hay làm phép lạ. Tin đồn rằng bất cứ điều gì Thầy xin đều được Chúa nhận lời.
Một hôm dân làng kéo đến xin Thầy cầu nguyện cho trời mưa. Nhưng thay vì trời mưa thì lại nắng lâu hơn nữa.
Một người mẹ đến xin Thầy cầu nguyện cho đứa con đang đau được chữa lành. Nhưng đứa con đã chết sao đó vài ngày.
Vài người khác đến xin Thầy làm phép lạ cho đá thành bánh. Nhưng đá vẫn trơ ra đấy.
Sau những lần thử thách mà không được gì cả, dân làng nổi giận đuổi Thầy ra khỏi phạm vi của làng, cấm không cho Thầy trở về tu viện nữa.
Thầy đành phải đi tìm một hang đá trong sườn núi để ẩn mình, rồi than thở với Chúa:
– Lạy Chúa, con không hiểu tại sao lại xảy ra như vậy. Con cầu xin Chúa cho mưa xuống thì Chúa lại làm cho nắng hạn lâu hơn. Con cầu xin cho đứa trẻ mau lành bệnh thì Chúa lại cho nó chết. Con xin Chúa cho dân làng bánh ăn thì Chúa cứ để những viên đá trơ trơ ra đó. Vì thế Chúa xem đây, con bị mọi người xua đuổi, coi con như một kẻ tội lỗi ghê gớm nhất.
Nói xong, thầy nghe có tiếng từ trời phán:
– Hỡi con, bởi vì Ta đã cho điều con cầu xin lúc trước rồi đó.
Đô-đi-kê không còn nhớ thầy đã xin gì trước đó nữa nên mới hỏi lại:
– Nhưng lạy Chúa, con đã xin Chúa điều gì?
Tiếng lạ đáp:
– Trước đây con đã chẳng cầu xin Ta cho con được dịp sống khiêm nhường đó sao?
Suy niệm:
“Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày.” Chắc hẳn chúng ta xin Chúa cho chúng ta được đầy đủ về phần xác cũng như phần hồn: no phần xác với những bữa ăn, áo mặc, nhu cầu vật chất…; mạnh phần hồn với lương thực Lời Chúa và Mình Máu Chúa, vì chỉ nơi Chúa mới đem lại sự no thỏa cho con người.
Thường khi chúng ta cầu nguyện mong Chúa nhậm lời chúng ta hơn là xin cho chúng ta làm theo ý Chúa. Nếu không được Chúa nhậm lời thì ta phàn nàn và kêu trách Chúa. Thực ra, Chúa biết mọi sự trước khi ta cầu xin. Hàng ngày chúng ta cầu nguyện “xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, thế nhưng điều ấy có phát xuất từ cái tâm, từ trái tim chân thành và khiêm tốn của chúng ta hay không? Hay chỉ là một công thức suông?
Lạy Chúa là sức mạnh và nguồn mọi ơn thánh, xin cho chúng con biết khiêm tốn trong cầu nguyện để nhận ra thánh ý Chúa và dám sống những điều Chúa đòi hỏi.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
Suy niệm
Có người cho rằng con người ta thườngmang trên mình hai chiếc ba lô: chiếc ba lô việc tốt ở phía trước ngực và chiếc ba lô những sai lỗi ở phía sau lưng. Cho nên người ta dễ dàng nhận ra những việc tốt mình làm được, còn những tội lỗi và thiếu sót của mình thì bản thân khó nhận ra, vì có ai thấy được tấm lưng của mình, cũng chẳng ai dại vạch áo cho người xem lưng. Ngườita thường rất dễ ghim sâu những bất toàn và sai lỗi của người khác, nhưng lại dễ quên điều mình được tha thứ.
Người Kitô hữu chúng ta luôn xác tín rằng Thiên Chúa luôn yêu thương và tha thứ cho mình, để rồi chính chúng ta cũng cần yêu thương anh chị em. Nếu đã nhận ra mình được Thiên Chúa tha thứ một cách vô điều kiện, thì tại sao chúng ta lại chậm tha thứ cho anh chị em! Nếu biết khiêm tốn nhận ra mình đầy giới hạn, yếu đuối và bất toàn thì chúng ta mới có thể cảm thông và tha thứ cho những sai lỗi của anh chị em.
Chúa là Đấng thương xót đã đi bước trước trong việc hạ mình, hy sinh để cứu chuộc chúng ta ngay khi chúng ta còn là những tội nhân. Vậy noi gương Chúa, chúng ta cũng hãy thứ tha cho anh chị em, để rồi chúng ta càng được lòng thương xót của Thiên Chúa phủ đầy trên chúng ta.
Nguồn: GKGĐ – Gp. Phú Cường