11.3.2019 – Thứ hai tuần I Mùa Chay
Làm cho chính Ta
PHÚC ÂM: Mt 25, 31-46
“Những gì các ngươi làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta”.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi Con Người đến trong vinh quang, có hết thảy mọi thiên thần hầu cận, Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người. Muôn dân sẽ được tập họp lại trước mặt Người, và Người sẽ phân chia họ ra, như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Vua sẽ phán với những người bên hữu rằng: ‘Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta’. Khi ấy người lành đáp lại rằng: ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ chúng con thấy Chúa là lữ khách mà tiếp rước, mình trần mà cho mặc; có khi nào chúng con thấy Chúa yếu đau hay bị tù đày mà chúng con đến viếng Chúa đâu?’ Vua đáp lại: ‘Quả thật, Ta bảo các ngươi: Những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta’.
“Rồi Người cũng sẽ nói với những kẻ bên trái rằng: ‘Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!’ Bấy giờ họ cũng đáp lại rằng: ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp đỡ Chúa đâu?’ Khi ấy Người đáp lại: ‘Quả thật, Ta bảo cho các ngươi biết, những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta’. Những kẻ ấy sẽ phải tống vào chốn cực hình muôn thuở, còn các người lành thì được vào cõi sống ngàn thu”.
Suy niệm:
Thi hào Tagore trong tập thơ Gitanjali, bài số 50,
có kể chuyện một người ăn xin, tình cờ gặp nhà vua đi trên cỗ xe.
Anh đầy tràn hy vọng khi cỗ xe dừng lại gần anh, và nhà vua bước xuống.
Anh cứ nghĩ nhà vua sẽ cho anh thật nhiều, nhưng ngài lại chìa tay xin anh.
Người hành khất biết lấy gì mà cho, anh chỉ dâng ngài một hạt lúa nhỏ xíu.
Đến lúc chiều về, khi đổ những thứ trong bị ra, anh thấy một hạt vàng rất nhỏ.
Anh khóc vì tiếc mình đã không cho ngài tất cả những gì mình có.
Có khi nào nhà vua giàu có ngửa tay xin một người ăn mày không ?
Hơn nữa, có khi nào Đức Kitô ẩn mình dưới dạng một người ăn xin không ?
Trên chuyến xe lửa đi về vùng Darjeeling ở chân núi Hy-mã-lạp-sơn, năm 1946,
Chị Têrêsa Calcutta đã nhận được một ơn gọi thứ hai, dù chị đang tu ở dòng Loreto.
“Chính trong chuyến xe lửa đó, tôi đã nghe tiếng gọi bỏ tất cả
và theo Ngài vào khu ổ chuột – phục vụ Ngài nơi những người nghèo nhất.”
Chị đã viết như thế, và chị còn giải thích thêm :
“Thiên Chúa gọi tôi để làm giảm cơn khát của Đức Giêsu
bằng cách phục vụ Ngài nơi người nghèo nhất trong số các người nghèo.”
Chị Têrêsa được ơn gặp Đức Giêsu Kitô đang đói khát, đang ở khu ổ chuột.
Chị đã cho Ngài tất cả và chị không bao giờ phải ân hận về chuyện đó.
Bài Tin Mừng hôm nay hẳn đã chi phối đời của chân phước Têrêsa Calcutta.
Bài này cũng hợp với Mùa Chay, mùa chia sẻ, mùa làm việc bác ái.
Hơn nữa bài này vén mở cho ta thấy một lối hiện diện khác của Đức Giêsu.
Ngài không chỉ hiện diện nơi tấm bánh thánh, nơi tâm hồn ta, nơi Giáo hội,
mà Ngài còn ở nơi những người đói, khát, khách lạ, trần truồng, đau yếu, ngồi tù.
Khuôn mặt của Ngài xem ra chẳng có gì cao quý, uy nghi, sáng láng,
nhưng đầy nét đau khổ, nhục nhằn, phiền muộn.
Đức Giêsu ở đây không phải là người ban phát đầy quyền năng,
mà là người ăn xin yếu đuối ngửa tay cần ta giúp đỡ.
“Mỗi lần các ngươi làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây,
là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (c. 40).
Ngài gọi những người khốn cùng trong xã hội là anh em nhỏ nhất của Ngài.
Làm cho họ là làm cho chính Ngài, chối từ họ là chối từ chính Ngài.
Chúng ta sẽ bị xét xử vào ngày tận thế dựa trên tình yêu.
Hôm nay ta có thể gặp Đức Giêsu ở nhà thương, nhà tù, nơi trại tỵ nạn,
nơi gần một tỷ người bị đói trên thế giới, nơi bao người thiếu nước sạch để dùng.
Hãy kính trọng trao cho Ngài những gì mình đã chắt chiu.
Cầu nguyện:
Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng
tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.
Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,
có bao điều con lãng phí
bên cạnh những Ladarô túng quẫn,
có bao điều con hưởng lợi
dựa trên nỗi đau của người khác,
có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.
Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công
chẳng ở đâu xa.
Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.
Con phải chịu trách nhiệm
về cảnh nghèo trong xã hội.
Lạy Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.
Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.
Thế giới còn nhiều người đói nghèo
là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.
Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,
nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Lời Chúa:
“Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy”. (Mt 25,45)
Câu chuyện minh họa:
Martinô ở thành Tours, ông là một chiến sĩ Lamã và là Kitô hữu. Một ngày mùa đông lạnh lẽo, khi ông đi vào một thành phố, có một người hành khất chặn ông lại xin bố thí. Martinô không có tiền, nhưng ông thấy người hành khất lạnh rét run rẩy, Maninô đã cho những gì ông có: ông cởi chiếc áo nhà binh sờn rách và xé một nửa cho người hành khất. Tối hôm đó ông nằm mơ thấy trên thiên đàng các thiên thần đang vây quanh Chúa Giêsu và Ngài đang mặc chiếc áo lạnh nhà binh của ông. Một thiên thần hỏi Ngài rằng: “Tại sao Chúa mặc chiếc áo sờn rách đó? Ai đã cho Ngài chiếc áo đó?” Chúa Giêsu trả lời: “Martinô, tôi tớ Ta đã cho Ta”.
Suy niệm:
Trong thế giới ngày nay, con người đang chứng kiến những sự ích kỷ vẫn luôn xảy ra: không thành thật, ganh ghét, hận thù, chia rẽ, thờ ơ, vô cảm…
Sự phán xét của Chúa không dựa vào kiến thức, nghề nghiệp, khả năng… nhưng tùy thuộc vào sự quan tâm giúp đỡ của chúng ta đối với người khác. Từ những nhu cầu đơn giản của tha nhân: giúp người đói có bánh ăn, khát có nước uống, người trần truồng có áo mặc, tiếp đón khách lạ, viếng thăm an ủi người bệnh… với tinh thần không vụ lợi, không tính toán, và nghĩ rằng khi chúng ta giúp đỡ người khác là làm vì Chúa Giêsu.
Lạy Chúa, Chúa đã nêu gương yêu thương cho chúng con bằng chính việc nhập thể làm người, chịu đau khổ, chịu chết vì chúng con. Xin cho chúng con cũng biết gieo rắc tình yêu ấy vào thế giới này qua cách sống của chúng con.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
Suy niệm
Đoạn Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta về viễn cảnh của ngày Cánh chung, ngày Phán xét. Giả như Thiên Chúa phán xét chúng ta dựa trên tội lỗi từng người, trong thân phận thụ tạo đầy yếu đuối, thì sẽ chẳng ai được vào nước Chúa!
Thiên Chúa biết trước những yếu đuối của chúng ta, vì Ngài là Đấng tạo dựng con người. Vì thế, Ngài cũng cho chúng ta cơ hội để vươn lên. Chính nhờ cơ hội ấy mà chúng ta có thể lấy công chuộc tội, lấy việc lành bù lại thiếu sót. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần biết thể hiện tình tương thân tương ái với nhau.
Sự phán xét của Chúa tùy thuộc vào tình thương của chúng ta dành cho nhau và cho mọi người. Chẳng phải đạo Công giáo là “đạo yêu thương” sao!Nên “ai không yêu thương thì không thuộc về Thiên Chúa”, không thuộc về đạo này. Nhưng tình yêu thương cần được thể hiện bằng việc làm cụ thể. Đây lại là một ưu thế cho người Việt Nam chúng ta, vì chúng ta thường được dạy: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Kỳ lạ thay, chính bởi vì Đấng Phán Xét đồng hóa chính mình với những người được giúp đỡ: “Mỗi lần các ngươi làm cho những người bé mọn ấy là làm cho chính Ta”, nên lòng nhân ái của chúng ta đối nhau lại là tiêu chí để được phán xét.
Việc thực thi bác ái Kitô giáo không phải là việc bố thí theo kiểu kẻgiàu có ban phát xuống cho người bần cùng, nhưng là khi chúng ta đối xử tốt lành với anh chị em, vì nhận ra họ là hình ảnh của Thiên Chúa.
Nguồn: GKGĐ – Gp.Phú Cường