08.3.2019 – Thứ sáu sau lễ Tro
Chàng rể bị đem đi
PHÚC ÂM: Mt 9, 14-15
“Khi tân lang ra đi, bấy giờ họ mới ăn chay”.
Khi ấy, Chúa Giêsu sang miền Gêsarênô, các môn đệ Gioan đến gặp Người mà hỏi: “Tại sao chúng tôi và những người biệt phái thì giữ chay, còn môn đệ của Ngài lại không?” Chúa Giêsu nói với họ: “Làm sao các khách dự tiệc cưới có thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ? Rồi sẽ có ngày tân lang ra đi, bấy giờ họ mới giữ chay”.
Suy niệm:
Có một sự khác biệt về lối sống giữa Gioan Tẩy giả và Đức Giêsu.
Gioan sống khổ hạnh nơi hoang địa, ông lôi kéo người ta đến với ông.
Ông dọa tội nhân về cơn thịnh nộ mà Thiên Chúa sắp giáng xuống.
Còn Đức Giêsu thì đến với những kẻ tội lỗi, bị xã hội loại trừ,
ăn uống vui vẻ với họ vì Nước Trời đã đến rồi (Mt 11, 18-19).
Sau khi Gioan đã bị tống ngục (4, 12)
các môn đệ của ông vẫn tiếp tục hoạt động (11, 2-6).
Chắc họ khó chịu khi thấy các môn đệ của Thầy Giêsu không ăn chay,
không có vẻ khắc khổ, nhiệm nhặt như họ hay như người Pharisêu,
nên họ hỏi thẳng Thầy về chuyện này (c. 14).
Thầy Giêsu trả lời họ bằng một câu hỏi khác (c.15):
“Khách dự tiệc cưới có thể than khóc khi chàng rể còn ở với họ sao?”
Dĩ nhiên là không rồi !
Câu nói của Thầy Giêsu cho thấy bầu khí Thầy-trò trong nhóm
là bầu khí vui tươi ấm áp, bầu khí của một tiệc cưới.
Thầy là chàng rể, còn trò là khách dự tiệc.
Thời gian Thầy ở với các môn đệ là thời gian hạnh phúc cho họ.
Trong Cựu Ước, hình ảnh chàng rể để chỉ Thiên Chúa (Is 62, 4-5),
Đấng kết duyên cầm sắt với dân Ítraen (Hs 2, 21-22).
Còn ở đây Đức Kitô kín đáo nhận mình là chàng rể.
Chàng rể là nhân vật chủ yếu của tiệc cưới.
Tiệc cưới ấy chính là Nước Trời được ngài khai mở (Mt 22, 1-14; 25, 1-13).
“Nhưng sẽ đến ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ…” (c.15).
Đây không phải là một lời tiên báo rõ ràng về cuộc khổ nạn,
nhưng là một ám chỉ đến cái chết bất ngờ sắp xảy ra.
Chàng rể Giêsu chẳng ở luôn với các môn đệ (Mt 26, 11).
Có ngày họ sẽ không còn thấy Thầy nữa, “bấy giờ họ mới ăn chay.”
Ăn chay đối với Kitô hữu là thái độ chuẩn bị ngày Thầy trở lại.
Ăn chay làm ta nhẹ nhàng để chờ ngày gặp Chúa diện đối diện.
Đức Giêsu chẳng bao giờ coi thường việc ăn chay.
Ngài đã ăn chay bốn mươi ngày trước khi bắt đầu sứ vụ (Mt 4, 2).
Hội thánh sơ khai cũng gắn liền cầu nguyện với ăn chay (Cv 13, 2-3)
Thánh Phaolô vẫn ăn chay, dù vất vả với tông vụ (2 Cr 6,5; 11, 27).
Để rước lễ, chúng ta phải kiêng ăn uống khoảng một giờ.
Ngày thứ sáu vẫn là ngày kiêng thịt theo luật chung của Hội thánh.
Ước gì việc ăn chay làm ta gặp Chúa, gặp anh em và gặp lại chính mình.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã có kinh nghiệm về cái đói,
sau khi ăn chay bốn mươi ngày trong hoang địa.
Sau khi được dân chúng tung hô lúc vào thành Giêrusalem,
Chúa cũng đói đến mức phải tìm trái nơi cây vả.
Chúa đã xin nước uống nơi người phụ nữ Samari,
và Chúa đã nếm cái khát của người bị mất máu trên thập giá.
Lạy Chúa Giêsu, vì Chúa có thân xác như chúng con,
nên Chúa đã bênh các môn đệ khi họ bứt lúa mà ăn vì đói,
Chúa đã làm phép lạ bánh hóa nhiều vì sợ người ta xỉu dọc đường,
Chúa đã bảo nhà ông trưởng hội đường cho cô bé mới hồi sinh được ăn.
Đói khát là chuyện bình thường của thân xác con người,
và Chúa chẳng bao giờ coi thường những nhu cầu chính đáng của nó.
Nhưng xin nhắc chúng con nhớ rằng
con người không chỉ sống nhờ cơm bánh, mà còn nhờ Lời Chúa,
con người không chỉ đói khát thức ăn vật chất
mà còn khao khát những giá trị tinh thần của Nước Trời.
Xin dạy chúng con chia sẻ cho những Ladarô đang nằm ngoài cổng,
và đừng khép cửa lòng như ông nhà giàu xây thêm kho.
Xin cho chúng con hiểu được giá trị của một ly nước lạnh được trao đi,
một tấm bánh giữa đêm khuya cho người bạn mượn,
và chút vụn bánh rơi xuống từ bàn ăn đủ nuôi một người.
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa là người đói khát vẫn ngửa tay xin chúng con mỗi ngày
mà chúng con không hay.
Xin giúp chúng con bắt chước Chúa trong bữa tiệc cuối cùng
dám bẻ ra và trao đi tấm bánh đời mình để phục vụ tha nhân.
Ước gì mai này chúng con được đồng bàn với Chúa
và với mọi người thành tâm thiện chí trong Nước Trời.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Lời Chúa:
Các môn đệ ông Gio-an tiến lại hỏi Đức Giê-su rằng: “Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?”. (Mt 9,13)
Câu chuyện minh họa:
Người ta kể lại rằng có một vị ẩn tu kia sống một cuộc đời đơn độc trên một ngọn núi cao. Ngày đêm ông ăn chay cầu nguyện. Ông ăn chay rất nghiêm ngặt và cầu nguyện rất tha thiết. Để thưởng công, Chúa cho xuất hiện một ngôi sao trên đầu núi. Khi ông ăn chay và cầu nguyện ít, ngôi sao mờ đi. Khi ông ăn chay nhiều và cầu nguyện nhiều thì ngôi sao càng sáng lên. Một hôm ông muốn leo lên đỉnh cao nhất của ngọn núi. Khi ông chuẩn bị lên đường thì một bé gái trong làng đến thăm và ngỏ ý muốn đi cùng ông. Thầy trò hăng hái lên đường. Đường càng lên dốc càng khó đi.
Mặt trời mỗi lúc mỗi thêm nóng gắt. Cả hai thầy trò ướt đẫm mồ hôi và cảm thấy khát nước. Nhưng không ai dám uống. Em bé thì không dám uống vì nể thầy. Thầy phải uống trước thì em mới dám uống theo. Vị ẩn tu thì không dám uống vì sợ mất công phúc trước mặt Chúa. Nhưng nhìn thấy bé gái mỗi lúc mỗi mệt thêm, nên thầy cảm thấy thương và rồi thầy mở nước ra uống. Sau đó cô bé mới dám uống. Uống nước xong, cô bé mỉm cười rất tươi và cám ơn thầy. Thầy ẩn tu len lén nhìn lên đầu núi. Thầy sợ ngôi sao biến mất vì thầy đã không biết hãm mình. Nhưng lạ thay, trên đầu núi thầy thấy không phải một mà có đến hai ngôi sao xuất hiện. Thì ra, để thưởng công vì thầy biết nghĩ đến người khác, Chúa đã cho xuất hiện một ngôi sao nữa, sáng không kém gì ngôi sao kia.
Suy niệm:
Hy sinh hãm mình nếu phát xuất từ tình yêu sẽ mang ý nghĩa thực sự vì nó giúp chúng ta biết hướng về tha nhân. Người Do Thái giữ luật ăn chay một cách hình thức nhưng Chúa lại muốn chúng ta ăn chay bằng tấm lòng. Cũng vậy, nhiều khi chúng ta chỉ giữ đạo một cách hình thức bên ngoài vì sợ bị trừng phạt hơn là vì lòng yêu mến. Vị ẩn sĩ trên đây đã sống theo lối mòn của Người Do Thái, chỉ câu nệ hình thức để lập công phúc trước mặt Chúa mà không bác ái với tha nhân và chính mình. Vì thế đạo trở nên gánh nặng cho con người. Đức Giêsu mang đến cho chúng ta một thứ đạo có chiều sâu nội tâm, một tôn giáo chan hòa yêu thương. Ngài làm cho luật lệ không còn là sợi dây ràng buộc nhưng là sợi dây liên kết mỗi người chúng ta với Thiên Chúa. Để đạt được sự đổi mới này, chúng ta cần gặp gỡ và tiếp xúc với Thiên Chúa.
Lạy Chúa xin cho chúng con biết thực hành việc đạo đức với một lòng mến sâu sắc, để chúng con không cậy dựa vào hình thức bên ngoài hay theo một thói quen, nhưng thực hiện với lòng mến.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
Suy niệm
Người Kitô hữu chúng ta vừa long trọng khai mạc Mùa Chay thánh bằng cử hành thứ Tư Lễ Tro,với việc xức tro lên đầu, một dấu chỉ sám hối, với những bài thánh ca nghe da diết và mang một chút phảng phất u buồn về những suy niệm của kiếp người: “hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro, một mai người sẽ trở về bụi tro”…Thế mà hôm nay, qua đoạn Tin Mừng trên, Chúa Giêsu khi trả lời chất vấn của những người Do Thái, đã làm cho chúng ta như bị “việt vị”. Tại sao môn đệ của Chúa Giêsu không ăn chay? Chúa Giêsu làm cho chúng ta có vẻ chưng hửng và tự hỏi: tôi ăn chay để làm gì?
Chúa Giêsu không có ý tạo ra một hành động khác thường. Người biết ý nghĩa của việc Người làm. Người cũng dạy các môn đệ của Người làm những gì mà họ hiểu. Không mù quáng làm theo, không a dua trào lưu. Quy chiếu vào Thánh Kinh từ Cựu ước, nhiều bản văn từ sách các tiên tri cho chúng ta biết Thiên Chúa nhận mình là vị hôn phu, còn dân của Người như là hôn thê. Tiệc cưới của vị hôn phu và vợ đã diễn tả niềm vui. Và hôm nay, khi ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Chúa Giêsu chính là chàng rể Thiên sai, còn các môn đệ như là những phụ rể. Tất cả các hình ảnh quen thuộc này đối với dân Do Thái là một diễn tả về tương quan mật thiết giữa Thiên Chúa và dân của người. Trong sách Hosê, dân của Chúa có phản bội, người vợ có lăng loàn, thì vị hôn phu, là Thiên Chúa vẫn cứ kiếm tìm cho người vợ ấy trở về. Chúa Giêsu liên tưởng hình ảnh này trong Cựu ước nhằm cho những người chất vấn mình biết là thời của Messia đã đến và đang ở giữa dân của Người. Đó là lý do mà môn đệ của Chúa Giêsu không cần phải ăn chay, bởi họ biết mầu nhiệm Thiên sai đã được mặc khải cho họ chính lúc này và ngay ở đây.
Trong suốt thời gian này, chúng ta sống tinh thần Mùa Chay. Chúng ta vừa ăn chay để khai mạc Mùa Chay thánh. Ý nghĩa của việc ăn chay: hãm mình, cầu nguyện và làm việc bác ái. Chúng ta sống tinh thần Mùa Chay không phải để u sầu phiền não, nhưng buồn vì tội lỗi, vì muốn sám hối lỗi lầm. Chúng ta cũng sống niềm vui vì Thiên Chúa luôn dành sự thương xót vô bờ cho con người. Hãy tin vào sự tha thứ và lòng thương xót của Ngài.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn hiểu được ý nghĩa đích thực của Mùa Chay thánh, để chúng con sống và cử hành trọn vẹn theo ý của Giáo Hội muốn. Amen.
Nguồn: GKGĐ – GP. Phú Cường