22.01.2019 – Thứ ba tuần II Thường niên
Con Người làm chủ ngày sabát
PHÚC ÂM: Mc 2, 23-28
“Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat”.
Vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, môn đệ Người vừa đi vừa bứt lúa. Tức thì những người biệt phái thưa Người rằng: “Kìa Thầy xem. Tại sao ngày Sabbat người ta làm điều không được phép như vậy?” Người trả lời rằng: “Các ông chưa bao giờ đọc thấy điều mà Đavít đã làm khi ngài và các cận vệ phải túng cực và bị đói ư? Người đã vào nhà Chúa thời thượng tế Abiata thế nào, và đã ăn bánh dâng trên bàn thờ mà chỉ mình thượng tế được ăn, và đã cho cả các cận vệ cùng ăn thế nào?” Và Người bảo họ rằng: “Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat; cho nên Con Người cũng làm chủ cả ngày Sabbat”.
Suy niệm:
Các Kitô hữu gốc Do Thái của Giáo Hội sơ khai
thường bị chê trách vì đã lơ là trễ nải trong việc giữ ngày sabát.
Giữ ngày sabát là điều hết sức quan trọng đối với người theo Do Thái giáo
Ai vi phạm ngày này có thể bị xử tử (Xh 31, 14), bị ném đá (Ds 15, 32-36).
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu hẳn đã soi sáng cho vấn đề này.
Câu chuyện xảy ra vào một ngày sabát.
Khi thầy trò băng qua đồng lúa, các môn đệ đã bứt các bông lúa.
Và hẳn họ đã vò lúa trong tay trước khi có thể ăn hạt bên trong.
Theo sách Đệ nhị luật (23, 26) thì hành động này được phép làm:
“Khi vào đồng lúa của người đồng loại, anh em có thể lấy tay bứt bông lúa.”
Nhưng theo các kinh sư, điều này bị cấm làm trong ngày sabát,
lý do là vì bứt lúa và vò trong tay cũng giống với hành vi gặt và xay lúa,
mà gặt và xay lúa là một trong ba mươi chín việc không được phép làm ngày sabát.
Từ đó người Pharisêu kết luận việc các môn đệ bứt lúa là phạm đến luật Môsê.
Ngày nay chúng ta có thể buồn cười về chuyện này,
nhưng nó nói lên việc các kinh sư vì sợ người ta phạm luật
nên sau này đã thêm thắt những quy định tỉ mỉ chi li.
Đức Giêsu đã trả lời người Pharisêu bằng đức cách trưng dẫn chuyện vua Đavít.
Trong truyền thống Do Thái, vua này thường được coi là đạo đức mẫu mực.
Đavít đã làm điều không được phép làm, đó là ăn bánh tiến (x. 1 Sm 21, 1-6).
Bánh này gồm mười hai ổ lớn được đặt trước nhà tạm (x. Lv 24, 5-9).
Vào mỗi ngày sabát, bánh mới được thay, bánh cũ chỉ dành cho các tư tế.
Khi kể câu chuyện về vua Đavít, Đức Giêsu muốn cho thấy rằng
nếu Đavít và các thuộc hạ có thể được miễn giữ luật liên quan đến bánh thánh
thì Đức Giêsu và các môn đệ trong trường hợp nào đó
cũng có thể được miễn giữ ngày sabát thánh (x. 1 Mac 2, 34-38).
Theo Đức Giêsu, ngày sabát được tạo cho loài người, chứ không phải ngược lại.
Người Pharisêu có lẽ đã quên đi mục đích của việc giữ luật ngày sabát.
Thiên Chúa lập nên ngày sabát để loài người có thời gian nghỉ ngơi
hầu nhớ đến công trình tạo dựng và giải phóng của Ngài (Đnl 5, 14-15).
Ngày sabát đúng là ngày của Chúa, dành cho Chúa,
nhưng nó cũng là ngày cho loài người sau sáu ngày làm việc vất vả.
Ngày nay chúng ta không còn giữ ngày sabát nữa,
nhưng giữ ngày Chúa Nhật, ngày của Chúa.
Cám ơn vị nào đã lần đầu tiên dùng từ này để chỉ ngày đầu tiên của tuần.
Trong thế giới quá cạnh tranh hiện nay, chúng ta cần được nhắc nhở
về chuyện nghỉ ngơi để sống cho mình, cho nhau, cho Chúa.
Ngày Chúa Nhật là thời gian tuyệt vời đề sống cả ba chiều kích ấy.
Cầu nguyện:
Ngày lại ngày, lạy Thiên Chúa,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan,
hai tay cung kính, lạy Thiên Chúa muôn loài,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.
Dưới bầu trời bao la,
trong cô đơn và thầm lặng,
với tấm lòng thanh tịnh,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.
Trong thế giới ồn ào vì nhọc nhằn,
huyên náo vì đấu tranh,
giữa đám đông hối hả lăng xăng,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.
Và khi đã hoàn tất việc đời,
lạy Thiên Chúa muôn loài,
một mình, lặng lẽ,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.
(R. Tagore – Ðỗ Khánh Hoan dịch)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Lời Chúa:
“Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát” (Mc 2,27)
Câu chuyện minh họa:
Theo tờ Chúa nhật thời báo, trước khi hoàng đế Akihitô băng hà, Hội đồng hoàng gia Nhật tỏ ra lo lắng về việc kén vợ cho hoàng tử Hirôhitô, vì họ đang gặp một hoàn cảnh hết sức khó xử: Một bên thì dư luận toàn dân Nhật đang nóng lòng trông chờ Thái tử Hirohito thành hôn và một bên cha mẹ của những thiếu nữ thuộc dòng quí phái của Nhật lại không muốn cho con gái mình trở thành hoàng hậu.
Xưa các bậc làm cha mẹ thường muốn cho con cái của mình có địa vị cao trong xã hội, để mình được danh tiếng, được hưởng những đặc quyền này, đặc quyền kia. Vậy tại sao ở đây lại trái ngược lại như thế?
Lý do của các bà mẹ của những thiếu nữ quí phái Nhật nêu ra, chỉ là vì họ không muốn cho con gái của họ bị coi là “tù chung thân” ở trong hoàng cung.
Làm hoàng hậu mà lại coi là “tù chung thân” hay sao?
Phải, đúng như vậy, bởi vì khi đã bước chân vào hoàng cung là phải giữ biết bao nhiêu những nghi thức rườm rà. Chẳng hạn như việc ăn uống. Theo tục lệ, người nấu ăn cho nhà vua, phải ăn những đồ ăn trước mắt nhà vua, rồi nhà Vua mới được ăn. Các đồ Vua ăn phải cân đo trước và sau khi Vua ăn.
Hoặc trong những dịp xuất hiện trước mặt dân chúng, nếu chẳng may có một con ruồi hay một con muỗi đậu ở trên mặt, thì Vua cũng như Hoàng Hậu, không được phép lấy tay đuổi chúng đi, vì một việc làm như thế là một việc làm hạ cấp.
Thì ra những tục lệ trong hoàng cung, đã biến những con người ở trong đó, trở thành những người tù, vì luôn phải làm theo những tục lệ. Điều này những ai đã xem bộ phim “Hoàng đế cuối cùng” của Trung Quốc, hẳn là sẽ nhận rõ: Phổ Nghi, vị Hoàng Đế cuối cùng của nhà Mãn Thanh, nhiều lần đã tỏ ra khó chịu về những tục lệ cổ xưa.
Suy niệm:
Bài Tin mừng hôm nay nói về Những người biệt phái trách các môn đệ Chúa lỗi luật ngày Hưu lễ. Họ bảo vệ luật, nhưng lại làm ngơ trước những nhu cầu của con người. Các môn đệ của Chúa băng qua cánh đồng lúa vào một ngày sabat, và các ông đã bứt lúa vì bụng đói, các biệt phái lên án hành vi này của các môn đệ; Nhân cơ hội này, Chúa Giêsu đã tuyên bố việc giữ luật vì con người chứ không phải con người vì lề luật. Ngài đặt vào lề luật một ý nghĩa là sự bác ái, chứ không phải ràng buộc con người, và cũng không phải biến con người thành cái máy.
Chúa Giêsu đã đặt lề luật đúng vị trí của nó, là lòng bác ái và sự bao dung. Vậy tôi có thực thi lề luật Chúa trong tinh thần của Chúa chưa, hay tôi chỉ dựa vào từng câu chữ trong lề luật mà xét đoán người khác? Tôi có giam hãm người khác trong sự nghi kỵ và lên án người khác không?
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết vượt ra khỏi mọi rào cản của lề luật nhưng luôn sống quảng đại, hết lòng phụng sự Chúa và phục vụ anh em một cách vô vị lợi.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho