5.1.2019 – Mùa Giáng sinh
Các thiên thần của Thiên Chúa
PHÚC ÂM: Ga 1, 43-51
“Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel”.
Khi ấy, Chúa Giêsu định đi Galilêa. Người gặp Philíp và nói với ông: “Hãy theo Ta”. Philíp là người thành Bếtsaiđa, quê quán của Anrê và Phêrô. Philíp gặp Nathanael và nói với ông: “Đấng đã được Môsê ghi trong Luật và các tiên tri nói đến, chúng tôi đã gặp rồi: đó là Giêsu con ông Giuse, người thành Nadarét”. Nathanael đáp: “Bởi Nadarét nào có cái chi hay?” Philíp nói: “Hãy đến mà xem”. Chúa Giêsu thấy Nathanael đi tới mình, thì nói về ông: “Đây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối”. Nathanael nói: “Sao Ngài biết tôi?” Chúa Giêsu trả lời rằng: “Trước khi Philíp gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi”. Nathanael thưa lại rằng: “Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel”. Chúa Giêsu trả lời: “Vì Ta đã nói với ngươi rằng Ta đã thấy ngươi dưới cây vả, nên ngươi tin; ngươi sẽ thấy việc cao trọng hơn thế nữa”.
Và Người nói với ông: “Quả thật, quả thật, Ta nói với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người”.
Suy niệm:
Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa,
Đấng dựng nên muôn vật hữu hình cùng vô hình.
Các thụ tạo vô hình ở đây chính là chư vị thiên thần.
Chư vị này sống gần bên Thiên Chúa để phục vụ Ngài và nhân loại.
Hơn nữa, các thiên thần là những người đã phục vụ Đức Giêsu Kitô,
từ khi Ngài chào đời đến khi Ngài quang lâm.
Sứ thần Gabrien được Thiên Chúa sai đến với trinh nữ Maria
để loan báo về sự hạ sinh của Đấng Cứu Độ (Lc 1, 26).
Ta nghe tiếng ngợi khen của muôn vàn thiên binh cùng với sứ thần
trong đêm Con Thiên Chúa giáng sinh trên trái đất (Lc 2, 13).
Ta cũng thấy các thiên thần hiện ra để phục vụ Đức Giêsu (Mt 4, 11),
sau khi Ngài chiến thắng những cám dỗ của quỷ dữ nơi hoang địa.
Khi Đức Giêsu bị xao xuyến trước cái chết sắp đến,
một thiên thần từ trời đã đến tăng sức cho Ngài (Lc 22, 43).
Ngài đã không tránh né cái chết
bằng cách xin Cha cấp cho mình mười hai đạo binh thiên thần (Mt 26, 53).
Tin Vui Phục sinh được loan báo bởi các thiên thần từ mộ trống (Lc 24, 6).
Vào ngày tận thế, các thiên thần của Đức Giêsu sẽ đi theo Ngài
khi Ngài trở lại trong vinh quang để phán xét cả thế giới (Mt 16, 27).
Đức Giêsu nay ngự bên hữu Thiên Chúa trên trời,
trổi vượt trên các thiên thần và được các thiên thần thờ lạy (Dt 1, 4. 6).
Câu cuối của bài Tin Mừng hôm nay
cũng nói đến tương quan giữa Đức Giêsu và các thiên thần.
Trong lần gặp gỡ với Nathanaen và các bạn của ông
Đức Giêsu đã long trọng hứa là họ sẽ thấy trời rộng mở,
và “các thiên thần lên lên xuống xuống trên Con Người” (c. 51).
Trong một giấc mộng, Giacóp đã chiêm bao thấy
“một chiếc thang dựng dưới đất, đầu thang chạm tới trời,
trên đó có các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống” (St 28, 12).
Đức Giêsu nhận mình chính là chiếc thang đó, là Đấng Trung Gian
nối đất với trời, nối Thiên Chúa với nhân loại.
Các thiên thần cũng phải qua Ngài mà đến phục vụ con người.
Các thiên thần cũng là những đấng trung gian được sai đi,
nhưng họ phải qua Đấng Trung Gian duy nhất và đích thực,
vì Đấng đó vừa trọn vẹn là người, vừa trọn vẹn là Thiên Chúa.
Lên lên xuống xuống trên thang Giêsu là việc của các thiên thần.
Lên với Thiên Chúa để dâng cho Ngài nỗi thống khổ của nhân loại.
Xuống với nhân loại để mang cho họ ân lộc và sứ điệp từ trời.
Thiên thần vừa gần với con người, vừa gần với Thiên Chúa,
vừa tựa trên đất, vừa đụng tới trời, nên kéo trời xuống đất và đưa đất lên trời.
Xin được quyền năng của Sứ thần Micae: Ai bằng Thiên Chúa.
Xin được sức mạnh của Sứ thần Gabrien: Thiên Chúa hùng dũng.
Xin được ơn lành mạnh của Sứ thần Raphaen: Thiên Chúa chữa lành.
Kitô hữu là người hạnh phúc vì biết mình được nâng đỡ chở che.
Cầu nguyện:
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng con tôn thờ,
xin giúp con quên mình hoàn toàn
để ở lại trong Chúa.
lặng lẽ và an bình
như thể hồn con đã sống trong vĩnh cửu.
Lạy Đấng thường hằng bất biến,
mong sao không gì có thể khuấy động
sự bình an của con,
hay làm cho con ra khỏi Chúa;
nhưng ước chi mỗi phút lại đưa con
tiến xa hơn vào chiều sâu của mầu nhiệm Chúa !
Xin làm cho hồn con bình an thanh thản,
xin biến hồn con thành chốn trời cao,
thành nơi cư ngụ dấu yêu của Chúa,
nơi Chúa nghỉ ngơi.
Ước chi
con không bao giờ để Chúa ở đó một mình
nhưng con luôn có mặt, với trọn cả con người,
với thái độ nhạy bén trong đức tin,
cung kính tôn thờ
và phó mình cho Chúa sáng tạo.
(Lời nguyện của chân phước Elisabeth de Trinité)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Lời Chúa:
“Làm sao Ngài lại biết tôi?” (Ga 1,48)
Câu chuyện minh họa:
Một người đàn ông nọ chán cảnh hận thù chém giết trong bộ lạc của mình, nên đã đưa vợ và 3 đứa con đến một khu rừng hẻo lánh và lập nghiệp ở đó. Họ đã sống những ngày còn lại trong thanh bình và an vui.
Khi thần chết đến, người cha đã gọi các con đến nhắn nhủ:
“Bây giờ thì ba có thể nhắm mắt lìa đời mà không một chút hối tiếc. Ba chỉ xin các con hứa với ba một điều, là các con sẽ thương yêu nhau và đùm bọc lẫn nhau”.
Riêng với đứa con lớn ông dặn dò nhiều lần rằng:
“Đừng bao giờ các con bỏ rơi đứa em út của các con”
Cả hai người con lớn đều hứa sẽ giữ lời căn dặn của Cha.
Một thời gian sau khi cha qua đời, người mẹ cũng đi theo, để lại 3 đứa con bơ vơ lạc lõng. Giữ lời trăn trối của người cha, người con cả đã lo lắng chăm lo cho em út hết mình.
Thế rồi một hôm, anh cảm thấy như có một sức mạnh thôi thúc anh phải tìm về quê cha đất tổ. Thế là anh quyết định lên đường, bất kể những lời khuyên cản của người em gái.
Còn lại một mình với đứa em trai út, mới đầu người chị còn giữ những lời căn dặn của cha, sau dần dần, chị cảm thấy đứa em út trở nên một gánh nặng cho chị. Lúc ấy cơn cám dỗ muốn trút bỏ gánh nặng kia cho người anh, mỗi lúc nổi lên mãnh liệt hơn. Và cuối cùng chị đã quyết định lên đường đi tìm anh.
Hôm ấy, sau khi đã chuẩn bị lương thực cho đứa em trai út, chị lên đường.
Về đến quê cha đất tổ, chị được biết anh của chị đang sống hạnh phúc bên cạnh một người vợ và mấy đứa con.
Cảnh này làm cho chị nẩy sinh ý định muốn lập gia đình. Thế là sau khi gặp người anh cả để trao trả trách nhiệm chăm sóc đứa em út, chị ở lại đó luôn.
Lúc đầu chị còn cảm thấy thương đứa em trai út, nhưng rồi với thời gian, cuộc sống bên cạnh người chị yêu, đã làm cho chị quên phất đứa em của chị. Về phần của đứa em út, sau khi đã ăn hết số lương thực mà người chị để lại, không biết làm gì để kiếm ăn, nên đi lang thang ở trong rừng.
Một hôm nó gặp một bầy sói. Không hiểu vì sao bầy sói lại không tấn công cậu bé, mà lại cho nó nhập bầy. Thế là từ đó, cậu bé bắt đầu ăn đồ ăn của sói, ngủ giữa bầy sói và cũng bắt chước hú tru trếu như bầy sói.
Một thời gian sau, khi mọi sự đã đi vào quên lãng, thì một hôm, khi đi săn, người anh cả đã gặp một bầy sói. Anh lấy làm lạ là, tại sao lại có một em nhỏ ở chung với bầy sói. Lúc ấy anh chợt nhớ tới đứa em út của anh, mà anh đã bỏ rơi trong rừng. Anh cố đuổi theo bầy sói để gọi em, nhưng tất cả đã chạy mất hút vào trong rừng sâu.
Suy niệm:
Nathanael được biết Chúa qua lời giới thiệu của Philipphê. Ông ngần ngại có vẻ không tin Chúa vì làm sao có thể tin rằng Thiên Chúa sao lại xuất thân từ “Nadareth, làm sao có cái gì hay được?” Nhưng ông đã vượt qua giới hạn đó để xem cho biết Chúa. Chúa Giêsu đã thấu suốt tư tưởng và ý nghĩ của Nathanael nên đã hứa cho ông thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.
“Làm sao Ngài lại biết tôi?” diễn tả một niềm khao khát sâu thẳm nơi tâm hồn của Nathanael, niềm khát khao chân lý, khát khao được cứu độ. Vì thế, ông đã thốt lên “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Israel”. Đó có phải là tâm tình của mỗi chúng ta hay không? Chúng ta có khao khát mãnh liệt một Thiên Chúa như thế không? Nhờ niềm khao khát đã đưa Nathanael đến gặp gỡ Chúa Giêsu, và Chúa cũng đang chờ đợi để gặp gỡ mỗi người chúng ta từng ngày.
Lạy Chúa, Chúa đang dang rộng cánh tay đón đợi mỗi người chúng con, xin cho con biết mở lòng ra, mở con mắt đức tin để chạy đến với Chúa và ở lại với Chúa luôn mãi.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho